Tại sao tôi chỉ nhìn thấy (mọi thứ) qua đôi mắt của tôi mà không phải qua đôi mắt của bạn ? Tại sao tôi là tôi mà không phải bạn ?

by admin

Đây thực ra là một trong những câu hỏi mang tính triết học sâu sắc nhất một người có thể nghĩ đến, và tôi không thật sự chắc liệu tất cả những người trả lời ở đây hiểu ý tưởng đằng sau câu hỏi này một cách đầy đủ.

Cảm ơn vì đã hỏi câu này trên Quora !

Đây là câu hỏi gây rất nhiều sự tò mò, và rất khó để quy ra từ ngữ. “Tại sao Tôi (I) là Tôi (me) ?” quả thực là cách tốt nhất có thể để thể hiện ra bằng lời (1), nhưng nó vẫn không làm sáng tỏ ngay rằng câu hỏi này là về cái gì.

Do tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính của tôi (ND: Nó cũng chẳng phải ngôn ngữ chính của người dịch), truyền tải ý tưởng của tôi qua đấy là rất khó, nhưng tôi sẽ cố hết sức. Song, kể cả khi sử dụng ngôn ngữ chính của tôi (tiếng Nga), cũng không dễ để tôi giải thích được.

Để tôi chia sẻ vài trải nghiệm cá nhân của mình xung quanh câu hỏi này trước đã.

Tôi không nhớ chính xác khi nào tôi tự hỏi “Tại sao mình là mình ?” lần đầu tiên trong đời, nhưng chắc chắn là trước khi tôi lên 5 hay thậm chí trước khi tôi lên 4.

Một trong những ký ức đầu đời liên quan tới câu hỏi này là một lần bất chợt “khám phá” ra rằng mọi người lớn (kể cả bố mẹ tôi) đều . Theo đúng nghĩa đen ! OK, để tôi giải thích. Tôi vẫn còn rất bé (Tôi còn chẳng nhớ mình mấy tuổi, nhưng tôi nhớ mình đang nằm trong chiếc giường dành cho em bé) khi mẹ đến bên giường tôi và bắt đầu nói chuyện với tôi. Phải, tôi có ký ức này ! Và khi tôi nhìn vào mặt mẹ (cụ thể là chú ý vào đôi mắt). Tôi bất ngờ khám phá ra rằng tôi không nhìn thế giới từ vị trí của bà được ! Tôi không thể giải thích tại sao, nhưng khi ấy, tôi kỳ vọng rằng sự xuất hiện của mắt người khác sẽ ngay lập tức cho tôi khả năng nhận thức thế giới từ góc nhìn của họ. Nghe có vẻ hư cấu với các bạn (và cả với “tôi” của hiện tại), nhưng khi ấy tôi chắc hẳn đã không thể hiểu được rằng nhận thức của tôi chỉ là nhận thức “của tôi” – tôi đã mong thứ như “trường nhận thức chung cho mọi người” có tồn tại. Và việc quan sát nhiều hơn và nhiều hơn nữa đã dẫn tôi đến kết luận rằng họ (ND: người lớn) không thể nhìn, mắt họ có thể nói là “trống rỗng”.

Câu chuyện vui đó vẫn chưa đến nỗi như hỏi thẳng “tại sao tôi là tôi ?”, nhưng nó giống như “điều kiện tiên quyết” vậy. Lớn lên (một tí), khi tôi đã sở hữu sự am hiểu “trưởng thành” hơn về thế giới (chẳng hạn như đã biết mọi người đều có thể nhìn; đã biết rằng tôi không phải vẫn luôn tồn tại trước giờ – như tôi từng nghĩ; đã biết rằng trẻ con và người lớn chỉ là các giai đoạn phát triển khác nhau, không phải “những kiểu người khác nhau về cơ bản” – như những gì tôi từng nghĩ là), nhưng vẫn còn đủ non nớt (không quá 4 hay 5 tuổi), câu hỏi này đến với tôi lần đầu. Tôi vẫn chưa có lời nào để diễn tả nó – khi ấy tôi chỉ gọi là câu hỏi này với riêng bản thân. Khá lâu về sau, tôi tìm được những từ ngữ tốt nhất cho nó – đó là “Tại sao tôi là tôi ?” (Câu hỏi gốc trong tiếng Nga là “Почему я это я ?”).

