TẬP CẬN BÌNH ĐÃ VÀ ĐANG NUÔI DƯỠNG MỘT HÌNH THỨC XẤU XÍ CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC TRUNG QUỐC

by admin

Lược dịch từ tạp chí The Economist, số ra ngày 16/07/2022

“Abe đã chết và đó là tất cả câu chuyện”, một người dùng mạng xã hội có biệt danh là Zhang Beihai viết lên trang Weibo cá nhân có 2.6 triệu lượt theo dõi, một nền tảng giống như Twitter. “Hắn ta đáng phải chết”. Một người dùng Weibo khác còn hằn học hơn: “Nguyên cả gia đình hắn ta cũng đáng phải chết”. Vụ ám sát cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vào 08/07 đã tạo nên một làn sóng phản ứng ăn mừng trên suốt các nền tảng trực tuyến ở Trung Quốc, nơi mà ông bị chỉ trích rộng rãi, “Tin tức nóng hổi đây!”. “Giờ thì Abe Shinzo đã đi gặp cựu tổng thống Mỹ John F. Kennedy rồi”.

Nhật Bản là mục tiêu chung của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở trên các nền tảng kỹ thuật số và trực tuyến. Ngay từ khi còn nhỏ người Trung Quốc đã được dạy để căm phẫn Nhật Bản bởi vì các cuộc xâm lược vào thập niên 30s và thập niên 40s của thế kỷ trước, đồng thời cũng vì những hành động tàn bạo mà quân đội Nhật Bản đã gây ra. Cựu thủ tướng Abe bị ghét bởi vì ông đã có lần viếng thăm đền Yasukuni ở Tokyo – nơi mà tội phạm chiến tranh được tôn thờ và do ông thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan – nơi mà Trung Quốc coi nó như là một vùng lãnh thổ của mình. Một bình luận trên Weibo bảo rằng cô ta sẽ rất vui mừng nếu cả nước Nhật chìm xuống đáy đại dương sâu thẳm.

Nhưng Nhật Bản cũng chỉ là một trong nhiều đối tượng của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc khinh miệt nước Mỹ, toàn bộ đồng minh của Mỹ và thêm cả những người Trung Quốc mà họ coi là đám “thân phương Tây”. Những lời chửi rủa, mạt sát thậm tệ của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc ít khi phải chịu sự kiểm duyệt thường thấy của chính quyền đối với những nội dung mang xu hướng khai phóng và cởi mở hơn. Một vài người nổi tiếng nhất trên các nền tảng trực tuyến ở Trung Quốc là những người dân tộc chủ nghĩa có hàng triệu người theo dõi. Các nền tảng trực tuyến là nơi dễ dàng hơn cho các đám đông tụ họp lại, họ sử dụng microblog, các video ngắn và các ứng dụng nhắn tin để tạo nên một làn sóng ngôn từ dữ dội nhắm vào “bọn phản bội”, “gián điệp” và bọn “quỷ thứ cấp” [1]

Fang Fang trở thành một đối tượng của những người theo chủ nghĩa dân tộc vào năm 2020, khi cô ấy viết tới phần thứ 60 và cũng là phần cuối cùng của nhật ký trên internet về cuộc sống ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc ngay khi đại dịch bắt đầu. Nhật ký của cô ấy không chỉ mô tả lại những khó khăn tại thành phố đầu tiên trên thế giới trải qua lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 nhưng thêm cả khó khăn riêng của cô. Vì dám chỉ trích phản ứng cứng nhắc của chính quyền nên cô ấy đã phải hứng chịu làn sóng bạo lực mạng từ những người theo chủ nghĩa dân tộc. “Họ hành xử như một đám côn đồ”, Fang Fang tức giận nói, “Tấn công bất kỳ ai không hợp tác với họ và tấn công liên tục từ lớp này đến lớp khác không ngừng”. Cô ấy so sánh việc này với cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản của Mao Trạch Đông vào những năm 1960 – 1970 cùng với đám Hồng vệ binh sát nhân của ông ta. “Hôm nay tôi thậm chí còn thấy tin tức rằng họ bảo rằng đang chuẩn bị gửi một nhóm người đến Vũ Hán để giết tôi”, cô ấy viết lại vào tháng 04/2020 khi mà sự phẫn nộ của đám đông nổi lên.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan như vậy không chỉ là mối lo của mỗi những người theo chủ nghĩa tự do như Fang Fang, một hậu duệ của tầng lớp quý tộc văn chương nho học trong xã hội Trung Quốc cũ. Nó cũng đồng thời làm dấy lên lo lắng ở phương Tây và các nước láng giềng đối với Trung Quốc. Những nhà quan sát quốc tế coi đó là sự phản ánh tư duy của Đảng Cộng sản và tự hỏi rằng liệu nó có thể biểu hiện qua các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở nước ngoài hay không.

