Có thể, chúng ta đã lớn lên với niềm tin rằng, miễn là chúng ta đang ý thức thì có nghĩa tâm trí chúng ta đang hoạt động tốt. Thế nhưng, những căn bệnh tâm lý dạy chúng ta một bài học phức tạp hơn cả : Đó là tâm trí lực của chúng ta (những thứ cho phép chúng ta nhìn vào thực tế), tất cả đều cực kỳ yếu ớt và dễ bị dập tắt bất cứ lúc nào dưới sự tra tấn đầy nguy hiểm của những cơn rối loạn mà không hề được báo trước.
Sẽ rất là bất lịch sự, thậm chí kỳ cục nếu như cho rằng bộ não của tất cả chúng ta, sau khi rơi vào hố sâu của bệnh tâm lý, đều mất đi khả năng tư duy. Dĩ nhiên nó sẽ không mang cảm giác như vậy. Thực chất là ở bên trong, tâm trí của chúng ta chưa bao giờ vướng bận và tập trung đến thế. Vào một buổi sáng, chúng ta thức dậy cùng với cơn hoảng loạn và đột nhiên cảm thấy chán ghét bản thân mình. Chúng ta bắt đầu dày vò và những suy nghĩ sợ sệt cứ thế lặp đi lặp lại. Chúng ta mường tượng ra những viễn cảnh xấu xí, dò xét quá khứ, hoặc tệ hơn là tự hành hạ chính mình vì những điều đã trót làm hoặc chưa bao giờ làm. Chúng ta tự chất vấn lòng chính trực của mình, nói ra những điều kinh tởm với chính bản thân và bị buộc phải tập trung vào tiếng nói kỳ lạ trong đầu, bị nó thuyết phục rằng chúng ta thực ra là những kẻ quỷ quyệt bệnh hoạn và xứng đáng với những điều tồi tệ nhất trên đời.Và nguy hiểm hơn, chúng ta sẽ băn khoăn không biết có nên tự sát hay là không??. Tâm trí sẽ không cho phép chúng ta nghỉ ngơi, chúng ta có thể xoa bóp thái dương như một cách để khuyên nhủ cơn rối loạn đi xuống, và khi đã gần như chìm vào giấc, chúng ta bị kiệt sức bởi những ý nghĩ rối rắm chạy vòng quanh, hùng hục như thể một cuộc chạy đua marathon đường dài.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể muốn giữ nguyên khẳng định (bởi những lý do tử tế và đúng đắn nhất) đó là khi rơi vào cái bẫy này, chúng ta sẽ không thực sự suy nghĩ gì cả, bởi nó chẳng xứng đáng được gọi là “suy nghĩ” bất kể tâm trí có đang náo nhiệt đến mức nào, mà sự dày vò mà chúng ta đang trải qua, thực chất là một căn bệnh.
Làm thế nào để biết được chúng ta đang mắc một căn bệnh tâm lý?
Đó là khi chúng ta bị nhấn chìm vào vũng lầy của nỗi sợ hãi thầm kín, chán ghét bản thân và tuyệt vọng – cảm giác giống như chúng ta đang bị đẩy trôi bởi con sóng dữ ngoài biển khơi, cuốn chúng ta ra khỏi trạm kiểm soát của chính mình – tống khứ đi gần như tuyệt đối mọi năng lực của tâm trí, thậm chí là làm mất đi khả năng tự phân biệt của chúng ta, khiến chúng ta lẫn lộn mọi thứ, không những vậy, những khả năng như tự tìm kiếm quan điểm, đưa ra những lời tranh luận thấu đáo nhất, để thấy cả rừng lẫn cây, hay khả năng tự đánh giá mối nguy hiểm, tự lập ra một kế hoạch thực tế cho tương lai, tự cân đo đong đếm cơ hội cũng như rủi ro, và quan trọng nhất là khả năng yêu thương và khoan hồng cho bản thân của chúng ta. Tất cả, dường như đều bị cuốn đi sạch sẽ dưới con sóng của bệnh tâm lý.
Không một khả năng của trí lực nào có thể tồn tại được lâu, thế nhưng – đây lại là điều khủng khiếp nhất của bệnh tâm lý – chúng ta dường như không hề được cảnh báo hay ý thức được rằng chúng ta đang dần mất đi lý trí của mình. Bởi khi ấy, chúng ta đã bị mắc bệnh và trở nên lơ đãng dần dần. Mặc dù nó có thể vẫn mang lại cho chúng ta cảm giác ấy, rằng chúng ta vẫn đang suy nghĩ như chúng ta đã từng – bằng mọi sự thông minh và tỉnh táo vốn có – nhưng đây thực chất là điều mà chúng ta nên để tâm đến. Tâm trí của chúng ta sẽ không dừng lại ở một giây phút nào để từ tốn nhắc nhở chúng ta rằng : đã đến lúc cần nhìn vào thực tế bằng chút sáng suốt còn lại, rằng nó sẽ khiến cho chúng ta – vào một lúc nào đó trong ngày – gần như kiệt quệ hoàn toàn. Sẽ không hề có một hồi chuông cảnh báo hay một tia chớp sáng lóa nào. Tâm trí vẫn cứ tiếp tục đánh lừa chúng ta, khiến chúng ta tin rằng mình vẫn còn đang suy nghĩ bình thường, nhưng thật ra – theo nghĩa khách quan nhất – chúng ta đã rơi vào hố sâu của bệnh tâm lý.
