Tiểu sử Hồ Diệu Bang và sự kiện Thiên An Môn 

by admin

Hồ Diệu Bang xuất thân từ một gia đình nông dân tại tỉnh Hồ Nam. Ông sinh ngày 20/11/1915 vào lúc Trung Quốc bước vào thời đại cách mạng dân chủ sau khi Thanh triều bị lật đổ. Ông theo phong trào cộng sản dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông và suýt chết trong cuộc trường chinh 1934-1935 khi đoàn quân đang tan tác của Mao trốn chạy sự săn đuổi của quân đội Tưởng Giới Thạch từ miền nam Trung Quốc lên Diên An.

Vốn là một người chủ trương kinh tế thị trường và phóng khoáng chính trị, ông Hồ Diệu Bang lãnh đạo Đoàn Thanh Niên Cộng Sản từ 1952 đến 1967, và sau khi Đặng Tiểu Bình củng cố được thế lực năm 1981, Đặng đã chọn Hồ Diệu Bang làm Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc. Ở chức vụ này, và với sự ủng hộ ngầm của Đặng Tiểu Bình, ông Hồ Diệu Bang đã thực hiện nhiều cuộc cải tổ quan trọng như nới lỏng tự do ngôn luận và nhờ đó ông rất được lòng giới trẻ nhất là thành phần sinh viên. Cuộc cải tổ của Đặng Tiểu Bình và Hồ Diệu Bang đã mang lại một không khí phấn khởi theo hướng dân chủ hóa cho Trung Quốc, và vào cuối năm 1986 sinh viên trên toàn quốc đã có thể tổ chức những cuộc biểu tình nho nhỏ và ôn hòa để bày tỏ ý kiến về các vấn đề quốc gia nhất là vấn đề dân chủ hóa và cải thiện đời sống kinh tế

Tuy nhiên sau cuộc biểu tình lớn của sinh viên tại Thượng Hải vào tháng 12/1986, Đặng Tiểu Bình và các thành phần thận trọng trong Bộ chính trị lo ngại và đã áp lực Hồ Diệu Bang từ chức ngày 16/1/1987. Đặng thay thế Hồ Diệu Bang bằng một nhân vật cởi mở khác là Triệu Tử Dương để duy trì hướng cải tổ trong chừng mực, đồng thời cân bằng nội bộ với một ủy viên chủ trương cứng rắn là thủ tướng Lý Bằng. Sau cuộc chỉnh đốn nội bộ để kìm hãm bớt phong trào đòi dân chủ này Hồ Diệu Bang tuy không còn quyền lực đã trở thành một biểu tượng của phong trào đòi dân chủ tại Trung quốc .

Ngày 15/4/1989 Hồ Diệu Bang đột ngột qua đời. Tại Bắc Kinh, Thượng Hải và vài thành phố lớn khác sinh viên và dân chúng xuống đường bày tỏ lòng thương tiếc.Trước áp lực của quần chúng đảng cộng sản Trung Quốc cho cử hành quốc táng. Vào ngày tang lễ (22/4) hơn 100.000 sinh viên tập trung tại quảng trường Thiên An Môn và sau đó hằng ngày tổ chức các cuộc tuyệt thực và biều tình đòi cải cách dân chủ. Sau hơn một tháng do dự, thăm dò ý kiến các tướng lãnh, và nhất là sau khi sinh viên biểu tình đập các bình cắm hoa nhỏ (Tiểu Bình tên của Đặng Tiểu Bình có nghĩa là bình cắm hoa nhỏ) Đặng Tiểu Bình hiểu rằng phong trào sinh viên không những đòi dân chủ mà họ còn có ý định tiêu diệt cá nhân ông, ông quyết định ra tay. Binh sĩ được điều động từ miền Bắc xa xôi về đã nổ súng trực xạ vào đám sinh viên ngày 3 & 4 tháng 6, giết chết hằng trăm người trước sự chứng kiến kinh hoàng của toàn thế giới. Sau sự kiện, quyền hành của Đặng Tiểu Bình được củng cố hơn. Ông cách chức Triệu Tử Dương và đưa Giang Trạch Dân lên thay.

