Tuổi thiếu niên là giai đoạn có nhiều thay đổi cả về tâm sinh lý và xã hội. Giai đoạn tuổi thiếu niên thường được gắn với những điều tràn đầy nhiệt huyết, năng nổ, mạnh mẽ nhưng trên thực tế, buồn bã, u sầu cũng là một quá trình cần phải trải qua ở tuổi thiếu niên.
Việc một người trẻ trở nên buồn bã chưa bao giờ được khuyến khích, nhưng dường như trong một giai đoạn nào đó, những cảm giác tiêu cực có thể được chấp nhận hoặc được xem là rất quan trọng, nhất là trong độ tuổi từ 13 đến 20 tuổi.
Thật khó để có thể hình dung trong vòng 60 năm tới, ta gặt hái được hết mọi thành công và gần như là ổn định trong cuộc sống mà chưa từng bước qua quãng thời gian niên thiếu bất cần, hay hỗn loạn trong tâm tư lẫn suy nghĩ.
Sâu thẳm gốc rễ của giận dữ và những nỗi buồn trong tuổi thiếu niên đến từ việc nhận ra: Cuộc sống vốn dĩ luôn khó khăn, lố bịch và ít thỏa mãn, ít trải hoa hồng hơn chúng ta nghĩ. Theo một nghĩa khác, chúng ta cảm nhận được phảng phất một chút mùi hương của thế giới người lớn. Sự che chở đầy tình thương khi chúng ta còn nhỏ dần sụp đổ – và thế là một thế giới đầy ác ý – nhưng cũng không kém phần quan trọng – được mở ra. Và khi ấy, ta đã vô tình rơi vào giai đoạn trầm mặc của tuổi thiếu niên, nhìn chung quanh và nhận ra không còn một ai có thể hiểu được mình cả.
Điều đó không thực sự đúng. Nhưng tất nhiên, một người có cá tính càng phức tạp hoặc đang trở nên phức tạp hóa thì càng khó được thấu hiểu.Và cũng vì thế mà khi một đứa trẻ đang dần trở thành người lớn, cơ hội để chúng có thể được hiểu, hay có thể nắm bắt được những mâu thuẫn nội tâm, sẽ bị giảm đi đáng kể. Thế nhưng, điều đó lại thực sự cần thiết trong quá trình trưởng thành.
Phản ứng đầu tiên của tuổi thiếu niên thường là: tự cho rằng bản thân mình thật đáng ghét, đáng bị nguyền rủa. Dần dần, chúng ta sẽ hiểu ra, để có được mối quan hệ sâu sắc với người khác là điều có thể xảy ra nhưng cực hiếm. Điều này dẫn đến những bước đi vô cùng quan trọng. Đầu tiên, chúng ta sẽ để dành một mức độ trân quý và biết ơn đến những người thực sự hiểu mình. Thứ hai, chúng ta sẽ nỗ lực khiến bản thân được lắng nghe. Những nỗi buồn trong giai đoạn đầu tuổi thiếu niên sẽ khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tác cho một cá nhân về sau, để họ có thể viết ra một bài thơ, trải lòng vào một cuốn nhật ký hoặc tạo ra một bản nhạc vô cùng ý nghĩa. Những tác phẩm để đời, đầy sự chiêm nghiệm sâu xa trong lĩnh vực nhân văn phần lớn đều đến từ những người trải qua nỗi cô đơn thời niên thiếu – quãng thời gian khiến họ gần như mất kết nối với tất cả mọi người.
Và cuối cùng, cảm giác khác biệt với đám đông, mặc dù có thể khiến ta cảm thấy lạc lõng, nhưng lại là một giai đoạn tất yếu để thế hệ mới bắt đầu có sự cân nhắc và chủ động chọn lọc mọi lời khuyên nhủ, cũng như ảnh hưởng từ những thế hệ đi trước. Nếu như một người đến tuổi 16 mà vẫn cho rằng mọi chuyện đang diễn ra êm đẹp, thì đó quả thực là một kết luận thiếu trải nghiệm và nhạt nhẽo một cách đáng sợ. Từ chối chấp nhận sự điên rồ, sai trái và xấu xa đang diễn ra ngay tại thế giới mình sinh sống là một tiền đề ảnh hưởng đến sự thành công sau này. Dường như, để có thể trở thành một người lớn với vẻ chín chắn thực sự, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở nên khổ sở và vật lộn trong giai đoạn tuổi thiếu niên. Đây là một hành trang cần thiết để một người tiến bước một cách trơn tru về phía trước.
