Thuật ngữ “thao túng cảm xúc” (hay “tống tiền tình cảm/tống tiền cảm xúc”) được nhà trị liệu Susan Forward đã đưa ra trong cuốn sách cùng tên: Emotional Blackmail: When the People in Your Life Use Fear, Obligation, and Guilt to Manipulate You (tạm dịch: Tống tiền tình cảm: Khi những người trong cuộc sống của bạn sử dụng nỗi sợ hãi, nghĩa vụ và tội lỗi để thao túng bạn).
Hành vi tống tiền về tình cảm là một sự “thao túng dẫn đến hậu quả”. Kẻ thao túng khéo léo sử dụng những điểm yếu trong cảm xúc của đối phương để điều khiển và kiểm soát, ép họ phải miễn cưỡng hành động theo ý muốn của kẻ thao túng.
Trong đời sống thường nhật, chúng ta cũng dễ dàng gặp những đối thoại thế này:
“Nếu anh/em không thực hiện điều này, chúng ta sẽ chia tay!”
“Nếu bạn không làm như tôi muốn, tức là bạn không coi tôi ra gì!”
“Tao có còn là mẹ mày nữa không hả? Tại sao tao nói mà mày không nghe? Từ nay mày không cần gọi tao là mẹ nữa, để tao chết đi cho mày vừa lòng.”
“Những vấn đề của tôi là do bạn gây ra, bạn phải chịu trách nhiệm với cuộc đời tôi.”
“Nếu anh thật sự yêu em thì anh sẽ không khiến em đau lòng mà làm theo lời em nói.”
“Có ba loại bất hiếu, bất hiếu lớn nhất là không sinh con nối dõi. Vì vậy, hãy sớm kết hôn và sinh con đẻ cái đi.”
“Nếu em yêu anh thì em phải nghe lời anh.”
“Nếu bạn thực sự quan tâm đến tôi thì bạn sẽ biết vì sao tôi không vui. Nếu bạn thực sự yêu tôi thì sẽ làm mọi điều khiến tôi hài lòng.”
“Tôi rất yêu quý bạn nên đừng làm tôi thất vọng, kẻo tôi sẽ không dành tình cảm cho bạn nữa.”
“Giữa tôi và điều kia, bạn coi thứ gì quan trọng hơn?
Chọn một trong hai đi!”
“Nếu bạn thực sự yêu tôi thì…”
Có lẽ chúng ta không còn xa lạ với những câu khẩu hiệu khoác chiếc áo “tình yêu” như thế. Sự yêu thương lẽ ra phải mang lại cảm giác dễ chịu, quan tâm và nhẹ nhàng, nhưng trong nhiều trường hợp, nó bỗng trở thành thứ gông cùm để trói buộc và gây áp lực lên người nhận. Chúng ta dễ dàng từ chối những đòi hỏi từ người lạ, nhưng một khi chúng xuất phát từ những người mà ta yêu và tuyên bố yêu ta, thì phần lớn trường hợp chúng ta chỉ có thể bất lực, thỏa hiệp và miễn cưỡng chấp nhận.
Có những cách “yêu thương” thật mệt mỏi và nặng nề làm sao!
Để đạt được mục tiêu mình muốn, người thao túng sẽ khiến đối tượng bị thao túng cảm thấy sợ hãi, tội lỗi và tự trách bản thân. Chẳng hạn như câu nói phổ biến nhất: “Nếu bạn không làm theo ý của tôi thì bạn không tốt với tôi, nên tôi sẽ chia tay bạn.”
Sự thao túng cảm xúc thường xảy ra trong các mối quan hệ thân tình, như giữa cha mẹ và con cái, vợ chồng, người yêu, bạn bè, đồng nghiệp… Càng gần gũi và thân thiết thì tác động của thao túng cảm xúc càng mạnh mẽ. Vì họ là người thân quen, biết rằng chúng ta trân trọng mối quan hệ của mình với họ, biết tính cách và điểm yếu của chúng ta, nên họ sử dụng những đòn tâm lý để tác động nhằm thao túng ta. Kẻ thao túng lẫn người bị thao túng cùng bị cuốn sâu vào vòng xoáy hỗn độn. Tuy nhiên, cả hai có thể không nhận ra mình đang thao túng hoặc bị thao túng, bởi quá trình này có thể đến rất tự nhiên. Một số người vô thức học được các chiến thuật thao túng cảm xúc (như dằn vặt, trách móc, đổ lỗi, đe dọa…) từ cha mẹ, anh chị em hoặc kinh nghiệm xã hội rồi áp dụng lên các mối quan hệ xung quanh mình. Vì họ đã lớn lên và quen bị dẫn dắt với các chiến thuật, họ không cảm thấy chúng có vấn đề gì.
Tống tiền cảm xúc là một công cụ thao túng mạnh mẽ. Khi kẻ thao túng sử dụng nỗi sợ hãi (Fear), nghĩa vụ (Obligation) và cảm giác tội lỗi (Guilt), chúng sẽ khiến nạn nhân rơi vào màn sương mù (FOG). Hãy cùng phân tích lần lượt từng vấn đề nêu trên:
- Sợ hãi (Fear)
Ai cũng có những nỗi sợ hãi và bất an của riêng mình, một trong số chúng là sợ bị mất đi những mối quan hệ – cụ thể thì đây chính là “nỗi sợ bị bỏ rơi”. Susan Forward gọi nỗi sợ bị chia cắt và bỏ rơi là “nỗi sợ căn bản nhất”, bởi nó đã ăn sâu vào tâm lý của mỗi người. Càng gần gũi và coi trọng ai đó, chúng ta càng thoải mái để lộ những điểm yếu (và có thể cả sự phụ thuộc) của mình với phương. Điều này giúp cho những kẻ tống tiền cảm xúc cố ý hoặc vô ý sử dụng nỗi sợ hãi ấy để đe dọa chúng ta.
