Thành công? Bỏ cuộc?

by admin

Sau một thời gian rất là dài tìm kiếm chủ đề và chất liệu để viết, tôi cũng chọn được chủ đề và “có vẻ” là cũng tạm đủ chất liệu để viết.

Tôi để dưới cái tên một dòng là “bài viết định hướng lối tư duy”, bởi lẽ tôi cũng mong muốn hướng lối tư duy của bạn đọc sang một hướng khác, nhìn nhận khác nhằm đạt được sự ích lợi.

Hiển nhiên, khi tôi đăng một bài định hướng, tôi không cổ vũ suông, mà đồng ý tranh luận và giải đáp nếu bạn đọc cần.

Bài viết này sẽ có hai phần:

  • Một là thế nào mới là thành công?
  • Hai là có nên bỏ cuộc hay không?

Tôi chọn hai chủ đề bởi tôi thấy ở tầm tuổi Gen Z, tôi và các bạn thường gặp hai vấn đề này và có sự hiểu rõ về khái niệm, cũng như chuẩn bị tâm lý đúng đắn cho hai vấn đề này ở đầu đời cũng giúp tôi và các bạn ít đi sự mệt mỏi, khó khăn và đau khổ khi cứ phải lòng vòng trong mớ bòng bong mà không có một cái gốc để suy lý.

THẾ NÀO MỚI LÀ THÀNH CÔNG?

Định nghĩa một cách cơ bản nhất, theo phương pháp chiết tự (cho những bạn muốn tham khảo sự đúng đắn về định nghĩa tôi viết), chữ thành công là từ mượn Hán, do đó, cần tra từ điển Hán Nôm.

  • Chữ Thành: là xong xuôi, làm xong việc gì đó.
  • Chữ Công: là cái việc, cái thứ đương làm.

Vậy thì thành công gọp lại có thể định nghĩa là: làm xong xuôi một cái việc gì đó.

Tôi thấy chữ thành công bây giờ đang bị lạm dụng quá mức, đến nỗi nghĩa xem thành công trở thành một phong cách sống, lối sống,…mà quên mất định nghĩa bản chất của nó rất đơn giản như vậy.

Ta có một việc gì đó, ta muốn nó có kết quả như đó, xong ta làm xong và đạt kết quả như đó, thì là thành công. Vậy thôi.

Tôi thấy, mà có lẽ các bạn cũng thấy, thành công được nhắc đến rất nhiều, ai cũng nói muốn thành công nhưng hỏi phải hoàn thành việc gì với kết quả ra sao thì tôi thấy cũng in ít người mới trả lời được. Còn lại là cứ mập mờ. Thế thì sợ là đến mùa quít năm nào đó mới thành công được.

Thành công không phải kết quả, mà phải đạt được kết quả đó, thì mới có thành công.

Bởi vậy khi muốn thành công, ít ra phải có cái mục tiêu cái đã.

CÓ NÊN BỎ CUỘC HAY KHÔNG?

Khi bạn tự hỏi câu này, thì đồng thời bạn cũng đang tự hỏi câu hỏi khác. Một câu hỏi cốt lõi song song mà nếu không tinh tường nhìn nhận, ta sẽ quên mất bản chất của việc bỏ cuộc là gì.

Bản chất của sự bỏ cuộc là: Cái đích đến mà bạn đang nỗ lực, không còn đủ xứng đáng để cố gắng.

Vậy thì khi mà hỏi có nên bỏ cuộc hay không. Phải đi tự vấn bản thân là cái việc mà mình muốn bỏ cuộc đấy, nó có còn xứng đáng để mình nỗ lực hay không?

  • Nếu bạn nhận cái việc đấy, cái đích đến đấy, nó là thứ sai lầm, mục tiêu mờ mịt, không thấy sự bổ ích cho bản thân-cũng không có sự giúp đỡ cho người khác, là việc vô nghĩa. Thì đó là lúc nên từ bỏ, dừng lại, đừng cố gắng nữa.
  • Nếu nhận ra cái đích đến đấy, việc đấy là xứng đáng, là có lợi, là thứ cần thiết cho một việc đại nghĩa lớn hơn. Thì câu trả lời là cần tiếp tục.

Tôi luôn thấy các bạn nhỏ phân vân: có nên đi thực tập không? Có nên tiếp tục làm thêm không? Em có nên tiếp tục yêu người đó không? Em có nên làm thế này thế kia hay không?

Tôi chỉ muốn hỏi: “Mục đích của em là gì”. Chỉ cần đánh thẳng vào đấy, nhìn nhận, xem xét, đánh giá rồi kết luận xem có ĐÁNG hay KHÔNG ĐÁNG là đủ cho mọi câu hỏi kiểu vậy.

Đến đây, coi như tôi đã giải quyết xong hai câu hỏi được nêu ra.

Nhưng có lẽ thắc mắc là vẫn còn. Bởi mở rộng ra thì còn nhiều nữa. Tôi giải quyết câu hỏi về “khái niệm”. Nhưng chắc chắn sẽ còn những câu hỏi khác của bạn đọc như:

  • Vậy làm sao để thành công?
  • Làm sao để bỏ cuộc?
  • Làm sao để không bỏ cuộc?
  • Giờ em thấy là cái đích nó hay, nó có ích, nó đúng rồi, nhưng em mệt quá thì làm sao?

Tất cả những câu hỏi dạng “làm sao”, tôi đều quy về câu trả lời dạng “cách làm”. Và nó nằm trong một bài viết khác của tôi. Tôi vẫn đang tìm kiếm chất liệu để viết một bài “làm sao” đúng đắn nhất. Nó rất khó, bởi lẽ mỗi người có một cái cách phát triển tâm lý, thể chất, tư duy riêng, việc đưa ra một “lối làm” tổng quát là điều gần như không thể. Nhưng đó là tham vọng của tôi – thế thôi. Hi vọng là sẽ “thành công”.

From : Thuật sư TaN With love ~

You may also like

Leave a Comment