Tại sao Pháp không gửi quân viện trợ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

by admin

Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài những 2 tháng trời, vậy cớ sao Pháp lại không cử thêm lực lượng lục quân lớn để viện trợ vậy?

Rõ ràng Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh vô cùng quan trọng với phía Pháp, nếu không toàn bộ quan chức chính phủ lúc bấy giờ đã chẳng từ chức sau khi Pháp thua cuộc rồi. Sao họ lại không cử thêm hơn 50.000 quân tới Tây Bắc? Chắc chắn rằng dù địa hình Điện Biên Phủ có gồ ghề đến mấy, một lực lượng hiện đại vào năm 1954 cũng có thể tìm cách tới đó kịp thời mà. Má nó, 50.000 quân Việt Minh đã tự hành quân đến Tây Bắc đó.

Ừ thì tôi biết kế hoạch ban đầu vốn là viện trợ bằng không quân, nhưng chỉ sau vài ngày chiến đấu họ cũng phải nhận ra kế hoạch đó bất khả thi thế nào chứ (và họ đang thua thảm bại rành rành kia kìa). Mà thật ra, thay vì cho lính Lê dương hành quân, sao Pháp không thả lính dù ở khu vực nằm ngoài tầm ngắm súng phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam (kể cả nếu vị trí hạ cánh an toàn gần nhất cách đó một tỉnh thành)?
____________________
Link Reddit: https://redd . it/8272qp
____________________
u/Explainer_Danger (3 points)
Thực ra có vài lý do khiến phía Pháp không cử lực lượng lớn đến giải vây công sự đó.

Trước hết, bộ Tư lệnh Pháp, đặc biệt là Thiếu tướng René Cogny, người nắm quyền chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ, thực chất lại chẳng hề xem Điện Biên Phủ là một trận đánh lớn. Bởi lẽ Điện Biên Phủ không nằm trong vị trí chiến lược, chỉ có một phần nhỏ Quân đội Pháp tại Đông Dương đóng quân chốn này (dù đây là lực lượng cốt cán nhất). Trên thực tế, ngay từ đầu Cogny đã chẳng khoái chiến lược này, thậm chí còn quyết liệt phản đối việc thực hiện với chính cấp trên là Tướng Henri Navarre. Cogny cho rằng trận đánh ở Điện Biên Phủ chỉ tổ phí phạm vì quân sẽ bị kéo khỏi vùng châu thổ sông Hồng vốn là vị trí chiến lược hơn. Điều động đủ lực lượng nhằm giải tỏa công sự đang bị bao vây chỉ khiến Hà Nội và các vị trí trọng điểm khác dễ bị tấn công, và Cogni chắc chắn sẽ không chấp nhận điều đấy. Ngoài ra, phía Pháp còn thực hiện một chiến dịch quân sự khác – Cuộc hành quân “Atlante” song song với chiến dịch Điện Biên Phủ, thành ra lực lượng có sẵn để phá thế bao vây cũng chẳng còn nhiều.

Thứ hai, cậu đã đánh giá thấp tốc độ mà quân đội có thể di chuyển trên địa hình Tây Bắc rồi đấy. Huy động cả một đội quân là nhiệm vụ vô cùng phức tạp, đòi hỏi lên kế hoạch tỉ mỉ và chuẩn bị kỹ lưỡng. Tốc độ di chuyển của quân Pháp sẽ cực kỳ chậm, vì địa hình mà binh lính phải vượt qua toàn núi rừng chưa được khai phá và hiểm trở khôn cùng. Ừ thì Việt Minh có thể đưa 30.000 quân và vũ khí đến nơi (điều mà phía Pháp hẳn sẽ coi là bất khả thi), nhưng họ đã phải bắt đầu trước cả tuần, cả tháng, từ tháng 11 năm 1953 đến tháng 3 năm 1954. Phía Pháp sẽ phải điều động một lực lượng lớn mạnh hơn và di chuyển trên quãng đường dài hơn nhiều. Họ cần lên kế hoạch và thực hiện hàng tuần trời mới có thể thành công. Dựa trên địa hình Tây Bắc Đông Dương, đây đơn giản là điều không thể.

Với cả quân viện trợ kiểu gì cũng bị quân Việt Minh tập kích mà thôi, bởi lính Việt Minh vốn quá thành thục trò phục kích lính Pháp rồi. Ba năm trước đấy, vào Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, một lực lượng Pháp đang rút lui đã gần như bị quân Việt Minh tiêu diệt hoàn toàn. Vì Việt Minh nắm rõ mục tiêu của các nhóm lục quân, việc đặt mìn, phục kích, tấn công bất cứ lính Pháp nào cố tiến về phía công sự cũng thành ra dễ dàng. Mà lực lượng lục quân không nhất thiết bị diệt hoàn toàn, chỉ đơn thuần bị trì hoãn thôi.

Và cuối cùng, thực ra phía Pháp cũng định gửi quân viện trợ đấy chứ. Cuộc hành quân Condor, vốn ban đầu được lên kế hoạch để đuổi bắt quân Việt Minh bại trận, phải vội vã viết lại vào giữa tháng 4 thành kế hoạch cứu trợ công sự. Dù phía Pháp đã phác được chiến lược tỉ mỉ, kỹ lưỡng, sau cùng họ chỉ có thể cử được 4 tiểu đoàn bộ binh và lực lượng quân đồng minh Lào thuộc Pháp di chuyển từ Thượng Lào sang, nhằm đến công sự kịp thời để tấn công. Thế nhưng, chiến lược lại phụ thuộc vào một lực lượng không quân lớn thả lính dù xung quanh công sự như cậu gợi ý đấy. Trước khi chiến lược được quyết định, kế hoạch trên rõ ràng không thể thực thi. Một mặt, lực lượng không quân sẽ bị thiếu hụt rất nhiều khi lính dù đã vào công sự hoặc chuẩn bị nhảy. Mặt khác, chiến dịch Điện Biên Phủ đã ngốn gần như cạn kiệt toàn bộ lượng không vận của Pháp. Mà do địa hình hiểm hóc, viện trợ không quân có lẽ là lựa chọn duy nhất bấy giờ, và lực lượng vẫn cần phải giảm xuống. Để kế hoạch được hữu hiệu, cuộc hành quân Condor vẫn trông cậy vào một lực lượng lính dù hỗ trợ quân đồng minh Pháp không được trang bị vũ trang đầy đủ đi đầu, và đến ngày 29 tháng 4, vì thiếu quân nhu, vì thời tiết không thuận lợi cũng như vì tình hình thảm bại ở Điện Biên Phủ, rõ ràng chẳng còn lính dù nào được cử đến nữa. Dù các thành phần nòng cốt của cuộc hành quân cũng đến được công sự, chỉ vài giờ sau, công sự sụp đổ, họ chỉ còn cách rút lui về Lào mà thôi.

Nguồn tham khảo chính:
Sách “Hell in a Very Small Place”, tác giả Bernard Fall, NXB De Capo Press.
____________________

You may also like

Leave a Comment