Thời trang có dành cho người béo hay việc model có thân hình ngoại cỡ xuất hiện trên runway? (Yohji Yamamoto, Martine Rose hay Balenciaga/Vetements)

by admin

Chà, đây là một câu hỏi vô cùng nhạy cảm và sẽ gây ra tranh cãi. Nhưng mình muốn nói ở đây chính là tính tranh luận của chủ đề trong đây và mình mong rằng mọi người sẽ nói việc này một cách văn minh. Vì nếu trả lời không khéo – sẽ thành một dạng body shaming hay cyber bullying. Nhưng đây là một điều rõ ràng thì cuộc đời vốn dĩ không công bằng – với việc mình theo dõi nhiều thương hiệu thời trang thì câu trả lời sẽ rõ ràng rằng: “No fatties” – “Không có chỗ dành cho người béo”.

Ngay từ thuở trẻ con, chúng ta đã được dạy dỗ một cách gián tiếp thông qua các câu chuyện cổ tích, những giai thoại. Những nàng công chúa, những chàng hoàng tử – sự hoàn hảo đến từ việc thịnh vượng, giàu có, khoẻ mạnh và đẹp (Đẹp ở đây có nghĩa là Fitness đến mức độ hoàn hảo) và mức độ gây thiện cảm với người xem từ sự cân đối của cơ thể. Không chỉ thế, việc đó đã hình thành trong tư tưởng từ rất lâu rồi – từ những tác phẩm tranh ảnh kinh điển thời Phục Hưng – cho tới những bức điêu khắc nổi tiếng. Đa phần đều xoay quanh một tỉ lệ hoàn mĩ của con người.

Thời trang trong khoảng thời gian mà haute couture còn siêu hưng thịnh và khái niệm may đo cao cấp càng đánh giá cao điều này. Đối với nhiều người trong ngành thì thời trang là đẹp, là sự hoàn hảo nhất – nó có một tiêu chuẩn nhất định và trở thành “luật bất thành văn” và thực sự mà nói nếu không có một mục đích truyền thông cũng như nhắm tới đối tượng khách hàng mới thì các CEO, những kẻ đầy sạn trong đầu chẳng muốn lấy 1 cô nàng/ 1 anh chàng béo ra làm đại sứ thương hiệu để người ta cười vào mặt cả. Với việc giải thích rằng: “Nếu chúng tôi lấy sự béo ra làm truyền thông, những người theo dõi đi theo sẽ bị một ý thức ỷ lại – Nghĩ rằng mình béo cũng có thể đẹp theo 1 cách nào đấy. Chúng tôi công nhận và tôn trọng điều đấy nhưng đồng thời nó sẽ cổ suy cho việc phát phì và không tôn trọng cơ thể”.

Nói về thực tế hơn một chút như thế này, không chỉ đơn giàn ngoài hình ảnh của thương hiệu mà đó còn là bài toán về COGs (Cost of Good Sales) – giá vốn hàng bán. Việc sản xuất các mặt hàng kích cỡ lớn hơn đồng nghĩa với việc tốn vải hơn nếu sản xuất hàng loạt, thay đổi các thiết kế – pattern sao cho phù hợp, việc tìm kiếm model đúng tạng người mà vẫn phải đảm bảo được tính thẩm mỹ và một chiến dịch marketing khác hơn. Việc này đồng nghĩa với tỉ lệ rủi ro khá cao và không khác gì đánh 1 canh bài. Vậy nên hay không việc đi thiết kế và sản xuất cho một thị trường chiếm không quá nhiều doanh thu.

Vậy tại sao chúng ta lại thấy các thương hiệu thời trang đang đa dạng về hình dáng của những sản phẩm – đối tượng ăn mặc và thị trường?