Câu hỏi này quá kỳ lạ, quá khó để giải thích, và chẳng có tí hy vọng nào về việc nó sẽ được trả lời, khiến tôi cảm thấy âu lo và bất lực mỗi khi nghĩ về nó đủ lâu. Thậm chí đôi khi nó còn đáng sợ khi đi sâu vào, nhưng cùng lúc đó, sự tò mò cứ kéo tôi trở lại với điều đó.

Vậy câu hỏi này là gì ? Ở độ tuổi ấy (khi câu hỏi vừa xuất hiện lần đầu), tôi nhận ra mình có ý thức. Tôi sẽ gọi đấy là “cấp độ thứ hai” của ý thức: có ý thức chỉ là cấp độ thứ nhất (nhưng bạn chưa nhận thức rằng bạn có ý thức). Cấp độ hai không chỉ là có ý thức mà còn biết và hiểu rằng bạn có ý thức.

Khi tôi đạt đến “cấp độ hai” này, tôi để ý một điều kỳ lạ không giải thích được (và nó cũng có gì đó kinh hoàng): tôi là “trung tâm” của tri giác, “trung tâm” của ý thức, “trung tâm” của sự tự nhận thức. Đó không phải ai khác, mà là tôi ! Nó khiến tôi cảm thấy tôi là một con người đặc biệt, độc nhất quả đất này ! Tại sao là tôi ? Làm thế nào tôi lại sinh ra là một sinh vật khác biệt như vậy, không như bao người khác ?

Nhưng mặt khác, tôi hiểu sẽ chẳng ai tin rằng tôi đặc biệt nếu tôi dám nói ra cho bất kỳ ai. Vậy nên tôi đã cất giữ khám phá của mình như một bí mật sâu thẳm. Và thật lòng mà nói, là trung tâm độc nhất của nhận thức cũng không đến nỗi tệ lắm ! Nhưng tôi nhận ra mình có lẽ sẽ chẳng thể tìm lời giải thích nào cho sự thật đó – điều đó khá là nản.

Được rồi, đó là lịch sử của câu hỏi này từ riêng tôi. Giờ quay lại từ thời thơ ấu đấy, tôi sẽ chia sẻ những lý luận mới nhất về nó.

Trước khi bắt đầu lý luận, để tôi giới thiệu quy ước tôi áp dụng khi thảo luận chủ đề này:

Tôi sẽ luôn phát ngôn từ phía chính tôi, sử dụng đại từ ngôi thứ nhất. Nhưng khi đọc nó, bạn cần áp dụng vào chính bạn, để mỗi lần bắt gặp đại từ ngôi thứ nhất, bạn xem đó như lời của bạn. Được chưa ? Bắt đầu nào !

Tôi là trung tâm nhận thức trong Vũ trụ. Ít nhất, đó là những gì tôi cảm thấy. Dù tôi biết bất kỳ ai khác cũng cảm thấy tương tự, sự hiểu biết này đến từ hành vi thường ngày. Tôi không thể chắc chắn 100% rằng mọi người đều ý thức. Về lý thuyết, tồn tại khả năng mọi người khác đều là thây ma triết học (xem khái niệm Philosophical Zombie trên Wikipedia): họ hành động như thể có ý thức, và nếu bạn hỏi bất cứ ai rằng họ có ý thức không, họ sẽ không do dự trả lời “có”- nhưng điều đó không chứng minh được người đó có ý thức – họ có thể “được lập trình” để làm vậy. Tất nhiên, đó chỉ là một khả năng trên lý thuyết, nhưng cũng chẳng thể bác bỏ trên khoa học. Về bản thân, tôi hoàn toàn biết rằng tôi có ý thức và không phải một thây ma triết học.

