Tại sao người lớn lại cho rằng nghỉ ngơi một khoảng thời gian không đi làm là tội nặng không thể tha?

by admin

Giả sử có một nhóm người thuê hẳn một chuyến bay đến Nam Mỹ hoặc Nam Phi để du lịch.
Vừa xuống máy bay, họ thấy trên đường lớn ngõ nhỏ là những đứa trẻ mặc áo bao lỗ, chân mang giày bata in mác “made in China” cùng nhau chơi đá bóng không biết chán.
Họ hiếu kỳ lại gần đám trẻ hỏi chuyện, năm nay con bao tuổi, còn đi học hay đã đi làm? Hôm nay là ngày nghỉ nên ra đây đá bóng à?
Đám trẻ cười tươi rói lộ ra hàm răng trắng buốt, chúng bảo, tụi con không đi làm cũng chẳng lên lớp, tụi con đang tập đá bóng, đá bóng giỏi được vào câu lạc bộ thì mỗi ngày đều có thịt ăn ba bữa.
Những người tiếp nhận nền giáo dục phổ thông như chúng ta nhất định sẽ nói thầm: Quái lạ, ai đời lại bơm vào đầu mấy đứa con nít tư tưởng kỳ lạ này! Đây chẳng phải là hỏng cả một thế hệ sao?
Thật ra, đối với bên đó thì đây là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa.
Cứ nhìn CR7 với Messi kìa, chẳng phải là ông nào cũng bỏ học giữa chừng đương tuổi thiếu niên sao? Lúc thành danh rồi ai lại quan tâm chuyện này. Không đá giỏi cũng không sao, cùng lắm thì đi làm công, làm ngày nào ăn ngày đó, tuy không độ kiếp nhẹ nhàng được nhưng cũng xem là xong một đời.
Trong Nho gia có một khái niệm như thế này: Dù bạn đang ở giai đoạn nào của đời người thì cũng nên thực hiện tốt vai trò của mình trong bối cảnh đó.
Không có đàn ông trong nhà thì trước mặt con, bạn nên có một phần nghiêm khắc của người cha. Nhưng trước mặt chồng, bạn vẫn là một người vợ đảm đang hiền thục.
Trước mặt cấp dưới thì bạn phải có phong thái của lãnh đạo, còn trước mặt cấp trên thì bạn phải thể hiện lòng trung thành và nguyện cống hiến hết mình cho tổ chức.
Bất luận ở hoàn cảnh nào trong giai đoạn nào của đời người, chúng ta đều phải đảm nhiệm rất nhiều vai trò, cho nên, quan niệm sống đúng và sống đủ với từng ấy vai trò mới không thẹn với sinh mệnh ta được ban tặng được in sâu bám rễ vào tư tưởng của từng cá thể.
Chính vì vậy nên mới có người không chấp nhận được chuyện bạn chẳng giữ một vai trò cụ thể nào trong xã hội.
Tôi lấy ví dụ cụ thể nhé. Xung quanh tôi đa số là những người đã bước vào tuổi trung niên, nam nhiều hơn nữ. Trạng thái làm việc của họ không còn tốt như xưa nên bị công ty sa thải, trở thành những người bị giảm thiểu vai trò trong cuộc sống.
Nhóm trung niên này cảm thấy tới tuổi này cũng nên thử làm ông chủ một lần chứ chẳng lẽ đi làm công cả đời? Thế là tuy không có kinh nghiệm khởi nghiệp nhưng họ vẫn đua nhau ra làm kinh doanh riêng.
Khởi nghiệp thất bại nhưng tích lũy cả đời vẫn còn dư một ít, thế là họ lại chuyển hướng sang cổ phiếu, xem như là một loại đầu tư cá nhân, tính ra là vẫn có thêm vai trò trong xã hội.
Lúc sau nhẵn túi rồi họ mới chịu đi tìm công việc mới, mỗi ngày mặc đồ công sở, lái xe đến công ty, gọi ly cà phê giúp tỉnh táo rồi ngồi đến giờ tan làm thì xách túi về nhà.
Chuyện này nói lên điều gì? Họ không cho phép bản thân trở thành một người vô dụng, dù là trong một khoảng thời gian ngắn.
Có một số người phát hiện mình không có địa vị gì trong xã hội này thì cảm thấy hoảng hốt, lo sợ, sợ thiên địa bất dung, cũng sợ bản thân không chấp nhận nổi mình chứ đừng nói chi ai.