Các quan chức Mỹ tránh đề cập trực tiếp tới Trung Quốc khi họ nói về sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc ở các nước toàn trị-nhưng chỉ giữ việc đó trong ý nghĩ của riêng họ. Trong một chỉ thị an ninh quốc gia được công bố vào 03/2021. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng “Số phận của nước Mỹ” đang ngày càng trở nên liên quan đến các sự kiện ở nước ngoài. “Chúng ta đang đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc trên toàn thế giới, sự suy thoái của nền dân chủ, sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc, Nga và các quốc gia toàn trị khác”, Biden nói. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nói về một vấn đề tương tự như vậy 02 tháng sau Tổng thống Biden. “Chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, các cuộc đàn áp đang tăng lên, .. và các cuộc tấn công chống lại trật tự được xây dựng trên luật pháp đang gia tăng”, Antony nói trong một cuộc họp trực tuyến của Đại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Không nghi ngờ gì về việc Antony đã nghĩ về Trung Quốc khi phát biểu những lời đó.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine dường như đã làm sáng tỏ cho một số lo lắng của Mỹ. Các quan chức phương Tây giờ đang tự hỏi rằng liệu chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc – ở cả giới lãnh đạo và công luận Trung Quốc liệu có dẫn Trung Quốc đi theo con đường tương tự giống như Nga hay không. Họ lo lắng nhất là về số phận của vùng Đài Loan dân chủ. Việc giành quyền kiểm soát đảo Đài Loan đã là một kế hoạch của những người Trung Quốc dân tộc chủ nghĩa kể từ 1949, khi mà Đảng Cộng sản nắm quyền toàn bộ Trung Quốc đại lục, bắt buộc Quốc Dân đảng thua cuộc phải chạy sang Đài Loan. Vào năm 2017, nhà lãnh đạo Trung Quốc – Tập Cận Bình nói rằng “sự thống nhất hoàn toàn” là “yêu cầu tất yếu để hiện thực sự cách tân và đánh dấu sự trở lại của Trung Quốc”, điều mà ông nói rằng nên được hoàn thành vào giữa thế kỷ này. Tương tự như những người tiền nhiệm, Tập không ngoại trừ phương pháp vũ lực.

Chủ nghĩa dân tộc sẽ định hình tới mức nào về các quyết định của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về khi nào thì nên tấn công Đài Loan? Hoặc khi nào thì nên sử dụng vũ lực để chống lại các quốc gia khác mà Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ? Có rất nhiều nước Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc tuyên bố quần đảo Sensaku đang được Nhật Bản kiểm soát (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Nhật Bản là của mình. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với biển Đông vốn dĩ cũng có 05 nước khác tuyên bố chủ quyền. Nó đồng thời bất đồng với Ấn Độ về đường biên giới dài 3400km nên tiến lên hay lùi thêm ở đâu. Trong các cuộc gặp với các bên ngoại quốc, các quan chức chính phủ Trung Quốc đôi khi chỉ ra rằng quan điểm công luận về những vấn đề như là một yếu tố mà họ phải đối mặt khi hoạch địch chính sách. Có phải họ đã dung dưỡng điều đó quá mức không?

