TẠI SAO KIM DUNG LỪNG LẪY Ở CHÂU Á NHƯNG LẠI VÔ DANH Ở PHƯƠNG TÂY?

by admin

Các cuốn tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã bán được khoảng 300 triệu bản tại châu Á, nhưng đến nay mới chỉ có 3 tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh.

Theo nhiều thống kê từ cả Trung Quốc và nước ngoài, 15 cuốn tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung bán được tới hơn 300 triệu bản trên phạm vi toàn cầu (chủ yếu là châu Á). Nhưng nếu tính các bản in lậu, con số thực tế có thể lên đến hơn 1 tỷ bản. Chắc chắn Kim Dung là một trong những tác giả ăn khách nhất trong lịch sử văn học thế giới.

Báo chí quốc tế gọi Kim Dung là “Tolkien của nền văn học Trung Quốc” (J.R.R. Tolkien là tác giả loạt truyện thần thoại The Lord of the Rings). Tuy nhiên trên thực tế Kim Dung là cái tên hoàn toàn xa lạ với độc giả phương Tây. Đến nay, mới chỉ có vỏn vẹn 3 bộ truyện của ông được dịch sang tiếng Anh.

▪ “Chưa bao giờ nghe tên Kim Dung”

Đầu tiên là Lộc đỉnh ký, tên bản tiếng Anh là The Deer and the Cauldron, do John Minford dịch, xuất bản từ năm 1997 đến 2002. Thứ hai là Thư kiếm ân cừu lục, tên bản tiếng Anh là The Book and the Sword, do Graham Earnshaw dịch, xuất bản năm 2004.

Cuốn thứ ba là Xạ điêu anh hùng truyện, tên bản tiếng Anh là A Hero Born, do Anna Holmwood dịch, mới lên kệ tại Anh hồi tháng 2/2018.

Báo Guardian dẫn lời ông Peter Buckman, người trung gian bán bản quyền Xạ điêu anh hùng truyện cho nhà xuất bản Anh McLehose Press, thừa nhận bản thân ông cũng chẳng biết gì về Kim Dung.

“Tôi tình cờ phát hiện ra Kim Dung khi tìm kiếm cụm từ ‘tác giả ăn khách’ trên Internet. Kim Dung luôn nằm trong Top 10 của mọi danh sách, dù tôi chưa bao giờ nghe thấy tên ông ấy”, ông Buckman kể.

Trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), dịch giả Graham Earnshaw kể chính Kim Dung từng nói với ông về khao khát rằng một ngày nào đó, các tác phẩm của ông sẽ được độc giả toàn thế giới biết đến và thưởng thức.

Kim Dung cho biết nguyên Tổng bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân từng cử một đại diện đến gặp Ủy ban Nobel, nhắn nhủ rằng đã đến lúc một nhà văn Trung Quốc xứng đáng được trao giải Nobel Văn học. Và chính phủ Trung Quốc cho rằng Kim Dung xứng đáng được tôn vinh.

“Tất nhiên là họ từ chối”, Kim Dung kể lại với dịch giả Earnshaw với giọng cay đắng. “Điều mỉa mai là khi nhận được lời đề nghị đó, họ vĩnh viễn loại bỏ tôi khỏi danh sách tác giả có khả năng đoạt giải Nobel”.

Ông Earnshaw gặp Kim Dung đầu năm 1979 để bày tỏ nguyện vọng dịch cuốn Thư kiếm ân cừu lục. Khi đó, Kim Dung rất háo hức. Phải mất 4 năm Earnshaw mới dịch xong tác phẩm đầu tay của Kim Dung, nhưng mãi 15 năm sau đó Kim Dung và NXB Oxford University Press (OUP) mới liên hệ lại với ông để thảo luận chuyện xuất bản sách.

OUP lên kế hoạch xuất bản toàn bộ các tác phẩm Kim Dung với các bản dịch do John Minford thực hiện, riêng Thư kiếm ân cừu lục là bản dịch của Earnshaw. Ba phần Lộc đỉnh ký với bản tiếng Anh tên The Deer and the Cauldron lên kệ vào các năm 1997, 1999 và 2002. Tiếp theo đó là The Book and the Sword vào năm 2004.

You may also like

Leave a Comment