Tại sao 108 huynh đệ Lương Sơn Bạc lại lụi tàn ? ( Phần 1)

by admin

Cái kết bi thảm của 108 huynh đệ Lương Sơn Bạc trong phần Hậu Thủy Hử khiến nhiều người bức xúc mà không công nhận giá trị của tác phẩm này mà chỉ coi phần Thủy Hử 70 chương trước đó, kết thúc bằng giấc mơ kinh hoàng của Lư Tuấn Nghĩa là chính thống, bởi Hậu Thủy Hử chỉ là một tác phẩm mang tính đối phó khi Thi Nại Am bị vua Nguyên tống vào nhà lao và đã cùng La Quán Trung viết tác phẩm này để vua nguôi giận ? Nhưng sự thực liệu có phải như thế ?

Sở dĩ tôi đặt ra nghi vấn như vậy, bởi thời kỳ nhà Nguyên cai trị người Hán rất tàn bạo, dân Hán nổi lên đấu tranh khởi nghĩa chống Nguyên rất nhiều. Vua Nguyên sẽ dành thời gian đi dẹp các cuộc khởi nghĩa hay lại đi để tâm vào một cuốn sách trong muôn vàn cuốn sách có tư tưởng chống Nguyên khi đó. Do đó, tôi nghi ngờ câu chuyện Thi Nại Am bị bắt vào tù do viết Thủy Hử chỉ là một câu chuyện huyễn hoặc do chính Thi Nại Am hoặc hậu duệ ông sau này thêu dệt nên. Còn mục đích là gì thì có thể một phần gia tộc của ông đã đoán được sự phẫn nộ của độc giả sau này.

Ngay từ hồi thứ 70, tác giả đã dự báo về kết cục đen tối của 108 huynh đệ Lương Sơn Bạc thông qua giấc mơ kinh hoàng của Lư Tuấn Nghĩa, họ bị một viên quan của nhà Tống là Kê Khang bắt được và đem chém đầu thị chúng. Như thế là ngay từ ban đầu Thi Nại Am đã chuẩn bị trước cho cái kết của 108 huynh đệ thì hà cớ gì lại nói cái kết bi đát trong phần Hậu Thủy Hử sau này được viết một cách đối phó ?

Để làm rõ nguyên nhân vì 108 huynh đệ LSB có cái kết bi đát như vậy, chúng ta cần tìm hiểu về cơ cấu của tổ chức này trước.

108 huynh đệ Lương Sơn Bạc được hình thành sau sự kiện 7 người Tiều Cái, Ngô Dụng, 3 anh em họ Nguyễn, Bạch Thắng và Công Tôn Thắng tổ chức cướp Sinh Thần Cương của Sái Kinh.Sau khi gây ra vụ việc kinh thiên động địa đó thì họ gia nhập Lương Sơn. Nhưng khi đó ông chủ của Lương Sơn Bạc là Vương Luân- một tên tú tài thi rớt đã không muốn dung nạp họ. Và thế là nhóm 7 người này liên kết với Lâm Xung tiễn vong cho Vương Luân đi bán muối

Tại sao Vương Luân lại không muốn dung nạp đám người này, nhìn bề ngoài nói là Vương Luân là kẻ hẹp hòi, không có chí lớn. Theo tôi điều này không hoàn toàn đúng, mà quan trọng Vương Luân không thể phục chúng được đám này, và anh ta không muốn gặp rắc rối khi dây vào tội phạm triều đình, tôi nghĩ điều này là chính đáng.

Có lẽ sẽ không có cái gọi là 108 huynh đệ Lương Sơn Bạc, bởi chúng ta thấy nhân sự đông lên nhờ tài xảo biện của Tống Giang. Tống Giang chính là nhân tố then chốt tạo dựng nên cái gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.

Trong thành phần 108 anh em ấy, có đủ mọi thành phần trong xã hội từ lưu manh lục lâm thảo khấu như đám Vương Anh, Yến Thuận, Lý Quỳ, dân lao động nghèo như 3 anh em họ Nguyễn làm nghề đánh cá, cho đến thương gia điền chủ như Lý Ứng, Lư Tuấn Nghĩa, tướng quân thất trận như Quan Thắng, Hô Duyên Chước, hoặc bị bọn gian thần bức hại như Lâm Xung, Hoa Vinh.

Những tầng lớp này đâu có ưa gì nhau trong một cái xã hội thù địch giai cấp sâu sắc như vậy, huynh đệ chén tạc chén thù nhiều khi chỉ là cái bề ngoài, bằng mặt mà không bằng lòng. Đám lục lâm thảo khấu ưa gì quan quân, cứ đứng trong một hàng ngũ thì mâu thuẫn sẽ được hòa giải ?

Hay đám nông dân mù chữ thô lỗ như Lý Quỳ làm sao mà đứng chung hàng ngũ với mấy ông nho sĩ nhiều chữ như kiểu Tiêu Nhượng. Người ta nói Tống Giang có cái tài phù phép để khiến cho những kẻ không cùng giai cấp chí hướng phải nắm tay nhau, nhưng thực sự thì Tống Giang chả làm được cái mẹ gì cả để xóa nhòa mâu thuẫn ấy. Những mâu thuẫn ấy vẫn tồn tại chỉ là Tống Giang có nhìn thấy hay không hay cố tình làm ngơ đi, tự đánh lừa mình.

Cái cách mà đám hảo hán ấy gia nhập Lương Sơn Bạc ấy cũng khác nhau. Đám lục lâm thảo khấu như kiểu Lý Quỳ, Vương Anh thì sướng rơn, có lẽ không cần mời cũng tự vác xác tới, những võ quan bị bọn gian thần bức hại như Lâm Xung, Dương Chí, Võ Tòng thì đường cùng mới phải lên chứ chả thích thú gì. Họ theo chủ nghĩa vô thưởng vô phạt, thế nào cũng được, lựa nước đẩy thuyền.

Còn đám tướng quân thất trận như kiểu Quan Thắng, Hô Duyên Chước, Đổng Bình thì thứ nhất là nhục không còn mặt mũi nào quay về, thứ hai là vợ con gia quyến đã bị đón lên đó từ trước, một đòn hiểm của Tống Giang theo kiểu nếu mày không hàng thì cả nhà mày chết, trên cái danh nghĩa chúng tôi sẽ lo lắng cho gia quyến của tướng quân, tướng quân không cần phải lo gì hết :)))

Cay đắng nhất phải kể đến 3 người đó là Lư Tuấn Nghĩa, Tần Minh và Từ Ninh, 3 người này có cái cách gia nhập không thể tréo ngoe hơn. Một ông đang yên lành làm điền chủ cỡ bự thì bị một thằng thầy số nó viết bài thơ phản lên tường, bị tống vào tù và suýt bị chém đầu, một ông bị thằng ất ơ nó cải trang thành mình làm phản rồi cả gia đình bị bay đầu, còn một ông đang yên đang lành bị mất bộ áo giáp lông nhạn rồi bị đánh thuốc mê đưa lên Lương Sơn, ở vào hoàn cảnh của họ ai mà phục. Họ vẫn luôn ấm ức trong lòng và luôn chờ thời cơ để ly khai – nổi loạn

Như vậy chúng có thể thấy bản chất cái tổ chức 108 huynh đệ Lương Sơn Bạc thực ra như một cái nồi lẩu thập cẩm, tồn tại những mâu thuẫn âm ỉ, như mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn quyền lợi, vân vân mây mây, và chúng luôn chực chờ cơ hội bộc phát khiến cho tổ chức này sụp đổ như vấn đề tất yếu.

( Còn Tiếp)

You may also like

Leave a Comment