THỬ THÁCH HAY GÁNH NẶNG CHO CÁC LOCAL BRANDS:

by admin

Nội trong ngày hôm nay thì rất rất nhiều người gửi cho mình một caption được rất nhiều trang, nhiều page “Không liên quan tới thời trang” (Mình xin nhấn mạnh không liên quan tới thời trang) nhé đề cập tới vấn đề “Sai lầm của tuổi trẻ khi mua đồ Tết là local brands” và dưới đó spam rất nhiều link đặt hàng của S*P, TB, đồ second-hand quất tới. Một chút buồn lòng và một chút phiền lòng cho những người đang ngày đêm làm ra những sản phẩm có chất lượng cho nền công nghiệp thời trang này.

Nhưng đây không phải là việc khó có thể nhận ra và chắc chắn ai cũng đã “tiên đoán” được điều này khi các sàn thương mại điện tử lấn sân và đầu tư mạnh tại thị trường Việt Nam. Rõ ràng đây là một điều có lợi cho khách hàng khi e-commerce mang tới những lợi ích, những chọn lựa đa dạng, một dạng mua sắm tiện hơn và kích việc shopping lên đỉnh điểm khi quy trình tìm hiểu – nghiên cứu – quyết định – mua hàng – nhận hàng chỉ quẩn quanh một màn hình máy tính và một màn hình điện thoại. Thời gian mua sắm từ lúc thích cho tới lúc ra quyết định nhanh hơn bao giờ hết.

Với ngành hàng khác không phải thế mạnh của mình nhưng các sàn thương mại điện tử lúc bùng phát và phát triển tại Việt Nam đã “mở đường” cho 01 viễn cảnh vô cùng khốc liệt cho các thương hiệu nội địa về fashion tại Việt Nam. Đầu tiên mình chỉ nhắc lại khái niệm e-commerce là thương mại điện tử – là quá trình mua/bán, giao dịch sản phẩm thông qua Internet, thông qua số hóa. Có nghĩa là các websites của các local brands cũng là thương mại điện tử chứ e-commerce không chỉ bao quanh những cái tên như SP, LZD hay TK*. Nhưng sàn thương mại điện tử diện rộng đang “Tấn công” vào mindset tiêu dùng của thị trường trẻ Việt Nam theo một chiều hướng rất lệch lạc và đáng lo.

Với bản thân mình, sàn thương mại điện tử bản chất cũng chỉ là 1 cái “Chợ”. “Chợ truyền thống” – “Siêu thị” hay “Đại siêu thị” cũng bản chất là như thế. Chúng ta đi chợ truyền thống hay chợ cóc thì các mặt hàng bình dân, thượng vàng hạ cám đầy rẫy và với mức giá đại trà – chúng ta đi siêu thị thì các mặt hàng được chọn lọc cẩn thận hơn và đi “siêu thị hạng sang” thì các mặt hàng ở mức tiêu chuẩn cao hơn. Sàn thương mại điện tử cũng thế và giống như việc cách đây 10 năm -20 năm trước khi các “Chợ truyền thống” Việt Nam rộ lên việc nhiều tiểu thương, nhiều người sẵn sàng nhập đồ kém chất lượng, đồ không rõ nguồn gốc và đồ Trung Quốc chất lượng kém về bán cho dân đã dấy lên một câu hỏi lớn về “Sự lựa chọn nguồn vào”. Và giờ nó diễn ra y chang vào e-commerce.
SPEE với mình chính là “Chợ truyền thống” ngày nào và giờ đây còn những đường link trực tiếp tới các nguồn hàng TB, Quảng Châu – chất lượng thì cũng thượng vàng hạ cám vì theo nhiều nguồn thông tin mình biết được. Đồ TB* mà chất lượng tốt thì giá thành cũng không hề rẻ chút nào nếu so sánh với các thương hiệu nội địa tại Việt Nam. Các local brands Việt Nam cạnh tranh với nhau còn chưa đủ, giờ còn phải “Gồng” mình về cạnh tranh với lượng hàng này.

Những chương trình sales liên tục, những coupon/voucher hấp dẫn, những nguồn hàng và đường link mới dẫn tới “Cuộc chiến về giá” – chiếc P quyền lực nhất trong cạnh tranh và luôn hiệu quả : Price – Giá cả với người tiêu dùng. Khi đã vào một cái “chợ” chung thì đây là sân chơi của người tạo ra cái chợ đó và nhiều khi những người trong cái chợ phải chịu khá nhiều thiệt thòi và phải theo sân chơi. Rõ ràng một cái chợ quá lớn sẽ có rất nhiều người đi vào đó mua bán vì nó có quá nhiều sự lựa chọn, traffic và lượng người dùng là những gì hấp dẫn với bất kì một người buôn bán nào. Cộng thêm tâm lý FOMO đã khiến nhiều local brands dần bị “Sa” vào sức hấp dẫn của các sàn thương mại điện tử và cuốn vào cuộc chiến về giá. Vô hình chung, sàn TMĐT đã “Dạy” hư khách hàng về giá trị của sản phẩm, giá trị thương hiệu và những cú “Tụt” giá không thể nào tụt hơn và điều đó làm giảm giá trị của thương hiệu trong mắt khách hàng trung thành hay những khách hàng tiềm năng sau này nếu nhận thức đúng về thời trang.