Một nhận thức quan trọng khác ở tuổi thiếu niên đó là khi chúng ta thấy ghét bỏ chính bố mẹ của mình.
Việc đứa con xốc nổi bất thình lình quay lại, dùng một tông giọng bực tức nói rằng chúng ghét bố mẹ, quả thật là một sự “tri ân” to lớn dành cho tình thương và sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, đó không hề là một dấu hiệu bất thường, mà ngược lại, đó là minh chứng cho thấy đứa trẻ đó biết mình đang được yêu thương. Những đứa trẻ bất thường không phải là những cô cậu tuổi teen nổi loạn, thường xuyên trút nỗi thống khổ lên bố mẹ mình, mà là những cô cậu không ngừng lo lắng về việc mình không được thương yêu, và cũng chẳng dám thử để mình mắc sai lầm.
Dĩ nhiên, đôi khi bố mẹ của chúng ta khá là phiền phức. Và việc nhận ra điều đó cũng quan trọng không kém. Chúng ta sẽ chẳng thể lớn lên và trở thành những ông bố,bà mẹ tuyệt vời nếu như không bao giờ phải bù đắp cho những rắc rối, lỗi lầm và thói hư tật xấu của bố mẹ mình.
Một nguồn gốc khác của “nỗi buồn tuổi teen” đến từ những câu hỏi lớn bất chợt ùa vào tâm trí, kể cả câu hỏi:“Mình nghĩ về những chuyện này làm chi vậy nhỉ?” cũng rất quan trọng và đáng để chú ý đến. Những câu hỏi mà những cô cậu thiếu niên đặt ra thường bị cho là xấu hoặc nhạy cảm, nhưng vấn đề ở đây không phải là những câu hỏi đó có được người khác giải đáp hay không, mà là các cô cậu tuổi teen ấy sẽ tự trả lời như thế nào. Cuộc sống này có ý nghĩa gì? Tại sao chúng ta lại phải chịu đựng khổ sở đến thế? Tại sao chế độ tư bản lại không có mức đối đãi cân bằng trong xã hội? Các cô cậu thiếu niên, vốn dĩ là những nhà triết gia lỗi lạc và tự nhiên nhất. Mục đích cuối cùng của giai đoạn thiếu niên không phải là ngừng đặt ra những câu hỏi kỳ lạ như thế, mà là tiếp tục mang những hành trang kiến thức và sự thông minh đó vào đời, xoay quanh những câu hỏi mà chúng ta lần đầu tiên bị ám ảnh năm 17 tuổi.
Điều cuối cùng, và cũng thương tâm nhất, đó là chúng ta ở độ tuổi đó, thường tự căm ghét chính mình. Chúng ta ghét vẻ ngoài của mình, cách người khác nhìn chúng ta và cách chúng ta nói chuyện. Cảm giác như mọi thứ hoàn toàn đi ngược lại với sự yêu thương, nhưng thật ra, cảm giác cô lập, hay khoảnh khắc “tự kỷ” này lại là xuất phát điểm của tình yêu. Đến một ngày nào đó, những cảm giác này sẽ khiến chúng ta ngất ngây khi nhận ra có người thực sự yêu thương mình một cách bất chấp, bao dung cả những khuyết điểm đã từng khiến chúng ta tự ti. Sự dịu dàng, yêu thương sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như không có những khoảnh khắc yếu đuối khiến chúng ta, mỗi đêm, tự bật khóc đến ướt cả gối nằm.
Điền Nguyên | Theo theschooloflife.com