Thiên mã chi chiến – giấc mơ ngựa quý của Hán Vũ Đế

by admin
Thiên mã chi chiến – giấc mơ ngựa quý của Hán Vũ ĐếChiến tranh Thiên Mã (104-101 TCN…

Thiên mã chi chiến – giấc mơ ngựa quý của Hán Vũ Đế

Chiến tranh Thiên Mã (104-101 TCN) là cuộc chiến giữa nhà Hán và Đại Uyển (大宛) – 1 liên minh các thành bang Hy Lạp ở thung lũng Ferghana (Uzbekistan ngày nay).
Người Đại Uyển là hậu duệ của người Hy Lạp đã được Alexander đại đế đưa tới định cư ở Ferghana vào năm 329 TCN. Và đã phát triển rực rỡ dưới sự cai trị của Đế Quốc Seleucid và sau đó là Hy Lạp-Bactria. Nhưng khi cuộc chiến tranh giữa các đế quốc Hy Lạp xảy ra, khu vực này bị tàn phá nghiêm trọng, rồi suy yếu, cho đến khi người Nguyệt Chi di cư đến đã tấn công cô lập hoàn toàn họ vào khoảng năm 160 TCN. Cái tên “Uyển” (宛), được sử dụng trong suốt thời cổ đại ở châu Á để chỉ định người Hy Lạp (người “Ionia”), do đó Đại Uyển có nghĩa là “người Đại Ionia” hoặc “người Đại Hy Lạp”.
Trong các thành bang Đại Uyển, thành Nhị Sư (貳師) có giống ngựa tốt gọi là “hãn huyết” (汗血), vì thân ngựa thường toát mồ hôi ra máu (1 loại kí sinh trùng hút máu gây ra). Người Trung Quốc đánh giá cao giống ngựa này và gọi nó là “thiên mã” (ngựa trời). Do nó có sức khoẻ vượt trội so với các giống ngựa nhà Hán đang có.
Thế kỷ thứ 2 tcn, Hán Vũ Đế với Hung Nô đang bước vào giai đoạn ngoại giao căng thẳng và có thể xảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào.
Bất kể nhà Hán có dâng tặng lễ vật, gả công chúa cho Thiền Vu nhưng quân Hung Nô vẫn mặc nhiên xâm phạm biên cương phía Bắc nhà Hán, thường xuyên cho quân kỵ tấn công, cướp bóc gia súc, đốt phá làng mạc rồi rút về.
Hán Vũ Đế muốn tạo nên một lực lượng kỵ binh mạnh mẽ để đánh bại Hung Nô. Vua nghe tin ở phía Tây có nước Đại Uyển có ngựa tốt, lại nghe nói người Nguyệt Chi chiến tranh với Hung Nô năm xưa bị thất bại đã lập quốc thành công ở Trung Á, nên sai Trương Khiên làm sứ đi Tây Vực, mục đích là vừa kết giao với thành lập liên minh chống Hung Nô vừa nhân đó đi tìm giống ngựa thần Đại Uyển này.
Trương Khiên đã cử sứ giả đem nghìn vàng cùng một bức tượng ngựa bằng vàng đến Nhị Sư, kết liên minh và xin đổi vàng lấy ngựa thật. Tuy nhiên, người Hán không biết rằng, thành bang này đã thành lập liên minh với người Hung Nô để chống lại Nguyệt Chi, nên cuộc thương lượng sớm đổ vỡ. Quốc vương thành Nhị Sư là Vô Quả (毋寡) chê lễ vật, không chịu đổi. Sứ giả Hán thì ỷ thế Thiên triều, quát mắng vua Nhị Sư, đập tượng vàng rồi bỏ về. Khiến Vô Quả căm giận, chờ khi sứ đoàn đi đến Úc Thành (郁成) (1 thành bang Đại Uyển khác liên minh với thành Nhị Sư) thì nhờ thành bang này phục kích, giết hết đoàn sứ thần, cướp lễ vật.
Nghe tin một đám man di Tây Vực nhãi nhép dám cả gan hạ nhục Thiên triều, Hán Vũ Đế nổi trận lôi đình, thiết triều luận kế trừng trị Đại Uyển. Sau khi tính toán, triều đình Trung Hoa đã đánh giá quá thấp kẻ thù của họ, cho rằng thành Nhị Sư ở xứ Đại Uyển quân đội yếu kém, quân số chỉ có mấy ngàn, chỉ cần 3000 nỏ binh là có thể đánh bại dễ dàng. Các thành bang Đại Uyển khác chắc chắn sẽ không can thiệp.
