Tại sao sáng tạo cần cô đơn?

by admin

“Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra” – Picasso

Tự Tin Sáng TạoTự Tin Sáng Tạo

Tự Tin Sáng Tạo

 

Lời dẫn của Trạm: Ở Hà Nội, chỗ duy nhất tôi tìm thấy sự tĩnh lặng thật sự là trong nhà vệ sinh. Sự CÔ ĐỘC đang bị tuyệt chủng. “Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra”, Picasso đã nói. Steve Wozniak, đồng sáng lập hãng Apple, viết trong cuốn hồi kí của mình như sau: “Phần lớn những nhà phát minh và các kỹ sư tôi đã gặp đều có có điểm chung như tôi … họ sống trong cái đầu của họ… Tôi sẽ cho các bạn một lời khuyên mà hẳn các bạn sẽ thấy lạ lùng lắm. Lời khuyên là: Hãy làm việc một mình”

Nghiên cứu chỉ ra rằng con người có khả năng sáng tạo tốt hơn khi họ được ở một mình, tận hưởng sự riêng tư và tự do khỏi những sao nhãng. Và những người có khả năng sáng tạo phi thường nhất, trong nhiều ngành nghề khác nhau, phần lớn lại là những người hướng nội (introvert) – dựa theo một nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi và Gregory Feist.

Nhưng thời nay, có vẻ như việc để một cá nhân có không gian riêng tư, trầm lặng suy nghĩ và làm việc một mình là một sự xa xỉ mà xã hội không thể kham nổi được nữa, ngoại trừ căn phòng vệ sinh, pháo đài cố thủ cuối cùng mà tôi có thể dành được để đọc sách.

Xung quanh câu chuyện này là một niềm tin sắt đá cho rằng 10 cái đầu thì luôn hơn 1 cái đầu, hay cụm từ cửa miệng, hãy “brainstorm” để ra ý tưởng nào. Nhưng làm việc nhóm có thật sự tốt nhất cho sự sáng tạo không? Trong các câu chuyện tôn giáo, Moses, Jesus, Đức Phật phải tìm đến những nơi hẻo lánh để có tìm kiếm sự giác ngộ, hay ngồi “brainstorm” với các phật tử, con chiên của mình.

Trong Biên niên ký chim vặn dây cót của Haruki Murakami, khi nhân vật Toru Okada cần tìm giải pháp để trấn tĩnh bản thân, anh đã chọn chui vào chiếc giếng cạn bỏ hoang của nhà hàng xóm. Ở trong bầu khí quyến của sự cô độc, Okada mới có thể tập trung vào lý giải cuộc đời. “Tôi ngồi thụp xuống lòng giếng và cứ mặc nhiên để cho ý thức chuồi dần ra ngoài nhục thể của mình”. Cần tìm bí quyết sáng tạo ư? Bước đầu tiên, hãy tìm cái giếng của bạn và học cách làm việc nỗi cô đơn trước đi.

Sự cô độc đã trở nên lỗi mốt. Các công ty, các trường học và nền văn hoá của chúng ta đang là nô lệ của kiểu tư duy tập thể kiểu mới quan niệm rằng thành tựu và sáng tạo được tạo ra từ các tập thể. Phần lớn chúng ta, do vậy, làm việc theo nhóm, trong những văn phòng không vách, cho những viên quản lý coi trọng kỹ năng hơn hết thảy. Những thiên tài cô độc không còn chỗ đứng. Và hợp tác thì được đặt lên hàng đầu.

 Quan niệm này đã nảy sinh một mâu thuẫn. Nghiên cứu chỉ ra rằng con người có khả năng sáng tạo tốt hơn khi họ được ở một mình, tận hưởng sự riêng tư và tự do khỏi những điều sao nhãng. Và những người có khả năng sáng tạo phi thường nhất, trong nhiều ngành nghề khác nhau, phần lớn lại là những người hướng nội (introvert) – dựa theo một nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi và Gregory Feist. Họ đủ hướng ngoại để chia sẻ và thúc đẩy những ý tưởng, nhưng họ luôn nhận thức về bản thân như là một cá nhân độc lập. Bản chất họ đã không phải là những kẻ thích chạy theo mốt.

