Chiến tranh thời Trung Cổ là các sự kiện phổ biến. Dù trong phim ảnh hay tiểu thuyết, chúng ta thường thấy các vị vua hay công tước ra lệnh “Tập hợp quân đội” hoặc “Call the banner” và những người đưa tin sẽ phi ngựa khắp các lãnh địa để truyền tin, chẳng bao lâu sau 1 đội quân sẽ được tập hợp, nhưng thực tế mọi việc hơi phức tạp hơn 1 chút.
Không như nhiều người thường tưởng tượng, quân đội châu Âu thời trung cổ được tập hợp bởi toàn các hiệp sỹ giáp trụ kín người đem theo tùy tùng của họ ra chiến trường. Thực tế là thời Trung cổ, các đội quân được tập hợp bằng nhiều cách tùy thuộc vào mục đích của chiến dịch và nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng nhìn chung, việc tập hợp 1 đội quân thời trung cổ luôn tốn nhiều thời gian và công sức. Ngày nay, quân đội thường trực đã là 1 khái niệm quen thuộc nhưng tại châu Âu thời Trung cổ, ý tưởng này khá lạ lẫm vì duy trì một đội quân thường trực rất tốn kém, vào cuối thời Trung Cổ, Pháp là vương quốc đầu tiên xây dựng 1 đội quân thường trực. Đế chế La Mã thần thánh cho thuê đội quân Landsknechts của mình khi Đế chế ko có chiến tranh để giảm nhẹ chi phí. Đội quân Black Army nổi tiếng của Hungary cũng có thể coi là 1 đội quân thường trực, đội quân này là nguyên nhân chính khiến Hungary bị thâm hụt ngân sách nặng nề đến mức phá sản sau 30 năm duy trì. Điều này cho thấy duy trì một đội quân liên tục không phải là chuyện đơn giản đối với các vương quốc châu Âu thời kỳ này. Từ sơ kỳ Trung Cổ cho tới đầu thế kỷ 14, châu Âu ko có 1 đội quân thường trực nào tồn tại với ngoại lệ duy nhất có lẽ là Đế chế Byzantine. Vì vậy, mỗi khi có chiến tranh, Các đại lãnh chúa hoặc các Quốc vương cần nhiều thời gian và tính toán để tập hợp quân đội của mình, phần lớn được tiến hành theo các bước như sau:
Bước 1: Kêu gọi chư hầu
Bước đầu tiên, quan trọng nhất của bất kỳ chiến dịch quân sự nào đều là bước lên kế hoạch. Một vị vua khôn ngoan sẽ lên kế hoạch cho chiến dịch của năm tới ngay từ mùa thu hoặc mùa đông của năm nay; Sau đó ông ta sẽ triệu tập chư hầu của mình vào một thời điểm nào đó vào cuối năm để tuyên bố về dự định quân sự của mình đồng thời bàn bạc kế hoạch triển khai. Những chư hầu này sẽ quay trở lại lãnh địa của mình và tiến hành công việc chuẩn bị cần thiết. Thường thì họ sẽ có cả mùa đông để chuẩn bị, vì thời Trung Cổ, chiến tranh có tính chất mùa vụ, vì thời tiết mùa đông sẽ khiến việc vận chuyển lương thực tốn nhiều công sức hơn cũng như khiến cho dịch bệnh trở nên nguy hiểm hơn, mùa đông cũng gây khó khăn việc tìm nơi đóng quân, xây dựng lều trại, thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng xấu tới tinh thần và sức chiến đấu của người lính. Chính vì vậy, các đội quân thời Trung Cổ thường không tập hợp trước tháng 05 hàng năm.