Vậy là có sự khác biệt lơn giữa “tôi” và “người khác” – tôi có thể cảm nhận rất rõ, nhưng khó diễn tả thành lời. Kể cả nếu tôi không tin vào thây ma triết học, và kể cả tôi hoàn toàn bị thuyết phục về mặt logic rằng “người” khác cũng cảm nhận giống tôi, tôi vẫn có “cảm giác” ấy, nó cho tôi biết tôi đặc biệt. “Đặc biệt” ở đây không nhất thiết có nghĩa là “tốt hơn” hay gì – Tôi sẽ không làm ai khó chịu đâu; “đặc biệt” chỉ những sự đặc biệt về mặt vật lý tôi nhận thức được.

Khi tôi nói “tôi là trung tâm của nhận thức”, đó chỉ là cách nói về cảm giác lạ lùng tôi cố miêu tả ở trên. Giờ nghĩ nào: tại sao tâm điểm nhận thức lại gắn với cơ thể tôi mà không phải người khác ? Cụ thể hơn, tại sao tôi sinh ra ở đất nước này mà không phải đất nước khác ? Tại sao trong thành phố này mà không phải cái khác ? Tại sao lại trong gia đình này ? Tại sao lại trong thời đại này ?

Nghĩ về những câu hỏi này một thời gian, tôi tìm ra câu trả lời dễ dàng nhất là thuyết duy ngã. Thuyết duy ngã ở phiên bản mạnh nhất của nó, phủ nhận bất kỳ thực tại vật lý nào (cơ thể vật lý và bộ não của tôi cũng không ngoại lệ) ngoài tâm trí của tôi (hoặc ý thức của tôi). Ý thức của tôi là thứ duy nhất tồn tại, mọi thứ khác là ảo ảnh tạo ra bởi tâm trí.

Tôi có thể đi xa hơn khái niệm cổ điển về thuyết duy ngã, tôi còn có thể phủ nhận thời gian – điều này có vẻ hợp lý (rồi bạn sẽ hiểu tại sao). Thời gian cũng là ảo ảnh được sinh ra bởi ý thức và cụ thể hơn là ký ức của tôi. Không thể chứng minh quá khứ tồn tại – mọi thứ có lẽ chỉ vừa mới xuất hiện, cùng với hiện trạng của ký ức đánh lừa tôi. Cũng chẳng thể chứng minh tương lai tồn tại với lý do tương tự. Tôi biết về tương lai dựa trên trải nghiệm trước đó. Nhưng nếu mọi trải nghiệm trước đây của tôi không là gì ngoài sự đánh lừa từ ý thức, thì khá chắc sẽ không có tương lai (vì không có quá khứ). Tất cả những gì tồn tại là ý thức của tôi ở thời điểm hiện tại. Chấm hết.

Thuyết duy ngã có vẻ trả lời được riêng câu hỏi này. Và mặc dù thuyết duy ngã không thể được xác nhận hay bác bỏ, ở những khía cạnh khác, nó dường như ở một vị thế yếu trong nhận thức luận. Nó tạo ra nhiều câu hỏi hơn những gì nó giải quyết: Điều gì khiến ý thức của tôi tồn tại ? Nếu không có vật chất và não hay nơ-ron, thì ý thức của tôi hoạt động kiểu gì ? Nếu ý thức của tôi là thứ duy nhất tồn tại, tại sao tôi lại không được toàn quyền kiểm soát nó ? Tại sao ký ức tôi bị gian đoạn trong quá khứ (nó có điểm khởi đầu – thời điểm tôi được sinh ra về mặt vật lý) mà không mở rộng vô tận về quá khứ ? Vân vân và mây mây…

Tôi từng nghiêng về thuyết duy ngã trong thời niên thiếu, nhưng về sau phải từ bỏ giả thuyết này (vì những nguyên nhân đã nêu). Nếu không phải thuyết duy ngã, thì là gì ? Một câu trả lời dễ dàng khác cho hiện tượng “trở thành tâm điểm nhận thức” là giả thuyết về thây ma triết học: vật chất tồn tại, cơ thể và bộ não tôi là thật, do đó mọi người xung quanh tôi cũng là thật, nhưng chỉ tôi là người duy nhất có ý thức. Dễ không ? – Dễ ! Có vững về mặt logic không ? Không !

