Tài năng và khổ luyện có phải là tất cả để trở thành 1 học sinh xuất chúng hay không?

by admin

Có phải thực sự là top 1% học sinh dẫn đầu chủ yếu dựa vào cả tài năng lẫn khổ luyện để giữ vững vị trí đó không?

Là 1 trong những học sinh đỉnh nhất Đại Lục, tôi có thừa tư cách để trả lời câu hỏi này. Câu trả lời của tôi là vị trí của những học sinh hàng đầu không dựa vào cả năng khiếu lẫn nỗ lực gì hết.

Nếu như bạn thành tâm muốn biết, thì thứ đóng vai trò quan trọng nhất chính là thói quen suy nghĩ, nó được hình thành 1 cách vô thức bởi các yếu tố ngoại cảnh như môi trường phát triển, tầng lớp xuất thân, tài nguyên giáo dục, vv…trong ít nhất 10 năm.

Rất nhiều người có 1 suy nghĩ sai lầm về việc học như hình ở dưới

Lũ thiên tài ngồi nghịch điện thoại và ngủ trong lớp học mỗi ngày, sau đó về nhà cày game tới sáng… sát ngày thi chúng nó lôi sách ra đọc thử trong đó có gì; cuối cùng chúng nó đạt điểm A… Xuất sắc!

Lũ “đầu đất” thì ngồi lắng nghe chăm chú hàng ngày, cày bài tập về nhà tới sáng… càng gần kỳ thi chúng nó càng ngủ ít đi; cuối cùng chúng nó ăn điểm F…Quá kém cỏi!

Gần như tất cả mọi người đều có chung nhận thức về việc học như sau:

Thành tích = Năng khiếu × Nỗ lực

Hết sức ngắn gọn và đơn giản.

Còn đây là quan điểm của tôi (Tôi không phủ nhận hoàn toàn tầm quan trọng của năng lực bẩm sinh):

Mặc dù mỗi người sinh ra với 1 mức độ năng lực khác nhau (và sự chênh lệch đó là có thực), phần lớn mọi người lại quá đề cao tầm quan trọng của năng khiếu. Kiến thức hời hợt của phần đông về việc học tập sẽ dẫn chúng ta đến với việc xếp nhầm “những đặc tính thực ra được hình thành nhờ những nhân tố ngoại cảnh” vào chung mâm với “năng lực nhận được thiên bẩm”.

Chúng ta quá đề cao chỉ số IQ, trong khi thứ thực sự đóng vai trò quan trọng ở đây lại chính là thói quen suy nghĩ.

Nếu xem học tập hiệu quả như 1 hàm đa biến thì “tài năng, nỗ lực, thói quen, phương pháp, môi trường và nhiều thứ khác nữa” chính là các biến số, trong nội dung giới hạn của câu hỏi chúng ta chỉ lấy ra 2 biến số là “tài năng” và “thói quen” để đem ra so sánh thì sẽ được 1 bảng phân bố như hình sau:

· 31.54% màu đen: Đóng góp của tài năng bẩm sinh

· 15.36% màu trắng: năng lực lên kế hoạch

· 17.64% màu tím: độ kiên trì / sức bền vật lý

· 13.55% màu xanh lơ: năng lực tập trung

· 7.94% màu xanh lá mạ: sự hứng thú với lĩnh vực theo học

· 4.2% màu xanh lá: năng lực phân tích logic

· Phần còn lại là đóng góp của các nhân tố ngoại cảnh khác

Chúng ta càng đào sâu vào cốt lõi của việc học để có nhận thức sâu sắc hơn về nó, chúng ta càng tìm ra được nhiều nhân tố ngoại cảnh có thể hỗ trợ bản thân, nhờ đó đẩy được giới hạn của bản thân ra xa hơn từng chút từng chút một và giảm bớt sự phụ thuộc vào tài năng bẩm sinh

Trái lại, càng nhận thức mù mờ về việc học, càng không thể tự suy được tại sao mình chưa học hiệu quả để từ đó tìm ra phương pháp học tập hiệu quả hơn. Do đó nhiều người thường quy chụp cho sự trì trệ của mình là do thiếu “tài năng thiên bẩm”, qua đó càng thêm dựa dẫm vào nó hơn và luôn bị quanh quẩn trong giới hạn của mình.