Thành phần quân đội cũng đa dạng tùy thuộc vào mục đích và bản chất của chiến dịch cũng như thời kỳ lịch sử, tốt hơn hết là nên xem xét việc tập hợp quân đội trong những chiến dịch chung trong khoảng thời gian từ năm 1050 đến năm 1453
Trong hầu hết các trường hợp, lệnh tập hợp chính thức sẽ được gửi bởi người đưa tin hoàng gia 2 tháng trước khi chiến dịch chính thức bắt đầu. Mệnh lệnh này sẽ ghi rõ thời gian và địa điểm tập hợp và sẽ được gửi tới những chư hầu quan trọng nhất vương quốc.. như các công tước, hầu tước, bá tước, giám mục….. Những người này, ngay khi nhận được mệnh lệnh sẽ bắt đầu tập hợp các tùy tùng của họ
Bước 2: Tuyển mộ
Quân đội thời Trung Cổ được tập hợp từ 3 nguồn chính
- Trưng binh phong kiến
- Tuyển mộ hàng loạt
- Tuyển mộ bên ngoài (Lính đánh thuê & quân đồng minh)
- Trưng binh phong kiến
Hầu hết kỵ binh, lực lượng quan trọng nhất trong quân đội, được lấy ra từ từ lược lượng trưng binh phong kiến. Các lãnh chúa cấp dưới, những người được Chủ tể (có thể là vua hoặc 1 đại công tước) ban đất đai, để đổi lại, lãnh chúa này có ngĩa vụ phải trợ giúp cho chủ tể của mình trong chiến tranh và các lĩnh vực khác…
Hệ thống tuyển mộ tập hợp quân đội này là hình thức được sử dụng trong suốt thời Trung Cổ cho những chiến dịch quân sự dài ngày. Tùy theo, thỏa thuận, diện tích lãnh địa và tước hiệu, thông thường, lãnh chúa cấp dưới phải cung cấp từ 05 đến 500 men-at-arm cho chủ tể của mình, thông thường, nếu có điều kiện, lãnh chúa sẽ mang nhiều hơn số cần thiết để gây ấn tượng tốt với chủ vừa để khoe khoang sức mạnh và thu về danh vọng. Về mặt kỹ thuật, từ “trưng binh phong kiến” chỉ có thể sử dụng trong giai đoạn từ 1250 đến 1453 khi mà hệ thống xã hội phong kiến thực sự đã đi vào ổn định và được phổ biến rộng rãi. Guy Halsall, chuyên gia dẫn đầu trong lĩnh vực lịch sử quân sự sử dụng cụm từ “tuyển mộ theo hàng dọc” để nói về cách tuyển mộ quân đội sơ kỳ trung cổ để thể hiện rõ hơn phương pháp tuyển quân trong mối quan hệ giữa lãnh chúa – chư hầu trong thời kỳ này.
Khi một lãnh chúa nhận được lời kêu gọi, ông ta sẽ có rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên, ông ta phải chuẩn bị một khoản chi phí không nhỏ cho chiến dịch và sắp xếp các công việc cần thiết để điều hành lãnh địa của mình trong lúc vắng nhà, vì trong nhiều trường hợp chiến dịch thường kéo dài hơn 6 tháng. Tập hợp binh lính và chỉ huy cũng là 1 nhiệm vụ quan trọng, thông thường, đầu tiên lãnh chúa sẽ tập hợp người ngay trong lãnh địa của mình, đó sẽ là các lực lượng thân cận của chính công tước hoặc quốc vương, bao gồm các hiệp sỹ, squire, gia binh… Bên cạnh đó, đội quân sẽ bao gồm cả những người không chiến đấu như người hầu, đầu bếp, phu khuân vác… ngoài ra còn có những người được thuê từ nơi khác ví dụ như thầy thuốc, bác sĩ….
