Bạn đã bao giờ thắc mắc “Vì sao biên giới Algeria và Mali, Lybia và Ai Cập,…lại là MỘT ĐƯỜNG THẲNG TẮP như vậy ?” không ? Biên giới Việt Nam và Lào, TQ, Campuchia cong cong quẹo quẹo lắm chứ có thẳng như vậy đâu ? Chúng ta hãy cùng nhau giải đáp câu hỏi này nhé.
Đầu tiên khi nói về biên giới, ta phải hiểu được biên giới giữa các quốc gia láng giềng hình thành như thế nào. Biên giới giữa các quốc gia với nhau thường được hình thành bởi hai cách: một là theo những tập quán ở nơi đó, hai là theo các hiệp ước, hiệp định mà các quốc gia đó thỏa thuận với nhau. Rồi việc hoạch định đường biên giới cũng được chia thành hai cách khác nhau: một là biên giới tự nhiên (tức là lấy núi, sông, hồ làm biên giới), hai là biên giới nhân tạo (tức là theo văn hóa và thực địa).
Quay lại về biên giới châu Phi. Khi xét về khía cạnh lịch sử của Châu Phi, ta sẽ thấy ngay rằng biên giới châu Phi là một sản phẩm do chủ nghĩa thực dân phân chia thuộc địa ở châu Phi, là gần như do con người tạo ra. Trước đó, do châu Phi đất rộng mà lại ít dân cư, chủ yếu là sống du mục nên gần như châu Phi không có biên giới với nhau, họ thường xuyên nay đây mai đó nên biên giới quốc gia đối với họ là không có ý nghĩa.
Mặt khác, khi xét đến yếu tố tự nhiên ở châu Phi, thì thường nhắc tới sa mạc Sahara chiếm khoảng ¼ diện tích của toàn châu lục, dẫn đến thiếu các yếu tố tự nhiên để hình thành biên giới như núi, sông, hồ, lại không có số liệu cụ thể nên việc phân chia biên giới ở châu Phi là điều không hề đơn giản.
Sau khi chủ nghĩa thực dân xâm lược, châu Phi bị chia cắt thành 50 quốc gia. Trên bàn đàm phán tại Hội nghị Berlin năm 1885 các nước lớn như Anh, Pháp, Đức đã dùng bút mực đỏ để phân chia châu Phi theo kinh vĩ tuyến (Ví dụ như: một phần biên giới giữa Ai Cập và Xu Đăng là men theo vĩ tuyến 22°B, biên giới giữa Namibia và Bostwana dài 700 km là theo vĩ tuyến 22°N); có khi dùng đường thẳng hoặc đường cong để phân chia biên giới; cũng có khi biên giới được đánh dấu tự nhiên dựa vào dòng chảy của con sông hay các dãy núi. Theo thống kê: 44% biên giới là được phân chia theo kinh tuyến hoặc vĩ tuyến; 30% là phân theo đường thẳng hoặc đường cong, chỉ có 26% là theo tự nhiên (theo dòng sông, dãy núi). Đây chính là các nguyên nhân tại sao đường biên giới quốc gia ở châu Phi lại thẳng vậy.
Via : Hội những người yêu thích Countryballs và Meme Lịch Sử – Chính Trị – Địa Lý