Bởi vì bạn đến muộn. Mà đến muộn thì cơm canh cũng chẳng còn.
Cái giá để bước vào nội tâm một người sẽ tăng trưởng lũy thừa theo độ tuổi. Tình đầu năm 15 tuổi chỉ cần quay đầu cười một cái đã trở thành ánh trăng sáng chiếu rọi cuộc đời bạn. Nhưng người bên cạnh năm 40 tuổi dù có làm hết việc nhà, phục vụ bạn từng bữa cơm thì cũng chỉ là nỗi lo toan trong cuộc sống mấp mô này. Lúc nhỏ chơi bắn bi một buổi chiều đã thành anh em cả một đời, lớn lên vừa xưng anh gọi em xong, hôm sau đã thành kẻ địch trên chốn thương trường được.
Hệ thống tri thức của con người cũng có quá trình trưởng thành của riêng nó. Lúc còn non trẻ thì nghĩ là chuyện “thiên kinh địa nghĩa”, phải thế, lúc vừa chín vừa xanh thì hình thành tư tưởng và quan niệm riêng, còn lúc chín rục thì hầu như không thể thay đổi được, có khi sẽ biến thành cực đoan. Cho nên, con người ta thường hoài niệm và muốn trở về thời niên thiếu khi còn trẻ cũng là vì thế. Trước giờ tôi chỉ nghe người 50 tuổi nhớ về sân thể dục năm 15 tuổi chứ chưa nghe bà lão 120 tuổi nhớ về viện dưỡng lão năm 80 tuổi. Tuy cũng cách nhau mấy chục năm đấy, nhưng cảm xúc và tri thức của họ đối với thế giới này là khác nhau ở từng giai đoạn.
Tôi xuất hiện đúng lúc bạn đang tự hình thành thế giới riêng của mình, vậy tôi là một phần trong thế giới của bạn, là một hồi ức, một tồn tại đốt không cháy, trốn không thoát, quên không nổi. Tôi càng hiện diện lâu dài thì càng bám rễ sâu sắc trong ký ức của bạn, càng dễ dàng khiến bạn rung động với tôi.
Hơn nữa, cảm giác về dòng chảy thời gian của con người cũng tỷ lệ thuận với tuổi tác, càng lớn tuổi càng cảm thấy thời gian trôi thật nhanh. Ba năm trung học phổ thông trầm bổng mà êm ái, từ nhà ăn đến sân cỏ, từ lớp học đến vườn trường, từ bản đen đến sổ đầu bài…Điều đáng để nhớ thật nhiều, mà đáng để hoài niệm về cũng thật nhiều. Nhưng ba năm đi làm thì nhấp nhô xốc nảy chẳng êm ái như đã từng, làm mắt mình cũng hoa hết cả lên, chẳng nhận rõ đâu là bạn đâu là địch, và đâu là chính mình. Đứa 1 tuổi và thằng nhóc 10 tuổi còn khác nhau chứ ông lão 70 tuổi và bà lão 80 tuổi lại chẳng khác mấy. Người sống đến cuối cùng hầu như đều mất đi bản sắc riêng, bản thân còn chẳng quan tâm thì sức lực đâu mà để ý điểm đặc biệt của người khác?
Cho nên, càng lớn người ta càng khó động lòng cũng chỉ vì thế giới của họ đã thiết lập xong rồi, cũng hoàn chỉnh rồi đó, không cần phải vá chỗ này đắp chỗ kia nữa.
Từ xưa đến nay, chẳng ai muốn phá hủy cái mình đang có để làm lại từ đầu cả.
Con người thuở ban sơ như một tờ giấy trắng vậy, lỡ vẩy nhẹ một ít mực cũng để lại dấu vết, còn khi trên mảnh giấy đó đã chi chít những vết mực thì dù có dùng con ấn làm dấu cũng phải đè mạnh thật mạnh mới lưu lại được ít nhiều.
Ai cũng có chuyện cũ, tuy chuyện cũ có thể không có bạn, nhưng lại có một cuộc đời họ không muốn từ bỏ.
Tại sao càng lớn chúng ta càng khó rung động với người khác?
99