Nhà vua hoặc Công tước sẽ kêu gọi chư hầu của mình đóng góp quân đội như một kiểu thuế quân sự; những chư hầu này, đến lượt mình lại có những chư hầu dưới quyền để có thể kêu gọi đóng góp binh lính mỗi khi có yêu cầu. Toàn bộ quá trình lập đi lập lại như vậy, lãnh chúa có cấp bậc càng thấp thì quy mô quân đội của ông ta càng nhỏ, và ngược lại. Như vậy, mỗi khi cần vận động quân đội, nhà vua sẽ kêu gọi các công tước, các công tước lại kêu gọi các bá tước của mình, các bá tước sẽ kêu gọi các nam tước, hiệp sỹ trong lãnh địa…. Trong thực tế theo nhà sử học Clifford Rogers, trường hợp những lời kêu gọi có thể đi qua 4 tầng cấp bậc là khá hiếm khi xẩy ra.
Nếu như số lượng bính lính từ 2 nguồn trên là không đủ, các lãnh chúa có thể dùng đến nguồn thứ 3….. đó là lính đánh thuê. Thời Trung cổ, đưa quân ra ngoài lãnh thổ, trong nhiều trường hợp rất rủi ro và tốn kém, vì vậy có những lãnh chúa có thể từ chối lời kêu gọi của chủ tể….Trong trường hợp này, lính đánh thuê là một lựa chọn khả dĩ để bổ sung nguồn lực vì họ mất ít thời gian tập hợp, kinh nghiệm chiến đấu của họ phong phú và Lính đánh thuê thường được trang bị khá tốt.
Thời trung cổ, binh lính dù ở tầng lớp nào thì đều phải tự vũ trang cho mình bao gồm vũ khí, giáp trụ, ngựa (nếu có). Các hiệp sỹ, lãnh chúa sẽ phải chuẩn bị cả tài chính để trả lương cho binh lính của mình, vì Chủ tể đã trả công cho họ dưới hình thức là đất đai và tước hiệu.
Trong 1 đội quân, các đơn vị Man-at-arm được coi là xương sống của toàn quân, nhưng số lượng của họ thực sự chỉ là 1 phần nhỏ trong toàn quân đội. Một lãnh chúa cấp thấp có thể dẫn một đội từ vài chục đến vài trăm người ra trận. Theo Clifford Rogers, một Nam tước trung bình có thể tập hợp được 1 đoàn 50 người, 100 ngựa trong đó bao gồm 3 hiệp sỹ, 9 squire; những người này lại dẫn đoàn tùy tùng của riêng họ. Ngoài man-at-arm ra, đoàn người còn bao gồm thợ rèn, thợ thủ công, người hầu, đầu bếp, nhạc công v.v….. Hầu hết mọi người, trừ các quý tộc, sẽ có nhiều vai trò khác nhau. Nhiều người hầu sẽ chiến đấu như lính bộ binh hoặc công binh, squire luôn luôn chiến đấu bên cạnh các hiệp sỹ như một kỵ binh hạng nặng v.v…
- Tuyển mộ hàng loạt
Cùng với việc kêu gọi các lãnh chúa dưới quyền, công tước hay nhà vua còn có thể kêu gọi những công dân tự do sống trong lãnh địa của mình đăng ký tham gia chiến dịch quân sự, những người này được gọi là dân quân. Hình thức tuyển mộ này không thể được tiến hành với chỉ 1 mệnh lệnh đơn thuần, thay vào đó lời kêu gọi sẽ được đưa ra bởi các quan chức của nhà vua, có thể là thị trưởng, được gọi là sheriffs, baillis hoặc mayors tùy theo cách gọi từng vùng. Trong khi cách trưng binh phong kiến chủ yếu để tập hợp kỵ binh thì những binh lính tập hợp được bằng cách tuyển mộ hàng loạt chủ yếu là bộ binh, dù ko có sự tách biệt 100%.
