Thất tịch thời xưa vốn không phải lễ tình nhân!

by admin

Hiển nhiên khi nhắc đến Thất tịch, mọi người đều sẽ nghĩ đến “Ngày lễ tình nhân của Trung Quốc” với những hoạt động như: đoàn tụ trên cầu Hỉ Thước, hẹn thề, ngắm sao tỏ nỗi lòng, nhận quà…

Nhưng trên thực tế, các truyền thống thời xưa trong ngày Thất tịch lại không liên quan gì đến các hoạt động hẹn hò lứa đôi, và đó cũng không phải là “lễ tình nhân” !

Bạn không tin ư? Vậy hãy cùng tôi tìm hiểu về nguồn gốc và những tập tục truyền thống của Thất tịch nhé!

Nguồn gốc của Thất tịch

Thất tịch khởi nguồn từ thời nhà Hán, trong “Tây Kinh Tạp Ký” của Cát Hồng thời Đông Tấn có ghi lại rằng “Các cung nữ thời Hán thường xỏ kim bảy lỗ nơi lầu Khai Khâm vào mồng bảy tháng bảy hằng năm, người người học theo”. Trải dài từ nhà Đường đến nhà Tống, ngày Thất tịch đã trải qua hơn 2000 năm lịch sử.

Mỗi khi đến ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch, tương truyền đây là ngày Ngưu Lang và Chức Nữ gặp lại nhau trên cầu Hỉ Thước, các cô gái sẽ đến nơi hoa tiền nguyệt hạ (t/n: chỉ nơi hẹn hò lứa đôi), ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đầy sao, tìm kiếm hai ngôi sao Ngưu Lang và Chức Nữ trên dải ngân hà, hy vọng có thể chứng kiến cuộc hội ngộ mỗi năm một lần của họ, cầu xin trời cao có thể cho mình khéo tay như nàng Chức Nữ, nguyện cho bản thân có được hôn nhân hạnh phúc như ước muốn, từ đó tạo nên ngày Thất tịch.

Phong tục Thất tịch thời xưa

1. Xỏ kim cầu nguyện

Đây là một cách cầu xin Chức Nữ ban cho đôi tay thêu thùa, canh cửi vén khéo khá sớm, bắt nguồn từ thời nhà Hán và truyền đến các đời sau. Các cô gái cầm những sợi tơ ngũ sắc luồn qua chiếc kim chín lỗ (hoặc kim năm lỗ, kim bảy lỗ) để se chỉ luồn kim liên tục dưới ánh trăng, ai xỏ hết các sợi nhanh nhất được gọi là “đắc xảo”.

2. Khéo léo như nhện

Đây cũng là một hình thức cầu xin Chức Nữ ban cho đôi tay thêu thùa, canh cửi vén khéo từ xưa, phong tục này xuất hiện trễ hơn hình thức xỏ kim cầu nguyện, ước chừng bắt nguồn từ thời Nam Bắc triều.

Người ta sẽ bỏ nhện vào trong hộp hoặc dùng bát đậy lên, căn cứ vào những tiêu chuẩn nhất định để đánh giá xem người đó có khéo léo hay không, ví dụ như giăng tơ có hệ thống hay không, nếu kết thành lưới thì là khéo léo; về tiêu chuẩn về số lượng tơ kết lưới, mật độ càng dày tức là càng khéo tay; về cách tổ chức mạng nhện có mạch lạc bài bản không, nếu có thì là khéo tay; và còn cả con nhện có thể đi qua lỗ kim hay không, nếu nhện có thể đi xuyên qua lỗ kim tức là khéo tay.

3. Thử kim kiểm tra độ khéo léo

Đây là một biến thể của phong tục xỏ kim cầu nguyện, vốn là xỏ kim nhưng cách làm lại hơi khác một chút, là tập tục thịnh hành vào hai đời Minh Thanh trong ngày Thất tịch.

Trưa mùng 7 tháng 7 các cô gái sẽ thả kim vào trong tô nước để phơi nắng bên ngoài, sau một thời gian kim thêu sẽ nổi lơ lửng trên mặt nước và có thể nhìn thấy bóng kim dưới đáy nước. Kim của người nào có bóng mây, thú, hoa, chim hay giày, kéo, cây cà thì có nghĩa là đã xin được sự khéo léo; còn nếu bóng thô như búa chày hay mỏng như tơ, thẳng như sáp, đó là dấu hiệu của sự vụng về.

