Tiếng nói của em ở đâu trong tôi

by admin

Em có thấy bản thân mình quá tiêu cực không?

Thế anh có thấy mình đang sống dưới ánh đèn sân khấu quá nhiều không?

Là thế nào nhỉ?

Là phải gồng mình để diễn như một người nổi tiếng. Với em, phải cố gắng để trở thành một người khác mới là tiêu cực.

Em chỉ cảm nhận xã hội cho mình nhiều thứ, đem đến cho em đủ loại thông tin, em tiêu hóa không kịp. Thế nên, em mệt. Giữa một bữa tiệc lớn, người ta ngập ngừng với những sự lựa chọn của mình vì sợ bỏ lỡ. Người ta không tin vào mình nữa, cũng không dám là mình nữa.

Cái gật đầu bao giờ cũng dễ chịu hơn lời từ chối, đối với họ. Nhưng là mất mát đối với em.

Nụ cười bao giờ cũng dễ chấp nhận hơn là vẻ mặt bình thản đối với họ. Nhưng là mệt mỏi đối với em.

Em sợ làm người khác thất vọng nhưng quên em cũng đang thất vọng về mình. Không có sự thật nào là chắc chắn nếu em không phải là người chứng kiến quá trình. Ngay những thứ mà em tin cũng có thể là thứ mà một ai đó dựng lên theo ý muốn của họ. Chẳng có gì là hoàn toàn ở đây cả.

Loài người luôn sợ cô đơn, hơn hết là sợ phải đối diện với chính mình. Họ sợ phải ngồi lại, nghe thấy tiếng lòng thổn thức, tiếng trái tim đập, thấy sự yếu đuổi của chính bản thân nhào ra làm họ nhỏ bé. Những nỗi buồn, hối tiếc luôn khiến người ta đồng cảm nhiều hơn vì không phải ai cũng dám nhắc về nó. Bởi niềm vui là thứ người ta dễ kiếm tìm nhất. Mọi người luôn gào lên “Phải vui lên! Hãy mỉm cười nào!….” Nhưng không ai bảo “Phải sống đúng với những gì đang diễn ra. Đừng cố tỏ ra…”

Vì em không nói, vì em chỉ muốn nghe nên không ai biết thực sự tiếng nói của em đang ở đâu. Đó là cách mà người khác nói hộ lòng em. Và cũng chỉ là hình ảnh em trong họ. Cần người mở lời thay. Không phải là em.

You may also like

Leave a Comment