Gần 1500 năm mới lại có một người từ đất Quan Trung lên ngôi “hoàng đế” Trung Quốc. Người trước là Tùy Văn Đế Dương Kiên (sáng lập nhà Tùy năm 581). Trong thế kỷ 20, hầu hết các lãnh đạo cao cấp của TQ đều xuất thân ở miền Nam (phía nam sông Trường Giang). Tư tưởng của Tập Cận Bình, một người miền Bắc, là muốn khôi phục vị trí thống trị của văn minh Hoa Hạ trước đây mà ông mô tả rằng “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc”.
Tập Cận Bình sinh năm 1953, quê quán tại Thiểm Tây. Tổ phụ họ Tập ở Hà Nam. Thiểm Tây, Hà Nam đều là nơi phát nguyên nền văn minh Trung Quốc, nơi lưu dấu vết của Hoàng Đế Hạ Vũ (ông tổ của Hoa Hạ – nền văn minh TQ). Các triều đại Hạ, Thương, Chu, Tần, Hán, Tuỳ, Đường, Tống đều đóng đô ở một trong hai nơi này. Người Thiểm Tây rất khỏe, cao lớn, quân Tần xưa được mệnh danh là “đội quân hổ báo”, khiến quân chư hầu Quan Đông (Bình nguyên Hoa Bắc) nghe thấy gió là bỏ chạy.
Cha của Tập Cận Bình, Tập Trọng Huân, là một lãnh đạo Cộng sản đảng tại Thiểm Tây, 15 tuổi gia nhập ĐCS, năm 21 tuổi đã làm Bí thư Biên khu Thiểm Cam (Thiểm Tây – Cam Túc). Năm 1935, khi các cánh quân chủ lực của cộng sản TQ bị quân Quốc Dân Đảng truy đuổi, đã lần lượt rút chạy lên Thiểm Tây trú ẩn, biến Thiểm Tây thành căn cứ địa đầu não của Cộng sản TQ trong suốt thời Chiến tranh Trung – Nhật và Nội chiến Trung Quốc (Đảng cộng sản TQ và Quốc Dân Đảng). Khi đó “Tập cha” là một lãnh đạo Tập đoàn Dã chiến quân Tây Bắc, cánh quân do Nguyên soái Bành Đức Hoài làm Tư lệnh.
Sau khi lập quốc, Tập Trọng Huân và các lãnh đạo Cộng đảng TQ khác từ những hang động vùng cao nguyên hoàng thổ ở Thiểm bắc đã lần lượt dọn về sống trong Trung Nam Hải, nơi ở của các hoàng đế Trung Hoa trước kia. Tập Cận Bình được sinh ra tại đây.
Tập Trọng Huân làm Phó thủ tướng kiêm Tổng thư ký Quốc vụ viện (Chính phủ) cho đến năm 1962 thì bị buộc tội là đã cầm đầu một nhóm chống đảng do ủng hộ cuốn tiểu thuyết viết về Lưu Chí Đan, và bị mất tất cả các chức vụ lãnh đạo. Cuốn tiểu thuyết này do em dâu Tập Trọng Huân là Lý Kiến Đồng viết để tưởng niệm Lưu Chí Đan, người đã hy sinh vào năm 1936. Tiểu thuyết bị cho là một nỗ lực ngầm nhằm lật đổ chính quyền Mao Trạch Đông bằng cách phục hồi danh dự cho Cao Cương, một lãnh đạo từng có công xây dựng căn cứ địa Thiểm Tây nhưng đã bị thanh trừng vào năm 1954 bởi Mao và Đặng Tiểu Bình. Tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” về sau còn trở thành chứng cứ phạm tội của “Tập đoàn phản đảng Bành Đức Hoài, Cao Cương, Tập Trọng Huân”. Bộ tiểu thuyết này cũng làm liên lụy đến hơn 100 cán bộ kỳ cựu của Dã chiến quân Tây Bắc và nhân viên biên tập của nhà xuất bản. Tập Trọng Huân vì vụ này mà bị đánh đổ, giam cầm trong suốt thời gian 16 năm liền.
Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Tập Trọng Huân bị Hồng vệ binh bắt đeo tấm bảng ghi dòng chữ “Phần tử phản Đảng – Tập Trọng Huân” ở trên cổ và đi “diễu hành” trên phố, sau đó bị ngược đãi, bỏ tù, lao động cải tạo trong một thời gian dài ở Bắc Kinh và Hà Nam. Khi Cách mạng văn hóa nổ ra (1966), Tập Cận Bình mới 13 tuổi, đã nói mấy câu phản đối cuộc vận động này và bị chụp mũ “phần tử phản cách mạng”, bị liệt vào thành phần “đối lập với đảng”, rồi bị nhốt và bị đấu tố trong trường đảng trung ương.
