Thế giới trong mắt người tâm thần phân liệt

by admin

#1 [93272 likes]

Lúc mẹ tôi 5 tuổi thì quen biết cha tôi, khi ấy cha tôi đã 8 tuổi rồi, từ nhỏ họ đã là hàng xóm của nhau và sống chung trong một khu nhà.

Lúc mẹ lên 23 tuổi, bà nội tôi mang mấy xâu thịt ba chỉ bà tự ướp sang tặng bà ngoại tôi và xin bà ngoại gả con gái cho con trai thứ hai của bà nội( cha tôi), vì cha tôi đã thích mẹ từ lâu rồi.

Bà ngoại nhất quyết không đồng ý, cũng không phải vì chê điều kiện nhà cha tôi không tốt, hồi đó ông nội tôi cũng viên chức cấp huyện về hưu, bà nội cũng là cán bộ cấp cục. Từ chối là vì ông bà nội tôi quá keo kiệt ( do thường thấy ông bà nội ăn hết đồ ngon còn để đồ thừa lại cho con cái ăn) Vậy nên bà ngoại tôi kiên quyết không đồng ý vì sợ mẹ tôi cưới cha rồi sẽ sống khổ cực.

Lúc đó mẹ và cha tôi cũng lén lút yêu đương qua lại với nhau, hồi trẻ mẹ rất xinh đẹp và tốt bụng, cha tôi lại rất yêu thương mẹ, lúc hai người đang trong thời mặn nồng thì bị ông bà ngoại phát hiện, họ kiên quyết phản đối để cha mẹ tôi bên nhau.

Mới đầu chỉ cảnh cáo bằng lời, về sau thì đánh phạt, rồi cuối cùng thì nhốt mẹ tôi trong nhà luôn.

Cha tôi cảm thấy quá mệt mỏi, thuyết phục mãi cũng thành vô vọng nên ông bỏ nhà tới Hợp Phì làm việc. Và đó cũng là lúc mẹ tôi phát bệnh lần đầu tiên.

Mới đầu thì khóc mãi không ngừng, đập phá hết mọi đồ đạc trong nhà, ông ngoại tôi không biết mẹ phát bệnh, cứ cho rằng bà ấy không nghe lời nên đánh rồi mắng bà ấy, sau rồi mẹ tôi bắt đầu nói nhảm, hoang tưởng rằng bà đang mang thai đứa con của cha, đứa trẻ là do một vĩ nhân đầu thai, rồi lại vừa khóc vừa cười. Lúc đó thì ông bà ngoại tôi đã nhốt mẹ cũng được một tháng rồi, đến lúc này thì bà ngoại mới thấy không ổn bèn đưa mẹ tôi đến bệnh viện tâm thần địa phương, uống thuốc nửa tháng trời mà không thấy khỏe nên chuyển viện tới bệnh viện Long Hoa ở Thượng Hải, chính là Trung tâm sức khỏe tâm thần hiện nay.

Thời đó y học chưa phát triển như bây giờ, nghe cậu tôi kể, thời đó phương pháp chữa bệnh cơ bản nhất là giật điện, chích điện trực tiếp lên bệnh nhân để họ không quậy phá rồi mới tiêm và cho uống thuốc. Lúc đó mẹ tôi được chẩn đoán là bị chứng rối loạn phân ly ( chứng cuồng loạn Hysteria). Bà ngoại tôi ở bệnh viện Thượng Hải hơn một tháng trời để chăm mẹ tôi, cho tới khi mẹ dần hồi phục và không còn các triệu chứng hoang tưởng và tấn công nữa thì đưa mẹ tôi về nhà.

Thời đó hầu như ai ở trong cái huyện nhỏ bé đó của chúng tôi cũng biết mẹ tôi bị bệnh, thái độ của ông bà nội tôi đối với mẹ bỗng chốc quay ngoắt 180 độ, không cho phép cha tôi gặp gỡ mẹ nữa. Còn cha tôi thì không chần chừ hay ngần ngại gì, kiên quyết muốn lấy mẹ tôi.

Bà nội tôi nói lấy thì cũng được, nhưng có hai việc, một là bà sẽ không tổ chức đám cưới, hai là nếu mẹ tôi lại phát bệnh thì họ sẽ không lo, cha tôi tự lo lấy.