Trong thực tế, thứ được gọi là “tài năng thiên bẩm” (giúp cho những “thiên tài” đạt được kết quả tốt hơn với nỗ lực ít hơn) có thể được chia thành 2 loại:

1. Thói quen học tập

2. Thói quen suy nghĩ

Hai yếu tố này quá to lớn và khó nhận biết; chúng thẩm thấu vào từng hành vi, quyết định trong quá trình học tập của chúng ta đến nỗi khiến nhiều người ngộ nhận là năng lực bẩm sinh của họ cao hơn người khác.

Vậy thói quen học tập quan trọng như thế nào?

“Thói quen học tập” đóng góp rất lớn vào hiệu quả học tập của bạn

Một người có thói quen học tập kém có thể là do thiếu kỷ luật trong thời thơ ấu, họ có xu hướng “từ bỏ những thứ nhàm chán có lợi dài hạn (học tập) và tìm kiếm những thứ giải trí ngắn hạn (trò chơi điện tử)”, vì vậy việc thiết lập mạng lưới liên kết thần kinh càng củng cố cho anh ta thói quen ưa thích những thứ “mang lại thoả mãn ngay lập tức, dễ thích nghi với những thứ mang đầy tính kích thích”;

Một người có thói quen học tập tốt có thể đã nhận được sự giáo dục tốt hơn. Họ đã thích nghi với những thứ nhàm chán (piano, khiêu vũ, thư pháp hay hội họa) từ thời thơ ấu, vì vậy họ ít có xu hướng theo đuổi sự phấn khích cao độ. Họ đã quen với những thứ “ít kích thích” và có thể bền bỉ với quá trình học tập dài đằng đẵng đầy nhàm chán. Chưa kể nhưng thứ như “điểm tốt” cũng góp phần khuyến khích thói quen chịu đựng được sự buồn tẻ của việc học.

Khi đối đầu với những vấn đề nhàm chán trong bài tập về nhà, “người học kém” sẽ có xu hướng bị xao nhãng hơn. Tâm trí của họ cứ đi dạo ở tận đâu đâu để rồi họ mất rất nhiều thời gian không hiệu quả và lại phải bắt đầu lại mọi thứ 1 cách chán nản hơn nữa;

“Thiên tài”, ngược lại, xem đó như là 1 thử thách thú vị và sẽ có xu hướng tập trung giải quyết nó 1 cách gọn gàng nhất có thể. Khi bộ não anh ta đã hoạt động với cường độ cao thì bài tập cũng giúp để lại ấn tượng sâu đậm hơn với anh ấy.

Mặc dù cùng ngồi trong 1 lớp học và cùng nghe 1 bài giảng, “người học kém” sẽ dễ dàng bị hướng sự tập trung về những thứ kích thích anh ta hơn, ví dụ như “trận đá bóng hôm qua thật hấp dẫn” hay “cô gái ngồi phía trước thật nóng bỏng”. Còn “thiên tài” thì dễ dàng thích nghi và bắt đầu óc của mình tập trung vào quá trình học tập.

Tương tự như vậy, trước những khó khăn trong nội dung bài học, nhóm “học yếu” có xu hướng để dành nó đến sau giờ học để tiêu hóa dần rồi sau đó gạt ra khỏi tâm trí; nhóm “thiên tài” có xu hướng trực tiếp đối mặt với những khó khăn và giải quyết các vấn đề ngay lúc đó.

Hậu quả là, nhóm “học yếu” vừa lãng phí thời gian trên lớp, vừa mất chừng đó thời gian sau giờ học để nhai lại cho trôi mớ kiến thức với sự hiệu quả khá thấp. Thời gian đã bị lãng phí 1 cách tệ hại. Đó là lý do tại sao việc học của họ lại thiếu hiệu quả.

Sau khi quá trình đó lặp đi lặp lại chỉ 1 vài lần, khoảng cách đã là đáng kể và nó làm cho những người không đạt kết quả tốt nghĩ rằng mình kém cỏi hơn những người khác. Một người có thói quen học tập kém thiếu sự thử thách trong giáo dục ở giai đoạn thơ ấu, vì vậy anh ta sẽ dần quen với việc từ bỏ; còn người có thói quen học tập tốt đã hiểu được cảm giác của việc đạt được 1 thứ khó khăn nên anh ta sẽ có động lực để từng bước từng bước một kiên trì giải quyết vấn đề hơn.