Nếu tôi đồng ý rằng bộ não vật lý của tôi là nguyên nhân dẫn đến ý thức của tôi, việc cho rằng mọi người đều có ý thức (hay ít nhất là một số người có) là hoàn toàn chắc về logic. Khó để chỉ mình tôi có ý thức trong khi cấu trúc não bộ tôi giống người khác. Một lần nữa, đây là một giả thuyết yếu.

Vậy ta hãy đến với giả thuyết mặc định: mọi người đều ý thức, và mọi người đều cảm thấy mình là “tâm điểm nhận thức”. Giải thích thì đơn giản, nhưng nó thất bại trong việc trả lời phần sâu nhất của câu hỏi “tại sao tôi là tôi ?” Bạn có thể lặp lại với tôi cả triệu lần rằng “bất cứ ai cũng thấy như cậu thôi”, và tôi hoàn toàn đồng ý với bạn về logic, nhưng tôi biết một cách trực quan rằng chỉ có một trung tâm nhận thức: tôi, không ai khác cả ! Kho để giải thích bằng lời (khá chắc vậy, vì ngôn ngữ của chúng ta được tạo như phương tiện giao tiếp, do đó nó thiếu những từ ngữ khi nói về những cảm giác về sự độc nhất của một người), nhưng tôi biết rõ những gì mình đang nói.

Đỉnh điểm của cảm giác này (tôi là tâm điểm của nhận thức) là khi tôi nghĩ về điều sẽ xảy ra với tôi sau khi tôi chết. (Tôi không tin vào Chúa hay bất kỳ dạng sống nào sau cái chết – Tôi hứng thú với việc áp dụng tư duy khoa học vào câu hỏi này). Một lần nữa, về lý thuyết tôi hiểu sẽ không có “sau đó” đối với tôi – sẽ có (sau đó) với người khác, nhưng không phải với tôi. Tương tự như không có “trước đó” với tôi (tức là trạng thái ý thức trước khi tôi được sinh ra). Nhưng tưởng tượng ra bằng trực giác là không thể. Và khi tôi cố tưởng tượng ra, tôi lại bám lấy ý tưởng rằng sau khi tôi chết sẽ không còn “tâm điểm nhận thức nữa” – toàn vũ trụ có thể nói là “chìm trong bóng tối”.

Lý luận theo hướng này dẫn tôi đến với hai giả thuyết mới. Không may là chúng trông không hề khoa học. Và không thể nào bác bỏ hay xác nhận chúng. Nhưng khi tôi thử áp dụng chúng, mọi thứ có vẻ rõ ràng về mặt trực quan hơn (ít nhất là với tôi).

Cái đầu tiên tôi tưởng tượng ra, tôi gọi là “đổi tiêu điểm sau khi chết”(2). Ý tưởng của nó như sau: Mọi người đều ý thức, nhưng vì một lý do kỳ bí nào đó, hiện tại tôi mới là người “được tập trung vào” (nếu tôi chấp nhận xem việc chỉ có một “điểm tập trung” duy nhất trong vũ trụ là chân lý – ‘Chân lý’ này là cần thiết để hợp lý hóa câu hỏi kỳ lạ đấy với trực giác của tôi). Khi tôi chết, sự tồn tại sẽ không bị hủy diệt: vẫn sẽ có nhận thức, ý thức và sự nhận biết bản thân, song, nó sẽ đột nhiên chuyển sang người khác. Ví dụ, hãy gọi người đấy là Jack Brown. Cụ thể, khi tôi (<tên tôi>), người đang “là tiêu điểm” không còn tồn tại như thực thể có ý thức, “tiêu điểm” sẽ là Jack Brown từ đó trở đi.