4. Gieo hạt cầu tự

Trước Thất tịch vài ngày, người ta sẽ đắp một lớp đất lên những tấm ván gỗ, gieo hạt giống ngô vào đó để chúng mọc lên thành cây con xanh tốt. Sau đó họ sẽ đặt vài túp lều, hoa và cây cối lên, tạo thành khung cảnh làng mạc dân dã, gọi là “tấm vỏ”.

Một cách khác là ngâm đậu xanh, đậu đỏ, tiểu mạch trong bát sứ, đợi chúng mọc mầm, sau đó lại dùng dây tơ xanh đỏ buộc thành chùm, gọi là “gieo sinh mệnh”, còn gọi là “chậu ngũ sinh” hoặc “chậu sinh hoa”. Các vùng ở miền Nam gọi là “bào xảo”, những cây đậu mọc dài ra được gọi là mầm xảo, có nơi còn dùng mầm xảo thay cho kim thêu trong tục thử kim trên mặt nước.

5. Thờ cúng Chức Nữ

“Thờ cúng Chức Nữ” chỉ dành cho các thiếu nữ và thiếu phụ. Thông thường các cô gái sẽ hẹn với bạn bè hoặc những người cùng làng khoảng năm sáu người, nhiều nhất là mười người để cùng nhau tiến hành làm lễ. Nghi thức làm lễ như sau, đặt một chiếc bàn dưới ánh trăng, trên bàn bày trà, rượu, hoa quả, ngũ hạt (long nhãn, táo đỏ, hạt phỉ, đậu phộng, hạt dưa) và những đồ cúng khác; ngoài ra còn có hoa tươi, chỉ tơ hồng cắm vào bình, trước bình hoa đặt một lư hương nhỏ.

????????

Các cô gái sẽ trai giới một ngày một đêm, tắm rửa sẵn sàng rồi đến nhà người tổ chức như đúng giờ đã hẹn. Sau khi dâng hương lễ bái, mọi người sẽ ngồi quanh bàn, vừa ăn đậu phụng và hạt dưa, vừa thầm cầu nguyện trong lòng với chòm sao Chức Nữ trên trời cao. Các thiếu nữ thường hi vọng mình sẽ trở nên xinh đẹp hoặc được gả cho lang quân như ý, còn các thiếu phụ thường mong mỏi sớm ngày sinh được quý tử, tất cả đều có thể khấn nguyện với sao Chức Nữ. Mọi người bày tiệc đến nửa đêm thì kết thúc.

6. Thờ cúng Khôi Tinh

Tương truyền rằng ngài Khôi Tinh khi còn sống học vấn sâu rộng nhưng thi đâu trượt đó, vì bi phẫn nên đã nhảy sông tự vẫn. Nào ngờ lại được rùa cá cứu lên, trở thành sao Khôi trên trời. Vì Khôi Tinh có thể chi phối đến vận may thi cử của văn nhân, thế nên mỗi khi đến ngày sinh của ông – ngày 7 tháng 7, các thư sinh đều sẽ long trọng làm lễ thờ cúng ông.

7. Chúc tụng ngày sinh của trâu

Trẻ em sẽ hái những bông hoa dại và treo chúng lên sừng trâu, gọi là “chúc tụng ngày sinh của trâu”. Vì theo truyền thuyết, sau khi Tây Vương Mẫu dùng thiên hà chia cắt Ngưu Lang và Chức Nữ, để giúp Ngưu Lang vượt qua thiên hà gặp Chức Nữ, con trâu của chàng Ngưu đã tình nguyện để chàng lột da mình cộng thêm phần đuôi để gặp được Chức Nữ. Để tưởng nhớ tinh thần hy sinh năm xưa của loài trâu mà người dân đã có tục “chúc tụng ngày sinh cho trâu” này.

8. Ăn xảo quả

Xảo quả có thể nói là món ăn nổi tiếng nhất trong ngày Thất tịch. Xảo quả còn được gọi là “quả cầu xin khéo tay”, có rất nhiểu phong cách khác nhau. Nguyên liệu chính là dầu mật đường rỉ. Trong “Đông Kinh Mộng Hoa Lục”, món này được gọi là “Tiếu Yếm Nhi”, “Quả Thực Hoa Dạng”. Vào thời Tống, món xảo quả Thất tịch đã được bày bán trên đường phố.

Ngoài những phong tục kể trên, ngày Thất tịch còn có rất nhiều phong tục khác như nhuộm móng tay, phơi áo phơi sách, thả hoa đăng cầu phúc vâng vâng.

Tóm lại, ngày Thất tịch rất giàu ý nghĩa, không chỉ là ngày lễ tình nhân Trung Quốc, mà còn chứa đựng những mong muốn của phụ nữ thời bấy giờ về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

You may also like

Leave a Comment