Tìm lại “đứa trẻ” trong bạn

by admin

1. Trong chúng ta, ai cũng có một đứa trẻ, chỉ là rất ít người còn kết nối với nó. Người ta có thể gọi nó bằng nhiều cái tên (Child Within, Inner Core, True Self, Divine Child…), nhưng kể cả bạn không biết tên nó là gì, bạn vẫn sẽ cảm thấy sự hiện diện khi nó vắng bóng.

Nếu “đứa trẻ” của bạn phải trốn đi, bạn sẽ cảm thấy một khoảng trống khó tả trong lòng, một sự xa cách với cuộc sống, một cảm giác đứng ngoài cuộc chơi, một sự không thật bên trong mình. Bạn buồn nhưng không thể khóc, bạn cười nhưng không thấy vui, bạn ở đây, nhưng không cảm thấy sự hiện hữu của mình.

Bạn cảm thấy như bị “bay màu”. Mọi thứ đều là giả, nhưng bạn không biết thế nào thì là thật.

2. Vì đủ lý do từ gia đình, mà rất nhiều người bị tước đi cơ hội duy nhất để được làm chính mình khi còn bé. Họ sáng tạo ra một con người giả (False Self) để giấu đi con người thật (True Self), vì những hậu quả họ phải gánh chịu nếu cứ “sống thật như một cái cây”.

Bạn phải hy sinh vì bố mẹ, dù lẽ ra họ cần hy sinh cho bạn trước. Bạn phải nhìn nỗi buồn của mẹ, trước khi dám bộc lộ nỗi buồn của mình. Bạn không biết mình nên cảm thấy thế nào, cho đến khi nhìn mặt bố. Bạn cảm thấy như người vô hình, vì các nhu cầu bạn vô hình trước những người lẽ ra cần chăm sóc chúng. Bạn phải làm người lớn khi còn quá trẻ con.

Như thể có tiếng thét bên trong (primal scream) cần được tuôn ra, nhưng lại luôn phải giữ lại, và tồn tại sâu trong bạn, khiến cho dù cơ thể bạn lớn lên, nhưng tâm lý bạn vẫn đang bị mắc kẹt.

3. Hậu quả là bạn sẽ luôn phải cố kiểm soát mọi thứ vì bạn cảm thấy dễ bị mất kiểm soát nhất. Bạn sẽ không dám từ chối ai, cho dù cảm thấy không thoái mái. Bạn sẽ bỏ qua ý kiến của mình, vì quá khứ từng dạy rằng có nó, cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Trong tình yêu, bạn có thể sẽ bỏ họ trước, trước khi bị họ bỏ (thà ta phụ thiên hạ, chứ không để thiên hạ phụ ta). Chỉ cần người kia không nhắn lại vài tiếng, bạn đã cảm thấy mình mất hết giá trị trong mắt họ. Thế giới này quá đáng sợ, vì họ đã phải sống quá lâu trong chế độ “sinh tồn”. Chúng ta không có một tình yêu hoàn hảo, vì không ai có một tuổi thơ hoàn hảo.

Gặp lại, nói chuyện, kết nối lại với “đứa trẻ”này là cách để bạn tìm lại bản thân, tìm lại điểm trung tâm mà mình đã đi quá xa, tìm lại cái giếng nước giữa sa mạc, tìm lại sự kết nối với nguồn năng lượng sáng tạo từ vô thức. Nếu không thể, dù ở trong mối quan hệ nào, “đứa trẻ” sẽ luôn phải trốn vì không bao giờ cảm thấy an toàn.

“Tất cả người lớn đều từng là trẻ con, nhưng chỉ rất ít người nhớ được điều đó”, Hoàng tử bé nói. Trong câu truyện, có lẽ chẳng có một ông hoàng nằm ở tinh cầu xa xôi nào cả, chỉ là một người lớn đang tập chữa lành cho đứa trẻ bên trong mình.

——-

Minh Đào Via Trạm Đọc

You may also like

Leave a Comment