ĐEM THÙ HẬN VƯỢT EO BIỂN ĐÀI LOAN

Những người theo chủ nghĩa dân tộc (ở Trung Quốc) đang ngày càng trở nên dễ kích động và nhanh chóng yêu cầu hành động cứng rắn từ phía chính quyền trước những “kẻ thù” mà họ tưởng tượng được. Đặc biệt đối với các lãnh đạo Đài Loan theo chủ nghĩa hoài nghi Trung Quốc (Sino-sceptic). Sau khi Abe bị ám sát, Sima Nan, một trong những người theo chủ nghĩa dân tộc nổi tiếng nhất Trung Quốc với gần 3 triệu lượt theo dõi trên Weibo đã viết một bài “suy ngẫm” về liệu giờ có phải đúng lúc để ám sát bà Thái Anh Văn (Tổng thống Đài Loan) hay không. “Công cuộc giải phóng Đài Loan trong hòa bình là điều mong mỏi của tất cả người Trung Quốc”, hắn viết. “Nếu việc đ.âm c.hết Thái Anh Văn có thể đem lại sự thống nhất trong hòa bình thì không phải mọi người nên vui mừng à?”

[….]

Chủ nghĩa dân tộc dân túy ở Trung Quốc đã một phần được định hình bởi chính Đảng Cộng sản (Trung Quốc). Sau khi Đảng Cộng sản đàn áp cuộc biểu tình ở Thiên An Môn vào năm 1989 thì Đảng đã tăng cường việc giảng dạy “chủ nghĩa yêu nước” mà các quan chức chính quyền khẳng định “yêu Đảng cũng có nghĩa là yêu nước”. Kể từ đó các trường học ở Trung Quốc đã được yêu cầu tăng cường giảng dạy về Bách Niên Quốc Sỉ [2] mà Trung Quốc phải chịu trước khi có Đảng cầm quyền, truy ngược tới tận chiến tranh nha phiến lần thứ nhất. Mục đích chính là để khắc sâu ý thức “nạn nhân” vào cho học sinh và tạo ra lòng biết ơn đối với Đảng Cộng sản (Trung Quốc) vì đã xây dựng một Trung Quốc vững mạnh trở lại. Điều này đã giúp cho Đảng Cộng sản có được một Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong hầu hết 03 thập kỷ gần đây nhất. Vì vậy chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cách tiếp cận quyết đoán hơn trong các chính sách đối ngoại, đó cũng là nhận thức chung của nhiều người Trung Quốc kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 – 2008, rằng phương Tây đang suy tàn.

SỰ ĐIỀU HÀNH CỦA ĐÁM ĐÔNG

Nhưng Tập Cận Bình có thể đang phải lo lắng nhiều hơn những người tiền nhiệm của ông ta. Trong khi tiếp tục dung dưỡng các tiếng nói dân tộc cực đoan trên Internet, ông ấy lại kìm kẹp những người dân tộc chủ nghĩa ở thế giới thực này chặt chẽ hơn. Mức độ kìm kẹp những người dân tộc chủ nghĩa cũng tương đương với mức độ mà Tập Cận Bình kìm kẹp các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đang đấu tranh cho các quyền dân sự. Không có tổ chức dân tộc chủ nghĩa nào được cho phép ở Trung Quốc mà có thể so sánh với nhóm thanh niên côn đồ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nga – phong trào Nashi (Chúng Ta) vốn được nuôi dưỡng và phát triển mạnh mẽ chỉ trong vài năm nhờ vào điện Kremlin. Mặc dù có rất nhiều lời đe dọa giết trên mạng xã hội nhưng thực tế thì không có ai bị giết ở thế giới thực cả, dẫn ra rằng các quan chức chính quyền cũng không muốn bạo lực như vậy. Fang Fang và ông Tập đều đang ở cuối tuổi 60 của họ. Thế giới quan của họ có thể rất khác biệt nhưng cả hai đều có những ký ức về cuộc Đại cách mạng Văn hóa, thứ mà làm tổn thương nặng nề tất cả mọi người dù họ có quan điểm chính trị như thế nào. Ông Tập và cha của ông ta đã bị Hồng vệ binh tố cáo. Một người chị cùng cha khác mẹ của ông đã bị “bức hại đến chết”, dẫn theo một nguồn tin chính thống của chính quyền Trung Quốc.

