Cái khoái nhất khi đọc Dám bị ghét là kiểu lật bàn của Alder. Adler có câu hỏi ưa thích cho các bệnh nhân của mình là: “Nếu không có nỗi ai oán này, thì cậu sẽ làm gì với cuộc đời mình”. Nghĩa là thay vì chỉ hỏi nguyên nhân của nỗi đau khổ này là gì, thì câu hỏi thuyết mục đích là: “Ý nghĩa/tác dụng của căn bệnh đó với bạn là gì?”.
Ví dụ 1 chàng trai bị mắc chứng sợ ra ngoài. Câu hỏi “lật bàn” là tại sao cậu ấy không muốn ra ngoài. Vì có thể, miễn là còn mắc bệnh, còn ở lì trong nhà, thì cậu sẽ “có thể chiếm trọn sự chú ý của cha mẹ. Sẽ được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.
Ngược lại, hễ ra khỏi nhà một bước, cậu ta sẽ lẫn vào “số đông” chẳng được ai chú ý. Lọt thỏm giữa những người không quen biết, trở thành một kẻ bình thường hoặc kém cỏi hơn người khác. Và sẽ chẳng được ai nâng niu nữa… ”
1 cô gái thích bộc lộ tình yêu nhưng cứ gặp trai là đỏ mặt. Câu hỏi “lật bàn” là: cô ấy cần bệnh đỏ mặt để làm gì? “Một khi còn căn bệnh đỏ mặt, cô bé có thể lợi dụng lý do “Mình không thể hẹn hò được với cậu ấy là vì bệnh đỏ mặt này” để làm cớ trốn tránh, vậy thì không cần phải lấy can đảm thổ lộ hoặc dẫu có bị từ chối vẫn có thể thuyết phục được mình rằng đấy là lý do. Rồi cuối cùng cô có thể sống trong cái khả năng “Nếu bệnh đỏ mặt mà khỏi, mình sẽ… ”
Hẳn bạn, hoặc những người xung quanh bạn, cũng hay thích ăn mày/sử dụng quá khứ, để dùng nó làm cái cớ hợp lý cho sự trì hoãn/thiếu dũng cảm ở hiện tại.
Nỗi đau khổ đã qua, nhưng bạn vẫn còn quyến luyến, lợi dụng nó, vì nó vẫn còn giá trị sử dụng. Nếu mà bố mẹ tớ khác đi, thì tớ sẽ khác… Ngày xưa mà đỗ FTU, thì giờ tớ đã… Nếu cô ấy còn yêu tớ thì đời tớ đã không như bây giờ… Nếu tớ được như anh ấy, thì…
Vậy nên, thử nghĩ lại những nỗi khổ/dằn vặt/những buồn phiền mà bạn hay thích kêu ca với thế giới. Hãy xem có phải bạn vẫn đang bám lấy nó, thích làm nạn nhân bởi vì nó có giá trị gì với bạn hay không?
Và dám dũng cảm, chính là dám bỏ lối sống ký sinh trùng vào quá khứ vượt lên sự yếu kém của mình 1 cách lành mạnh.
Nguồn: Minh Đào