Đã có nhiều nỗ lực tại Trung Quốc để đánh giá lại hành động của đảng cộng sản trong vụ Thiên An Môn, đồng thời vãn hồi danh dự cho Hồ Diệu Bang như một nhà cải cách. Năm 2005 chính quyền đã chuẩn bị cho phổ biến tiểu sử của Hồ Diệu Bang và làm lễ truy điệu ông nhân dịp sinh nhật thứ 90 của ông tại tỉnh Hồ Nam. Điều này không có gì ngạc nhiên vì đương kim Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào vốn là người cùng xuất thân từ Đoàn Thanh niên cộng sản và Hồ Diệu Bang là người đã đề cử Hồ Cẩm Đào vào Trung ương đảng. Nhưng việc này vẫn bị xếp lại ngoại trừ một buổi lễ nhỏ được cử hành vào ngày 18/11/2005 tại Bắc Kinh và được báo chí đăng tải. Đó là lần đầu tiên kể từ ngày Hồ Diệu Bang qua đời tên ông được chính thức xuất hiện trên báo chí.

Có nhiều ý kiến khác biệt về vụ Thiên An Môn. Một ý kiến cho rằng lãnh đạo Trung Quốc đã chờ đợi 40 ngày trước khi dùng bạo lực (tính từ 22/4/1989 ngày cử hành tang lễ Hồ Diệu Bang cho đến ngày nổ súng 3/6/1989) cho nên họ không dễ dàng nhận đó là sai lầm. Đánh giá lại có thể là giải thích hành động của họ sao cho hợp lý và hợp với tinh thần phóng khoáng trong nước để huy động nội lực quốc dân cho chương trình quan trọng trước mắt là vươn lên như một cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới. Một cách thực tế, nếu cuộc vận động Thiên An Môn thành công, Trung Quốc có thể rơi vào nội loạn như nạn sứ quân sau cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên năm 1910 hay phân chia đất nước và bạo loạn chủng tộc tại Nam Tư sau khi chế độ cộng sản dưới sự lãnh đạo của Tito sụp đổ. Và người ta không thể kết luận là một Trung Quốc xâu xé nhau sẽ có bao nhiêu triệu người sẽ bỏ mình và thế giới sẽ chịu những hậu quả nào.

Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 16/4/2010 đã đăng bài của thủ tướng Trung Quốc ca ngợi công lao của nguyên lãnh đạo đảng Hồ Diệu Bang. Nhân chuyến thăm Quí Châu, khu vực bị nạn hạn hán làm khô kiệt phía nam, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đưa ra một bài diễn văn đầy xúc cảm ngợi ca lãnh tụ Hồ Diệu Bang, mà ông đã từng được tháp tùng trong một chuyến công tác cũng tại tỉnh này. Thủ tướng Trung Quốc viết : Tôi giữ nguyên trong trái tim tôi những lời giảng dạy quý giá của ông. Phong cách và thái độ của ông đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, học tập và đời sống của tôi. Ông nhấn mạnh cựu lãnh đạo của đảng đã vô cùng cố gắng để hiểu được đời sống thực tế của quần chúng nhân dân. Và nhấn mạnh đến tình cảm của ông đối với Hồ Diệu Bang.

