TẤT TẦN TẬT NHỮNG ĐIỀU BẤT ỔN VỀ MANIC PIXIE DREAM GIRL

by admin

***“Giả như con người biến thành mưa, thì tôi là mưa phùn bay bay, còn nàng là giông tố bão bùng” ***- John Green, “Looking for Alaska”

Sự hiện hữu của nàng tựa như cách thức để một chàng trai truyền tải bản thân. Nàng là người dẫn lối cho hành trình phát triển về tinh thần và cảm xúc của hắn. Là suối nguồn của bao kinh nghiệm và bay bổng cho hắn thỏa mình vùng vẫy, nhưng lại không thể phát triển được chính mình. Nàng cứ chỉ ở nguyên một chỗ: là một nàng tiên cuồng nhiệt trong mơ.

Nàng chính là the manic pixie dream girl, một motif được dùng trong phim ảnh và văn học. Nàng tồn tại để thổi một làn gió mới vào cuộc đời của nam chính.

Manic pixie dream girl là một cô gái trẻ, đẹp và tự do. Nàng hoang dại, không thể với tới, không thể kiểm soát, và bộc trực với cảm xúc cùng óc tưởng tượng của mình. Nàng có thể (và gần như chắc chắn) có một quá khứ khá rắc rối. Dù tình cảnh là gì thì nàng cũng mở ra một thế giới mới cho nam chính, nhưng chỉ tồn tại cho duy nhất mình hắn, và có rất ít hoặc không hề có quyền tự quyết cho số phận của bản thân.

Thuật ngữ *Manic Pixie Dream Girl *(MPDG) được sử dụng lần đầu bởi nhà phê bình phim Nathan Rabin khi anh miêu tả nhân vật của Kirsten Dunst trong Elizabethtown:

MPDGchỉ *tồn tại trong tưởng tượng của các nhà biên kịch – đạo diễn nhạy cảm để dạy mấy gã trai trẻ sầu đời sống nội tâm cách tận hưởng cuộc sống với bao bí ẩn và những chuyến phiêu lưu bất tận.

MPDGs từ đó đã được nhận dạng trên những phương tiện truyền thông phổ biến, ví dụ như:

· Sam (Natalie Portman) trong ‘Garden State”

· Daisy Buchanan trong “The Great Gatsby” của F. Scott Fitzgerald

· Summer (Zooey Deschanel) trong “500 Days of Summer”

· Margo Roth Spiegelman trong “Papertowns”của John Green

· Alaska Young trong “Looking for Alaska” của John Green

· Tiffany trong “The Silver Linings Playbook”của Matthew Quick

· Penny Lane (Kate Hudson) trong “Almost Famous”

· Jill Tanner (Goldie Hawn) trong “Butterflies Are Free”

· Leslie Burke trong “Bridge to Terabithia” của Katherine Paterson

· Susan Vance (Katharine Hepburn) trong “Bringing Up Baby”

· Sam trong “The Perks of Being a Wallflower”của Stephen Chbosky

· Holly Golightly (Audrey Hepburn) trong “*Breakfast at Tiffany’*s”

· Sara Deever (Charlize Theron) trong “Sweet November”

Bạn cũng hình dung được rồi đấy. Có không ít những cô nàng như vậy. Công bằng mà nói, có cả một vài manic pixie dream boys nữa – như Augustus Waters trong “The Fault in Our Stars” của John Green ấy (Green có vẻ rất mê khuôn mẫu MPDG/B). Nhưng nhìn chung thì the manic pixie dream sẽ là một cô gái.

Và sự hiện hữu của nàng là tượng trưng đầy mê hoặc của tự do, của những bất ổn và mong manh trong cảm xúc – những điều khiến cho hắn ngay tức khắc bị hút vào nàng. Những sai lầm, suy nghĩ và hành động của nàng giúp cho hắn trưởng thành từng ngày.

Việc sử dụng thuật ngữ MPDG đã vấp phải một số chỉ trích. Trong một buổi phỏng vấn, diễn viên Zoe Kazan đã gọi cụm từ là cách miêu tả nhân vật “vắn tắt và qua loa, và tôi nghĩ về cơ bản nó mang tính coi thường phụ nữ”. Kazan cho rằng cụm từ được gán cho những nhân vật nữ vốn đã không khớp với motif này, và cũng vì thế mà tính phức tạp trong con người họ đã bị bỏ qua.

Theo quan điểm của tôi, ví dụ nhé, (dù tôi mới xem bản phim chứ chưa đọc sách), thì Tiffany trong Silver Lining Playbook có nhiều vai trò hơn so với việc chỉ giúp cho Pat trưởng thành. Có lẽ đó là vai trò trong hành trình khám phá bệnh tâm lý rất thực tế của bộ phim. Thật ra tôi có cảm giác rằng MPDGs ở dạng thức nguyên bản của họ sẽ tỏa sáng rực rỡ trong thế giới ý niệm mà bệnh tâm lý bị lãng mạn hóa thái quá.

Tôi cho rằng vì lý do này mà thật sai quá sai khi rập khuôn MPDG trong phim ảnh và văn học. Nàng trải qua nhiều khía cạnh của khủng hoảng hiện sinh và tổn thương tâm lý để người bạn trai gần gũi và thân thương nhất học được những điều căn bản, và từ đó mở đường cho hắn khám phá cấp độ triết học mới đối với sự tồn tại của bản thân.

Nhưng bản thân MPDG không bao giờ tìm giải pháp cho mình. Những thương tổn cùng mặt tăm tối hơn trong con người nàng đều không được để tâm đến, vì tâm điểm đã dồn vào những gì nàng mang lại cho nam chính rồi. Khi hắn đã phát triển vượt xa tình trạng của nàng, còn nàng mắc kẹt trong những phần dị biệt của bản thân thì gã dẫn chuyện lại bảo chúng ta hãy quên đi những gì nàng đã trao đi để hắn có được ngày hôm nay.

You may also like

Leave a Comment