Binh lính được tuyển chọn từ cộng đồng, theo Clifford Rogers, từ thế kỷ XII, nhiều lãnh địa quy định, mọi nam công dân tự do có đủ khả năng chiến đấu đều phải tự trang bị cho mình vũ khí và giáp trụ theo khả năng tài chính của họ. Những công dân này được đào tạo sử dụng vũ khí theo thời gian đã định trong năm nếu không có chiến sự. Theo phương pháp này, nhà vua có thể tập hợp được 1 lực lượng lớn binh lính trong 1 thời gian ngắn, tuy nhiên, dân binh thường được trang bị và đào tạo kém và có tinh thần chiến đấu ở mức trung bình, vì vậy giá trị quân sự của họ không cao. Gánh nặng quân nhu cho họ cũng khá lớn, vì vậy họ thường chỉ được tập hợp trong các chiến dịch có thời gian ngắn và ở trong lãnh thổ nhà. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, mỗi lãnh địa có nghĩa vụ cung cấp 1 lực lượng nhỏ gọi là appelido khi nhà vua kêu gọi, nhưng mỗi người lính chỉ có quân nhu đủ dùng trong 3 ngày. Dù có chất lượng kém, dân binh có số lượng đông đảo có thể tập hợp nhanh chóng vẫn là 1 nguồn bổ sung binh lực quý giá suốt thời Trung cổ, đặc biệt là ở khu vực biên giới cho các mục đích phòng thủ. Tuy nhiên một số chiến dịch tấn công vẫn tuyển quân theo cách này, như tại Pháp thế kỷ thứ IX, mọi công dân sở hữu từ 3 mảnh ruộng trở lên đều phải ra nhập quân đội khi nhà vua mở các chiến dịch quân sự, những người sở hữu ít ruộng hơn sẽ phải tập hợp với nhau và bỏ tiền để vũ trang cho 1 người với mỗi 3 mảnh ruộng trong khu vực của họ để đóng góp cho quân đội của nhà vua. Những hệ thống tương tự cũng tồn tại trong cộng đồng người Lombards ở Ý hay người Anglo-Saxon ở Anh.
Trong gia đoạn thế kỷ X và XI, quyền lực trung ương ở các vương quốc bị suy giảm, các quý tộc vì thế cũng không mấy quan tâm đến việc hỗ trợ nhà vua trong các cuộc xâm lược ra bên ngoài. Ý tưởng này chỉ quay lại khi hệ thống phong kiến trở nên vững chắc hơn từ thế kỷ XII. Vị vua thường xuyên tuyển mộ dân binh cho các chiến dịch bên ngoài lãnh thổ là Edward III của Anh, ông từng động viên toàn bộ nam giới trong độ tuổi 16-60 tại Nottingham, kỵ binh lẫn cung thủ, sau đó chọn ra 200 kỵ binh và 500 cung thủ tốt nhất để bổ sung cho chiến dịch ở Scotland. Không phải ai cũng sẵn sàng gia nhập các chiến dịch quân sự với nhiều rủi ro, chính vì vậy việc các công dân có khả năng tài chính tốt trả tiền để người khác chiến đấu thay vị trí của họ cũng thường xảy ra. Những người lính sau khi được tuyển mộ sẽ đến báo danh ở một địa điểm nhất định gần nơi đóng quân, những người này sẽ được trả công và cung cấp coat of arm để phân biệt theo màu sắc và huy hiệu của lực lượng mà họ đầu quân. Lưu ý rằng dù có lương, nhưng mức lương của họ rất thấp, trong chiến tranh hoa hồng 1 lính bộ bịnh chỉ được trả 2 pennies/ngày với lương lao động phổ thông là 3-4 pennies/ngày. Lý do là vì việc trả lương chỉ để đảm bảo họ đủ sống, nếu muốn kiếm được nhiều hơn, người lính sẽ phải dựa vào việc cướp bóc và thu nhặt chiến lợi phẩm trên chiến trường.
- Lược lượng bên ngoài.