Tại sao ông Ôn Gia Bảo muốn khôi phục hình ảnh Hồ Diệu Bang ?. Vào thời điểm mà bộ máy lãnh đạo khi đó của đảng Cộng sản Trung Quốc đang thể hiện sự nhút nhát và để lại ấn tượng là họ đang cảnh giác, bắt giam tất cả những người chỉ trích mạnh mẽ chế độ, thật khó mà giải thích được ý định thực sự của hành động phục hồi chính thức hình ảnh của nhân vật quá cố, biểu tượng cho sự mở cửa của chế độ Trung Quốc những năm 1980. Mối quan hệ giữa nhà cầm quyền hiện nay với hình ảnh ông Hồ Diệu Bang là hết sức phức tạp. Là người bị Đặng Tiểu Bình loại bỏ, nhưng ông cũng là người thầy, thủ trưởng, và người ủng hộ đương kim chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, các sinh nhật của nhà cải cách quá cố nói chung đều diễn ra trong im lặng. Nhà bất động chính kiến Kỳ Chí Dũng (Qi Zhiyong) đã bị chính quyền quản chế tại gia để ngăn không cho ông tổ chức công khai ngày giỗ Hồ Diệu Bang. Trên thực tế, không có gì cho phép giải thích thông điệp phục hồi Hồ Diệu Bang của thủ tướng Trung Quốc. Phải chăng, trước khi từ giã chính trường năm 2012, thủ tướng Ôn Gia Bảo muốn để lại dấu ấn của mình với tư cách là một nhân vật thuộc phái cải cách ? Và phải chăng bài viết của ông Ôn Gia Bảo thể hiện những cuộc đấu tranh phe phái trong đảng Cộng sản Trung Quốc?

Trong cuốn Tiểu sử Hồ Diệu Bang năm 2017 bị chính quyền Trung Quốc bắt phải ngừng ngang đã tiết lộ bí mật chuyện ông này bị bắt ép phải từ chức. Quyển tiểu sử này được một nhóm nguyên lão từng công tác tại trung ương, do ông Trương Lê Quần là trưởng nhóm, đã thu thập và chỉnh lý một lượng lớn tư liệu, phỏng vấn rất nhiều nhân vật có liên quan và tuyển chọn để viết lại. Quá trình thực hiện mất đến hơn 10 năm, toàn bộ nội dung khoảng 1 triệu chữ và được chia thành 3 quyển. Xuyên suốt nội dung, các tác giả đã kiên trì theo phong cách Xuân Thu chi bút, viết lại chân thực những việc đã xảy ra. Nguyên vì cuốn sách có liên quan đến nội tình việc ông Hồ Diệu Bang bị mất chức nên đã bị chính quyền hiện thời cắt ngang, chỉ cho phép xuất bản tập một, còn hai quyển sau thì bị cắt gọn.

Theo quyển Tiểu sử nói trên, nguyên nhân việc ông Hồ Diệu Bang bị mất chức mặc dù rất phức tạp nhưng có thể nói căn bản là vì ông này có ý kiến khác với ông Đặng Tiểu Bình về việc ông Đặng rút lui toàn bộ quyền lực. Vào tháng 5/1986, ông Đặng Tiểu Bình hẹn ông Hồ Diệu Bang đến nhà để thảo luận chuyện nhân sự của Đại hội 13 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Hồ Diệu Bang lúc đó đã nói rằng: Tôi đã quá 70 rồi, đến Đại hội 13 muốn xuống. Ông Đặng Tiểu Bình trả lời: Tôi, Trần Vân, những người cũ đều sẽ xuống hết. Nếu cậu muốn nghỉ thì hãy nghỉ một nửa thôi, không cần phải làm tổng bí thư, hãy làm chủ tịch quân ủy hoặc là chủ tịch quốc gia một kỳ, xong rồi sẽ nói tiếp.

