Thư viện công cộng mới tốt nhất thế giới

by admin

Thư viện Công cộng Mới Oslo là một phong cảnh độc đáo của Oslo, một địa điểm tham quan thú vị cho khách du lịch. Tất nhiên, đây trước hết là thiên đường cho người yêu sách.

Theo thống kê vào năm 2019, cứ 4 người Na Uy sẽ có một người đọc sách mỗi ngày. Và theo báo cáo của Eurostat, khi nói đến chi tiêu hộ gia đình cho báo chí, sách và văn phòng phẩm, Na Uy đứng thứ ba trong danh sách so với các nước châu Âu khác. Các hộ gia đình ở Na Uy đã chi hơn 1,5% tổng thu nhập hộ gia đình của họ cho việc đọc.

 Na Uy vốn là một xứ sở đắt đỏ, và đọc sách là một thú tiêu khiển tốn kém ở quốc gia này, bởi giá bán sách ở Na Uy được cho là đắt nhất thế giới. Giá trung bình của một cuốn tiểu thuyết mới là khoảng một triệu đồng tiền Việt, thậm chí một cuốn sách cũ trung bình cũng có giá khoảng 500 nghìn đồng tiền Việt.

Nhưng ở Oslo, thủ đô của Na Uy, có một nơi mà bạn đọc có thể đến trong một ngày, không cần mua gì, không cần giấy tờ gì để có thể đọc sách miễn phí bất kỳ cuốn nào trong 450.000 cuốn sách.

 

Một thư viện có lịch sử lâu đời

 

Nơi này cũng bố trí nhiều tiện ích cho bạn đọc. Độc giả có thể đọc trên ghế sofa, trên ghế mây, đung đưa trên xích đu, hoặc ngay cả khi không đọc sách, chỉ đến để gặp gỡ, giao lưu và trò chuyện, hoặc dắt bé đi dạo… Nơi này chính là Deichman Bjørvika – Thư viện Công cộng Mới Oslo, được khánh thành năm 2020.

Năm 2021, Thư viện Công cộng Mới Oslo đã giành chiến thắng trong cuộc bình chọn của Liên đoàn các Hiệp hội và Tổ chức Thư viện Quốc tế để được vinh danh là “Thư viện Công cộng mới tốt nhất thế giới”.

Thư viện Công cộng Mới ở Oslo còn được gọi là Deichman Bjørvika, một cái tên để vinh danh Carl Deichman. Carl Deichman sống vào thế kỷ 18 khi thời kỳ Khai sáng châu Âu phát triển mạnh mẽ, là cựu Thủ tướng Na Uy, đồng thời là một doanh nhân và người sưu tầm sách.

Trước khi qua đời, ông đã tặng hơn 6.000 quyển sách cho thành phố Christiania (nay là Oslo), với hy vọng cư dân của thành phố sẽ có một thư viện công cộng riêng. Thời điểm đó, hầu hết thư viện đều thu phí thành viên để ngăn không cho người nghèo và người ở tầng lớp thấp tiếp cận với tri thức, thư viện chỉ dành cho những người có trình độ học vấn cao.

Năm năm sau cái chết của Carl Deichman, vào tháng 1/1785, Thư viện Christiania được hoàn thành và mở cửa cho công chúng. Mọi công dân đều được tiếp cận với sách vở tri thức. Mở ra một kỷ nguyên mới cho thúc đẩy văn minh hóa thư viện, ủng hộ việc sử dụng tự do, bình đẳng các nguồn tài nguyên văn hóa và thông tin, cho phép người dân có quyền bình đẳng về giáo dục và học tập thông qua việc phân phối lại của cải tinh thần.

Từ năm 1898 đến năm 1913, dưới sự chỉ đạo của giám đốc Haakon Nyhuus, Thư viện Christiania đã trở thành hình mẫu cho các thư viện công cộng ở khu vực Bắc Âu. Ông cho mở phòng đọc và bổ sung thêm sách cho trẻ em và thanh thiếu niên. Đồng thời, số lượng sách tăng gấp ba lần, lượng mượn sách tăng gấp 25 lần, với khoảng 4.000 lượt khách mỗi ngày.