Vậy nên, khi đối mặt với vấn đề khó khăn trong học tập, người “học kém” dễ dàng từ bỏ vì ngại khó và cho rằng thứ này không có lợi ích gì nhiều nên có thể bỏ qua không cần học; trong khi “thiên tài” tỉ mỉ mổ xẻ nó ra, giết trùm, nhận điểm kinh nghiệm và lên level cao hơn. Quả cầu tuyết cứ thế được lăn ngày càng nhanh chóng.

Việc học tự bản thân nó là 1 quá trình tích luỹ. Nhiều người lầm tưởng rằng học chỉ là quá trình tích luỹ kiến thức, đó là sai lầm nghiêm trọng. Việc học còn giúp tích luỹ tốc độ để học nhanh hơn nữa – nói cách khác học càng nhiều thì tốc độ học sẽ càng được đẩy nhanh.

Và tất nhiên, bạn càng bỏ thời gian ra học thì càng được thử – sai nhiều hơn để tìm ra phương pháp học tập tối ưu cho riêng bản thân mình.

Giờ thì đến với thói quen suy nghĩ

Khi chúng ta chấp nhận một kinh nghiệm hoặc lý thuyết mới, chúng ta thường so sánh và kết nối nó với những thứ đã biết.

Tôi sẽ đưa ra 1 ví dụ về việc kết nối và tận dụng kinh nghiệm, khi chúng ta nhìn thấy 1 miếng gỗ phẳng được đặt lên nhiều thanh gỗ dựng đứng, ngay lập tức trong đầu sẽ nảy ra ngay 1 “cái ghế” bởi vì hình dáng của cái thứ này làm chúng ta nghĩ ngay đến từ “cái ghế”. Cho dù trước mặt không có 1 cái ghế nào thì “khuôn mẫu nhận thức” sẽ báo hiệu ngay 1 thứ có những đặc điểm và công năng tương đồng với vật dụng trước mặt chính là “cái ghế” hoặc những thứ tương tự như vậy.

· Khi học Vật Lý, những người đã từng nghe về việc “sát thương của mũi tên sẽ càng yếu đi nếu nó càng bay xa” sẽ dễ dàng hiểu được hơn khi học về chuyển động thẳng chậm dần đều;

· Những người đã từng làm những bài kiểm tra IQ có thể hiểu rõ được ngay lập tức Định thức ma trận bậc 3×3

Ví dụ bộ não của 1 người ít tích lũy kinh nghiệm học thuật.

Khi bắt gặp 1 thứ gì đó mới mẻ, người đó sẽ khó tìm được mối liên kết tương đồng với những kiến thức có sẵn.

Nhưng nếu anh ta đã tích lũy kiến thức nhiều hơn, đủ sâu và rộng.

Khả năng để anh ta tìm ra được mối liên kết với kinh nghiệm hiện có sẽ tăng lên rất nhiều, người này đã bắt đầu có sự nhạy cảm để kết nối những kiến thức mới với những thứ quen thuộc trong đầu.

Đối với việc tiếp thu thói quen suy nghĩ này, một trong những điều cốt lõi nhất trong việc giáo dục ở giai đoạn đầu đời chính là hình thành cho trẻ thói quen đọc sách. Điều đó là vì sách có 2 chức năng quan trọng: cung cấp kinh nghiệm và dạy lý thuyết; ví dụ như một cuốn tiểu thuyết chính là một chuỗi các kinh nghiệm có tổ chức và mang tính trật tự trong khi 1 cuốn tạp chí khoa học cung cấp nhiều lý thuyết đã được giản lược hóa.

Một đứa trẻ yêu thích việc đọc tiểu thuyết và tin tức từ sớm sẽ có được 1 lượng kinh nghiệm sống tích lũy dưới dạng lý thuyết dồi dào hơn các bạn bè cùng trang lứa, bởi vì con người thường có xu hướng tóm gọn lại những trải nghiệm thực từ cuộc sống thành lý thuyết sống cho bản thân.

Quá trình này tương tự như “sự giải phóng neutron trong phân hạch hạt nhân” – vật chất càng lớn thì càng có nhiều khả năng tác động neutron. Kinh nghiệm của 1 người càng lớn, cơ hội xuất hiện những liên kết bất ngờ sẽ càng cao hơn, kéo theo khả năng tiếp thu kiến thức và kết nối với kinh nghiệm sẽ ngày càng tốt hơn. Khi phải đối mặt với kiến thức mới, những người nhiều kinh nghiệm tích lũy sẽ dễ dàng kết nối được với những kiến thức cũ có tính tương đồng và phân tích để nắm bắt 1 cách cặn kẽ hơn hẳn.