Một lời giải thích cho những phát hiện này là: những người hướng nội thường cảm thấy thoải mái khi làm việc một mình – và sự cô đơn lại là chất xúc tác cho sáng tạo. Như nhà tâm lý học nổi tiếng Hans Eysenck đã quan sát, sự hướng nội nuôi dưỡng khả năng sáng tạo bằng cách “tập trung tâm trí vào công việc đang làm, ngăn cản sự tiêu phí năng lượng vào những thứ không liên quan như các vấn đề xã hội và giới tính”. Nói cách khác, một người ngồi yên lặng dưới gốc cây ngoài vườn – trong khi những người khác đang rôm rả cụng ly ở trong – khả năng cao hơn sẽ có táo rơi vào đầu hơn. (Newton là một trong những người hướng nội vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại: William Wordsworth đã miêu tả ông qua đoạn thơ sau: “Mãi mãi một trí tuệ/ Hành hương qua những biển cả xa lạ của Suy tư, trong cô độc.”)

Cô độc từ lâu đã liên quan đến khả năng sáng tạo và sự siêu việt. “Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra”, Picasso đã nói. Trung tâm của những câu chuyện tôn giáo chính là những người tìm kiếm – Moses, Jesus, Đức Phật – những người đã rời xa đám đông để khi quay trở về, họ mang theo những nhận thức và hiểu biết sâu sắc cho cộng đồng.

Chúng ta vẫn thường bị loá mắt bởi những ngôn từ to lớn, những tài hùng biện, thuyết phục mà thường lãng quên mất phần tĩnh lặng của quá trình sáng tạo. Apple là một ví dụ. Sau cái chết của Steve Jobs, chúng ta có dịp được nghe những điển tích xung quanh sự thành công của công ty này. Phần lớn mọi người đều ca ngợi tài thu hút và sức quyến rũ của Steve Jobs đến mức quên đi nhân vật quan trọng còn lại của Apple: một kỹ sư phù thuỷ, đồng thời là một người hướng nội và nhân ái – Steve Wozniak, người đã vất vả khó nhọc miệt mài vào một phát minh được mến mộ và biết ơn bởi cả nhân loại, chiếc máy tính cá nhân

Du hành thời gian trở lại vào tháng 3 năm 1975: Wozniak tin rằng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu tất cả mọi người đều có một chiếc máy tính thân thiện với người dùng. Nó có vẻ như là một giấc mơ xa vời – phần lớn các máy tính thời đó có kích cỡ của một chiếc minivan và còn đắt đỏ hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng Wozniak đã gặp được một nhóm các kỹ sư hợp cạ tự gọi mình là Câu lạc bộ Máy tính Ủ-bia-tại-nhà (Xem thêm: Homebrew Computer Club) Những kẻ Ủ-bia-tại-nhà này vô cùng hào hứng với chiếc máy tính thô sơ mới ra tên là Altair 8800. Wozniak, nhờ vậy, được truyền cảm hứng, và ngay lập tức bắt tay vào làm chiếc máy tính kỳ diệu của riêng ông. Ba tháng sau, ông hé lộ phát minh tuyệt vời của mình cho người bạn Steve Jobs. Wozniak đã định công bố phát minh của mình rộng rãi và miễn phí, nhưng Jobs thuyết phục ông cùng sáng lập hãng máy tính Apple. 

Câu chuyện về sự sinh ra của Apple dạy cho chúng ta một bài học về sức mạnh của sự hợp tác. Wozniak đã có thể không được truyền cảm hứng bởi Altar nếu không có những người bạn hợp ông như CLB Ủ-bia-tại-nhà. Và có thể ông sẽ không bao giờ sáng lập Apple nếu không có Steve Jobs.

Nhưng nó đồng thời cũng là một bài học về tinh thần độc lập. Nếu bạn quan sát cách mà Wozniak đã làm việc – sự miệt mài cố gắng để tạo nên điều gì đó từ không gì cả – bạn sẽ nhận ra rằng ông đã làm nó một mình. Trong những đêm khuya thức trắng, hoàn toàn đơn độc.