Nhìn thoáng qua, ý tưởng này có vẻ từa tựa ý tưởng về sự tái sinh. Nhưng nó chỉ trông có vẻ từa tựa – thực tế, nó rất khác. 1) Dựa vào ý tưởng về tái sinh, mọi người đều tái sinh sau khi chết; nhưng theo ý tưởng của tôi, chỉ có một người là “tâm điểm” tại bất kỳ thời điểm xác định nào, không hơn. 2) Ký ức của tôi sẽ không được chuyển sang Jack Brown, không có bất kỳ đặc điểm nào phân biệt tôi với người khác. 3) Jack Brown sẽ không nhận ra sự bất thường nào. Nó sẽ giống như “trước kia anh ta không phải “tâm điểm”, từ giờ thì có” – song, toàn bộ ký ức của anh ta sẽ được xây dựng như thể anh ta đã luôn là “tâm điểm” – do đó, anh ta sẽ không hề biết anh ta đã từng “không phải tâm điểm”, cho đến một thời điểm nào đấy.

Vậy là sau khi tôi chết, Jack Brown vẫn sẽ tiếp tục sống như bình thường, nhưng anh ta sẽ là người được tập trung vào kể từ lúc ấy. Cụ thể hơn, tôi tưởng tượng như này: tôi lâm bệnh nặng, tôi biết đời mình sắp tàn. Bác sĩ đang nói gì đấy với tôi, tôi vật lộn để tập trung… “Chào ! Tối gặp lại em nhé !” – Jack Brown nói với vợ trước khi rời nhà đến văn phòng.

Ý tưởng thứ hai được phát triển thêm từ ý tưởng đầu. Tôi gọi nó là “đổi tiêu điểm liên tục”. Nó tương tự cái đầu ở chỗ chỉ có một “tâm điểm nhận thức” trong vũ trụ tại bất kì thời điểm xác định nào. Nhưng có một sự khác biệt rất lớn: không nhất thiết là “tâm điểm nhận thức” phải luôn giữ nguyên !

Xét ví dụ về Jack Brown ở trên, ta thấy anh ta không hề để ý khi tâm điểm chuyển sang mình. Nhưng điều đó có nghĩa, chính điều đó đã xảy ra với tôi ! Tôi không thể chứng minh mình đã luôn là “tâm điểm”, điều duy nhất tôi biết là tôi đang là “tâm điểm” ngay lúc này. Chỉ có ký ức tạo ảo tưởng rằng tôi vẫn luôn là “tâm điểm”.

Có lẽ, trước đó chỉ một khoảnh khắc, “tâm điểm” được gắn với người khác, thêm một khoảnh khắc nữa về trước – lại là một người khác, và cứ tiếp tục như vậy ! Khoảnh khắc tiếp theo nó sẽ được gắn với một người khác nữa – nhưng người đó sẽ nghĩ họ vẫn luôn là “tâm điểm” (chính là những gì tôi đang nghĩ lúc này).

Thêm một ý tưởng triết học để kết thúc câu trả lời dài dòng này.

Ở một khía cạnh nào đấy, ta có thể nói ý thức của con người chính là ý thức của toàn vũ trụ. Đầu tiên, hãy xem xét sự tương tự sau: bạn có tay, chân, tim, phổi, v.v… – Bạn thậm chí còn cảm nhận chúng, nhưng chúng không phải một phần của ý thức của bạn. Phải, chúng vẫn là các bộ phận trên cơ thể bạn – tất cả chúng đều thực hiện các chức năng vật lý khác nhau, sau cùng cũng là để khiến ý thức của bạn hoạt động. Nhưng một lần, nữa chúng không phải là một phần của ý thức bạn ! Tuy nhiên, chúng ta thường không nghĩ theo cách này – chúng ta thường đưa toàn bộ cơ thể vật lý vào khái niệm “Tôi”.