Còn đối với một đứa trẻ yêu thích những tạp chí khoa học sẽ có xu hướng phát triển thói quen chấp nhận lý thuyết và sử dụng nó để giải thích cũng như chọn lọc kinh nghiệm. Đồng thời, những kinh nghiệm được giữ lại và đào thải, từng chút một, sẽ dễ tạo cho trẻ thói quen nhận xét kinh nghiệm theo giá trị và phát triển khả năng “suy nghĩ trực quan”.

Nếu bạn quan sát những người học tập hiệu quả một cách kỹ lưỡng hơn, bạn cũng có thể phát hiện ra được họ từng yêu thích việc đọc khi còn bé như thế nào. Bất kể là đọc cái gì, hoạt động này đều mang đến cho họ “niềm vui tinh thần”. Và thứ niềm vui đó chính là “động lực tích cực quý giá” ngay từ sớm của họ, khiến cho họ cảm thấy yêu thích hơn với việc tiếp nhận kiến thức. Để rồi sau này bất cứ khi nào gặp phải 1 vấn đề, họ không ngần ngại suy nghĩ và cân nhắc để tìm cách giải quyết cho bằng được nó.

Nếu tìm được mảng kiến thức gây hứng thú ngay từ sớm ví dụ như toán học/ vật lý/ thiên văn học/ lịch sử… Lúc này sự say mê đã được hình thành, và hiệu quả của sự say mê đối với việc học là không cần phải bàn cãi nữa.

Thậm chí suy nghĩ logic hay trực giác toán học cũng có thể được rèn luyện thông qua huấn luyện thói quen suy nghĩ.

Ví dụ như để giải quyết 1 vấn đề/ nắm bắt 1 khái niệm khó nhai, bạn cần phải vượt qua được ít nhất 7 lớp logic phân nhánh.

Một người đã được đào tạo chuyên sâu về logic có thể sẽ quen thuộc với 3 lớp đầu tiên, lớp thứ 4 và 5 sẽ có thể tương đồng với những bài tập về nhà/ sách đã đọc của anh ta, và phần còn lại chính là việc tự anh ta phải suy ra 2 lớp logic còn lại.

Một người không được đào tạo về logic chỉ có thể quen thuộc với cùng lắm là 2 lớp đầu tiên. Để giải quyết được vấn đề, anh ta cần phải dùng đến 1 bộ nhớ khổng lồ, trải qua nhiều lần thử sai, gặp phải rất nhiều đau đầu vì chưa quen với logic… cuối cùng anh ta chỉ “trồng” được đến lớp thứ 5 của cây logic. Và việc anh ta không giải quyết được vấn đề là hết sức bình thường.

Tại sao nhiều thí sinh không thể giải được các bài toán trong đề thi? Lý do chính là vì họ không thể nghĩ đến hay tưởng tượng hình dung ra hướng giải quyết nó.

Mỗi khi chúng ta rèn luyện trí não bằng việc nắm bắt 1 khái niệm nào đó, chúng ta bắt đầu quen thuộc với lối phân tích logic đằng sau nó. Và cứ thế, các đường dẫn thần kinh liên tục được mở khóa thêm.

Khi đã dần quen với những lối phân tích logic, chúng ta sẽ dễ dàng dùng chúng để giải quyết những vấn đề cần cách tiếp cận tương tự trong tương lai. Nói cách khác, lợi thế cơ bản của việc rèn luyện trí não chính là để cho chúng ta được làm quen với những dạng thức logic khác nhau, giúp dễ dàng nhận ra và bỏ qua những yếu tố cản trở không liên quan, từ đó những thói quen suy nghĩ đã hình thành trong chúng ta sẽ được sử dụng để giải quyết những vấn đề cụ thể 1 cách dễ dàng.

Định lý giới hạn trung tâm đã dạy cho chúng ta về cách mà các biến bị ảnh hưởng bởi 1 số lượng lớn các yếu tố độc lập sẽ bị ảnh hưởng bởi xấp xỉ phân phối Gauss. Vậy nên điểm số của một số lượng nhiều không đếm được các học sinh (mặc dù các yếu tố này không hoàn toàn độc lập, nó vẫn xấp xỉ phân phối chuẩn) được xem xét dựa trên các thói quen lớn nhỏ hình thành trong quá trình trưởng thành được tạo ra bởi tích lũy của các kinh nghiệm, môi trường sống phức tạp, hoàn cảnh khác nhau, cách biệt về năng lực bẩm sinh hay nền tảng xuất thân; tất cả đều tác động lên mọi học sinh của đất nước.