Trong cuốn hồi ký, Wozniak đã hướng dẫn thế này cho những nhà phát minh tương lai:

“Phần lớn những nhà phát minh và các kỹ sư tôi đã gặp đều có có điểm chung như tôi … họ sống trong cái đầu của họ. Họ gần như là những người nghệ sĩ vậy. Thực ra, những người xuất chúng nhất trong số họ là những nghệ sĩ. Và nghệ sĩ thì làm việc tốt nhất khi ở một mình … Tôi sẽ cho các bạn một lời khuyên mà hẳn các bạn sẽ thấy lạ lùng lắm. Lời khuyên là: Hãy làm việc một mình … Không phải với một đội ngũ. Cũng chẳng phải trong một nhóm.”

Vậy mà, tư duy nhóm kiểu mới đã chiếm lấy những không gian làm việc của chúng ta, trường học của chúng ta, các tổ chức tôn giáo của chúng ta. Tất cả những ai từng ước ao một không gian không ô nhiễm bởi tiếng chuông điện thoại trong văn phòng, hay những ai đã từng đánh dấu trên lịch một cuộc hẹn giả để trốn tránh một cuộc hẹn thật đều hiểu tôi đang nói về cái gì. Thực tế là tất cả những người lao động ở Mỹ bây giờ đều dành thời gian làm việc nhóm, với khoảng 70% phải làm trong những văn phòng có không gian thiết kế mở – nơi mà không ai có nổi một căn phòng cho riêng mình. Trong những thập niên gần đây, diện tích không gian trung bình mỗi nhân viên có được giảm xuống chỉ còn khoảng 19 mét vuông (năm 2010) từ con số 47 mét vuông (những năm 1970).

Trường học của chúng ta cũng đã thay đổi diện mạo bởi tư duy tập thể kiểu mới này. Ngày nay, các em học sinh tiểu học thường được xếp vào những tốp khác nhau để thuận lợi hơn cho việc thúc đẩy học nhóm. Ngay cả những môn học như toán hay sáng tác văn học cũng đượ dạy theo kiểu dự án nhóm. Trong một lớp bốn của một trường tiểu học tôi có dịp ghé thăm ở New York, học sinh trong mỗi nhóm không được phép đặt câu hỏi trừ khi tất cả thành viên trong nhóm đều có chung câu hỏi đó.

Thứ tư duy tập thể kiểu mới này còn xuất hiện trong những tổ chức tôn giáo thế lực nhất. Rất nhiều nhà thờ lớn thường tổ chức hoạt động ngoại khoá theo nhóm với mỗi hoạt động họ có thể nghĩ ra được , từ việc dạy con ra sao tới trượt ván hay đầu tư bất động sản, và kì vọng những người theo đạo cùng tham gia. Không những vậy, họ còn thúc đẩy kiểu tôn sùng màu mè điệu bộ – yêu Chúa Jesus ra thành lời, cho tất cả các giáo dân nhìn thấy. “Thường thì vai trò của một mục sư trông có vẻ như gần với giám đốc nhà thờ hơn là một người bạn tâm linh hay một người chỉ dắt”, Adam Mchugh – một mục sư Phúc âm đồng thời là tác giả cuốn sách “Những người hướng nội trong Nhà thờ” – nói. 

Đôi khi làm việc nhóm đem lại kết quả khá ổn và là một cách hữu ích, vui vẻ, và khuyến khích để chúng ta trao đổi ý tưởng, quản lý thông tin và xây dựng lòng tin.

Nhưng nó chỉ có ý nghĩa khi mỗi thành viên trong nhóm đều làm việc độc lập và tự giác với công việc riêng họ có. Làm việc nhóm, ngược lại, là một thảm hoạ nếu bị quây vần bởi những buổi họp mặt, những hội thảo triền miên không bao giờ kết trong những văn phòng không cho ta nổi một không gian riêng để tránh sự ồn ào và những ánh mắt của các đồng nghiệp. Các nghiên cứu cho thấy các văn phòng với thiết kế mở làm nhân viên trở nên không thân thiện, bất an, và sao nhãng. Họ còn thường phải chịu đựng những căng thẳng từ stress, huyết áp cao, cảm cúm và kiệt sức. Những người bị gián đoạn trong công việc thường mắc lỗi nhiều hơn 50% và mất gấp đôi thời gian để hoàn thành.

