Ta nói gì khi nói về tình yêu (phần 1)

by admin

Bài viết từ Cameron Shingleton – Tình yêu thật có phổ biến hay hiếm có? Người ta có thực sự đem lòng yêu cởi mở nhiều hay ít? Về cơ bản tình yêu có mục đích tốt đẹp hoặc cái chính ở nó là khía cạnh phi luân lý, hãi hùng, như nhà triết học Đức Nietzsche nói khi khẳng định: “Chuyện gì ta làm vì tình yêu luôn luôn xảy ra phía sau thiện và ác.”

Khi nói đến tình yêu, có quá nhiều câu hỏi người ta có thể đặt, hoặc trong tinh thần triết học, hoặc với tư cách là người tò mò và quan tâm bình thường.

Tình yêu thật có phổ biến hay hiếm có? Người ta có thực sự đem lòng yêu cởi mở nhiều hay ít? Về cơ bản tình yêu có mục đích tốt đẹp hoặc cái chính ở nó là khía cạnh phi luân lý, hãi hùng, như nhà triết học Đức Nietzsche nói khi khẳng định: “Chuyện gì ta làm vì tình yêu luôn luôn xảy ra phía sau thiện và ác.”

Tình yêu không kết quả, có gì cao cả, sâu sắc hơn tình yêu được đáp lại, như nhà thơ Việt Nam Hồ Dzếnh có vẻ nghĩ khi viết: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.

Mối tình thật sự cân bằng có tồn tại không? Và nếu không thì tốt nhất là có tay trên hay có non tay ấn, yêu nhiều hơn hay là được yêu nhiều hơn? Hoặc nói cách khác, tình yêu thật, tình yêu sâu kín, có phải luôn luôn có cái yếu tố đau khổ được hoạ sĩ châm biếm Úc Michael Leunig tóm tắt một cách vừa đơn giản, vừa kỳ lạ lại vừa hơi mắc cười. 

Có nhiều loại tình yêu khác nhau hay chỉ một loại cơ bản có nhiều phiên bản hay sắc thái khác nhau? Tình yêu lãng mạn có liên quan gì đến sự hấp dẫn về mặt xác thịt, đến tình bạn, lòng nhân hậu  – tất cả đều trong một giai đoạn được một số người đặt tên là tình yêu chân thật?

Còn có vấn đề (được nhiều người coi là) quyết định:

 

Tình yêu lãng mạn xuất phát từ đâu?

 

Hơn nữa, vài ba câu hỏi có ý nghĩa “địa phương” hơn trong thời đại ngày nay, những vẫn khá quan trọng, chẳng hạn như: người Việt nói gì khi nói đến tình yêu năm 2019? Cách người Việt yêu nhau đã thay đổi thế nào trong mấy thập niên gần đây và những sự thay đổi này bắt người ta đương đầu với mâu thuẫn và vấn đề nào?

 Những chuyên gia cho mấy câu hỏi hóc búa này có tên là nhà tâm lý học, nhà thơ và nhà triết học và tôi sẽ trích dẫn lời nói của họ trong phần sau.

(Chắc là có một số người tưởng nhà triết học mà có tiếng là suy nghĩ khá khô khan không giúp được nhiều để có câu trả lời rõ ràng. Nhưng nếu triết học về cơ bản nhằm mục đích khái quát về tồn tại của con người, kết hợp kinh nghiệm và sự quan sát chung của con người trong một nhân sinh quan đủ rộng và đủ tin cậy để truyền cảm hứng, để giúp con người dấn thân vào đời mà không loại trừ việc đặt câu hỏi khó, thì những người này – theo ý tôi – là sai rồi.)

Nhưng câu hỏi đầu tiên vẫn phải là – bạn TỰ NGHĨ GÌ VÀ NÓI GÌ khi nói đến tình yêu, chứ không phải nhà triết hay văn hào nào nghĩ gì.

Tôi thì xin hoãn lại trả lời mấy câu hỏi lớn mới nêu đến bài thứ 2 hay thứ 3 của chuỗi bài này.

Bài hôm nay thì chỉ nhằm mục đích đề ra bốn quan điểm tiềm ẩn về tình yêu mà có thể bạn đã chia, đại khái hay chi tiết, khi bạn tự suy nghĩ hay nói về tình yêu. Bốn luồng suy nghĩ có sắc thái triết học khác nhau, bi quan rồi lại lãng mạn, hoài nghi và tôn giáo.

Hôm nay bạn cứ trả lời một câu hỏi trắc nghiệm – một câu hỏi hay hơn nhiều so với danh sách câu hỏi nhằm xác định khi nào bạn sẽ cưới, tính cách của bạn có điểm chung với loài khoai tây nào.

Theo ý bạn tình yêu về bản chất là:

  • a. cơn điên tạm thời
  • b. điều tốt đẹp nhất trên đời
  • c. một điều người ta lo lắng và tám chuyện quá nhiều
  • d. một món quà của Chúa hay các vị thần

Bạn thử xem trước khi đọc tiếp bạn chọn phương án nào.

* Lưu ý, vì câu hỏi mang tính triết học thì có thể chọn hơn một câu trả lời và không khẳng định được câu nào đứt khoát là đúng.