Năm 1925, thành phố Christiania được đổi tên thành thành phố Oslo, thư viện cũng được đổi tên thành Thư viện Oslo. Ngoài Thư viện chính còn có hơn 22 chi nhánh trên khắp Oslo.

 

Thiên đường cho người yêu sách

 

Thời gian xây dựng Thư viện Công cộng Mới ở Oslo khoảng 11 năm. Năm 2009, hai kiến ​​trúc sư Lund Hagem Architects và Atelier Oslo đã chiến thắng trong một cuộc thi thiết kế để xây dựng tòa thư viện mới hiện đại và thân thiện với môi trường.

Thư viện Công cộng Mới ở Oslo hiện có 450.000 cuốn sách được trưng bày, hầu hết có thể được mượn thông qua máy cho mượn sách tự phục vụ hoàn toàn tự động.

Tầng 1 là khu sầm uất nhất, có nhà hàng, café, quầy thông tin. Tầng hầm có rạp chiếu phim và một khán phòng tổ chức sự kiện với 200 chỗ ngồi. Tầng hai được thiết kế dành cho trẻ nhỏ, và bạn cũng có thể nghe, đọc trong không gian đặc biệt này. Tầng ba lại giống như công xưởng, nơi bạn có thể tham gia vào các hoạt động theo đuổi sáng tạo với mọi thứ từ máy in 3D, máy may, phòng thu âm. Tầng 4 và tầng 5 được bố trí với các phòng đọc sách và phòng làm việc, phòng học, ngoài việc yên tĩnh tận hưởng, bạn có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng quang cảnh tuyệt đẹp của Oslo Fjord.

Ngoài ra, trên tầng 5 còn có phòng Yên tĩnh (Silent Room) – một căn phòng đặc biệt của Dự án nghệ thuật cộng đồng đầy tham vọng “Thư viện Tương lai” (Future Library) do nghệ sĩ người Scotland – Katie Paterson khởi xướng. Cứ mỗi năm trong 100 năm tới, sẽ có một nhà văn đóng góp một tác phẩm gốc chưa từng được công bố của mình cho Dự án. Các bản thảo này sẽ được lưu giữ trong Phòng Yên tĩnh. Đến năm 2114, 100 tác phẩm này sẽ được xuất bản và trưng bày tại Thư viện Công cộng Mới Oslo.

Thư viện Công cộng Mới Oslo quả thực rất xứng với danh hiệu “Thư viện Công cộng Mới tốt nhất thế giới năm 2021”, không gian sáng sủa và rộng rãi, được thiết kế tiên tiến hiện đại, tràn ngập không khí nghệ thuật và trí thức. Công chúng tới có thể trò chuyện, giao lưu trao đổi, hoặc ngồi vào bàn đọc sách, lật giở những cuốn sách trên giá, hoặc đơn giản chỉ tận hưởng một không gian yên tĩnh, thanh bình.

Tại đây, thư viện đã thay đổi từ nơi lưu trữ sách thành nơi để mọi người gặp gỡ và học hỏi. Cùng các dịch vụ đồng bộ toàn diện và hoàn toàn miễn phí, dù ở độ tuổi nào, tôn giáo, trình độ học vấn, mọi người đều có thể đọc, nghiên cứu và tiếp thu thêm kiến ​​thức một cách thư thái tại thư viện này.

Thêm vào đó, với kiến trúc đẹp và độc đáo, đầy tính nhân văn, Thư viện Công cộng Mới Oslo đã trở thành một phong cảnh độc đáo của Oslo, một địa điểm tham quan thú vị cho khách du lịch. Tất nhiên, Deichman Bjørvika – Thư viện Công cộng Mới Oslo trước hết là một thiên đường mới cho những người yêu sách.

 Theo Zing News

You may also like

Leave a Comment