Khi đã nắm chắc phần thắng và loại bỏ hết những người chống đối, và cũng do lo ngại sự bạo loạn của Hồng vệ binh đe dọa tới nền tảng chính trị của đảng cộng sản TQ, tháng 12 năm 1968 Mao Trạch Đông quyết định đưa các trí thức trẻ (nhiều người trong số đó là Hồng vệ binh) về những vùng nông thôn để “học tập”. Hàng trăm ngàn trí thức trẻ, học sinh, sinh viên sống ở các thành phố phải bỏ dở việc học hành để đi về các vùng nông thôn để sống, lao động và học hỏi kinh nghiệm của những người công nhân và nông dân. Trong số đó có Tập Cận Bình. Tháng 1 năm 1969, Tập tham gia đại đội thanh niên lao động tại thôn Lương Gia Hà, xã Văn An Dịch, huyện Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây. Tập con phải sống trong hang núi, tập ghánh phân, trồng rau, chăn lợn, vác cuốc ra đồng như những nông dân thực thụ. Trải qua 7 năm sống gian khổ và rèn luyện đã ảnh hưởng lớn tới tư tưởng và sự nghiệp chính trị sau này của Tập Cận Bình. Khoảng thời gian sống ở nông thôn Thiểm Tây, cái nôi của văn minh Hoa Hạ, “thánh địa” của cộng sản Trung Hoa, đã trở thành vốn liếng chính trị quý giá đối với vị “hoàng đế” tương lai.
Tháng 1 năm 1974, Tập Cận Bình gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó được phong làm Bí thư Chi bộ Đảng của đại đội sản xuất thôn Lương Gia Hà. Đến năm 1975, Tập con được trở về Bắc Kinh và học tại Đại học Thanh Hoa.
Sau khi Mao Trạch Đông chết, Cách mạng Văn hóa cũng kết thúc. Người kế nhiệm Mao là Hoa Quốc Phong đã liên thủ với nguyên soái Diệp Kiếm Anh (chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ) và Tư lệnh cảnh vệ trung ương Uông Đông Hưng để bắt gọn “Tứ nhân bang”(gồm Vương Hồng Văn phó chủ tịch đảng CS TQ, Trương Xuân Kiều phó thủ tướng, Diêu Văn Nguyên phụ trách tuyên truyền và Giang Thanh – vợ Mao). Với việc Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Đặng Tiểu Bình nắm quyền lãnh đạo, những người bị thanh trừng trong cách mạng văn hóa bắt đầu được phục hồi, trong đó có Tập Trọng Huân.
Năm 1979, Diệp Kiếm Anh đề cử Tập Trọng Huân về làm Bí thư tỉnh Quảng Đông, và giao trách nhiệm phát triển Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến. Quảng Đông là quê hương và được coi là “căn cứ địa” của gia tộc Diệp Kiếm Anh – chiến hữu thân thiết và là người đỡ đầu cho Tập Trọng Huân quay lại chính trường. Tháng 9/1980, Tập Trọng Huân được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội khoá 5. Tháng 6/1981, trở thành Bí thư Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12. Đến tháng 4/1988, Tập Trọng Huân lại được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội khóa 7.
Cùng với việc các nguyên lão từng bị đánh đổ trong CMVH được phục hồi công tác, các “thái tử đảng” cũng được đưa về các địa phương để thử thách trước khi “hồi kinh” để giữ những cương vị cao hơn. Trong số đó có Tập Cận Bình, Bạc Hy Lai, Lưu Nguyên, Vương Kỳ Sơn (trợ thủ số 1 của Tập trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” sau này), Trương Cao Lệ …
Tình hình trở nên bất lợi với Tập Trọng Huân sau khi nguyên soái Diệp Kiếm Anh qua đời năm 1986. Tập phản đối quyết định bãi miễn Tổng bí thư Hồ Diệu Bang của Đặng Tiểu Bình năm 1987. Trong sự kiện Thiên An Môn 1989, Tập Trọng Huân thuộc trong số những lãnh đạo đã phản đối cuộc đàn áp sinh viên, cùng với Tổng bí thư Triệu Tử Dương và Chủ tịch quốc hội Vạn Lý. Nhưng phe cứng rắn, gồm “Bát đại nguyên lão” (nhóm lãnh đạo lão thành của ĐCSTQ, nắm quyền lực thực tế tại TQ trong thập niên 80 và đầu 90) trong đó cầm đầu là Chủ tịch quân ủy Đặng Tiểu Bình, Chủ tịch nước Dương Thượng Côn, Chủ tịch chính hiệp Lý Tiên Niệm, đã thắng thế.