Rất nhiều người hướng nội có vẻ như biết rõ điều này từ trong tâm và thường chống lại việc bị dẫn dắt kiểu bầy đàn. Backbone Entertainment – một công ty phát triển trò chơi điện tử, ban đầu sử dụng một văn phòng thiết kế mở, nhưng sau đó nhận ra rằng các nhà phát triển game của họ – số đông là những người hướng nội – thường không hạnh phúc. “Nó đã từng là một không gian lớn với các bàn làm việc, không có tường ngăn và ai cũng có thể nhìn thấy ai”, Mike Mika – giám đốc thiết kế – hồi tưởng lại. “Chúng tôi chuyển sang văn phòng với các phòng riêng nhỏ, và khá lo lắng về sự thay đổi này – bạn hẳn nghĩ rằng trong một môi trường sáng tạo thì mọi người sẽ rất ghét nó. Nhưng hoá ra các nhân viên lại thích chui vào một xó và tránh tất cả mọi người.”

Sự riêng tư giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Trong một nghiên cứu thú vị được biết đến với cái tên Trò chơi chiến tranh giải mã, hai chuyên gia tư vấn Tom DeMarco và Timothy Lister so sánh các sản phẩm của hơn 600 lập trình viên máy tính từ 92 công ty. Họ nhận ra rằng các nhân viên trong cùng một công ty thường làm việc với cùng một hiệu suất – nhưng lại có những khác biệt và chênh lệch rất lớn giữa các công ty.

Điều tạo ra khác biệt của các lập trình viên ở những công ty có kết quả tốt nhất không phải là nhiều kinh nghiệm hơn hay lương thưởng hậu hĩnh hơn. Nó liên quan đến việc họ có bao nhiêu không gian cá nhân, bao nhiêu riêng tư và tự do khỏi các tác nhân gây sao nhãng. 62% những người thể hiện tốt nhất nói rằng không gian làm việc của họ đủ riêng tư, trong khi con số này chỉ là 19% với những người có kết quả thấp nhất. 76% lập trình viên kém nhất, nhưng chỉ có 38% những người tốt nhất, nói rằng dù không muốn nhưng họ thường bị gián đoạn trong việc.

Cô độc còn giúp chúng ta học tốt hơn nữa. Theo một nghiên cứu về khả năng làm việc của các chuyên gia bởi nhà tâm lý học Anders Ericsson, cách tốt nhất để thành thạo trong một lĩnh vực đó là làm công việc khó nhất với bạn. Và thường cách tốt nhất đó là làm nó một mình. Chỉ khi đó, Ericsson nói với tôi, bạn mới có thể “trực tiếp tiếp cận những thử thách khó khăn nhất cho bạn. Nếu muốn tiến bộ, bạn phải là người chủ động dấn thân. Hãy nghĩ đến một lớp học mà xem – bạn chẳng mấy khi chủ động làm bất cứ điều gì cả. Toàn là những ai khác bảo bạn phải làm gì với làm gì.”

 Ngược lại, những phiên họp cùng nhau nghĩ ra các ý tưởng (hay còn gọi là các buổi bão não – brainstorming) là cách tệ nhất để kích thích sáng tạo. Sáng kiến của một giám đốc quảng cáo Alex Osborn, người tin rằng các nhóm có thể sản xuất ra những ý tưởng tốt hơn là những cá nhân, – “những phiên họp động não nơi làm việc” – trở nên được ưa chuộng vào những năm 1950. “Những thành tựu thấy được của việc động não theo nhóm là không cần bàn cãi”, Osborn viết. “Một nhóm làm việc có thể sản xuất ra 45 gợi ý cho cách phát triển các thiết bị gia dụng, 56 ý tưởng cho chiến dịch gây quỹ, 124 ý tưởng làm sao để bán được nhiều chăn hơn.”

Song, hàng chục năm nghiên cứu chỉ ra rằng cá nhân làm việc gần như luôn có hiệu suất cao hơn làm việc nhóm cả về chất lượng lẫn số lượng, và hiệu suất nhóm càng thấp khi số người trong nhóm càng cao. “Bằng chứng từ khoa học cho ta thấy các doanh nhân hẳn là phải ấm đầu mới sử dụng ‘những phiên họp động não nhóm’”, nhà tâm lý tổ chức Adrian Furnham viết. “Nếu bạn có những con người tài năng và tích cực, họ nên được khuyến khích để làm một mình – khi mà khả năng sáng tạo và hiệu suất đạt mức cao nhất.”

