Một người bạn bất chợt hỏi tôi: “Cậu có cách nào miêu tả nỗi cô đơn đến tận cùng không?” Tôi hơi sững người trước câu hỏi ấy, bởi lẽ đối với tôi, đó là một câu hỏi khó. Cảm giác cô đơn không dễ để diễn tả thành lời, nhưng nếu cần phải gọi tên, tôi sẽ gọi đó là “Robinson không có Thứ Sáu”. Robinson lạc trên hoang đảo, anh cứu một tù binh tên Thứ Sáu và hai người sống nương tựa vào nhau. Robinson cứu Thứ Sáu, và Thứ Sáu cũng cứu giúp Robinson, vì Thứ Sáu là “minh chứng”, là sợi dây nối kết Robinson với thế giới loài người. Một Robinson không có Thứ Sáu, đó là tận cùng của cô đơn.
Cách ví von có phần lạc quẻ của tôi khiến người bạn trầm ngâm giây lát, có lẽ khi đặt câu hỏi, bạn cũng không nghĩ sẽ nhận được một câu trả lời như thế. Nhìn ánh mắt của bạn khi ấy, hình như bên cạnh tôi lại có thêm một Robinson nữa, lạc lõng và đầy cô đơn. Vậy lí do gì làm người ta cảm thấy chán ngán khi đối mặt với cuộc sống này? Là những công việc lặp lại tưởng như dài đến bất tận, hay sự cô đơn khi mỗi tối về nhà, đối mặt với ánh đèn vàng cam nhưng không có một ai để sẻ chia và “sạc đầy năng lượng”, hoặc có lẽ là cả hai.
Tại sao con người lại trở nên cô đơn? Có phải nỗi sợ cô đơn khiến ta chán ghét những từ liên quan đến điều ấy, ví dụ như sự độc thân.
“Con người không được sinh ra để tồn tại một mình. Chúng ta có nhu cầu yêu thương người khác, và như thế cũng chẳng có gì sai cả, vì sinh học đã quy định điều này ngay từ đầu. Song, đánh mất chính mình vì chưa có ai để yêu thương hay thỏa hiệp mọi thứ chỉ để vun đắp cho một mối quan hệ lại không ổn chút nào.” (Trích Độc thân không phải “ế”)
Chúng ta đã và đang cô đơn như thế nào, liệu việc cô đơn ấy của ta có “đúng cách” hay chưa? Để vượt thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên cô đơn, độc thân, rằng “chúng ta rồi sẽ phải cô độc cả đời”, bạn có thể chọn cách yêu thương và làm bạn với chính mình.
Khi được là chính mình trong những phiên bản ngày càng tốt hơn nữa, sự độc thân hay việc phải ở một mình không còn là điều gì khủng khiếp, đó chỉ là một trong vô vàn cách sống ta lựa chọn mà thôi.