Tất nhiên, bạn không cần phải ước mình đau khổ để được hạnh phúc, nhưng bạn cần nó để cảm nhận hạnh phúc rõ hơn.
1. Để có chiều sâu tính cách, nguyên liệu không thể thiếu là một lượng khổ đau vừa đủ. Quá nhiều đau khổ, bạn mất khả năng hy vọng, khiến tương lai bị “vô sinh”. Cuộc đời giống như cái ao tù: nước không vào, cũng không thoát ra được; chuyện cũ không thể kể lại, chuyện mới không thể tạo ra. Sự tồn tại trở nên “bốc mùi”, vì “rác quá khứ” không thể phân hủy hay chuyển hóa.
Quá ít đau khổ, mọi sự quá trơn tru, 99% thứ bạn muốn, bạn đều có, cơ hội phát triển chiều sâu sẽ bị bỏ lỡ, đơn giản vì nó không cần thiết. Bạn nghĩ khi bạn buộc phải nghĩ: Trẻ con không phải nghĩ nhiều, vì mọi thứ khó khăn đều đã có người lớn lo.
Cái gì khiến chúng ta phải bận tâm suy nghĩ, nó còn khiến chúng ta đau khổ. Người làm ta hạnh phúc là người chúng ta mau quên; Người khiến ta đau khổ là người khiến ta nghĩ về. Bài tập thực hành biết ơn đơn giản chỉ là nhắc ta rằng “đừng quên thứ cần nhớ” để lại “chỉ nhớ thứ cần quên”.
Đau khổ, dù là thất tình, thất nghiệp, thất vọng, khiến chúng ta tiếp tục phải nghĩ, trăn trở, bận lòng. Mỗi suy nghĩ như một cái dùi đẽo gọt, đào sâu, mở rộng các chiều kích trong tâm hồn, khiến bạn cảm thấy một vùng đất mới đang dần hiện ra.
Một không gian nội tâm được hình thành, bạn bắt đầu có chiều sâu, chứ không chỉ bề nổi của cơ thể: Thế giới ngoài kia quả thật rộng lớn, nhưng là của người khác; Thế giới trong này đang ngày rộng hơn, và đích thực là của ta, tự do sáng tạo.
2. Nếu không có những điều trái ý bất ngờ xảy đến (tạo cơ hội cho đau khổ sinh ra, và từ đó nhân cách được nảy mầm trên đó), bạn sẽ không thể tìm được đường vào chiều không gian khác này.
Những cha mẹ bảo vệ quá mức con mình, khi tước bỏ khỏi chúng quyền được bất hạnh, họ cũng khiến chúng đánh mất quyền truy cập vào thế giới nội tâm.
Chúng ta chỉ trốn vào “trong này”, khi ngoài kia quá đáng sợ. Nếu ngoài kia quá tươi đẹp, quá tử tế, quá chào đón, tại sao phải xây dựng “bên trong” làm gì. Nếu nơi đâu cũng là nhà, tại sao bạn lại xây “nhà”?
3. Có lẽ đó là lý do nhiều người không thể thoát khỏi việc hẹn hò những người đầy vấn đề, dù họ biết mình không nên chút nào. Họ nghĩ mình phải tìm những người lành mạnh, an toàn, không có vấn đề tâm lý, nhưng họ lại chỉ thấy bị cuốn hút bởi những cuộc đời chất chứa nhiều tâm tư.
“Cậu đẹp, hoàn hảo, nhàn hạ, sống sung sướng, có mọi thứ mình muốn: Chỉ có điều cậu chỉ toàn vị ngọt, mà không có đắng, cay, chua, mặn…” Không hẳn là mây tầng nào thì gặp mây tầng đó (Bạn thích sống sâu thì không thể yêu người bơi nổi), mà là chiều sâu của bạn chỉ được chạm tới bởi những người có thể với tới.
Đó là lý do kẻ đóng vai ác lại càng nói triết lý hay và ‘deep’, như Joker, hay Chí Phèo. Gặp những cô gái/chàng trai từng phải trải qua nhiều đau khổ (dù là chấn thương tâm lý hay vật lý), và họ không thể “get away with it” (rác dù bị chôn, nhưng không thể chôn vùi), bạn sẽ thấy sự sâu sắc trong tâm hồn họ mà những người sống quá sung sướng không thể có được. (Adam 1 và Adam 2, trong cuốn The Road To Character mà David Brooks nói đến).
Tất nhiên, bạn không cần phải ước mình đau khổ để được hạnh phúc, nhưng bạn cần nó để cảm nhận hạnh phúc rõ hơn.
Minh Đào