Ngày 22/8/1986, tại sinh nhật 81 tuổi ở Bắc Đới Hà bày mấy bàn tiệc rượu, ông Đặng Tiểu Bình đã biểu thị ý muốn hai năm sau tại Đại hội 13 sẽ rút lui toàn diện. Ông Hồ Diệu Bang tin rằng chuyện này là thật nên đến tháng 10 năm đó tại cuộc họp của Bộ Chính trị, ông Hồ Diệu Bang đã công khai nói rằng: Ngày hôm nay tôi muốn nói chuyện 10 phần cụ thể và chân thành. Tôi tán thành việc đồng chí Đặng Tiểu Bình đi đầu trong việc thoái lui, là một sự dẫn đầu vô cùng tốt. Chỉ cần đồng chí Đặng Tiểu Bình thoái lui thì các đồng chí lão thành khác càng làm công tác được tốt. Sau khi tôi hết nhiệm kỳ tổng bí thư thì cũng sẽ bước xuống, toàn phần để cho các đồng chí còn trẻ đảm đương.

Sau khi ông Hồ Diệu Bang nói xong thì ông Đặng Tiểu Bình không biểu thị bất cứ điều gì, chỉ biểu cảm trầm ngâm. Tán thành ý kiến của ông Hồ Diệu Bang lúc đó có Ủy viên Cục Chính trị Trung ương ĐCSTQ, Phó Thủ tướng Chính phủ (Phó Tổng lý Quốc vụ viện) Vạn Lý, Thành viên Tổ Thư ký Trung ương Dương Đắc Chí, Phó ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân Nhiếp Dung Chân, Nghê Chí Phúc và Phó chủ tịch Quốc Gia Ô Lan Phu. Thành viên Tổ Thư ký Trung ương Tập Trọng Huân tại hội nghị còn phát biểu ủng hộ ý kiến của ông Hồ Diệu Bang.

Tại buổi họp, ông Vương Chấn bị kích động đã nói rằng: Các anh rõ ràng đang đề đạt chuyện là muốn hay không muốn quyền lực, thừa nhận hay không thừa nhận rằng Tiểu Bình là quyền lực tối cao trong đảng chúng ta. Ông Vạn Lý lúc này ngắt lời nói: Anh Vương, anh không phải kích động. Đối với việc đồng chí Tiểu Bình là người cầm lái, tôi hoàn toàn không có ý kiến gì. Nhưng tôi chỉ muốn đính chính một chút, chúng ta xác lập quyền lực, không phải là cá nhân, mà là tập thể. Dân chủ mới là quyền lực tối cao của chúng ta. Ông Đặng Tiểu Bình sau đó từng hỏi ông Vạn Lý: Có phải ông Hồ Diệu Bang muốn ép ta phải thoái lui?. Ông Vạn Lý đã trả lời rằng: Có thể chỉ là lỡ miệng. Ông Đặng Tiểu Bình nói tiếp: Muốn tự mình nắm quyền. Ông Vạn Lý cho rằng: Hồ Diệu Bang không phải là người như vậy.

Sau đó, ông Hồ Diệu Bang dần dần bị tước hết quyền lực, mất cả quyền chủ đạo nhân sự cho Đại hội 13 ĐCSTQ. Trong lúc ông còn chưa nắm rõ tình hình thì đã bị ông Đặng Tiểu Bình đem quyền nhân sự giao cho Phó chủ tịch Ủy viên Hội Cố vấn Trung ương Đảng là ông Bạc Nhất Ba. Ngoài ra, ông Đặng còn sắp xếp cho ông Bạc cùng 7 người thành một tiểu tổ, yêu cầu thay đổi nhiều sắp xếp nhân sự của Đại hội 13, đặc biệt là các ý kiến nhân sự của ông Hồ Diệu Bang. Tháng 12 cùng năm, xuất hiện phong trào sinh viên tại trường Đại học Khoa học Trung Quốc ở An Huy rồi lan rộng đến tận Bắc Kinh. Ông Đặng Tiểu Bình dùng việc này để ép ông Hồ Diệu Bang phải hành động. Ngày 30/12, ông Hồ Diệu Bang định mở cuộc họp của Thường ủy viên Bộ Chính trị để thảo luận về việc xử lý phong trào sinh viên nhưng ông Đặng Tiểu Bình không đồng ý và yêu cầu ông Hồ đến địa điểm do mình chỉ định để nói chuyện. Ông Đặng Tiểu Bình đối với cuộc vận động của sinh viên đã nói rằng: Đây là kết quả của việc vài năm lại đây, lá cờ phản đối tư tưởng tự do hóa kiểu giai cấp tư sản không được giương cao, thái độ không được rõ ràng, sau đó còn trách ông Hồ Diệu Bang: Cậu thật khó mà không có trách nhiệm. Ông Hồ Diệu Bang lúc đó trả lời rằng: Tôi bảo lưu ý kiến của mình. Ông Đặng nói: Không phải là bảo lưu, mà là muốn cậu phải nhanh chóng thể hiện rõ, kiên trì thực hiện bốn nguyên tắc cơ bản, nếu không sẽ rơi vào tự do hóa kiểu giai cấp tư sản. Ông Đặng còn nói thêm rằng: Nếu không dùng cách thức chuyên chính thì không thể được. Đối với cách thức chuyên chính, không phải chỉ có giảng giải mà lúc cần thì nhất định phải sử dụng.

