TẠI SAO CÓ NHỮNG NGƯỜI VÔ CÙNG MAY MẮN, CÓ NHỮNG NGƯỜI VÔ CÙNG XUI XẺO?

by admin

Chào cậu, mình là Lần đầu đến Trái Đất.

Mình đã tò mò về câu hỏi này khá lâu trước đây, rằng có những sinh viên vừa ra trường, lương khởi điểm 5, 6 triệu, phải mất ít nhất từ 6 đến 7 năm để mức lương tăng lên thành con số mong muốn, mất ít nhất 20 năm để mua được nhà, hoặc là mất ít nhất 10 năm để có thể tự chi trả tiền kết hôn của bản thân.

Lại có những doanh nhân ngậm thìa vàng, càng làm ăn càng phát đạt, mua nhà như mua quần áo, thay xe như thay kem đánh răng…

Có người thì trả lời mình rằng, đó là vì xuất phát điểm của mọi người khác nhau,

Lại có người thì nói, đó là vì nỗ lực của mọi người khác nhau, thời gian đầu tư cho sự nghiệp khác nhau…

Vậy câu hỏi được đặt ra, vẫn là tại sao có những người giàu lại càng giàu, có những người nghèo lại càng nghèo? Một người lương tháng 20 triệu và một người lương tháng 200 triệu, liệu khoảng cách về thu nhập của 2 người này có thật sự hơn kém nhau 10 lần? Những đứa trẻ không biết đọc vào thời điểm bắt đầu đến trường, sẽ mãi chậm tiếp thu hơn những đứa trẻ khác đã biết đọc?

Và mình đã tìm ra được, lý do vì sao lại có thể nhìn ra sự phân hóa rõ ràng như vậy. Thế giới của chúng ta, từ xưa đến nay đều đã, đang, và sẽ vẫn phát triển theo hướng này, cái được gọi là phân hóa giàu nghèo, cái được gọi là giàu càng giàu, nghèo càng nghèo, giỏi lại càng giỏi, … gọi tắt là “Hiệu ứng Matthew”.

Thế giới này chính là hiệu ứng Matthew, bạn càng giỏi cơ hội càng nhiều!

Chúng ta phải công nhận rằng, tốc độ thu nhập của những người giàu có tăng khủng khiếp như tên lửa, mà người bình thường dù làm suốt 24 tiếng đồng hồ cũng khó mà đuổi kịp.

Bởi vì họ thường bị mắc kẹt trong những khoản chi phí sinh tồn của cuộc sống như: tiền phí sinh hoạt, thế chấp, vay mượn mua ô tô, chi phí đi học cho con cái, chi phí di chuyển,… Thu nhập mà họ kiếm được lại được tiêu xài liên tục theo vòng tuần hoàn vốn có của nó.

Giống như việc một đứa trẻ sớm thành thạo các kỹ năng đọc, nắm được bản chất và chìa khóa trong việc đọc sẽ đạt được nhiều thành công khi học hành về sau, trong khi đó ở những đứa trẻ chật vật, thất bại vào ba, bốn năm đầu đến trường sẽ khó khăn hơn trong cuộc sống sau này nếu phải học thêm nhiều kĩ năng mới khác. Đó là bởi vì những trẻ bị thua kém, bị vượt mặt khi học đọc sẽ đọc ít đi, điều này càng làm tăng khoảng cách về mặt trình độ giữa chúng và bạn cùng lứa. Dĩ nhiên sau đó, đứa giỏi thì càng giỏi, đứa khó khăn thì càng khó khăn.

Vậy, đối mặt với cuộc sống có sẵn hiệu ứng như vậy, chúng ta – những người bình thường, có thể làm gì để có mặt trong danh sách những người giỏi thì càng giỏi, những người giàu thì càng giàu?

Nhà tâm lý học người Anh, Richard Wiseman đã làm một cuộc khảo sát có tiêu đề giống với tiêu đề bài viết, kết quả cho thấy, may mắn có liên quan đến cách tư duy và thói quen hành vi, người may mắn luôn phát hiện ra mặt tốt của vấn đề, điều này hình thành nên một vòng tuần hoàn tốt đẹp.

Và thực chất cần gì phải hỏi nữa phải không? Trong chính câu hỏi đã có câu trả lời rồi, muốn giỏi càng giỏi thì phải giỏi trước đã, muốn giỏi thì phải nỗ lực, muốn giàu thì càng phải nỗ lực. Nỗ lực thôi chưa đủ, nỗ lực phải đi kèm với kế hoạch cụ thể, nỗ lực phải đi kèm với hành động và suy nghĩ, tư duy đúng.

Đúng việc đúng người, không thể so sánh bản thân là một sinh viên với những doanh nhân thành đạt, so sánh đó mình đề cập ở đây để chúng ta cùng nhìn rõ hiệu ứng Matthew, nó không cần thiết để ứng dụng tư duy hằng ngày. Sứ mệnh của từng người là khác nhau, cách làm và suy nghĩ cũng khác nhau, chúng ta chỉ cùng một đích đến về hạnh phúc, muốn hạnh phúc thì tích cực, tích cực thu hút tích cực, tích cực khiến ta có nhiều cơ hội hơn, có nhiều cơ hội hơn thì kiếm được nhiều tiền hơn, kiếm được nhiều tiền hơn thì lại tích cực,…

Hiệu ứng cũng chỉ là hiệu ứng thôi mà, chúng ta áp dụng lên bản thân như thế nào mới là quan trọng, đúng chứ?

Mình là lần đầu đến Trái Đất,

Chào cậu.

You may also like

Leave a Comment