Biểu đồ phân phối điểm đầu vào 1 trường đại học khoa học ở Bắc Kinh.

Những học sinh nằm trong 1% top đầu vượt trội ở hoặc là tài năng, hoặc là thói quen, hoặc là phương pháp và nỗ lực. Nhưng cho dù là gì đi chăng nữa, ít nhất những học sinh này đều phải “xuất sắc” ở mọi biến liên quan trước đã.

Sự chăm chỉ quyết định giới hạn đáy, tài năng quyết định đỉnh cao có thể vươn tới được?

Trong phân phối Gauss được tạo ra bởi vô số biến số, càng gần với cực trị thì “hiệu ứng thịt ba chỉ” càng trở nên rõ rệt. Không chỉ đúng với những thần đồng mà còn đúng với cả những học sinh toàn được điểm A. Nếu bạn quan sát những thói quen của nhóm này, bạn sẽ nhận thấy ai cũng có những thói quen tốt. Nếu bạn quan sát nỗ lực của họ, bạn cũng sẽ thấy 1 ý chí đáng ghi nhận. Ở những vị trí dẫn đầu thì thói quen, tài năng, nỗ lực, phương pháp và những yếu tố khác đều là không thể thiếu được. Lúc này, tất cả những yếu tố trên về cơ bản đã trở thành những điều kiện cần, và tài năng không tạo ra nhiều sự khác biệt cho lắm.

Những sinh viên xuất sắc, những người đã kết hợp được nhiều yếu tố như tài năng hàng đầu, khả năng vạch kế hoạch, có những nguồn lực giáo dục tốt nhất, khổ luyện ngay từ thơ ấu, say mê 1 số bộ môn cụ thể, chỉ ngủ 6 tiếng mỗi ngày và vân vân… không thể nào thất bại trong việc đạt lấy kết quả tốt nhất được.

Đối với những sinh viên hàng đầu, ngoài năng khiếu ra, họ còn có:

· Khả năng tập trung 1 cách siêu hạng,

· Lên thời gian biểu 1 cách siêu khoa học,

· Tâm lý siêu bình tĩnh trước mọi tình huống,

· Ý chí siêu kiên cường,

· Tầm nhìn siêu rộng mở,

· Tình yêu vô hạn với môn học mình theo đuổi.

Ví dụ, một người đã được tiếp xúc với môn học ngay khi còn bé, anh ta nhận được sự dạy dỗ hết sức khoa học, anh ta nghĩ về môn học suốt cả ngày giống như đang phê thuốc… và sau đó anh ta đã tích lũy được 1 nền tảng logic hết sức kiên cố cùng với 1 bộ não đầy những đường dẫn kết nối kiến thức. Điều đó cho người này 1 sự nhạy cảm rất lớn đối với môn học đó. Tất cả những thứ anh ta bắt gặp đều sẽ được anh ta liên kết đến môn học, bất cứ ý tưởng mới nào nảy ra cũng sẽ được đóng góp vào kho chứa của môn học đó trong não bộ anh ta.

Nói chung là bởi vì thói quen suy nghĩ của hầu hết mọi người thì khá nghèo nàn nên họ sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mình hơn chỉ với việc thay đổi thói quen. Suy cho cùng, những lợi ích của 1 tập hợp những thói quen tốt là yếu tố cực kỳ quan trọng ở đây.

Nhưng cho dù bạn có khả năng lập luận quy nạp tốt đến cỡ nào đi nữa, nó cũng không thể giúp bạn tích lũy được kinh nghiệm và lý thuyết được tốt như những người đã yêu thích việc đọc từ bé.

Cho dù bạn có tốc độ phản ứng nhanh đến cỡ nào đi nữa, nó cũng không thể giúp bạn bền bỉ như những người luôn giữ đầu óc trong lớp học ngay từ bé.

Cho dù bạn có trí nhớ siêu phàm đến cỡ nào đi nữa, nó cũng không thể giúp bạn hoàn toàn tập trung trong vòng 2 giờ được như những người đã được giáo dục tốt từ bé.