Ngày 10/1/1987, ông Bạc Nhất Ba chủ trì Hội Sinh hoạt Bộ Chính trị để công kích ông Hồ Diệu Bang. Ông Bạc mở đầu: Hồ Diệu Bang suốt ngày chỉ đi khắp nơi. Cả nước có hơn 2000 huyện, cậu cứ chạy khắp mọi chỗ. Cậu là Chủ tịch của Đảng, là Tổng Bí thư có kỷ lục chạy cao nhất. Đây không phải gọi là chỉ đạo công tác mà gọi là du sơn ngoạn thủy. Ông Dương Thượng Côn tiếp lời: Hồ Diệu Bang, ông nói rằng muốn làm việc cho đảng cho nước, vậy mà lại định cùng với các phần tử tự do hóa giai cấp tư sản kết thành liên minh. Ông Tống Nhiệm Cùng góp ý: Tôi không thể nhẫn nại nổi với cách thức mà ông Hồ Diệu Bang đối đãi với đồng chí Đặng Tiểu Bình. Tại Hội nghị, ông Đặng Lực Quần đã phê phán ông Hồ Diệu Bang đến 6, 7 giờ đồng hồ, ông Bạc Nhất Ba và Bàng Chân đã yêu cầu ông Hồ phải từ chức. Ông Vương Chấn nói rằng: Bạc Nhất Ba, Bàng Chân đại biểu cho ý kiến của đa số chúng tôi. Trong tình cảnh căng thẳng như vậy, ông Tập Trọng Huân đập bàn đứng dậy chỉ vào mấy người Bạc Nhất Ba nói: Các anh định làm cái gì? Đây không phải là đang bức vua thoái vị sao?. Ông Hồ Diệu Bang không đợi Tập Trọng Huân nói xong mà đứng dậy nói rằng: Đồng chí Trọng Huân, tôi đã nghĩ kỹ rồi, nếu không cho tôi làm thì tôi sẽ từ chức.

Ngày 15/1, sau khi Hội Sinh hoạt kết thúc, ông Hồ Diệu Bang ra ngồi tại cửa khóc lớn. Ông Điền Ký Vân chỉ lặng yên đứng ở bên cạnh rất lâu không muốn rời đi. Ông Vạn Lý sau khi về nhà cảm thấy trong tâm vô cùng bất bình, nói rằng: Hồ Diệu Bang không làm gì sai sau đó cho đầu bếp làm một món ngon mà Hồ rất thích gửi đến nhà để an ủi ông Hồ. Sau khi bị ép phải từ chức tổng bí thư, ông Hồ Diệu Bang trở về nhà gặp vợ là bà Lý Chiêu và nói rằng: tôi không làm gì sai, vì đại cục, tôi chỉ có thể từ chức. Sau đó Đại hội 13 đã diễn ra, khi tuyển ủy viên trung ương, ông Hồ Diệu Bang nhận được hơn 1800 phiếu, chỉ thiếu chưa đến 10 phiếu là đủ 100% phiếu bầu. Lúc tuyển ủy viên Bộ Chính trị, ông Hồ Diệu Bang lại nhận được rất nhiều phiếu bầu, chỉ thiếu 7 phiếu là được 100%. Trong khi đó, những người bán đứng ông là Đặng Lực Quần và Hồ Kiều Mộc nhận được ít phiếu bầu nhất nên không trúng truyển. Sau đó, mặc dù bị cho ngồi không, không có quyền lực gì nhiều, nhưng ông Hồ Diệu Bang vẫn duy trì tiếng nói cải cách trong đảng, được các phần tử trí thức và sinh viên rất ủng hộ.