“Say”, “Say” và “Say”. Càng say vào cuộc chiến về giá, càng say về những món đồ giá trị thấp đã kéo mức giá mặt bằng chung trên mỗi sản phẩm của các local brands trên sàn TMĐT xuống thấp so với mức tăng trưởng kì vọng của riêng bản thân mình trong những năm vừa qua. Phải Sales mới bán được hàng, phải sales liên tục mới đẩy được hàng – Sales/Sales/Sales trở thành tactic phổ biến, nhưng nên nhớ nó chỉ là công cụ để giải quyết vấn đề hàng tồn hay out season trong thời trang chứ không phải là 1 “điểm nên đáng ghi nhớ” trong tâm trí khách hàng. Nhưng nhờ ơn S*P và giờ đây là TTshop, điều này càng phổ rộng khủng khiếp hơn.

Điều này dẫn tới nhận thức về giá cả, nhận thức về thời trang và nhận thức về giá trị cốt lõi của thời trang – dù là dailywear,streetwear hay whateverwear như các bạn hay nói càng ngày càng bị lu mờ và dẫn tới những hệ quả như trên “Ngáo giá” “So sánh” và “Sai lầm của tuổi trẻ là mua local brands”. Đây là hệ quả mà ai cũng có thể nhận thức được và cũng nhờ ơn những Reviewer, những Tisctosco không hiểu biết gì về fashion mà chỉ chăm chăm làm affiliate kèm link abcxyz. Và đó là chưa kể tới các nhà kinh doanh, bán cái quần cái áo chứ không phải là “Fashion business” một cách chính chuyên (Mình hiểu) và thực sự số tiền họ kiếm được khiến nhiều người càng lao đầu vào việc này.

CẤM Ư? CHẲNG THỂ

CÔNG KÍCH Ư? DÃ TRÀNG

THUYẾT PHỤC Ư? CÀNG KHÔNG.

Hãy xem đây là 1 bài test “Thanh trừng” cho các thương hiệu nội địa. Cạnh tranh về giá không phải là một con bài tốt đối với 1 thương hiệu và đối với nguyên 1 đế chế sản xuất công nghiệp về thời trang như Trung Quốc. Càng giảm giá thì người thiệt nhất chính là các local brands vì con kiến sao đọ với con voi khổng lồ, rồi giảm tới khi nào nữa – giảm tới lúc báo lỗ hay sao?

Vàng thật thì không sợ lửa, nếu chúng ta có 1 giá trị gì đó bán cho khách hàng – ngoài cái quần, cái áo mà đó là tinh thần, là chất liệu, là những thứ mà những mặt hàng TB không có. Rồi người ta sẽ công nhận các thương hiệu, mình luôn nói “Thời trang là 1 ngành kinh doanh cảm xúc, sự thèm muốn và khát khao sở hữu” vậy thì các local brands có đang sở hữu điều đó đối với thị trường về mảng thời trang? Sự thèm muốn, khát khao sở hữu tại thời điểm 4.0 này được tác động bởi rất nhiều yếu tố? Ai là người kể chuyện, ai là người mặc chúng, xu hướng là gì, màu sắc ra sao, chất liệu/thiết kế? Tất cả tạo thành một chiếc xương sống cho các local brands. Chữ “BRAND” – “THƯƠNG HIEU” vốn dĩ rất nặng nề và đòi hỏi các chiến lược hợp lí. Và trong thời trang, cốt lõi vẫn là chất liệu + Thiết kế và làm sao để truyền tải tới khách hàng?

Chẳng ngoa, đối tượng khách hàng đại chúng và trẻ không phải là đối tượng mục tiêu của các thương hiệu vốn dĩ khá anti-fast ecommerce như TT hay SHP vì đơn giản họ đã biết giá trị của mình ở đâu. Họ building up cho mình 1 một e-commerce của mình (Chính là website và sau này là Web3) và sân chơi riêng phải theo luật riêng của họ. Có thể về mức doanh thu hay con số không thể nào so sánh với các brands kia nhưng mình đảm bảo tính bền vững của brands tốt hơn rất nhiều. Đó tạo ra “Feeling” cho khách hàng.

Giống như quy chuẩn của chợ truyền thống được nâng cấp, người tiêu dùng nhận thức việc mua sắm tại các không gian “sạch” và đồ có nguồn gốc như siêu thị trước thì mình chắc chắn là mindset của khách hàng trẻ với các mặt hàng local brands sẽ thay đổi rất nhiều và theo chiều hướng tích cực hơn cho các thương hiệu chuyên tâm và chuyên nghiệp trong việc xác định mình tại “Đại dương đỏ” này. Dẫu biết rằng nó chậm, dẫu biết rằng nó lâu, dẫu biết rằng nhiều lúc cũng buồn và tủi thân – nhưng hãy cứ tiếp tục mang tới các sản phẩm chất lượng rồi chúng ta sẽ được công nhận.

Còn khách hàng, không có gì hiệu quả hơn bằng việc “Ngã đau”. “Khách hàng thông minh” là khách hàng tự biết nhận ra sự trải nghiệm với đồng tiền của mình sao cho hợp lí Chứ không phải đi mua đồ fake, đồ Chaobao, đồ secondhand vô tội vạ rồi kêu thông minh nhé. Việc “Ngã đau” khiến họ biết nên phải làm gì và làm như thế nào. Còn nếu họ anti, họ ghét thì chịu thôi. Chợ thì tỉ người, chẳng chiều lòng ai hết được.

Chúc các local brands năm 2023 chân cứng đá mềm
Chúc người tiêu dùng hãy thật sự thông minh.

You may also like

Leave a Comment