Thế nên, họ t à n nhẫn đến mức lừa dối cả chính mình.
Không chỉ lứa trung niên, người trẻ cũng có hiện tượng này.
Sau khi ra trường, họ không tìm được công việc như ý nên quyết định từ bỏ và chọn học tiếp lên cao học hoặc thi công chức.
Có người chọn học lên cao chỉ vì muốn ngụp lặn trong bể học tri thức. Nhưng có một số người thì khác, họ cảm thấy với tình hình hiện tại, mình không thể xin được một công việc tốt nên đã chọn cách này để trốn tránh.
Nếu bạn hỏi họ tại sao lại làm như vậy. Họ sẽ nói: Dù gì cũng phải kiếm việc nào đó để làm…
Ừ thì không làm việc kiếm tiền thì làm việc tiêu tiền, cái nào chả là việc.
Tôi đã từng thấy những người trượt thi tuyển sau đại học và thi công chức trong nhiều năm. Tôi cảm giác họ đã rất tuyệt vọng rồi nhưng vẫn cắn răng tiếp tục để khi có người hỏi, “Mày đang làm ở đâu?” Thì họ sẽ bảo, “Tao đang chuẩn bị học lên”.
Đó cũng là một cái cớ hay.
Cuộc đời là một vở kịch, có người nhập vai quá sâu, cả đời không thoát ra nổi.
Tìm về căn nguyên thì đây là biểu hiện của tư duy chủ nghĩa tập thể.
Bởi vì ai cũng muốn mình là thành phần của một tổ chức, một tập thể nào đó, không ai muốn bị bơ vơ một mình cả.
Học sinh thì có nhóm bạn cùng lớp, đồng nghiệp thì có nhóm công ty, thí sinh thì có nhóm ôn thi, bệnh nhân thì có nhóm cùng phòng, thậm chí, đi tù chung sau khi mãn hạn còn có nhóm tù viên cải tạo chung ngày ấy, bạn tin không?
Cho nên, người ta vẫn cảm thấy có một danh phận, địa vị không cao lắm trong xã hội còn hơn là cái gì cũng không có.
Vì vậy, việc con cái, người thân của mình tách biệt hẳn với xã hội là điều không thể chấp nhận được với thế hệ cũ.
Xét cho cùng, thế hệ cũ có ý thức tập thể mạnh hơn thế hệ trẻ rất nhiều. Không thể nói là tốt hay không, chỉ là thời đại khác nhau thì tư tưởng khác nhau, không thể so sánh.
Trên thực tế, những người hoạt động tự do trong lĩnh vực nghệ thuật còn chịu áp lực nhiều hơn ai cả. Đặc thù của họ là thu nhập không ổn định và có thể sẽ không có thu nhập trong một khoảng thời gian rất dài.
Bình thường họ hay trốn ở một nơi nào đó để lấy linh cảm sáng tác, rất ít giao tiếp với xã hội nên lúc xem mắt thường thất bại và bị xem thường.
Câu dè bỉu họ nghe được nhiều nhất có lẽ là: Bao tuổi rồi mà không kiếm được cái nghề đàng hoàng à?
Trong nhận thức của thế hệ cũ, mỗi tháng kiếm được 7 triệu dù sao cũng tốt hơn một năm kiếm được 100 triệu, bởi vì cái nghiệp nghệ thuật mang tính biến thiên quá lớn, không có sự chắc chắn và ổn định lâu dài.
Nói đơn giản, vấn đề này chỉ là sự đối đầu giữa 2 lối tư duy khác nhau.
Nói thực tế, đây là lựa chọn cá nhân, sướng khổ tự gánh.
Tôi thấy, hiện tượng sa thải và tuyển mới diễn ra liên tục ở các công ty, xí nghiệp. Việc cắt giảm giờ làm dường như đang mang lại hiệu suất công việc tốt hơn cho các doanh nghiệp. Xu thế làm tại nhà hay sự nở rộ của các ngành nghề dịch vụ tự do là không thể tránh khỏi.
Khi có ý tưởng, đừng ngại ngần thực hiện, nếu may mắn và có đầu óc, bạn có thể tự kinh doanh và kiếm được bộn tiền.
Còn nếu bạn có vốn, chuyện còn đơn giản hơn nữa, hãy thả dây cương và để đời đưa bạn rong ruổi trên những cung đường bạn muốn.

You may also like

Leave a Comment