 

a. Cơn điên tạm thời

 

Phương án (a) là quan điểm của một người khá có uy tín khi nói đến tâm lý con người: nhà sáng lập phân tâm học người Áo Sigmund Freud. Nghe qua, quan điểm của Freud có vẻ vô cùng bi quan. Tình yêu không lâu bền và không ổn định gì cả, là một tình trạng mà một người muốn giữ gìn sức khoẻ tinh thần có lẽ nên đề phòng kỹ lưỡng.

Phương án 1: Tình yêu chỉ là một cơn điên tạm thời

Tôi phải nói tôi chưa bao giờ gặp nhà tâm lý học nào kiên quyết không đồng tình với Freud, thậm chí tôi nhớ rõ có một lần khi tôi hỏi vị giáo sư tâm lý học ý kiến về chủ đề này. Ông nói: một con người đem lòng yêu người khác mà thấy cảm xúc của mình tàn phai sau bốn tháng có thể coi là không may mắn (tình yêu bay hơi chỉ sau bốn tháng thoáng qua, theo ý của ông ấy, là ít hơn trung bình). Nhưng chẳng có người nào yêu đậm đà hơn bốn năm (yêu bốn năm trời là tối đa). Sau bốn năm, hoặc rất có thể trước đó khá lâu, tình yêu bắt buộc phải biến thành dạng tình cảm khác, cũng có thể biến mất hoàn toàn.

Bản chất phù du ở tình yêu theo Freud và một số nhà tâm lý học, nhà triết học là vậy. Còn nói về khía cạnh điên rồ của nó thì không ai hơn Shakespeare:

“Tình yêu vỏn vẹn là cơn điên; và tôi bảo các ông những người đang yêu chỉ đáng để nhốt vào một căn phòng tối hay bị đánh bằng roi như những người điên. Lí do mà họ không bị trừng phạt và chữa bệnh bằng cách đó là vì cơn điên này phổ biến đến độ những viên cai ngục đánh kẻ khác bằng roi cũng mắc cùng bệnh mà thôi.”

(Cũng có thể Shakespeare đang cố ý nói quá trong đoạn này. Phải công nhận Shakespeare có xu hướng cực kỳ mâu thuẫn khi nói đến tình yêu: có khi thì tâng bốc, có lần thì chê bai. Và nhiều khi thì nói với giọng châm biếm đến độ mình khó nhận ra đoạn nào ẩn ý tâng bốc, đoạn nào ám chỉ chê bai.)

Khi nói đến mặt điên của tình yêu lãng mạn, thì có thể nghĩ đến những câu chuyện bi kịch như hai người yêu nhau nồng nàn mà chống lại gia đình để theo đuổi ảo mộng tình yêu của họ, thậm chí đến mức hai kẻ bất hạnh bắn nhau tự tử, hoặc tự nhắc lại những điều lạc quan đến điên rồ mà tình yêu xúi giục ta làm: học ngôn ngữ của người yêu, chuyển sang bên kia đại dương để gặp nhau hay vượt qua hàng rào văn hoá và tâm lý để đến với nhau về lâu dài. Hoặc chỉ cần nghĩ tới cái trải nghiệm khi tình yêu mới nảy nở, điều mà đa phần người lớn trải qua ít nhất vài lần (và một số người có cảm giác trải qua vài ba lần mỗi tháng): cảm giác cả cuộc đời của mình đang chênh vênh vì mình chắc chắn rồi lại nghi ngờ, rồi lại chắc chắn lần nữa, người mình ngưỡng mộ sẽ thực sự đáp lại tình cảm của mình.

 

b. Điều tốt đẹp nhất trên đời

 

Câu trả lời (b), theo đó tình yêu được đánh đồng với cái đẹp, là quan điểm lãng mạn hơn hẳn và nó khá phổ biến ở giới trẻ Việt Nam. Có thể nó trái ngược quan điểm của những người yêu bất hạnh, nhưng hy vọng họ vẫn có thể thừa nhận nó cũng có lý do của nó. (Xin lưu ý nó không cần thiết mâu thuẫn với quan điểm (a) vì suy cho cùng có thể có một số cơn điên tạm thời mà truyền cảm hứng, có phần tốt đẹp của chúng). 

Phương án 2: Tình yêu là điều tốt đẹp nhất trên đời

Tình yêu giúp người ta tốt đẹp hơn thế nào vậy? Không tranh cãi được là ở một số người tình yêu biến họ thành kẻ hiền hơn, rộng lượng hơn, giục họ “chạm vào” cảm xúc chân thành của họ nhiều hơn. Ở khá nhiều người, ta có cảm giác họ có thói quen “sống xa lánh với bản thân”, có khả năng tự chủ thái quá đến mức họ không thể nào hạnh phúc được, huống hồ là giúp cho kẻ khác hạnh phúc. Ắt là đối với kiểu người này thì tình yêu, vì nó đi đôi với việc từ bỏ không tự kiểm soát bản thân chặt chẽ nữa, có gì đẹp rất đặc biệt.