Cha tôi nói không sao cả và lập tức đến Cục Hộ tịch để đăng ký kết hôn vào ngày 1/5 năm đó. Năm đó là năm 1982. Tối hôm đó, mẹ tôi đến “phòng tân hôn” của cha tôi ở nhà ông bà nội, thì thấy bà nội và bác dâu đang lạnh lùng ngồi ở mép giường, trên giường không có chăn bông. Họ nói mẹ tôi tự làm chăn bông rồi đi mất. Chẳng có tiệc cưới, chẳng có váy cưới, cũng không có ảnh cưới ( khi bác dâu tôi cãi nhau với bà nội thì mới lộ ra việc cha tôi từ hồi mười mấy tuổi mỗi năm đều dành dụm tiền đưa bà nội cất, mười năm trời cũng được hơn 500 tệ, trước khi kết hôn cha có đến xin lại để mua quà cưới cho mẹ thì bà nội tôi nói tiền mất rồi)

Sau này mẹ tôi có thai cách lần đổ bệnh đầu tiên chưa được nửa năm, bác sĩ cũng khuyên không nên giữ thai nhi và yêu cầu mẹ phải kiên trì uống thuốc nhưng mẹ tôi sợ mất đi hạnh phúc khó có này, bà ấy sợ thuốc sẽ ảnh hưởng tới đứa con trong bụng nên lén vứt thuốc đi, ngày nào cũng ăn uống thêm nhiều đồ bổ, cho nên vào ngày 26/3/1983 tôi chào đời.

Tôi chỉ mới bú sữa mẹ được nửa tháng, thì mẹ tôi đổ bệnh lần hai, lần này là chứng rối loạn phân li kèm trầm cảm sau sinh. Bà ngoại tôi bèn theo lên Thượng Hải để chăm sóc mẹ, theo lời mẹ tôi nói thì lúc đó bà cảm thấy cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả, luôn nghĩ rằng có người muốn hãm hại mình, có lần mẹ đi dạo tới khuôn viên bệnh viện thì thấy một cái giếng sâu, bà chỉ muốn nhảy xuống. Ngay khi mẹ vừa mới bước một chân thì bà ngoại đã kéo mẹ lại, hóa ra bà ngoại luôn đi theo sau mẹ tôi. “ Nếu như không có bà ngoại con thì chắc mẹ đã ra đi khi con mới một tháng tuổi rồi.” Mẹ nói.

Đợt đó nằm viện ba tháng trời, sau khi xuất viện thì uống thuốc suốt hơn một năm, kết hợp với tập thể dục rèn luyện, chạy bộ mỗi ngày.

Vì vậy từ lúc mà tôi có thể nhớ được thì tôi chẳng bao giờ biết mẹ bị bệnh. Theo lời ông bà ngoại nói thì sau khi hồi phục thì mẹ tôi hình thành một tính cách trái ngược hẳn so với trước đây, từ bé mẹ tôi là một đứa trẻ rất hướng nội, là kiểu ít nói và không hiếu động. Sau khi bị bệnh thì trở thành người hay huyên thuyên, thích nói chuyện và nhiệt tình vô cùng.

Sau này gia đình tôi dần khấm khá hơn vì mẹ tôi luôn khuyến khích cha tôi phấn đấu bằng năng lực của chính mình để mọi người phải nể phục thay vì thương hại. Cha tôi là một người rất thông minh và ham học, ông đã đảm nhận nhiều công việc khác nhau như kỹ sư cao cấp, nhà thầu nhà dự toán kinh phí xây dựng gì gì đó, mấy cái mà khó thi đậu ấy. Cha tôi cũng rất năng nổ và chăm chỉ trong công việc nên rồi ông cũng được thăng chức nhanh chóng.

Mẹ tôi thì có tài kinh doanh tuyệt vời, năm 1989 bà bắt đầu bán đồ len (trước đây bà là y tá của một bệnh viện công nhưng lại nghỉ việc), sau đó mẹ tôi từng mở một hiệu thuốc và cũng từng bán quần áo. Năm 1994, mẹ hợp tác với cậu tôi mở một nhà hàng lớn nhất huyện. Điều kì lạ là mẹ không hề thua lỗ trong bất kỳ công việc kinh doanh nào mà mẹ từng làm, và nhà hàng cũng kiếm được rất nhiều tiền.