Và phải, sự thật là chúng ta gần như đã mất đi khoảng ba phần tư khả năng điều khiển tâm trí mình và đang thu gom lại những ý tưởng sáng suốt còn lại, phần nhiều đến từ những ngóc ngách bị suy thoái trầm trọng, những ám ảnh và suy nghĩ không đáng tin cậy, thậm chí độc ác ở bản thân mình. Nó giống như thể một hội nhóm khủng bố nào đó đã tròng vào người thứ áo bào màu trắng, đóng giả những nhà khoa học lỗi lạc và đưa ra những học thuyết tiên lượng ác ôn nào đó vậy.
Một khi chúng ta đã qua khỏi cơn tra tấn, rời xa vòng lặp của những suy nghĩ méo mó đến ám ảnh, và trở lại với hiện thực tỉnh táo, chúng ta hãy nên nhẹ nhàng chấp nhận sự thật rằng – ngay cả trong cơn suy sụp – đó là chúng ta sẽ mất quyền kiểm soát khả năng vận hành trong suy nghĩ của mình và chẳng có gì là đáng xấu hổ khi thừa nhận tình trạng tồi tệ đang xảy ra và học cách thích nghi với chúng cả. Chúng ta cần phải hiểu, đây chính là bản chất của bệnh tâm lý nói chung, ý thức được nó chính là những bước đầu tiên đưa chúng ta đến với những cách chăm sóc bản thân hiệu quả nhất.
Để chiến đấu với bệnh tâm lý, chúng ta cần những gì?
Chúng ta cũng nên dần làm quen với việc nắm bắt khi căn bệnh đang chuẩn bị tấn công, xác định được điều gì khiến chúng trỗi dậy. Để khi cơn suy sụp ập xuống đầu, chúng ta sẽ không cần phải làm gì nữa cả. Chúng ta không cần phải bắt đầu gửi từng bức email trong tâm trí, phán xét về cuộc sống, ý nghĩ hay kế hoạch về tương lai của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta nên – càng nhiều càng tốt – dừng lại hết mọi hoạt động và nghỉ ngơi. Ví dụ như bật lên playlist để nghe nhạc, nhúng mình trong bồn tắm thật lâu, hoặc xem một bộ phim nhẹ nhàng trên TV và nếu muốn, thì vài viên thuốc an thần cũng sẽ chẳng sao cả.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên để tâm tư trong bộ não của mình được phép kết nối, “sạc” với “phích cắm” của một người nào đó, để được họ truyền vào sức mạnh từ lý trí. Chúng ta nên có một bác sĩ tâm lý, hoặc ít nhất, là một người bạn đáng tin cậy để chúng ta có thể tìm đến vào những thời điểm đó và hỏi thăm liệu họ có thể giúp khởi động hoặc điều chỉnh lại suy nghĩ của mình bằng chính mũi tiêmthông thái và hiểu biết của họ hay không. Chúng ta cũng nên sẵn sàng, để tinh thần mình được thoải mái khi trao cho họ quyền tự quyết về mọi việc xảy ra với chúng ta : họ mới là người được phép nói với chúng ta rằng, chúng ta xứng đáng với điều gì, chúng ta đã làm gì, hay chúng ta hãy nên lo lắng về điều gì – và sau đó, chúng ta nên làm hết sức để dập tắt những ý nghĩ trái ngược, đày đọa và trĩu nặng bên trong mình.
Có thể, chúng ta đã lớn lên với niềm tin rằng, miễn là chúng ta đang ý thức thì có nghĩa tâm trí chúng ta đang hoạt động tốt. Thế nhưng, những căn bệnh tâm lý dạy chúng ta một bài học phức tạp hơn cả : Đó là tâm trí lực của chúng ta (những thứ cho phép chúng ta nhìn vào thực tế), tất cả đều cực kỳ yếu ớt và dễ bị dập tắt bất cứ lúc nào dưới sự tra tấn đầy nguy hiểm của những cơn rối loạn mà không hề được báo trước.
Suy cho cùng, tất cả chúng ta nên học cách trở thành những nhà tư duy, những người đủ khôn ngoan để nhận ra rằng, ở một lúc nào đó – dù rất muốn – chúng ta sẽ không còn có thể tư duy được nữa.
* Bài viết có sử dụng hình ảnh của Steven Herbers Graphic Designer & Illustrator tại Artstation.com,
Điền Nguyên | The School of Life