Ngày 30/10/1990, Tập Trọng Huân có lần cuối cùng tham dự phiên họp Quốc hội TQ trên cương vị Phó chủ tịch QH. Khi cuộc họp kết thúc, Tập đứng lên có bài phát biểu kéo dài 1 tiếng đồng hồ nói về “bất đồng chính kiến”. Ngày hôm sau, Trung ương ĐCSTQ ra thông báo Phó chủ tịch QH Tập Trọng Huân “bị bệnh, phải đi miền nam nghỉ dưỡng”. Kể từ đó, Tập cha rút lui khỏi chính trường TQ dù nhiệm kỳ của ông tới tháng 3/1993 mới mãn nhiệm.
Sự “ngã ngựa” lần thứ 2 của Tập Trọng Huân không ảnh hưởng tới quan lộ của Tập Cận Bình. Như một thỏa thuận ngầm, dưới thời cai trị của Đặng Tiểu Bình, các đối thủ chính trị không bị bức hại và con cháu không bị ảnh hưởng, không giống như thời cách mạng văn hóa. Đối thủ chính trị của Đặng là Hoa Quốc Phong thậm chí còn giữ ghế Ủy viên trung ương tới tận năm 2002, dù Hoa đã bị lật đổ từ năm 1978. Anh em Dương Thượng Côn (cựu Chủ tịch nước) và Dương Bạch Băng (Chủ nhiệm Tổng cục chính trị) bị Đặng lật đổ trong một vụ chính biến năm 1992, cũng được hạ cánh an toàn.
Thời gian Tập cha đi “dưỡng bệnh”, Tập Cận Bình đang công tác tại tỉnh Phúc Kiến. Khi còn ở địa phương, Tập Cận Bình xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo giản dị và hành xử rất thận trọng. Sự kín đáo, thận trọng và lý lịch đỏ của Tập Cận Bình khiến các phe phái trong Cộng đảng TQ đánh giá cao. Tập Cận Bình dần chiếm được ưu thế trước những đối thủ như Bạc Hy Lai – một thành viên “thái tử đảng” như Tập nhưng thích phô trương, chủ trương phục hồi lại cách mạng văn hóa và Bạc làm mếch lòng nhiều người. Một đối thủ khác của Tập là Lý Khắc Cường, người thuộc phe “Đoàn phái” (Đoàn Thanh niên) và được cả Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo bảo trợ. Ban đầu Lý chiếm ưu thế, nhưng Tập được sự ủng hộ của đông đảo nhân vật thuộc thế hệ “Hồng nhị đại” – đại diện cho thế hệ thứ hai của giới lãnh đạo CSTQ.
Đặc biệt là cũng giống như cha mình, Tập Cận Bình được sự ủng hộ tích cực của gia tộc Nguyên soái Diệp Kiếm Anh ở Quảng Đông. Diệp Tuyển Ninh (con trai thứ của Diệp Kiếm Anh) từng đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc và là một thương nhân thành đạt, đã ra sức vận động cho Tập Cận Bình. Truyền thông Hoa ngữ từng gọi Diệp Tuyển Ninh là “lãnh đạo tinh thần” của con cháu các quan chức cấp cao có ảnh hưởng lớn trong đảng CS TQ. Diệp Tuyển Ninh có khả năng xuất sắc trong việc dàn xếp lợi ích giữa các thế lực và tận dụng tối đa các mối liên hệ cá nhân trong khắp chính trường, quân đội, khu vực doanh nghiệp và cộng đồng người Khách Gia – cộng đồng những người dân tộc Hán cổ ở miền nam Trung Quốc di cư từ miền bắc, có ảnh hưởng rất lớn. Diệp cũng được cho là đóng vai trò vận động tích cực ở hậu trường để giúp Tập Cận Bình thuận lợi nắm quyền. Sự cạnh tranh và kiềm chế giữa 2 phe Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng đẩy lợi thế về cho Tập Cận Bình – người mà 2 phe kia tin rằng không quá nổi bật và không phe phái.
Tại Đại hội 17 của ĐCS TQ (2007), Tập Cận Bình được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (đứng thứ 6), Bí thư Ban Bí thư Trung ương kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Do cả 5 người xếp trên Tập đều sẽ nghỉ hưu sau khi hết nhiệm kỳ, Tập coi như đạt được vị trí lãnh đạo kế thừa. Đến Đai hội 18 ĐCS TQ (2012), Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư, và từ đó dần đạt tới đỉnh cao quyền lực …