Công việc kinh doanh của mẹ tôi dựa trên ba nguyên tắc: sản phẩm và dịch vụ phải tốt, vì khách hàng không ngu ngốc; đúng giá hoặc thấp hơn so với người cùng ngành; và cuối cùng là luôn chào đón khách bằng nụ cười.

Kể tới đây có thể mọi người đều nghĩ rằng đây là một bài viết khoe khoang đầy ngu ngốc hoặc một câu chuyện truyền cảm hứng. Nhưng cái gọi là số mệnh một khi đã chọn trúng bạn thì làm sao bạn có thể tránh né được? Năm 2002, cha tôi bị ung thư dạ dày.

Do phát hiện trễ nên bác sĩ nói nếu phát hiện sớm hơn nửa năm thì còn có hi vọng nhưng giờ thì chỉ còn sống được ba tháng thôi. Nhưng sáu tháng trước, cha tôi đang sửa chữa mấy con đường nối lên thị trấn, bụng cha có quặn đau cũng tính đến bệnh viện Chiết Giang ở Hàng Châu khám, nhưng do thời gian xếp hàng quá dài trì hoãn cuộc họp nên ông đành quay lại mà không hề khám bệnh.

Mẹ tôi đã ngừng mọi công việc kinh doanh lại, mẹ nói rằng dù chỉ là một tia hi vọng le lói thì mẹ cũng sẽ bán nhà bán cửa dẫn cha đi khám bệnh. Mẹ tôi dồn hết số tiền để dành để đưa cha đi chạy chữa, nào là xạ trị, hóa trị, thuốc bắc, nấm linh chi, thuốc cóc gì đó cũng uống.

Cha tôi mất vào ngày ngày 25 tháng 4 năm 2005. Hai ngày trước khi cha mất, tôi đến bệnh viện thăm cha và ông nói nhỏ với tôi: “Sau này con nhớ hãy tốt với mẹ nhé, đừng cãi nhau với bà, mẹ con là người tử tế, cuộc sống của mẹ con cũng khó khăn lắm. Dù sau này mẹ con có bị bệnh gì thì con cũng phải chăm sóc mẹ cho thật tốt nhé.” Lúc đám tang, người nhà bên nội lại tới cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì những chuyện thu tiền tang lễ vặt vãnh.

Khi đó cậu dặn tôi phải chú ý tới giấc ngủ và cảm xúc của mẹ, đừng làm mẹ tôi buồn. Kể từ khi mẹ tôi bị bệnh lần cuối thì đã 23 năm rồi, không ai từng nói với tôi rằng mẹ bị bệnh tâm thần.

Mùa tết năm 2006 là mùa đầu tiên mà không có cha ở bên. Sau mùng 3 tết, mẹ tôi bắt đầu không bình thường, cứ vừa khóc vừa cười cả đêm, đốt hết thư từ của bà với cha rồi cầm dao đòi tự tử. Ngay khi tôi nhắm mắt lại, bà ấy sẽ không cho tôi ngủ, luôn miệng nói rằng có người muốn làm hại tôi, và liên tục lay tôi dậy.

Cả đêm đó tôi thức trắng, hôm sau thì nói với cậu về tình hình của mẹ, tôi và hai cậu gửi mẹ đến bệnh viện tâm thần Hồ Châu. Rồi chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc bà, đêm nào tôi cũng ở đó với bà, ở bệnh viện tâm thần hơn một tháng, tôi cũng quen biết nhiều bệnh nhân tâm thần.

Đặc điểm chung của nhiều bệnh nhân là họ rất giản dị, tốt bụng nhưng lại rất nhạy cảm. Luôn luôn phóng đại một cảm giác nào đó, nghi ngờ, hoảng sợ và bất an. Lúc đó là rằm tháng giêng, pháo nổ liên tục, một số bệnh nhân bắt đầu la hét: giết người rồi, bắn người rồi, tất cả bệnh nhân đều la hét, giết người giết người rồi. Mẹ tôi luôn lo lắng và dặn tôi rằng hãy bảo vệ bản thân, bảo vệ anh chị em của con (con của cậu tôi), nếu có người muốn giết con thì đừng quan tâm tới mẹ, hãy lấy tấm trải giường buộc lại rồi trèo xuống cửa sổ. Đến lúc mẹ bệnh rồi cũng nghĩ cách bảo vệ tôi.