Ngay cả ở những người không có xu hướng dằn vặt bản thân, tình yêu có thể giúp họ bớt nhẫn tâm, thực dụng, tiểu nhân. Một phần không nhỏ của cái đẹp ở nó là nó bỏ qua tính thực tiễn: cái trọng tâm của con người đảm nhiệm việc tính kỹ mục đích này có biện minh cho phương tiện nọ hay không. (Mặt khác, mình có thể khá chắc một người mà tiếp tục tính toán không phải người đang yêu thật lòng, hay ít nhất là người mà cùng lúc phải chịu ảnh hưởng của một hay nhiều bản năng khác, cùng với tình yêu. Một phụ nữ đẹp đẽ hay một đàn ông điển trai mà ý thức được vẻ ngoài hấp dẫn của mình có giá trị chừng nào với người khác chắc là kiểu người sẽ thấy khó yêu một cách vô tư).

Những người yêu đơn phương – có lẽ những người yêu đơn phương nhiều hơn những người có đối tượng đáp lại tình cảm – thường có một khả năng họ không chỉ thể hiện đối với đối tượng: họ biết làm cho cả thế giới, không chỉ người được tôn thờ, có chất thơ hơn. Còn những kẻ đang yêu “song phương” chắc chắn có khả năng “ăn ở” thời khắc hiện tại mà kẻ khác thường thiếu vì quá bận tâm chuyện khác: hiện giờ là công việc đều đặn để kiếm tiền, tương lai là giấc mơ vĩ đại thành đạt, còn nhiều điều trong quá khứ có thể ân hận hay bị ám ảnh mà biến mất ngay lập tức khi yêu và được yêu lại.

Những người yêu đơn phương biết làm cho cả thế giới, không chỉ người được tôn thờ, có chất thơ hơn

Công nhận khả năng của người đang yêu say đắm nhìn thế giới đúng là có giảm bớt (với con mắt của người đời, đối tượng của người đang yêu thắm thiết có phải thật sự là hiện thân của sự thiện, của cái đẹp?). Nhưng khá nhiều lần tình yêu có tác động mạnh đến cách cư xử của con người, không thể nào chỉ xem là ảo mộng. Một người đang yêu thật lòng muốn xứng đáng để đối tượng của mình đáp lại tình cảm và chuyện này không chỉ giúp họ hoà nhã, hào phóng với đối tượng đó mà còn đối tốt với mọi người nói chung.

Tình yêu có thể trang bị cho mỗi người một chiếc “la bàn đạo đức”, có khi là lần đầu tiên trên đời. Từ khi phải lòng người kia, ta bắt đầu nhìn lại những hành vi xấu tính, hung dữ của mình trong quá khứ với con mắt nghiêm túc. Không chỉ thế mà ta nhìn xung quanh và đánh giá những hành vi sai của người khác theo chuẩn mực hơn: Không phải một mình tôi phải tốt hơn để xứng đáng với thế giới nơi người ấy của tôi ở đó. Người đang yêu thường ngầm nghĩ thế.

Thú thật mà nói, cá nhân tôi thích phiên bản của câu (b) vì nó “có chất” hơn một chút. Chúng ta cứ nói tình yêu là một điều có TÁC ĐỘNG MẠNH NHẤT THẾ GIỚI, chứ không phải chỉ “tốt” hay “đẹp”. Từ “mạnh” ở đây có thể hiểu vừa tích cực vừa tiêu cực: không những nói về cách tình yêu giúp cuộc sống của con người tốt đẹp hơn mà bao gồm cả sức mạnh của tình yêu, đáng sợ là, để thay đổi thế giới. Một lần nữa, Shakespeare là nhà văn đã tóm tắt lại quan điểm này một cách rất tuyệt vời, khi cho nhân vật cầu duyên bằng cách vái Nữ Thần Tình Ái của người Hy Lạp cổ:

“Cúi chào Nữ Thần Tình Ái, nữ hoàng tối cao bí ẩn, Người có quyền bắt bạo chúa dữ dội nhất trần bớt giận và khóc như đứa con gái nhỏ; Người có năng lực, chỉ cần đến một ánh nhìn ngắn ngủi, để làm cho cái trống của Thần Chiến Tranh nghẹt tiếng và cảnh báo nguy chỉ còn lại là tiếng xì xào; Người có thể xui người tàn tật cầm cái nạng của mình lên và vung nó khoẻ mạnh, chữa bệnh cho anh ấy trước thần Apollo; Người có thể giục nhà vua làm người hầu ngay cho thần mình và đẩy ông già nghiêm chỉnh ra sân nhảy múa.”

Theo tôi biết, trong văn chương, thế giới không có gì hùng hồn bằng sự thay đổi của con người dưới chất xúc tác của tình yêu. Theo Shakespeare, nó có thể biến nhà độc tài thành trẻ em mếu máo, nhà vua thành nô lệ, người bệnh thành kẻ đầy sức sống và người cao niên nhảy cỡn lên. Đó rõ ràng là những sự đối lập khác thường. Chúng nhất thiết là “đẹp” thì tôi nghi ngờ . . .

Còn tiếp…

 Cameron Shingleton

You may also like

Leave a Comment