Tương tự, ta có Trái đất, đất liền, đại dương, khí quyển, Mặt trời, Mặt trăng, v.v … Chúng có phải là bộ phận của cơ thể tôi không? – Không. Cơ thể tôi có thể tồn tại về mặt vật lý mà không có chúng không? – Không! Vì vậy, theo nghĩa rộng hơn, toàn bộ Vũ trụ cũng là điều kiện tiên quyết để ý thức của bạn tồn tại. Và, theo nghĩa rộng hơn này, chúng ta có thể kết luận: Vũ trụ có ý thức và tự nhận thức thông qua chúng ta, những thực thể có ý thức.

Bất kể có bao nhiêu thực thể có ý thức, và bao nhiêu hành tinh có sự sống tồn tại trong Vũ trụ, tất cả những thực thể có ý thức đây (không riêng trên Trái đất này) đều hình thành nên ý thức của Vũ trụ. Bộ não của họ/chúng là bộ não của Vũ trụ – Vũ trụ không sở hữu bất kỳ “công cụ tư duy” nào khác ngoài bộ não của những thực thể có ý thức (và chúng là một phần của Vũ trụ). Và thông qua chúng, Vũ trụ khám phá ra chính nó, những quy luật riêng, quá khứ của chính nó và tương lai của chính nó.

Tóm lại, tôi có thể mường tượng rằng có một cơ chế nào đó chưa ai biết, khiến tâm điểm liên tục chuyển từ một thực thể có ý thức sang một thực thể có ý thức khác. Mặc dù cơ chế vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng nó cho phép Vũ trụ “tự quét” từ các vị trí khác nhau của nó trong không gian và thời gian.

——————————-

Chú thích:

(1) Bản gốc của câu hỏi này là “Why I am I me ?”. Theo tác giả, đó là cách tốt nhất để thể hiện câu hỏi này bằng lời trong tiếng Anh (“the best possible wording if we try to put it into English”). Mình bỏ qua cụm cụm “put into English” / “diễn tả bằng tiếng Anh” để phù hợp với văn bản tiếng Việt hơn.

(2) Tác giả bài gốc gọi tên hiện tượng là “post-mortal focus swiching”. Mình nghĩ phải là “post-mortem” mới đúng.

Lời bình của dịch giả:

Mình thấy giả thuyết này thú vị, cũng ảo không kém cái giả thuyết vũ trụ từ quả trứng. Nó có gì đó làm mình nhớ tới MV “Chuyển kênh” của Ngọt, nơi nhân vật chính cũng chuyển kênh qua những nhân vật, sự việc khác nhau (chỉ là không có “góc nhìn thứ nhất”). Song, mình vẫn đang thấy cấn ở đoạn tác giả gốc suy “Vũ trụ cũng là điều kiện tiên quyết để ý thức của bạn tồn tại” -> “Vũ trụ có ý thức và tự nhận thức thông qua thực thể có ý thức” ở gần cuối.

Ngoài ra thì nó vẫn khá hay, nghe như thể vũ trụ thực ra là một người đang ngồi trước một chiếc tivi và xem những bộ phim được quay theo góc nhìn thứ nhất, mỗi bộ là một cuộc đời, một sự sống. Một người là tâm điểm, là mang “góc nhìn thứ nhất” ở kênh này hoàn toàn có thể được nhìn thấy trong tầm mắt – “góc nhìn thứ nhất” của người khác / kênh khác. Người xem mỗi lần chuyển sang kênh khác sẽ thấy một cuộc đời khác, nhưng bộ phim và nhân vật chính vẫn tiếp diễn. Họ không hề biết người xem đã chuyển sang theo dõi mình và nhìn góc nhìn của mình. Họ vẫn diễn, vẫn hành động như diễn biến cốt truyện thôi.

You may also like

Leave a Comment