Tại sao muối lại khan hiếm và có giá trị đến vậy trong khi đại dương ở khắp mọi nơi?

by admin

Tại sao muối lại khan hiếm và có giá trị đến vậy trong khi đại dương ở khắp mọi nơi?

Một điều tôi học được từ lịch sử là muối cực kỳ có giá trị trước khi sự làm lạnh ra đời, bởi đó là cách duy nhất để bảo quản thức ăn.

Đặc biệt trong thời cổ đại, đôi khi muối còn đắt ngang bằng hay thậm chí là hơn cả vàng.

Nhưng tôi thấy cứ đun sôi nước biển lên là có muối mà.

Chẳng nhẽ không có ai dựng cửa hàng ở bờ biển, đun nước lấy muối và bán lấy lợi nhuận ư?

Có phải người ta đã làm thế nhưng tôi không biết không? Hay vì lý do nào đấy điều đó là không thể?

Người ta thu được muối theo cách nào là chủ đạo trong quá khứ?

Theo tôi được biết, có hai cách chính để lấy muối, khai mỏ hoặc đun sôi, và đun sôi chắc là dễ hơn nhiều chứ nhỉ (ít nhất là khi không có máy móc hiện đại).
_____________________
Link Reddit: https://redd.it/5opntw
_____________________

u/Lynx_Rufus (4.1k points – x1 gold)
Có rất nhiều lý do.

Đầu tiên, ai cũng cần có muối. Thiếu muối sẽ dẫn đến chết người, và mối đe dọa của việc khan hiếm muối trở thành một công cụ của tầng lớp cầm quyền trong các nhà nước không có nhiều muối thời cổ đại. Nếu bạn ăn thật nhiều thịt các loài động vật khác, bạn có thể có đủ số muối cơ thể cần để duy trì sự sống. Thế nhưng, cho đến tận gần đây, thịt vẫn tương đối xa xỉ và những người dân thường không thể chỉ sống dựa vào muối trong thịt không được. Muối được dùng làm thuốc, dùng trong các nghi lễ, và thực tế là cho hàng ngàn mục đích công nghiệp khác.

Có lẽ điều quan trọng nhất ở đây chính là muối có thể bảo quản thức ăn. Nếu bạn đang đứng ở Barcelona, trên tay cầm một con cá ngừ chết, giá trị thị trường của nó được quyết định bởi việc những người trong phạm vi 5 dặm xung quanh bạn sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho nó. Nhưng, nếu bạn đang đứng ở Barcelona, trên tay cầm một con cá ngừ chết và một kg muối, ngay lập tức giá trị thị trường của nó sẽ được quyết định bởi việc những người ở mọi nơi trên thế giới này sẵn sàng trả giá bao nhiêu. Nếu bạn không tìm được người mua, hãy cất nó xuống hầm và đợi thị trường thay đổi, hoặc có khi chẳng cần bán và ăn hết trong cả năm, như thế nó sẽ mất rất ít hay chẳng mất tí giá trị nào. Bạn vừa biến đổi giá trị con cá của bạn từ nhất thời, địa phương, suy giảm nhanh chóng, sang vĩnh viễn, toàn cầu, mang tính ổn định.

Điều này làm giá trị tiềm năng của nó tăng trưởng ồ ạt và cho thấy giá trị thực sự của muối trong thế giới tiền hiện đại: chuyển từ loại hàng hóa giao dịch địa phương, dễ hư hỏng sang loại hàng hóa giao dịch toàn cầu, khó hư hỏng. Đó là lý do tại sao ở những thời điểm khác nhau, muối có thể chiếm 60% lượng hàng hóa trên kênh Erie, 50% lợi tức của Nhà vua Pháp, và là nền tảng căn bản của quốc khố Trung Hoa.

Không may, những nơi trên trái đất không có đường bờ biển hay hồ nước mặn sẽ không có cách nào có thể làm bay hơi nước như bạn vừa gợi ý. Những nơi này thường phải dựa vào khai thác mỏ, suối nước mặn, hoặc giao thương với các vùng biển. Nhưng muối nặng và cồng kềnh, thêm vào đó, trừ khi không có một sự lựa chọn nào từ địa phương, giao dịch muối trên đất liền gần như không được áp dụng cho đến khi người ta xây dựng hệ thống kênh rạch rộng khắp Anh, Pháp và Thế giới mới những năm 1800s.

Hơn nữa, không phải cứ nơi nào có đường bờ biển là nơi ấy sản xuất được muối. Lý do là, không phải mọi phần đại dương đều có lượng muối như nhau, rất nhiều chỗ nước lợ, không thể tiết kiệm chi phí trong ngành sản xuất muối. Với lại, ở khí hậu ôn đới, một chảo nước mặn sẽ không bao giờ cho ra một lượng muối tương ứng hợp lý, bởi thời tiết mát mẻ, độ ẩm cao, gió lặng, cộng với mưa sẽ phá hủy toàn bộ quá trình.