Những thói quen tốt trong học tập và suy nghĩ chính là 1 dạng của “kiên cố hóa bức tường đẳng cấp”

Bức tường đẳng cấp này được xây dựng 1 cách âm thầm qua suốt các sự kiện như:

· Lựa chọn giữa tập piano hay chơi trò chơi điện tử,

· Lựa chọn giữa 1 cuốn sách Toán hay 1 meme trên mạng,

· Được hướng dẫn và động viên 1 cách khoa học hay là bị giáo dục nhồi nhét,

· Được giáo dục 1 cách bài bản hay là no đòn vì roi vọt,

· Lựa chọn giữa đi đây đi đó mở mang đầu óc hay là lười biếng nằm ườn 1 chỗ,

· Lựa chọn giữa cạnh tranh với các bạn học giỏi khác hay là làm trò con bò trong giờ học,

· …

Đến khi trưởng thành, bạn nhận ra tất cả những điều đó thì đã quá muộn khi mà bức tường ngăn cách giữa những người bình thường và các thiên tài đã trở nên không thể phá bỏ. Nó gọi là “sự làm chủ các thói quen”. Thật là tàn nhẫn khi phải tách biệt những kẻ mạnh và kẻ yếu ra và sắp xếp họ ở 2 nửa của cuộc sống, nhưng sẽ rất khó cho 1 người yếu kém có thể vượt qua được nó. Họ phải tìm được nguồn tài nguyên tốt nhất cho giáo dục cũng như có 1 sự định hướng hoàn hảo để có thể đưa những thói quen tốt vào tận trong xương tủy của mình như những kẻ mạnh:

· Bảy tuổi, phát triển được thói quen tập trung học và không bị xao nhãng;

· Chín tuổi, gieo hạt giống say mê đầu tiên vào mảnh đất khoa học rộng lớn;

· Mười hai tuổi, tạo dựng được những kỹ năng tự học cao cấp;

· Mười lăm tuổi, tích lũy được vô số phương pháp suy luận nền tảng;

· …

Bởi vì trước đây bạn đã hình thành nhiều thói quen xấu, mỗi khi bạn dành hết tất cả công sức ra để học 1 cái gì đó thì điều quan trọng nhất là phải vượt qua được những khó khăn mà chúng đem lại. Ví dụ như thói quen thích những thứ mang tính kích thích cao tức thời (tin giật gân, trò chơi điện tử, phim ảnh…) sẽ khiến cho bạn không thể tập trung trước những nội dung tẻ nhạt. Hay thói quen né tránh bỏ qua những vấn đề khó nhằn sẽ tạo cho bạn 1 bản năng từ chối những thứ phức tạp. Hoặc là thói quen trì hoãn khiến bạn hình thành ý thức để dành đến sát deadline sau đó vừa đua vừa cầu nguyện may mắn.

Nhìn chung, có những yếu tố cực kỳ cực kỳ quan trọng quyết định đến hiệu quả học tập, nhưng đó không phải là tài năng mà chính là khả năng thay đổi để tạo lập thói quen tốt. Khả năng này cực kỳ khó đạt được bởi vì nó là kết quả của sự ảnh hưởng chồng chéo giữa nhiều yếu tố phức tạp khác như phương pháp, môi trường, tài nguyên học tập… Ví dụ đơn cử như môi trường học tập – rõ ràng là hiệu quả học tập của 1 lớp tự học sau giờ tan trường tại 1 trường trọng điểm vào giai đoạn nước rút sẽ là cao hơn rất nhiều so với môi trường đại học nơi mà các sinh viên có hẳn nửa học kỳ từ khi học xong môn học cho đến lúc thi. Trong 1 môi trường tốt, những yếu kém trong thói quen có thể được bù đắp phần nào. Đó là lợi thế to lớn mà hoàn cảnh/ môi trường học đường có thể mang lại.

Vai trò của thói quen tuy khó nhìn nhưng nó lại thẩm thấu vào tận từng ngóc ngách của sự học, kiểm soát phần lớn hành vi học tập, và ẩn mình đến mức những người không giỏi suy nghĩ sẽ quy chụp sự yếu kém của mình cho 1 khái niệm phổ biến “tài năng”. Và góc nhìn lệch lạc về “thần đồng” chính là 1 cách chạy trốn đầy thoải mái của họ: thay vì nỗ lực và hy vọng thay đổi dược bản thân, tốt hơn hết là cứ nằm ườn ra đấy tắm nắng và cười vào những người đang loay hoay tìm cách thay đổi cuộc đời.

Sau tất cả, điều đau đớn nhất không phải là câu nói “Tôi không thể!” mà nó là “Đáng lẽ ra tôi nên làm gì đó”.

Theo: NGUYỄN PHÚC DUY

You may also like

Leave a Comment