[…]

Đối với Đảng Cộng sản (Trung Quốc), chủ nghĩa dân tộc online chỉ là một công cụ hiệu quả để dẹp tan những người bất đồng chính kiến – cả những người theo chủ nghĩa tự do lẫn những người dân tộc chủ nghĩa. Nhưng việc này là một việc hết sức nguy hiểm với đầy cạm bẫy cho chính bản thân Đảng Cộng sản. Những người theo chủ nghĩa neo-Maoist đã từ lâu dừng việc ủng hộ Bạc Hy Lai. Dù vậy họ vẫn tiếp tục giữ tiếng nói trên Internet như những người ủng hộ nhiệt thành cho chủ nghĩa dân tộc nhưng cũng đồng thời chỉ trích các tệ nạn của xã hội Trung Quốc, chẳng hạn như chênh lệch giàu nghèo lớn, tham nhũng và nạn phân biệt và “bóc lột” người lao động từ các vùng thôn quê ở thành phố lớn. Vào năm 2018 cảnh sát (Trung Quốc) đã bắt giữ nhiều sinh viên theo chủ nghĩa neo-Maoist đang vận động một chiến dịch để cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.

MAOIST, MAOIST HƠN NỮA VÀ MAOIST TỚI CÙNG CỰC

Những người theo chủ nghĩa Mao nhắm vào những người mà họ cho rằng là đám “quan chức tư bản” – những người nắm quyền cả kinh tế lẫn chính trị. Một trong những mục tiêu chính của họ là ông Hu, cựu biên tập viên của tờ Hoàn Cầu Thời Báo với hơn 24.5 triệu lượt theo dõi trên Weibo, ông ta có lẽ là người dân tộc chủ nghĩa nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Nhưng đối với những người theo chủ nghĩa Mao, ông ta chưa đủ dân tộc chủ nghĩa! Họ đã chỉ trích Hu vì lời kêu gọi của ông khi bảo rằng mọi người nên kiềm hãm và cảnh giác trước các phát ngôn của mình về cái chết của thủ tướng Nhật Shinzo Abe. “Quá nhiều phát ngôn ăn mừng, phấn khích của cư dân mạng Trung Quốc đã bị sử dụng bởi những người chống Trung Quốc nhằm bôi đen quốc gia”, ông Hu tranh luận trên blog của mình.

[…]

Bất chấp các cuộc xâm nhập thường xuyên của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc, có rất ít dấu hiệu cho thấy nguy hiểm sắp xảy ra. Nhưng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã trở nên xấu xí hơn, và sự kế thừa chính trị ở Trung Quốc luôn là cuộc đấu đá căng thẳng ở trong nội bộ Đảng Cộng sản (Trung Quốc). Không phải là không có những người chống đối ông Tập, hoặc những người đang chờ thời, chờ cho ông Tập rời khỏi vũ đài chính trị sẽ áp dụng một hình thức dân tộc chủ nghĩa cứng rắn hơn nữa. Ông Tập đã nuôi dưỡng một lực lượng bộc phát và không ổn định. Và không phải lúc nào ông ta cũng sẽ giữ được thứ đó trong tầm kiểm soát của mình.

Chú thích của người dịch bài

[1] Người Trung Quốc dưới thời nhà Minh và nhà Thanh gọi khinh miệt người phương Tây (và sau này cả người Nhật) là 鬼子 (Quỷ tử). Chính vì vậy họ coi những người Trung Quốc giúp đỡ hoặc có cảm tình với phương Tây hoặc Nhật Bản là “Quỷ thứ cấp”.

[2] Bách Niên Quốc Sỉ được người Trung Quốc sử dụng để ám chỉ giai đoạn từ 1839 – 1949, lúc mà Trung Quốc bị xâu xé bởi các thế lực ngoại bang, bắt đầu từ chiến tranh nha phiến lần thứ nhất và kết thúc vào việc ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, khái niệm này được dùng cho mục đích tuyên truyền nhiều hơn là có ý nghĩa sử học xác đáng.

— Minh Trí —

You may also like

Leave a Comment