Vậy nên, các vùng sản xuất muối ven biển phải có:

• Nước chứa lượng muối cao
• Khí hậu ấm áp, có gió
• Ít mưa

Và, có lẽ điều quan trọng nhất:

• Có thể tiếp cận các tuyến giao thương thương mại

Một vài nơi, như Sicily, Po Delta, và Vịnh Biscay cực kỳ phù hợp với những tiêu chí trên. Một số nơi lại không. Có thể kể đến ví dụ điển hình cho một nơi không thể làm muối từ biển, đó là Thụy Điển: giáp với biển nước lợ Baltic, có khí hậu mát mẻ, ẩm ướt và mùa đông dài. Thời trung cổ, Thụy Điển phải nhập muối từ nước ngoài, hoặc hút nước mặn ở sâu dưới đáy biển bằng các ống khổng lồ làm từ các thân cây rỗng, rồi sau đó đốt gỗ để đun sôi. Việc này gây tốn nhiều nhiên liệu hơn, và rất nhanh Thụy Điển phải đối mặt với nạn phá rừng để đổi lấy muối rẻ, thế là giá cả bị đẩy lên và đất nước buộc phải dựa vào hàng hóa nhập khẩu. Vào Hậu kỳ Trung đại và Phục hưng, rất nhiều nhà văn đã nói về tình trạng thiếu gỗ rừng theo cách mà bây giờ người ta hay nói về sự cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch – ở đây muốn đề cập đến một nguồn tài nguyên chiến lược phải được bảo tồn vì lợi ích của nhà nước. Vì vậy, đun sôi nước muối là không thể áp dụng được ở mọi nơi mà chỉ một vài chỗ thôi.

Với công nghệ của thế kỷ thứ 19, sản xuất muối có phần lan sang cả các vùng ôn đới. Cape Cod và Upstate New York trở thành những vựa muối Cộng hòa Hoa Kỳ mới, dựa vào những tổ hợp thùng lớn đóng kín cho phép ngưng tụ muối trong khí hậu mát mẻ của miền Bắc. Những chiếc thùng này có hoạt động, nhưng chúng phụ thuộc vào nguồn nhân lực khổng lồ để mở và đóng trong thời tiết khắc nghiệt quanh năm. Trong khi đó, ở miền Nam nước Mỹ, công cuộc làm muối có thể rẻ hơn do chế độ nô lệ. Mặc dù vậy, miền Nam tụt hậu hơn so với miền Bắc về sản xuất muối, và sử dụng phần lớn lượng muối nhập khẩu. Nhưng những việc này – cả ở miền Bắc lẫn miền Nam – chỉ được áp dụng trong một thời gian ngắn vì sớm trở nên lỗi thời giữa sự phát triển của các thùng bốc hơi trong vùng ôn đới và sự tăng trưởng lớn khối lượng khai thác mỏ muối do công nghệ thế kỷ 20 mang lại.

Một số vùng trên thế giới rất may mắn có thể làm chính xác như những gì bạn nói. Như ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, các mạch nước muối ngầm thường được tìm thấy bên cạnh những túi khí tự nhiên. Sau một vài thử nghiệm và thất bại, trước thời đế quốc, Trung Quốc đã thành công trong việc khai thác khí methan tự nhiên để tạo ra các vòi đốt gas, nấu nước mặn thành muối dùng được. Việc này, kết hợp với mạng lưới sông ngòi dày đặc, đã biến Tứ Xuyên thành vựa muối của Trung Quốc, và là một trong số rất ít nơi phương pháp của bạn được sử dụng trên quy mô lớn.

Cuối cùng, lập luận “muối có trị bằng vàng” có thể chỉ là truyền thuyết. Chắc chắn muối được giao dịch để đổi lấy vàng, nhưng giá trị tính theo từng pound của chúng có bằng nhau hay không thì cũng chưa biết được. Quan niệm sai lầm này có thể bắt nguồn từ thói quen trao đổi câm lặng ở Sahara, ở đó các thương gia xếp hàng hóa của mình lên một tấm thảm, sau mỗi lần lại điều chỉnh kích cỡ đống hàng cho đến khi đạt được thỏa thuận với nhau. Giao dịch có thể kéo dài đến vài ngày, và thường hai bên sẽ không bao giờ thấy mặt người kia. Các khách du lịch châu Âu có thể đã thấy những sự trao đổi muối – vàng đó, và giả định thành thuyết giá trị ngang bằng thực ra không hề tồn tại.

Nguồn:
Kurlansky, Mark. Salt, a World History
Wulf, Andrea. The Invention of Nature
_____________________
Bài đăng của bạn LiLy Ks trong group:
https://www.facebook.com/groups/rvn.group/permalink/602022150707997

You may also like

Leave a Comment