Nằm viện khoảng 1 tháng thì mẹ cũng khỏi bệnh, lúc đó mẹ đang uống thuốc Risperidone và diazepam, sau khi về bà vẫn phải tiếp tục uống. Một tháng trời tôi đã gặp quen rất nhiều bệnh nhân và kết bạn với một cô gái trẻ mới 19 tuổi, cô bé nghĩ mình là Sokrates (một triết gia người Hy Lạp cổ đại, ông được coi là một trong những người đã sáng tạo ra nền triết học phương Tây, và là nhà triết gia đạo đức đầu tiên của nền tư tưởng đạo đức phương Tây), mỗi ngày lúc phơi nắng cô bé đều nói rằng Cục Tình báo theo dõi cô. Khi tôi đưa mẹ xuất viện, cô bé đã tặng cho tôi một con cá nhỏ rất đẹp mà cô tự làm từ ống truyền dịch của bệnh viện . Cô bé nói: Đừng nên vọng tưởng vào tất cả những tự do. Tôi nghĩ cô bé hẳn là một nhà thơ mới đúng.

Có một số bệnh nhân khác lại rất đáng thương, thực tế là họ đã khỏi bệnh rồi nhưng người nhà họ không muốn ôm lấy gánh nặng này, cho rằng xã hội sẽ nhìn gia đình mình bằng ánh mắt khác thường. Mỗi tháng chỉ bỏ ra ít tiền đóng viện phí, vứt bỏ họ rơi vào hụt hẫng. Lúc tôi đưa mẹ ra viện có một ông cụ khoảng 60 tuổi nói với tôi: Quê ông ở số mấy thôn Kim Hoa, Chiết Giang, con nói con trai cụ thứ bảy tới đón cụ về nhé, cụ muốn ăn cá cơ, cụ cầu xin con đó.

Tôi bật khóc ngay tại đó, cô y tá nháy mắt với tôi rồi bước ra ngoài nói nhỏ rằng họ đã gọi cho anh con trai cụ nhiều lần rồi, anh ta nói con gái anh ta đang ôn thi đại học nên không muốn đưa ông cụ về nhà.

Vẫn còn rất nhiều bệnh nhân thiếu sự chăm sóc và yêu thương như vậy lắm, thực tế bệnh nhân tâm thần rất mong manh và cô đơn. Ngoài thuốc men thì tình yêu thương của những người thân yêu là điều đặc biệt quan trọng. Nhưng một số gia đình lại lựa chọn chối bỏ và sợ hãi, khiến tình trạng của bệnh nhân tiếp tục biến chuyển ngày càng xấu đi.

Năm 2006 tôi ở bệnh viện chăm mẹ cho nên tôi đã bỏ việc học đại học, vì nhiều chuyện xảy ra và cũng không an tâm, cho nên tôi muốn tự kiếm tiền. Mới đầu, tôi đến một công ty nhỏ do một người bạn giới thiệu để nhập liệu trên máy tính, lương là 1200 tệ mỗi tháng. Tôi cho rằng lương quá ít cũng không thể học được gì. Vì thế sau khi tìm hiểu thì tôi chuyển sang làm cho một công ty quảng cáo bất động sản.

Lúc mới đầu mức lương của tôi chỉ có 1500 tệ, vì tôi không biết gì cả, nhưng tôi tin rằng đây chỉ là tạm thời. Mỗi ngày về nhà tôi đều điên cuồng đọc sách, tạp chí, ghi chú, và tốc kí các cuộc họp nội bộ, rồi mỗi tuần tôi tự ra đề cho mình làm. Đến đầu năm 2008, số lượng dự án mà tôi đã tăng từ một lên bốn. Tôi cũng đã giành được giải quán quân trong cuộc thi dự thảo, và mức lương của tôi đã tăng lên hơn 5.000.

Trong khoảng thời gian đó, mẹ tôi chạy vạy hai nơi và cùng cậu mở hiệu thuốc. Nhưng tính tình bà không tốt như trước, hay cãi vã với khách hàng và mợ tôi. Cuối cùng, họ không thể tiếp tục hợp tác nữa và chuyển nhà thuốc cho ông cậu tôi.