Năm 104 TCN, Hán Vũ Đế cử danh tướng Lý Quảng Lợi dẫn hơn 2 vạn bộ binh cùng 6000 kỵ binh lên đường tấn công Đại Uyển. Nhưng cuộc viễn chinh này là một thảm hoạ. Do đường xá xa xôi, núi non hiểm trở, sa mạc rộng lớn, Quân Hán đi tới đâu các tiểu quốc Tây Vực đều đóng chặt cửa thành không chịu cung ứng. Lý Quảng Lợi phải đánh hạ từng thành một để cướp lương thực, hạ được thì có cái ăn, không được thì bỏ qua đi tiếp. Lương thực thiếu thốn, quân sĩ chết đói hoặc đào ngũ đến 6,7 phần.
Khi đến Úc Thành quân Hán chỉ còn khoảng 1 vạn, mặc dù có lợi thế về cung nỏ nhưng trước sức tấn công thần tốc của kỵ binh Đại Uyển, quân Hán vẫn bị 2000 quân Đại Uyển đánh cho đại bại. Lý Quảng Lợi dẫn tàn quân lết về nước. Năm 102 TCN, đoàn quân viễn chinh về tới Đôn Hoàng (tiền đồn cực tây của Đại Hán), gần 3 vạn quân ban đầu chỉ còn hơn chục người sống sót trở về.
Hán Vũ Đế cực kì tức giận trước kết quả này, ra lệnh tướng sĩ ai bước vào Nhạn Môn Quan sẽ bị chém đầu, bỏ mặc số tàn quân này ở Đôn Hoàng, không cho về kinh. Tuy nhiên Vũ đế lại lo ngại việc không khuất phục được xứ Đại Uyển sẽ khiến nhà Hán đánh mất thanh danh nghiêm trọng với các nước Tây Vực, nên quyết định đánh Đại Uyển lần nữa. Lý Quảng Lợi giờ đây được cấp một lực lượng hùng hậu với 6 vạn bộ binh, 3 vạn kỵ binh, 10 vạn trâu bò, hàng vạn con lừa, la, lạc đà để tải lương, lên đường Tây chinh lần thứ hai, quyết đoạt bằng được ngựa hãn huyết.
Cuộc viễn chinh lần này diễn ra khá suôn sẻ khi các tiểu quốc Tây Vực đã biết điều mà nghênh đón quân Hán. Đến Fergana, thấy 9 vạn quân Hán quá áp đảo, mấy ngàn quân Đại Uyển không dám ra giao chiến, trốn vào Úc Thành cố thủ. Lý Quảng Lợi quyết định bỏ qua Úc Thành, đem quân vòng qua, đánh thẳng vào Nhị Sư.
Quân Hán tiến hành vây chặt thành Nhị Sư, cắt đứt nguồn cấp nước của thành, công phá liên tục, 2 bên gặp thương vong rất lớn. Đến ngày thứ 40 thì phá được lớp tường ngoài. Quân Đại Uyển thử ra khỏi thành phá vây nhưng bị ưu thế áp đảo về hỏa lực đánh bại dễ dàng.
Trước tình thế ấy, các quý tộc Đại Uyển giết vua Vô Quả, đem đầu nộp cho quân Hán và hứa sẽ giao ngựa hãn huyết, nhưng đồng thời đe doạ nếu quân Hán không chấp nhận sẽ giết toàn bộ số ngựa và tử thủ đến cùng. Lý Quảng Lợi buộc phải chấp nhận hoà ước này. Quân Hán nhận được 3.000 chiến mã, đặt 1 quý tộc thân cận với nhà Hán làm vua Đại Uyển rồi lên đường hồi hương.
Tuy nhiên gần chục vạn quân viễn chinh ban đầu, chỉ còn hơn 1 vạn trở về. Mặc dù vậy, Vũ đế vẫn coi đây là những tổn thất có thể chấp nhận được trong chiến thắng trước Đại Uyển và đã không ra lệnh truy cứu và trừng phạt những người có trách nhiệm. Những người sống sót đã được trao thưởng hậu hĩnh.



You may also like

Leave a Comment