Mùa xuân năm 1989, ông Hồ Diệu Bang rời Bắc Kinh đến Hồ Nam nghỉ, bị cảm rồi bị phát bệnh tim. Đầu tháng 3 năm đó, vì tham gia Hội nghị Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc nên ông đã quay lại Bắc Kinh. Đến ngày 8/4, khi Tổng Bí thư ĐCSTQ lúc đó là ông Triệu Tử Dương đang thảo luận văn kiện Quyết định của Trung ương ĐCSTQ về vấn đề giáo dục thì ông Hồ Diệu Bang đột nhiên phát bệnh nhưng sau đó ổn định lại, được chẩn đoán là bị nhồi máu cơ tim. Đến ngày 15/4, ông bị một cơn nhồi máu cơ tim nặng và qua đời lúc 7 giờ 53 phút tại tuổi 74. Sau khi ông Hồ Diệu Bang qua đời, giới sinh viên học sinh Trung Quốc đã tổ chức tưởng niệm quy mô lớn, được xem là mồi lửa của sự kiện thảm sát sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm đó.

Việt Nam đã phản ứng như thế nào trước biến chuyển Đông Âu và phong trào Thiên An Môn?. Tại đại hội VI năm 1986, đảng cộng sản Việt Nam phải tìm một con đường cải cách để tồn tại. Nguyễn Văn Linh, một nhân vật có thành tích cởi mở tại thành phố Hồ Chí Minh đắc cử Tổng bí thư. Nguyễn Văn Linh chọn đường lối đổi mới kinh tế và cởi mở chính trị theo mô thức của cuộc cải cách chính trị (glasnost) và cải tổ hành chánh (perestroika) của Gorbachev tại Liên bang Xô viết. Kết quả, cải tổ kinh tế đã giúp Việt Nam tránh được nạn đói, nhưng cởi mở chính trị chính yếu là cởi trói văn nghệ đã tạo ra một không khí tự do ngôn luận trong giới nghệ sĩ và nhà văn nên chỉ trong vòng 2 năm nhóm này buộc Nguyễn Văn Linh phải thắt lại.

Trong không khí của vụ Thiên An Môn đảng cộng sản Việt Nam phải chọn một trong hai con đường: Cải tổ chính trị theo hướng Liên bang Xô viết, hay cải tổ kinh tế và siết chặt chính trị trong tay đảng như mẫu của Trung Quốc. Người duy nhất trong Bộ chính trị chủ trương cải tổ chính trị là ông Trần Xuân Bách nhân ông được Bộ chính trị cử làm công tác nghiên cứu nguyên nhân và hậu quả của cuộc sụp đổ tại Đông Âu. Do sự nghiên cứu này ông Bách đã công khai chủ xướng đường lối cải tổ chính trị, chính yếu là thiết lập một chế độ đa đảng. Nhưng tiếng nói của ông chỉ là tiếng nói đơn độc và ông đã bị đa số gạt ra khỏi Bộ chính trị vào tháng 3/1990 trước khi nhiệm kỳ chấm dứt.

You may also like

Leave a Comment