Thời gian đọc: 5 phút
Chúc các bạn có những giây phút đọc bài hiệu quả.
_________________________________
Dạo gần đây mình hơi ám ảnh về khả năng ngoại ngữ còn non kém, vậy nên mình có dành ra kha khá thời gian để tìm hiểu xem bản thân đang mắc phải lỗi ở quá trình nào khiến mình không thể tiến bộ lên được. Tình cờ mình tìm được một vài video rất hay của chị Lýdia Machová – một polyglot, tức người nói được nhiều thứ tiếng khác nhau, và cụ thể là chị master tận 9 thứ tiếng lận. Thực sự tuy đã học ngoại ngữ được một thời gian rất rất dài song sau khi nghe gần hết các workshop và cả chiếc webinar tối hôm qua của chị thì mình cảm giác như được thức tỉnh sau chuỗi ngày dài lạc lối. Hoá ra có những tư duy sai lệch đến hiển nhiên như vậy mà đến nay mình vẫn mắc phải. Hôm nay mình sẽ cùng mọi người điểm qua những tư duy sai điển hình và cách để cải thiện khả năng ngoại ngữ của chúng ta nhé.
TƯ DUY 1: BỎ TIỀN RA, CHỜ ĐƯỢC DẠY, ĐỂ ĐƯỢC HỌC
Tư duy này có vẻ như đã đóng thành khung kể từ khi mình và rất nhiều bạn bắt đầu tiếp xúc với ngoại ngữ. Điều này một phần xuất phát từ nguồn tài liệu thiếu thốn khi chúng ta còn nhỏ, khả năng tìm kiếm thông tin còn hạn hẹp và sự thụ động trong việc tiếp thu kiến thức. Sau đó dần dần nó trở thành một tư duy lối mòn, rằng cứ phải lên lớp mới có tài liệu để học, cứ phải lên lớp nghe cô giảng thì mới học được kiến thức hay. Đại đa số chúng mình đều có tư duy để dành bài lên lớp học, hiếm ai tự nghiên cứu bài ở nhà trước, hiếm ai học thêm phần bổ sung ở giáo trình. Thời gian lên lớp một tuần của sinh viên chuyên ngữ gồm 4 buổi, mỗi buổi khoảng hơn 3 tiếng hồng hồ, trong khi thời gian lên lớp của học sinh phổ thông chỉ chưa tới 3 tiếng 1 tuần! Hệ quả của tư duy học bị động này dẫn đến tư duy học ứng phó với các kì thi, khiến rất nhiều kiến thức thực tế, quan trọng bị bỏ qua, còn kiến thức tích luỹ được sẽ bị quên đi nhanh chóng. Vậy nên nếu như chỉ chờ được lên lớp để học ngoại ngữ thì ước mơ thành thạo một ngoại ngữ một ngày nào đó là bất khả thi. Đó là chưa kể khi lên lớp, phần lớn học sinh sinh viên còn thụ động, ngại phát biểu, ngại bày tỏ quan điểm, ngại tư duy. Nếu trừ hao đi khoảng thời gian này thì một tuần liệu chúng ta còn dành được bao nhiêu thời gian cho nó?
Một sự thật cũng khá rõ ràng mà ít ai trong chúng ta dám khẳng định, đó là việc chỉ học theo giáo trình không phải phương pháp hiệu quả để học tốt một ngoại ngữ, bởi suy cho cùng đây cũng chỉ là một trong vô vàn những nguồn tài liệu mà chúng ta có thể tìm được, và giáo trình thì không phải tài liệu tốt nhất. Điều này sẽ còn tệ hơn khi người truyền đạt kiến thức đó cho những học sinh thụ động không hề có sức hấp dẫn, khô khan, nhàm chán và khó hiểu. Và kết quả đến từ sự thụ động đó là chúng ta không thể khá lên được dù trên lý thuyết chúng ta đã dành kha khá thời gian cho ngoại ngữ.
TƯ DUY 2: SAO MÌNH HỌC NHIỀU NHƯ VẬY MÀ NÓI VẪN KHÔNG LƯU LOÁT, NGHE VẪN C U ĐƯỢC C U CHĂNG?
Đây chính xác là câu hỏi mình luôn tự đặt ra cho bản thân ngay từ khi chân ướt chân ráo học tiếng Trung hay sau một khoảng thời gian dài học tiếng Anh. Mình luôn chủ động dành thời gian để tích luỹ thêm kiến thức, nhưng điều gì đang cản trở mình khiến mình nói lưu loát được như người bản xứ và không phải vò đầu bứt tai khi giọng của họ bắt đầu cất lên? Câu trả lời là: mình đã tập trung vào sai thứ. Khi mình nói là mình dành nhiều thời gian cho ngoại ngữ, mình chỉ tập trung vào tích luỹ từ mới, học ngữ pháp và luyện bài tập. Tất cả những gì mình biết chỉ gói gọn trong một cuốn giáo trình, và éo le là mình còn chưa nắm hết được những gì cuốn giáo trình đó muốn truyền tải! Mình muốn nói giỏi nhưng chưa bao giờ chịu mở miệng luyện nói ở nhà, mình muốn nghe tốt nhưng hiếm khi dành thời gian để nghe người bản ngữ họ thực sự nói như thế nào.
