Tản mạn về làm thuê và làm chủ

by admin

Thời gian gần đây, cụm từ “tinh thần khởi nghiệp” nổi lên như một trào lưu, được báo chí nhắc đến thường xuyên, khuyến khích mọi người nên khởi nghiệp, nhất là người trẻ.

Trở thành người làm chủ là một điều hấp dẫn. Nhưng có thực sự là ai cũng nên phấn đấu để trở thành một người chủ?

Dưới đây là đôi dòng suy nghĩ của mình về “làm thuê”, “làm chủ”. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của mọi người về vấn đề này.

Về làm chủ, có rất nhiều cách để nhìn nhận một người có phải là đang làm chủ không. Có thể là làm chủ một công ty, doanh nghiệp; làm chủ một đồn điền; một Freelancer làm chủ bản thân; ngay cả đến một người bán phở, thợ sửa xe… cũng được coi là làm chủ.

Quay lại với “tinh thần khởi nghiệp”, đã có lúc mình thấy khởi nghiệp nổi lên như một “hot trend”. Mình là từng nghe được lời khuyên rằng (không phải cho mình):

“Cứ ra khởi nghiệp đi, thất bại vài lần, rồi sẽ thành công”…

Đa số những lời khuyên này được đưa đến những người trẻ, phần đông là dành cho những người đã ra trường, đi làm được 1, 2 năm…

Thế nhưng, thành công với khởi nghiệp đâu phải ai cũng làm được.

Có được đam mê khởi nghiệp từ sớm là tốt. Nhưng nếu đam mê không thì không đủ. Khởi nghiệp đòi hỏi còn phải có cả kiến thức, tầm nhìn, đội nhóm và tỉ tỉ thứ liên quan.

Mình có một cậu em, cậu đam mê khởi nghiệp lắm. Ngay từ sớm đã muốn làm chủ. Cậu xây dựng một brand riêng, bán hàng bằng đam mê của mình. Nhờ bạn bè giúp đỡ, làm mẫu ảnh, feedback,… cũng muốn đưa brand của mình ra xa và lớn.

Nhưng đam mê ấy của cậu cũng nhanh chóng “lụi” khi mà số quần áo của cậu không bán được. Brand xây dựng hơn 1, 2 năm mà không ai biết đến. Có chăng cũng chỉ là mấy người quen.

Cậu ra kinh doanh, xây dựng Brand mà không xác định rõ hướng đi của mình là gì? Không học hỏi cách tiếp thị như thế nào, chăm sóc khách hàng ra sao,… Đến bây giờ thì dự án dừng rồi…

Trở thành người làm chủ, được gọi là “ông nọ”, “bà kia” thì cũng thích đấy. Tuy nhiên, nhiều người hay có suy nghĩ “mình sẽ hạnh phúc, tự do… khi được làm chủ”. Việc đặt kỳ vọng cao, không tìm hiểu kỹ khi trở thành người “muốn làm chủ” dễ dàng làm họ mất đi cái tinh thần vốn có.

Thử hỏi những người đã làm chủ thành công, thực sự hạnh phúc có đến khi họ trở thành người chủ.

Trở thành một người làm chủ đồng nghĩa cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn: Kinh doanh chắc chắn sẽ có rủi ro. Bản thân phải có trách nhiệm lớn hơn với tài chính, nhân viên, khách hàng, dòng tiền… Phải học hỏi nhiều thứ: HR, tiếp thị, bán hàng, giấy tờ, luật pháp… và quan trọng hơn là biết ứng dụng nó vào thực hành. Thế nên nhiều người thường sẽ ra làm chủ, sau khi làm thuê một thời gian đủ dài, và BẢN THÂN HỌ thấy đã SẴN SÀNG đối mặt với những khó khăn khi trở thành người chủ.

Bù lại, trở thành người làm chủ cũng có nhiều mặt lợi: Được làm đúng công việc mình yêu thích. Được kiểm soát doanh nghiệp của mình. Tự do hơn trong việc lựa chọn dự án. Tạo được cơ hội giúp đỡ những người xung quanh…

Quay lại với người làm thuê.

Thường được coi là những người “sáng xách cặp đi, tối xách cặp về”. Nhiều người ám ảnh làm chủ mà đánh giá thấp “tinh thần làm thuê”. Trở thành người làm 8 tiếng một ngày, sáng đi tối về, trở nên kém hấp dẫn. Những người làm thuê lâu năm, gắn bó với doanh nghiệp bị ví von như “con cừu” của Santiago (nhà giả kim) – không có mục đích sống.

Nhưng sự thực thì không phải vậy.

Có những người làm thuê cho công ty vì họ MUỐN được như vậy. Công việc họ làm đúng như mong muốn của họ. Và họ cũng sẵn sàng đóng góp để giúp công ty phát triển hơn nữa.

Có những người làm thuê tài giỏi, số tiền họ nhận được nhiều hơn số tiền những người làm chủ.

Lại là cậu em mình. Cậu ta có một người bạn, không thân thiết lắm, nhưng cùng chung kiểu công việc. Cậu kia làm cho một shop lâu năm rồi. Với “thâm niên” và “kinh nghiệm”, số tiền lương của cậu cũng tăng lên theo thời gian. Đến giờ là hoàn toàn tự lập về tài chính, không còn phụ thuộc vào phụ huynh. Cậu đem lại doanh thu cho cửa hàng, cửa hàng trả cho cậu số tiền nhiều hơn. Và cậu thích thế. Có thể cậu sẽ còn gắn bó với nó lâu dài trước khi chuyển sang một dự định mới.

Nhiều người làm thuê cũng tự do hơn người làm chủ. Họ cũng có những con số mục tiêu của mình, nhưng nó không quá áp lực bằng người làm chủ. 8 tiếng làm một ngày, có thể tăng ca nếu muốn, ngoài thời gian làm việc ấy, họ có nhiều thời gian hơn cho bản thân, gia đình, thú vui của mình. Nhiều người làm chủ không có được thời gian ấy, trong đầu sẽ luôn xoay quanh công việc, công việc và công việc.

Bản thân mình cũng thích coi người làm thuê cũng tương đương với người làm chủ. Họ kinh doanh “chất xám”; người chủ là khách hàng của họ. Họ chọn người chủ mình thích để bán cho.

Và nếu nhìn nhận theo góc độ này, làm thuê cũng là một dạng làm chủ – làm chủ bản thân. Thế nên, mình coi mỗi người đều là một người chủ, theo từng cách riêng của họ.

Vậy nên, trở thành ông nọ, bà kia không phải là con đường cho tất cả mọi người. Có người có thể làm chủ; có người phù hợp trở thành “nhân viên ưu tú” (mà những người làm chủ muốn săn đón).

Phấn đấu trở thành người làm thuê hay làm chủ cũng được. Chỉ cần hiểu rõ bản thân mình đang ở đâu, mạnh gì, yếu gì và quan trọng là biết mình MUỐN GÌ. Rồi cứ cố gắng theo con đường mà mình đã chọn.

You may also like

Leave a Comment