Lí do khiến việc động não nhóm thất bại cũng bắt nguồn từ vấn đề mà các hình thức làm việc nhóm khác gặp phải. Khi làm việc nhóm, mọi người thường có xu hướng bị động và để những người khác làm hộ. Họ vô thức bắt chước và đồng thuận theo ý kiến của người khác, và mất đi tầm nhìn của riêng họ; và thường chịu áp lực từ phía đồng nghiệp. Nhà thần kinh học trường đại học Emory Gregory Berns nhận ra rằng khi tách bản thân ra khỏi đám đông, chúng ta kích hoạt khối amygdala, một cơ quan của não liên quan đến nỗi sợ bị từ chối. Giáo sư Berns gọi nó là “nỗi đau của sự độc lập.”

Có một ngoại lệ trong những thống kê ảm đạm này, đó là động não nhóm trên mạng, nơi mà nhóm làm việc tốt hơn những cá nhân, và nhóm càng lớn thì hiệu suất càng cao. Chiếc màn hình đã giúp ta loại bỏ rất nhiều vấn đề của làm việc nhóm. Đó là lí do tại sao Internet lại là nơi khởi sinh nhiều sáng tạo tập thể kỳ diệu và thú vị như thế. Marcel Proust gọi việc đọc là “điều kỳ diệu của giao tiếp trong cô độc”, và đó là những gì Internet là – giao tiếp qua việc đọc. Đó là nơi mà chúng ta có thể cùng nhau cô đơn – thứ tạo nên sức mạnh của Internet.

Tôi không cho rằng con người là một hòn đảo. Cuộc sống là vô nghĩa khi chúng ta không có tình yêu, lòng tin, và tình bạn.

Và tôi cũng không gợi ý rằng chúng ta nên thủ tiêu việc nhóm. Ngược lại, nhiều nghiên cứu gần đây nói rằng các công bố học thuật có ảnh hưởng lớn thường được làm bởi các nhóm chứ không phải các cá nhân. (Dù những nhóm có thành viên hợp tác từ xa, từ nhiều trường đại học khác nhau, lại là những nhóm có ảnh hưởng nhất.) Những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải trong khoa học, kinh tế, và nhiều lĩnh vực khác phức tạp hơn trước đây rất nhiều, và chúng ta cần học cách đặt mình vào vị trí người khác nếu chúng ta muốn biết cách giải quyết những vấn đề này.

 

Nhưng cả khi các vấn đề có khác nhau đến đâu, bản chất con người vẫn thế. Phần lớn người trong chúng ta có hai thôi thúc mâu thuẫn: chúng ta yêu và cần những người khác, và đồng thời chúng ta khao khát sự riêng tư và độc lập.

 

Để cân bằng năng lượng tạo ra từ cả hai thôi thúc này, chúng ta cần vượt qua kiểu tư duy nhóm đang thống trị này và tiến tới một cách tiếp cận sáng tạo và học tập cân bằng hơn. Văn phòng của chúng ta nên khuyến khích các tương tác thoải mái, không cầu kỳ câu nệ, đồng thời cho phép người làm có không gian cá nhân và riêng tư mỗi khi họ muốn một mình.

Trường học của chúng ta nên dạy trẻ con cách hợp tác làm việc cùng nhau, và cả cách tự thân chúng làm mọi thứ trong lâu dài. Và trên hết chúng ta phải nhận thức rằng những người hướng nội như Steve Wozniak cần nhiều yên tĩnh và riêng tư hơn để có thể làm tốt nhất công việc của họ.

Trước khi Wozniak bắt đầu với Apple, ông làm một công việc thiết kế máy tính yêu thích ở Hewlett-Packard – một phần bởi vì HP làm mọi thứ trở nên đơn giản hơn khi tương tác với đồng nghiệp. Mỗi ngày vào lúc 10 giờ sáng và 2 giờ chiều, mọi người sẽ quây quần vòng tròn quanh bánh donut và cà phê, nói chuyện và chia sẻ ý tưởng với nhau.

Với Wozniak, sự hợp tác đồng nghĩa với khả năng chia sẻ cùng một chiếc bánh donut và cùng một tần số sóng não với những đồng nghiệp ăn mặc luộm thuộm và thoải mái – những người chẳng buồn đánh giá khi ông biến mất vào căn phòng của riêng ông để hoàn thành nốt công việc.

Trạm đọc 

Theo The New York Times

You may also like

Leave a Comment