Làm sao để không rơi vào cái bẫy con ngoan trò giỏi?
Ta muốn giỏi giang ở trường học vì một lí do tất yếu: vì ta thường được bảo rằng đó là con đường nhanh nhất dẫn đến thành công.
Chỉ một số ít chúng ta cố gắng đạt điểm A vì ta yêu số điểm được đánh giá bằng hệ chữ ấy, lí do thực sự khiến ta muốn nó là vì ta hiểu những điểm A là con đường dẫn đến một công việc ổn thỏa, một ngôi nhà thoải mái và sự ngưỡng vọng từ người khác.
Tuy thế, đôi khi những điều khó hiểu lại xảy ra: ta thấy những người giỏi giang ở trường học lại loay hoay với cuộc đời, và ngược lại.
Những ngôi sao học đường – những đứa trẻ biết nịnh bợ giáo viên lại đang chết dí trong môi trường văn phòng hay đang tìm cách chuyển về một thị trấn với hy vọng tìm được công việc nào đó tốt hơn. Con đường dẫn đến thành công lại tan hóa ra cát bụi.
Thật ra không có gì phải ngạc nhiên: chương trình giảng dạy ở trường không phải lúc nào cũng được thiết kế bởi những người có kinh nghiệm hoặc có tài năng về mọi thứ trên đời. Và chương trình giảng dạy cũng không đi ngược lại với cuộc sống của một người trưởng thành, ở đây, và trong ngay giây phút hiện tại này. Những gì được giảng dạy được ảnh hưởng bởi trí tuệ của những ngoại lực ngẫu nhiên trong hàng trăm năm phát triển – ví dụ như một phần lớn trong số đó được hình thành từ giáo trình của các tu viện thời Trung cổ, hay từ tư tưởng giáo dục ở Đức thời thế kỷ 19 và các quy tắc của giới xã hội quý tộc.
Điều này giải thích cho những thói quen xấu của việc giảng dạy:
- Nó khiến ta nghĩ rằng những điều quan trọng nhất đều đã được khám phá, và chúng phải là chân lý. Nó cảnh báo chúng ta về mối nguy của những điều mới mẻ.
- Trường học dạy chúng ta phải giơ tay và chờ được gọi tên mới được nêu quan điểm. Như thế, nó dạy ta phải xin phép người khác trước khi làm bất cứ điều gì.
- Trường học dạy ta phải hành xử đúng như mong đợi chứ không dạy ta cách thay đổi những gì người khác mong đợi ở ta.
- Trường học dạy ta cách xào xáo lại các quan điểm sẵn có chứ không khuyến khích nêu quan điểm cá nhân.
- Trường học dạy ta mong đợi những người có quyền chức nắm rõ những gì đang diễn ra thay vì để ta tưởng tượng theo một cách tích cực, rằng chẳng ai có thể kiểm soát hết mọi điều.
- Trường học khiến ta tin rằng nó quan tâm đến những mục tiêu lớn lao và dài hạn của ta, trong khi thực tế nó chỉ hứng thú với những thành tựu ngắn hạn trong những khóa học hạn hẹp mà nó kiểm soát. Những bài học ấy sẽ chẳng giúp được gì nhiều cho ta trong đời sống thực.
- Trường học dạy ta mọi điều, ngoại trừ hai kỹ năng tối quan trọng sẽ quyết định được chất lượng cuộc sống của chúng ta: kỹ năng chọn đúng công việc và kỹ năng tạo dựng những mối quan hệ. Trường học dạy ta tiếng La-tinh và cách tính chu vi đường tròn nhiều năm trước khi nó dạy ta những môn học cốt lõi: Công việc và Tình yêu.
Nói như vậy không có nghĩa là để thành công trong cuộc sống, ta phải thoát ly khỏi trường học. Một cuộc sống toàn mỹ đòi hỏi ta phải làm được hai điều sau: là một đứa trẻ ngoan trong 20 năm nhưng đồng thời không bao giờ đặt niềm tin mù quáng vào tính bền vững lâu dài hay tính nghiêm túc của những gì ta phải học ở trường.
Bề ngoài, ta phải ngoan ngoãn và nghe lời trong khi bên trong, ta phải có một tư duy thông minh, nhạy bén và luôn ngầm nổi loạn để chống lại những gì đi ngược lại với giá trị mà ta hướng về.
Theo Thebookoflife
Lan Anh (biên dịch)