Thị trường đã thay đổi, đối tượng sử dụng thời trang cũng hoàn toàn thay đổi. Nhịp sống nhanh đi cùng với lối sống ngày càng công nghệ, thức ăn nhanh khiến chúng ta cơ thể càng ngày càng dễ bị “phát phì” nhiều hơn. Song song, khái niệm về thời trang may đo cao cấp cũng bị phai nhạt đi rất nhiều để nhường chỗ cho fast fashion và ready-to-wear fashion (Thời trang may sẵn). Mà thời trang may sẵn thì size run sẽ đi từ XS cho tới XL, XXL cũng có. Việc tiếp cận mảng thị trường này thông qua việc may sẵn sẽ giảm bớt được chi phí và tăng độ phủ của sản phẩm và thương hiệu. Người ta cũng yêu thích đồ may sẵn nhiều hơn. Chúng ta nên nhớ rằng các ông chủ tập đoàn thời trang hầu hết là những người có cái đầu sạn, đánh hơi được tiềm năng – của miếng bánh béo bở này. Ngoài ra, với thông điệp “Thời trang dành cho tất cả mọi người” thì nó sẽ mang tới một hình ảnh “Tốt hơn – đẹp hơn” trong mắt khách hàng. Một thương hiệu bền vững khi mang tới thông điệp tốt đẹp hơn. Nhưng về bản chất, nó cũng chỉ là công cụ truyền thông và tăng giá trị sản phẩm mà thôi.

Vậy đến từ các nhà thiết kế thì sao?

Nó phụ thuộc vào tính cách, ngôn ngữ thời trang và thông điệp của nhà thiết kế nhưng rõ ràng họ muốn nhắm tới sự đa dạng trong cái cách mà người ta sử dụng sản phẩm của họ. Sẽ có sự xen lẫn về các kiểu hình dáng, form người và giới tính khác nhau và có người mập/béo ở trong đấy. NHƯNG – mình xin phép được nhấn mạnh chữ NHƯNG những quần áo đó là được thiết kế cho thân thể và hình dáng của những người có thân thể to sao cho phù hợp và đúng với mood của toàn bộ collection. Nó có nghĩa là được thiết kế cho họ chứ không phải là cách nhiều người bây giờ “gồng ép” chọn những sản phẩm không phù hợp với cơ thể của họ rồi mình góp ý và nói rằng là “Mai Bo Đi – Mai choi”.

Yohji Yamamoto (The voice of Body):

Yohji trước giờ vẫn vậy, dù hoạt động toàn cầu và đa phần ở các nước phương Tây – thủ phủ của thời trang nhưng tính chất Nhật bản trên các tác phẩm/lời nói của ông vẫn hiện rõ mồn một. Ông luôn coi trong vào kĩ thuật may, chất liệu và độ di chuyển của sợi vải cấu thành nên món đồ và khi con người mặc lên cơ thể.

Thời trang cuối cùng mà Yohji nhắm tới? Luôn là cái đích đến cuối cùng của các nhà thiết kế thực sự có tâm. Đó là TRANG phục được dùng hằng ngày (THỜI), cụ luôn đa dạng trong việc sử dụng các models trên các sàn catwalks của mình – bao gồm người già, người trẻ, người mập, người gầy. Và cụ cũng không chọn lối mòn sử dụng giới tính nữ để phô diễn kĩ thuật của mình – Yohji còn sử dụng các model nam với từng thể trạng cơ thể khác nhau: vốn là điều được xem xét kĩ lưỡng tại các shows diễn thời trang. Đó là một phần đỉnh cao của Yohji – khi ông muốn quần áo của mình, thực sự đẹp trên nhiều loại cơ thể khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở những người mẫu da trắng và gầy.

Martine Rose Spring 2023 cũng có thông điệp tương tự như vậy. Khi mà Rose bên cạnh Demna Gvasalia với tư cách là cố vấn viên và hỗ trợ trong việc thiết kế tại Balenciaga thì tầm nhìn về đồ siêu ngoại cỡ đã xuất hiện trong Rose. Martine Rose mùa Xuân 2023 mang tới những trải nghiệm thời trang dành cho những người có thân hình không theo tiêu chuẩn thường thấy trên thời trang – nhưng đã được “Che lấp” và tạo điểm nhấn bằng chính sản phẩm ăn mặc của thương hiệu. Đó là sự quan tâm thật sự của Martine Roé đối với những hình bóng cơ thể khác nhau.

Trí Minh Lê

You may also like

Leave a Comment