The Glory và sự phân tầng giai cấp nặng nề của xã hội. Khi cách bạn được sinh ra sẽ quyết định việc bạn trở thành ai.

by admin

Tạm gác lại các vấn đề về màn trả thù mỹ mãn của Dong Eun, một vấn đề hiển nhiên chúng ta thấy được đó chính là sự chênh lệch khủng khiếp về giai cấp. Nơi mà có những “chiếc thìa vàng” được sinh ra trong giàu sang, còn những “chiếc thìa đất” như Dong Eun, So Hee, Sun A, lại sinh ra ở những nơi tăm tối tột cùng.

Trở thành con cưng của tạo hóa ngay từ khi sinh ra, những kẻ như Yeon Jin, Jae Joon tự cho mình quyền đứng trên và định đoạt số phận của những người mà chúng coi là hèn kém hơn mình. Một kẻ có tất cả từ lúc lọt lòng sẽ luôn dễ sinh ra cảm giác đứng trên đỉnh của chuỗi thức ăn. Khi có được mọi thứ một cách quá đỗi dễ dàng, con người ta sẽ coi khinh tất cả, và tiền bạc không thể thỏa mãn chúng nữa, chúng tìm tới một thú vui khác – bắt nạt và bạo lực – thứ khiến chúng sinh ra khoái cảm mà địa vị giàu sang không thể thỏa mãn nổi chúng nữa.

Những cậu ấm cô chiêu như Yeon Jin cũng không cần, và chưa bao giờ lo về hậu quả mình gây ra, bởi tất cả đã có tiền bạc của cha mẹ chúng, đó là tấm áo giáp vững chãi nhất trên đời. Vì vậy nên Yeon Jin, Jae Joon chưa một lần tỏ ra hối lỗi vì những hành vi mất nhân tính của mình, bởi những kẻ này nghiễm nhiên chưa bao giờ phải chịu trừng phạt. “Tại sao người nghèo cứ luôn tin vào những thứ như thiện thắng ác chứ”. Trong mắt chúng, thứ mạnh mẽ hơn cả cái thiện chính là tiền bạc, là quyền lực, là địa vị vững như bàn thạch được cha mẹ trao cho.

Kể cả Do Young khi phát hiện ra những hành vi sai trái của vợ, cũng không có ý định ly hôn với cô ta như Dong Eun hi vọng. Với anh ta, cũng như tất cả những kẻ thuộc tầng lớp thượng lưu, tiền bạc, danh dự, luôn là thứ được đặt lên trên đạo đức. Đó là lối suy nghĩ mà Dong Eun dường như không thể nào hiểu hết được, bởi cô chưa từng sinh ra ở nơi đó.

Ngược lại, cô ấy sinh ra ở một nơi tăm tối, không có tiền bạc, không được yêu thương, chật vật sống sót suốt gần hai mươi năm để nuôi kế hoạch trả thù. Kết quả là sự thành công, nhưng rốt cuộc, cuộc đời cô ấy đã bị hủy hoại. Việc sinh ra trong nghèo khổ đã khiến cô ấy không thể phản kháng ngay lúc bị bắt nạt. Dong Eun không quyết định việc trở nên lạnh lùng hay khổ sở như thế, mà phần nhiều là hậu quả của việc cô ấy đã “ở trong địa ngục từ lúc mới sinh ra”.

Hay cả Ye Sol, một đứa bé mới 6 tuổi, nhưng sẵn sàng vứt chiếc máy tính vào bồn tắm khi không hài lòng, là biểu hiện rõ ràng của sự chênh lệch địa vị, khi một thứ có giá trị lại trở thành món đồ tầm thường trong mắt của những đứa trẻ nhà giàu. Vấn đề là, cùng một đích đến, nhưng nếu những chiếc “thìa vàng” đã ở đó từ lúc lọt lòng, thì những chiếc “thìa đất” lại quá khó để chạm được tới nó.

Sự chênh lệch về tiền bạc, địa vị của mỗi người từ khi mới lọt lòng thực sự ảnh hưởng rất, rất lớn tới việc quyết định bạn là ai, bạn sẽ trở thành ai, xã hội này sẽ đối xử với bạn như thế nào. Đó là một thực tế trần trụi đã được phơi bày rõ mồn một, để ta nhận ra rằng cuộc sống này vốn đã bất công và chẳng hề bình đẳng.

You may also like

Leave a Comment