Linh và Tùng từng là bạn thân 3 năm trước khi đi đến tình yêu. Sau 2 tuần yêu nhau, Linh bắt đầu thấy Tùng có hành động đụng chạm cơ thể mình. Cô biết điều này có thể bình thường với các cặp đôi khác nhưng với cô (người chưa từng yêu ai bao giờ) thì không cảm thấy thỏa mái.
Nhưng cô không dám nói cho Tùng biết vì sợ cậu buồn hoặc nghĩ rằng cô không có tình cảm với cậu. Cô không biết liệu từ chối những hành động thân mật đó của Tùng có sai không?
———-
Trang và Vũ đều là sinh viên năm 4, hai người yêu nhau được 5 tháng. Lần nào đi chơi, Vũ cũng là người trả tiền ăn, xem phim… Cậu ta chưa một lần thấy Trang có ý định góp chung tiền hoặc mời mình đi ăn. Không những vậy, Trang còn vòi vĩnh Vũ mua cho mình nhiều quần áo, trang sức đắt tiền.
Vũ cảm thấy không thỏa mái, nhưng cũng rất khó xử vì nghĩ mình cũng là “đàn ông”. Vũ sợ bạn gái cho rằng mình tính toán, không lo được cho cô ấy.
Nhưng là sinh viên, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, Vũ cũng không có nhiều tiền. Cậu phải chắt chiu từng đồng, có khi phải ăn mì tôm cả tuần để có tiền đưa Trang đi chơi. Vũ băn khoăn không biết có nên mở lời với Trang về chuyện này hay không?
———-
Trà là một cô gái đa sầu, đa cảm yêu Đạt – một chàng trai mạnh mẽ, lý trí, có đôi chút vô tâm. Trà thường dễ cảm động và rơi nước mắt ngay cả khi nhìn thấy một chú cún bị thương.
Những lúc như vậy, Đạt không những không động viên, an ủi mà còn gọi cô là “bánh bèo vô dụng”. Cô cảm thấy mình bị xúc phạm, buồn và giận nhưng chỉ biết khóc.
Trước giờ bạn bè chơi với cô chưa bao giờ nói vậy cả. Cô luôn tự hỏi bản thân: “Mình có phải bánh bèo vô dụng thật không?”. Mình có nên nói với Đạt biết về cảm xúc, tính cách của mình không?
———-
Tuấn và Ngọc yêu nhau được 1 năm. Tuấn là người đàn ông có tính ghen tuông, bắt Ngọc phải đưa hết mật khẩu facebook, điện thoại cho anh biết. Ngọc không đồng ý.
Tuấn liền chấp vấn: “Không làm gì sai thì việc gì phải sợ?”
Nghĩ cũng thấy đúng nên mặc dù không lấy làm thỏa mái nhưng Ngọc vẫn chấp nhận. “Đôi nào yêu nhau chẳng như vậy” – cô thầm nghĩ.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, mỗi lần Ngọc đi chơi với bạn, Tuấn đều bắt cô phải video call xem có những ai, có đi chơi riêng với đứa con trai nào không.
Trong nhóm bạn có Tú (thằng bạn thân 10 năm của Ngọc). Tuấn rất khó chịu Tú. Anh ta không thích Ngọc đi chơi với Tú. Thậm chí còn dùng những lời lẽ thậm tệ nhất để nói về Tú trước mặt cô: “Nhìn mặt thằng này vừa xấu vừa ngu. Đàn ông con trai gì trông như đàn bà, thế mà em cũng chơi với nó”.
Ngọc không hề cảm thấy vui vẻ với những lời nói đó của Tuấn. Tú dù sao cũng là bạn thân 10 năm của cô. Cô biết Tú đã đối xử rất tốt với mình trong 10 năm qua.
Nhưng cô không đủ can đảm để bảo vệ Tú trước mặt Tuấn. Cô sợ anh hiểu lầm rằng mình có tình cảm và coi trọng Tú hơn. Cô cảm thấy day dứt và có lỗi với Tú. Nhưng cô không biết làm thế nào.
THIẾT LẬP RANH GIỚI CÁ NHÂN TRONG TÌNH YÊU LÀ GÌ?
Thiết lập ranh giới là thiết lập giới hạn điều gì được phép và không được phép một cách rõ ràng.
Bạn cho người khác biết về ranh giới của mình. Họ cần thừa nhận và tôn trọng ranh giới của bạn.
Khi thấy họ có dấu hiệu xâm phạm ranh giới của mình. Bạn cần ngăn họ lại.
Hãy dũng cảm nói cho họ biết về ranh giới của mình. Cho họ biết về cảm xúc của bạn thay vì kìm nén.
