Nhưng nội dung này nó không được “ngây ngô” cho lắm
————————-
Với các bạn làm nội dung bằng tiếng Việt thì chỉ số “readability – Khả năng đọc” có lẽ không phổ biến nhưng với các bạn viết nội dung tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh, hẳn bạn không xa lạ gì với chỉ số này.
Đặc biệt với các bạn nào đã và đang viết nội dung cho SEO, nó rất quan trọng vì nó lại là một trong những yếu tố Google quyết định xem bài bạn viết có “đạt chuẩn” hay không.
Tại sao lại có chỉ số “readability” và tại sao nó quan trọng?
1. KHẢ NĂNG ĐỌC LÀ GÌ?
Khả năng đọc đo lường mức độ dễ hiểu hay khó hiểu của 1 văn bản. Hay người đọc có thấy hứng thú với bài viết của bạn đế tiếp tục các hành động khác hay không.
Nội dung “dễ đọc” để ai cũng có thể DỄ DÀNG hiểu bạn đang viết về vấn đề gì. Nội dung dễ đọc cũng làm tăng mức độ tương tác của người đọc và giảm thiểu việc hiểu sai ý nghĩa thông điệp.
Các yếu tố tác động đến tính “dễ đọc” của văn bản bao gồm:
– Chọn từ (thông dụng, phổ biến)
– Độ dài âm tiết trung bình trên mỗi từ
– Độ dài câu
– Số câu trong 1 đoạn văn
– Cấu trúc câu và cấu trúc văn bản
Ví dụ: Khi bạn có người yêu, hào hứng giới thiệu với gia đình. Nếu bạn mô tả về người yêu bạn bằng từ “tuyệt đỉnh” thay vì từ “rất giỏi” thì có thể em bạn sẽ không hiểu người yêu bạn là loại người như thế nào.
2. TẠI SAO LẠI CẦN NỘI DUNG DỄ ĐỌC
Độ tuổi đọc của khán giả thấp hơn nhiều so với bạn nghĩ
“Khả năng đọc” còn được xây dựng dựa trên khả năng truy cập web của một người
Hành vi đọc trực tuyến rất khác so với đọc bản in
Theo thống kế thì người dùng sẽ quét 1 lượt nội dung và chỉ đọc khoảng 18% nội dung chính trên trang web.
Hơn nữa, người dùng trực tuyến không đọc từ trên xuống dưới hoặc từng từ một. Họ tìm kiếm thông tin cụ thể và muốn nhanh chóng tìm thấy kết quả. Họ có xu hướng trở nên thiếu kiên nhẫn nếu khó tìm thấy thông tin liên quan và ngay cả khi nội dung quá dài dòng cũng khiến họ nhanh chóng thoát ra.
Vì thế làm content trên Internet yêu cầu bạn sử dụng các từ ngắn hơn, câu ngắn hơn, giảm bớt biệt ngữ, các từ ngữ chuyên ngành, ít phổ biến.
3. KHẢ NĂNG ĐỌC ĐƯỢC ĐO LƯỜNG NHƯ THẾ NÀO?
Trên thế giới có khá nhiều các phương pháp đo lường, nhưng chúng ta sẽ nói đến 2 phương pháp phổ biến nhất là Flesch Reading Ease (FRE), và Flesch-Kincaid (FKGL)
Đây cũng là chỉ số đo lường Google sử dụng cũng như được Microsoft ứng dụng cho Microsoft Word
Cả FRE và FKGL đều dựa trên các công thức tính độ dài trung bình của câu (ASL) và số âm tiết trung bình trên mỗi từ (ASW).
FRE xếp hạng khả năng đọc trong thang điểm từ 1-100. Điểm càng cao thì càng dễ đọc.
– 0.0 – 30.0: Nội dung dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên
– 60,0 – 70,0: Học sinh từ 13 đến 15 tuổi dễ dàng hiểu được.
– 90.0 – 100.0: Học sinh trung bình 11 tuổi có thể hiểu được.
-> Nội dung được đánh giá TỐT NHẤT (cho online) nằm trong thang điểm từ 60-80
Thang điểm Flesch-Kincaid dựa trên các cấp lớp của trường học (tại Mỹ). Ví dụ, 3.0, nghĩa là học sinh lớp ba có thể hiểu được. Hầu hết các tài liệu chuyên môn đều nằm trong khoảng từ 7.0-11.0. Và nội dung ở mức điểm 7-8 được coi là lý tưởng và phù hợp nhất.