Chị Lýdia Machová đã chỉ ra rằng có tổng cộng 7 kĩ năng ngoại ngữ mà bất kì ai muốn học tốt cần nắm được kiến thức căn bản: Nghe (Listening), Nói (Speaking), Đọc (Reading), Viết (Writing), Từ vựng (Vocabulary), Ngữ pháp (Grammar), Phát âm (Pronunciation). Nếu chúng ta muốn thành thạo bất kì một kĩ năng nào trong số trên, chúng ta phải dành thời gian để luyện tập nó. Mình chỉ tập trung vào 3 kĩ năng cuối là chủ yếu, song lại hi vọng có thể làm tốt những kĩ năng còn lại, điều này thực sự hão huyền. Học nhiều không có nghĩa là hay, bởi phải tìm đúng thứ để học, để luyện, khi đó thành quả mới từ từ xuất hiện. Vậy nên muốn giỏi nói, hãy luyện nói, muốn giỏi nghe, phải nghe nhiều. Đơn giản là vậy mà nhiều người vẫn sai, trong đó có cả mình!
TƯ DUY 3: MÌNH KHÔNG CÓ THỜI GIAN ĐỂ HỌC NGOẠI NGỮ – 30 Ư, 30 PHÚT THÌ BÕ BÈN GÌ
Chắc hẳn bạn đã tự nhủ với bản thân mình những câu như sau: “Mình đã dành không dưới 10 năm để học tiếng Anh. Sao mình học lâu như vậy mà vẫn chưa thể giỏi được nhỉ?” hay “Đã học phải cho ra học, ngồi học ngoại ngữ liền vài tiếng, chứ 30 phút thì bõ bèn gì, chẳng khá lên được”, hoặc tệ hơn là” Mình bận thế, lấy đâu thời gian ra để học ngoại ngữ”. Đây là hai kiểu tư duy sai lệch về thời gian phổ biến mà chúng mình hay gặp phải.
Thứ nhất, việc mình dành 10 năm cho tiếng Anh chỉ là một con số mang tính tượng trưng thể hiện khoảng thời gian mình có “động” đến ngoại ngữ, chứ con số thực chất chỉ bằng 1/60 cho sinh viên chuyên ngữ và 1/240 cho học sinh phổ thông (nếu chỉ tính thời gian “học” trên lớp). Nếu tiếp tục đem chia tiếp cho khoảng thời gian học tập thực sự hiệu quả, thì thực sự con số này còn ít hơn rất nhiều.
Thứ hai, việc bạn bận rộn hay không mình sẽ không bàn ở đây, nhưng nếu bạn muốn cải thiện trình độ ngoại ngữ của mình, điều hiển nhiên là bạn phải dành thời gian cho nó và đưa vào danh sách ưu tiên. Há miệng còn chẳng chờ được sung, huống chi ngoại ngữ còn tự nó rơi vãi mỗi ngày.
Cuối cùng, việc dành ra 30 phút mỗi ngày để học ngoại ngữ không hề vô ích, vì 30’ là một khoảng thời gian hoàn hảo để tập trung một cách cao độ. Dĩ nhiên điều này đòi hỏi bạn phải có một nền tảng vững chắc trước hết, sau đó dùng khoảng thời gian 30’ để duy trì và phát triển vốn ngoại ngữ của mình. Nếu bạn cảm thấy 30’ một ngày chẳng có hiệu quả là bao, thì bạn nên xem lại 30’ bạn dùng để làm gì và bạn đã duy trì được bao nhiêu ngày 30’. Sức mạnh của việc dành ra 30’ mỗi ngày không nằm ở bản thân con số 30, mà nằm ở khả năng tích luỹ khi số 30 bắt đầu được thực hiện. Sẽ rất nhiều những khoảng 5’, 10’, 15’ rảnh rỗi được tận dụng, rồi 30’ sẽ được nới rộng ra khi bạn dần thấy được sự cải thiện và trở nên hứng thú lên 45’, rồi 1 tiếng,…Tổng lượng tích luỹ ngắt quãng lại với nhau, bạn sẽ có được hiệu quả hơn nhiều lần so với việc ngồi liền tù tì cả tiếng đồng hồ.
Cre: Người Tích Luỹ