Ví dụ:
“Nếu em không ngoan ngoãn nghe lời anh, thì anh nghĩ rằng em không phù hợp để làm một người vợ tốt, chúng ta không thể kết hôn và sống với nhau lâu dài được đâu.”
Lời nói này gửi tới cô gái một thông điệp: “Tôi biết là cô yêu và muốn cưới tôi, từ nay cô phải nghe lời tôi, nếu không tôi sẽ bỏ cô.”
Một khi nỗi sợ bị bỏ rơi được kích hoạt, chúng ta thường rơi vào trạng thái sợ hãi, lo lắng, tưởng tượng ra một viễn cảnh tồi tệ mà trong đó mình đau lòng và khốn khổ thế nào khi đối phương rời đi. Chúng ta trân trọng mối quan hệ này.
Chúng ta yêu quý họ, muốn níu giữ họ ở bên, muốn có được tình cảm và sự tin tưởng của họ. Vì vậy chúng ta thỏa hiệp và nhún nhường, đáp ứng theo yêu cầu của họ.
- Nghĩa vụ (Obligation)
Nghĩa vụ là việc bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác mà pháp luật hay đạo đức quy định (Hồ Ngọc Đức, Dự án Từ điển tiếng Việt miễn phí). Nghĩa vụ xuất phát từ ý thức bẩm sinh về trách nhiệm cộng đồng. Chúng ta có bản năng về nghĩa vụ đối với những người xung quanh. Tuy nhiên, khi ý thức bản năng của chúng ta về nghĩa vụ bị ai đó lợi dụng, họ có thể dùng nó để điều khiển hành vi của chúng ta.
Những kẻ thao túng cảm xúc rất giỏi trong việc biến những yêu cầu vô lý của họ thành “nghĩa vụ” của chúng ta, bằng cách nhấn mạnh rằng họ đã hy sinh và khổ sở nhiều như thế nào để khiến chúng ta cảm thấy mắc nợ.
Chẳng hạn: “Con không được thi ngành A, phải thi ngành B theo truyền thống gia đình. Bố mẹ đã vất vả nuôi con thế nào? Con phải đền đáp công lao sinh thành, phải làm cho bố mẹ nở mày nở mặt, nếu con không nghe theo sắp đặt thì thật bất hiếu! Bố mẹ nuôi dạy con lớn để con cãi lại à?”
- Cảm giác tội lỗi (Guilt)
Tội lỗi xuất phát từ cùng một nguồn gốc với nghĩa vụ. Hầu hết đều cảm thấy tội lỗi khi làm điều gì đó mà mình nghĩ rằng điều đó làm tổn thương người khác hoặc làm người khác thất vọng.
Cảm giác tội lỗi thường được kẻ thao túng cảm xúc sử dụng cùng với “tinh thần trách nhiệm”. Họ tác động vào đạo đức và mong muốn “trở thành người tốt” của ta, khiến ta cảm thấy tội lỗi quá mức bằng cách áp đặt lên ta những trách nhiệm không thuộc về mình. Họ có thể đào bới quá khứ, kể lại những lần mà chúng ta khiến họ thất vọng để tiếp tục dằn vặt, nhiếc móc. Ai mà trót khiến kẻ tống tiền cảm xúc thấy thất vọng thì sẽ giống như phải mang một món nợ vĩnh viễn không bao giờ được xóa bỏ.
Ví dụ như tập hợp những câu nói kinh điển dưới đây:
“Bạn phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời tôi!”
“Nếu bạn không nghe theo yêu cầu của tôi, tôi sẽ chết cho bạn xem!”
Họ thiết lập nên một thứ logic kỳ lạ: nếu bạn không đáp ứng yêu cầu của họ thì bạn sẽ trở thành kẻ xấu khiến họ bị tổn thương, mọi tổn hại của họ sau này đều do bạn gây ra.
Điều này tận dụng triệt để “cảm giác tội lỗi” của ta. Vì lương tâm và đạo đức, chúng ta không thể cho phép hành động của mình làm tổn thương người khác.
Tất nhiên, những yếu tố quyết định sự thành công của một vụ tống tiền cảm xúc luôn đến từ hai phía: sức mạnh của kẻ thao túng và sự yếu đuối của người bị thao túng. Những kẻ tống tiền cảm xúc thường tự cho mình là trung tâm, tự thấy bản thân đúng đắn, đòi hỏi cao, dễ kích động, thích trút giận và không thể chịu đựng được sự thất vọng. Ở chiều ngược lại, nạn nhân của tống tiền cảm xúc thường có tâm hồn nhạy cảm và mong manh, trọng danh dự, sợ xung đột, thiếu tự tin và hay tự trách bản thân.
Tống tiền cảm xúc thường làm tổn hại lớn đến lòng tự trọng của nạn nhân, ảnh hưởng tới nhận thức và làm cho tâm lý nạn nhân dễ bị tổn thương bởi những lời công kích, lên án. Nạn nhân càng tổn thương thì càng dễ lựa chọn thỏa hiệp, càng thỏa hiệp thì càng bị phụ thuộc vào kẻ thao túng. Hơn nữa, sau nhiều lần chấp nhận thỏa hiệp, cảm giác thất bại lặp đi lặp lại có thể khiến nạn nhân bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng bất lực tập nhiễm: Khi con người cảm thấy mình không có khả năng thay đổi những gì xảy ra, họ có xu hướng chấp nhận buông xuôi, không còn ý chí kháng cự.