Nếu vẫn cần thêm lính, nhà vua hoặc công tước có thể tìm thêm các nguồn bổ sung bên ngoài lãnh thổ như lính đánh thuê, lính từ các công quốc phụ thuộc, đồng minh…
Lính từ đồng minh và các công quốc phụ thuộc ko phải cứ gọi là có, vì nhà vua hoặc công tước không có uy quyền trực tiếp với lực lượng này, thay vào đó họ phải dựa vào mối quan hệ, các hiệp ước…. Không phải ai cũng hứng thú trong những cuộc chiến tranh vốn không trực tiếp ảnh hưởng đến họ.
Lính đánh thuê luôn luôn sẵn sàng và là một trong những lực lượng có khả năng chiến đấu cao, nhưng vấn đề là chi phí cho họ khá tốn kém và không phải lúc nào cũng có thể tin tưởng được. Tuy nhiên nếu có đủ tiền thì các toán lính đánh thuê vẫn là lựa chọn giá trị cho bất cứ đội quân nào
Bước 3: Tập kết
Trong suốt quá trình tuyển mộ vào tạo dựng lực lượng, nhiều hoạt động và sự di chuyển có thể diễn ra, các nhóm nhỏ sau khi được tuyển mộ sẽ dần di chuyển đến nơi đóng quân, trên đường đi, các nhóm sẽ tập hợp lại thành các nhóm lớn hơn. Kỷ luật và khả năng tổ chức là rất quan trọng để các đơn vị đến được vị trí tập kết đúng thời gian và có trật tự. Tại điểm tập kết các vị trí chỉ huy sẽ được chỉ định, đây là công việc quan trọng để đội quân có thể được quản lý một cách hiệu quả.
Lương thực cũng phải được tập kết, và vận chuyển, việc chuẩn bị quân nhu đã kéo dài nhiều tháng kể từ khi kế hoạch quân sự được lập ra, tuy nhiên, một cuộc viễn chinh chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Các chiến dịch đường bộ cũng đã đủ khó khăn phức tạp, lượng lương thực phải mang theo rất lớn, kéo theo các vấn đề về vận chuyển, bảo quản; theo đó là đoàn người rất lớn đi theo đoàn quân, dân thường, vợ con của binh lính, người hầu, đầu bếp, thương nhân, gái bán hoa….. Với đoàn người lớn như vậy việc giữ kỷ luật quân đội ko phải là điều dễ dàng. Các chiến dịch trên bộ có dễ dàng hơn 1 chút, đoàn quân chỉ đơn giản là di chuyển đến vùng chiến sự. Nhưng với những chiến dịch có di chuyển qua biển, vấn đề sẽ phức tạp hơn, ngoài việc chuẩn bị lương thực, quân nhu và xe cộ như bình thường, quân đội phải chuẩn bị thêm cả tàu thuyền, loại dùng để vượt biển. Việc đưa người và quân nhu lên tàu tốn rất nhiều thời gian, ngoài ra còn phải căn thủy triều và hướng gió để có thể khởi hành thuận lợi. Vì lẽ đó phần lớn các cuôc chiến thời Trung cổ tại châu Âu mang tính cục bộ và ngắn ngày. Tham gia và các cuộc viễn chinh xa khỏi lãnh thổ nhà hoặc chiến đấu trong thời gian dài thường dẫn đến thất bại không thể tránh khỏi cho phe tấn công.
Nhiều người cho rằng hệ thống hậu cần của châu Âu thời trung cổ thường tốt hơn Trung Quốc nhưng thực tế là ngược lại. Trung Quốc vào thời gian này có hệ thống quản lý tập trung, hiệu quả tốt hơn có khả năng vạch các kế hoạch dài hơi hơn. Hệ thống kinh tế và sản xuất mạnh mẽ cũng cho phép họ sản xuất và tích trữ tốt hơn cho các chiến dịch quân sự, hệ quả là họ có thể thực hiện các chiến dịch quân sự dài hơn và xa hơn cũng như duy trì một lực lượng thường trực lớn hơn với tổ chức tốt hơn. Về vấn đề này sẽ bàn ở một bài viết khác (nếu có thời gian)