4. CÁCH VIẾT NỘI DUNG DỄ ĐỌC
Hãy nhớ, khi bạn xuất bản một nội dung nghĩa là bạn đang viết để cho người khác đọc, vì thế hãy tìm hiểu về độc giả của bạn, tìm ra thông điệp muốn truyền tải và lựa chọn từ ngữ phù hợp.
Một số nguyên tắc bạn nên tuân theo:
Giảm sự phức tạp của từ ngữ sử dụng
Độ phức tạp của nội dung phụ thuộc vào đối tượng chính của thông điệp
Nếu bạn phản biện rằng mình đang viết cho một nhóm độc giả có trình độ cao, uyên bác, vậy hãy bỏ qua yếu tố này nếu bạn muốn.
Tuy nhiên, khi đưa một thông điệp ra nền tảng internet, chắc chắn ai cũng muốn tiếp cận lượng độc giả lớn nhất có thể. Và chắc chắn bạn cũng không muốn bỏ sót bất kỳ khách hàng hoặc fan/follower tiềm năng nào. Tạo ra những bài viết không quá phức tạp, sử dụng những từ ngữ đơn giản, nội dung của bạn sẽ dễ tiếp cận hơn với nhiều người hơn.
– Tạo cấu trúc nội dung
– Một cách khác để cải thiện điểm khả năng đọc là tạo cấu trúc cho bài viết.
– Chia nội dung bài viết thành các đoạn có độ dài hợp lý và
– Sử dụng các tiêu đề phân chia nội dung theo các ý chính
– Bài viết có cấu trúc giúp cho người đọc hiểu được các ý chính của thông điệp, tạo cho họ những khoảng trống suy nghĩ về những gì họ đã đọc.
– Thời gian của người đọc internet ngày càng hiếm, họ sẽ không có nhu cầu đọc một bài sớ của bạn đâu. Họ sẽ rời đi ngay lập tức nếu không biết nội dung sơ bộ cũng như không tìm thấy sự hấp dẫn trong cách bạn trình bày.
– Viết bằng giọng chủ động
– Thay vì viết là Rất nhiều người đã bị dịch covid làm cho khốn đốn
– Nên viết là: Dịch covid khiến rất nhiều người gặp khó khăn
– Thông thường các câu “bị động” thường dùng để nhấn mạnh vào sự tác động đến chủ thể nên tuỳ vào ngữ cảnh, đối tượng, loại văn bản để sử dụng cho hợp lý.
5. SỬ DỤNG CÁC CÔNG CỤ ĐỂ ĐÁNH GIÁ NỘI DUNG
Rất tiếc là các công cụ này không có tiếng Việt mà chủ yếu phổ biến cho các ngôn ngữ thịnh hành trên thế giới như Anh, Pháp, TBN, Đức,… Nhưng với các bạn phải viết content tiếng nước ngoài, hãy tham khảo thử.
Microsoft word (miễn phí)
Words đã được tích hợp đo lường “khả năng đọc”, bạn chỉ cần bật nó lên. Cách thức cài đặt:
– Vào File > Word Options
– Chọn Proofing
– Ở mục “When correcting spelling and grammar in Word”, tích chọn “Show readability statistics”
– Ok
Sau đó nhấn F7 để xem chỉ số.
Yoast Seo (miễn phí và có bản trả phí)
Các bạn viết content cho SEO thì hẳn không lạ lẫm gì với Yoast Seo. Yoast seo sẽ giúp bạn đánh giá bài viết trên các yếu tố:
– Đọc dễ dàng
– Tỉ lệ sử dụng câu bị động so với câu chủ động
– Sử dụng các tiêu đề khối
– Cấu trúc câu đa dạng
– Độ dài đoạn văn
– Độ dài câu
– Sử dụng nối từ
Semrush (trả phí)
Thêm một anh lớn trong làng seo. SEO Writing Assistant sẽ hỗ trợ bạn phân tích dựa trên các yếu tố:
– Khả năng đọc
– Số lượng câu khó đọc
– Những từ dài
– Số lượng từ và thời gian đọc (so với nội dung xếp hạng cao nhất)
– Tông giọng
Grammaly (Miễn phí và trả phí)
– Đây là trang web check ngữ pháp và ngay cả việc trùng lăp nội dung rất nổi tiếng, đặc biệt với các dạng nội dung bằng tiếng Anh.
———————-
Tóm lại, khi làm nội dung, hãy nhớ bạn đang viết cho ai? định nói về vấn đề gì? hãy luôn đặt câu hỏi liệu mình viết như vậy người khác đọc có hiểu không? hiểu có đúng không?…
Hãy giữ cho nội dung một cách “ngây ngô” nhất có thể! Dễ nhớ nhất có thể và xứng đáng để người khác dành thời gian cho nó!
Nguồn: Hoa Thanh