Ranh giới lành mạnh (Healthy Boundaries): giúp bạn có mối quan hệ lành mạnh với sự tôn trọng của hai bên. Ranh giới lành mạnh là hiểu rõ nhu cầu của mình, lắng nghe đối phương, có sự khách quan trong đánh giá tình huống. Đồng thời cho họ biết về ranh giới của bạn nhưng không làm tổn hại đến giá trị của họ.
Bất cứ điều gì giới hạn lựa chọn của đối phương đều là ranh giới không lành mạnh. Bạn không nên nhầm lẫn giữa ranh giới và kiểm soát.
Chẳng hạn: “Em không thể chịu đựng được nếu anh về quá 10 giờ đêm. Anh phải về trước 10 giờ”.
Ranh giới lành mạnh giúp bảo vệ và tôn trọng bạn. Ranh giới không lành mạnh tìm cách kiểm soát hoặc làm hại người khác.
Ranh giới không lành mạnh có xu hướng quá cứng nhắc hoặc lỏng lẻo. Ranh giới lành mạnh rơi vào khoảng giữa của ranh giới cứng và ranh giới lỏng lẻo.
Ranh giới cứng (Rigid boundaries): Bạn giữ khoảng cách với người khác, ngay cả người thân yêu. Bạn bảo vệ bảo thân thái quá, từ chối nói về cảm xúc của mình với đối phương.
Ranh giới lỏng lẻo (Porous boundaries): Bạn chia sẻ quá mức về thông tin cá nhân. Khó khăn khi nói “Không” với yêu cầu của người khác. Bạn chấp nhận bị lợi dụng hoặc không được tôn trọng. Sợ bị từ chối, bỏ rơi. Đặt người khác lên trên bản thân mình.
Việc thiết lập ranh giới quan trọng. Việc thiết lập mức độ ranh giới cũng cực kỳ quan trọng.
THIẾT LẬP RANH GIỚI VÀ TƯ DUY SỢ MẤT LÒNG
Một trong những nguyên nhân khiến mọi người ngại thiết lập ranh giới của mình đó là sợ mất lòng. Đặc biệt đó là những người thân thiết như bạn thân, người yêu, vợ/chồng, bố mẹ, anh chị em trong gia đình.
Bạn sợ nói ra hoặc phản ứng, họ sẽ phật ý, buồn lòng, khó chịu.
Bạn không thỏa mái, nhưng còn sợ người khác không thỏa mái hơn chính bản thân mình.
Vậy cho mình hỏi bạn một câu: “Khi khóa cửa nhà, bạn có sợ trộm mất lòng không?”.
Mình đoán chắc câu trả lời là: “Không”
Bạn khóa cửa khi đi ra ngoài. Bạn đặt mật khẩu laptop, điện thoại để người khác không xâm nhập vào tin nhắn, hình ảnh riêng tư của bạn.
Bạn sợ tên trộm lấy mất tài sản của mình. Bạn cần thiết lập ranh giới bằng cách khóa cửa.
Bạn sợ người lạ lấy điện thoại, thâm nhập vào những thứ riêng tư. Bạn cần thiết lập ranh giới bằng cách đặt mật khẩu.
Vậy tại sao bạn không thiết lập ranh giới cho cơ thể, cảm xúc của mình? Bạn không sợ “kẻ trộm” cơ thể, cảm xúc của mình hay sao?
Bạn có biết?
- Trộm tài sản thường là người xa lạ. Trộm tâm, hồn cảm xúc thường là người “thân”
- Trộm tài sản có thể nhanh quên. Trộm tâm hồn, cảm xúc thường để lại sang chấn dai dẳng.
Thiết lập ranh giới cho chính mình giống như việc bạn có một mảnh vườn tươi tốt với nhiều cây ăn trái.
- Với một số người (người lạ), bạn nhất định không cho vào.
- Với một số người (người thân), bạn cho vào hái quả.
Nhưng tuyệt đối không một ai được phá hoại và xả rác trên khu vườn của bạn.
Ranh giới được lập ra để ngăn chặn sự xâm lấn có ý thức hoặc vô thức của người khác.
Đồng thời, bảo vệ người khác bởi chính sự xâm lấn không có ý thức của bạn.
THIẾT LẬP RANH GIỚI VÀ TƯ DUY THIẾU THỐN TÌNH CẢM
Bạn không dám thiết lập ranh giới hoặc thiết lập ranh giới nhưng không dám cho người kia biết.
Bạn sợ nói ra hoặc phản ứng, người kia sẽ phật lòng, khó chịu, sẽ bỏ bạn đi. Bạn sợ mất họ.
Nguyên nhân gốc rễ là bạn chưa yêu bản thân mình. Bạn có lòng tự trọng thấp. Bạn nghĩ mình không xứng đáng.
Bạn cảm thấy cần người khác trong khi họ xâm phạm vào ranh giới của bạn.
Bạn đang không yêu chính bản thân mình. Bạn cần họ hơn cần chính bản thân mình.
– Nhu Quynh Blog –