Trong giai đoạn này, tôi lao đầu làm việc quá độ, đến cuối năm 2008, tôi đã nhảy việc 3 công ty đại lý bất động sản lớn, lương của tôi đã lên hơn 10.000. Để kiếm thêm tiền hoa hồng, tôi điên cuồng môi giới nhà đất cho tư nhân, đến đầu năm 2009, cuối cùng tôi đổ bệnh.

Bác sĩ thông báo cho mẹ tôi rằng tiểu cầu của tôi giảm xuống còn 6.000, trong khi con số của người bình thường là hơn 100.000. Bác sĩ nghi ngờ tôi bị ung thư máu. Rút tủy thật sự đau đến mức mất đi cảm giác. Khi được thông báo kết quả là âm tính thì mẹ tôi bật dậy khỏi ghế.

Gia đình tôi thực sự không thể chịu được thêm sự giày vò nào nữa.

Tôi dưỡng bệnh ở nhà một năm thì cũng bình phục và quyết định tự lập nghiệp. Tôi bắt đầu tìm kiếm các dự án, một đêm nọ, tôi đang ngủ trong một khách sạn nhỏ ở Chiết Giang, thì điện thoại di động của tôi đổ chuông lúc 5 giờ sáng. Cuộc gọi từ đồn cảnh sát ở Thượng Hải và nói rằng có người tên là A bảo rằng chỉ nhớ được số điện thoại của tôi, bà ấy đã ngã từ tầng 5 xuống và bị gãy chân. Tôi từ Chiết Giang vội vã đến Thượng Hải, mẹ tôi đang nằm viện, khi thấy tôi thì nói: “ Cuối cùng con cũng tới rồi, mẹ sợ có kẻ xấu tới giết con nên ra ngoài tìm con, ngoài cửa chính hình như có tiếng gõ cửa, có người muốn mẹ trèo qua cửa sổ nhảy xuống, nên mẹ bò từ từ theo cửa sổ, sau đó leo lên được ba tầng thì bị ngã. Cảnh sát đã đưa bà đến bệnh viện, bác sĩ nói may mắn không chết nhưng hai bệnh lại tái phát cùng lúc nên cần phải làm phẫu thuật ngay, chứng rối loạn phân li lại tái phát rồi.

Trước năm 23 tuổi, tôi cảm thấy mọi thứ đều tốt đẹp êm đềm để rồi đến sau 23 tuổi, mọi thứ xảy ra như cái giá đương nhiên mà tôi phải trả lại.

Tôi đã bán căn nhà mua ở Thượng Hải rồi chi 70.000 nhân dân tệ cho cuộc phẫu thuật của mẹ tôi. Lúc đó, chứng rối loạn phân li của bà chưa được chữa khỏi hoàn toàn, luôn cho rằng tôi đã lừa bà mà cài một cái máy nghe lén vào chân bà. Mẹ nói: “ Cục cưng của mẹ, con không thể kết hợp với bác sĩ để lừa mẹ rồi hại mẹ được.” Tôi nói không có, mẹ không tin ai cũng được nhưng phải tin con.

Đợt đó tôi đã tự tham khảo nhiều thông tin chuyên môn hơn, mẹ nhất định phải uống thuốc Risperidone và các loại thuốc khác hơn hai năm, kết hợp với thuốc bắc an thần và ngâm chân hàng ngày. Mỗi ngày ra ngoài tập thể dục. Tới nay trạng thái của mẹ tôi cũng tốt lắm rồi, tôi nghĩ cha có thể cho mẹ được sống hạnh phúc 23 năm như người thường, khi cha giao lại nhiệm vụ đó cho tôi thì cớ sao tôi lại chối bỏ được chứ?

Tôi viết khá nhiều nhưng không phải để giải thích những triết lý vĩ đại trong cuộc sống, hay những giáo điều về cuộc sống. Mà khi thấy chủ đề này tôi nghĩ về những điều không như ý muốn và những điều mà tôi đã có được. Hemingway nói rằng: Con người được sinh ra không dành cho việc bị đánh bại.

Dù là cha, mẹ tôi hay tôi cũng như những bệnh nhân đó đi nữa, họ thật sự chưa bao giờ bỏ cuộc. Cuộc sống cũng chỉ có thế. Mà khó khăn chẳng qua cũng chỉ có vậy mà thôi.

You may also like

Leave a Comment