Thành phố Hồ Chí Minh xoay xở với ngập lụt để bắt kịp tốc độ tăng trưởng

by admin

Vấn đề ngập lụt của TP.HCM được chia thành hai loại thách thức. Một là các vấn đề liên quan đến đô thị hoá như ô nhiễm, tắc đường, tiếp cận các dịch vụ công và hạ tầng nhà ở. Thách thức còn lại liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu. Hai thách thức này liên quan trực tiếp đến nhau, gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho thành phố.

Sức ép hạ tầng của đô thị hơn 10 triệu dân

Dân số thực tế của TP.HCM gia tăng nhanh với bình quân mỗi năm tăng khoảng 200.000 người, kéo theo những áp lực lớn lên quản lý đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhất là hệ thống thoát nước và ngăn triều của thành phố. Trong khi đó, một loạt dự án chống ngập của thành phố vẫn đang treo lơ lửng do vướng mắc về vốn và mặt bằng.

Tình trạng chậm tiến độ của các dự án hạ tầng lớn nếu tiếp tục tiếp diễn sẽ gây ra nhiều vấn đề trong tương lai. Cho đến nay, hệ thống phòng chống ngập lụt do thuỷ triều cho hơn 6 triệu người dân TP.HCM với tổng kinh phí đầu tư 437 triệu đô la Mỹ, ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2018, vẫn chưa có ngày vận hành chính thức.

Chịu ảnh hưởng nặng nề trước biến đổi khí hậu

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã xếp hạng TP.HCM là một trong 10 thành phố có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Một trong những lý do chính là vị trí địa lý đặc biệt của TP.HCM khi 40-45% diện tích đất của thành phố chỉ cao khoảng từ 0-1m so với mực nước biển, 15-20% diện tích cao từ 1-2m và rất ít diện tích ở độ cao hơn 4m. Bên cạnh đó, vấn đề về đô thị hoá và gia tăng dân số cũng là hai nguyên nhân khiến TP.HCM đặc biệt dễ tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo Báo cáo “TP.HCM – Thích nghi với biến đổi khí hậu” của ADB, dự báo đến năm 2050, sẽ có 265 phường trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập cực đoan, tương đương với 71% diện tích TP.HCM.

Phòng chống ngập lụt là một phần tối quan trọng trong quá trình phát triển lâu dài và là cơ hội để xây dựng mô hình phát triển đô thị của thành phố. Vì vậy, TPHCM cần hành động cương quyết để phòng chống ngập lụt, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân trong tương lai.

Nguồn: https://www.scmp.com/week-asia/economics/article/3194366/gridlocked-and-flood-prone-vietnams-biggest-city-struggles-keep

You may also like

Leave a Comment