“Con người có lẻ hơn con vật ở tính nhân và cảm xúc mãnh liệt bên trong mỗi thực thể. Cười đó, khóc đó và cũng khó lòng mà quên đi kỉ niệm !”
Sáng ra.
Vẫn là một ngày mưu sinh bình thường. Tôi rời nhà vào lúc kim đồng hồ đã điểm 6h45ph. Sau yên xe là đứa con trai năm nay chuẩn bị vào lớp ba. Ôi thôi ! Tuổi ăn tuổi lớn và tuổi khám phá nên con hỏi rất nhiều. Vì sao sau khi mưa lại có cầu vồng ? Vì sao lại có câu “châu chấu đá xe” ? Vì sao đường lại ngọt và ớt lại cay ? Thiệt tình. Nhiều bữa tôi muốn nổi quạu với cháu nhưng nghĩ lại ngày trước bố vẫn kiên nhẫn trả lời tôi từng chút một. Vì thời cuộc. Bố học không cao nhưng sự hiểu biết của ông thì vô tận. Có lẻ nhờ tính người trầm lặng đến độ ít nói nên ông thường xuyên “nghe được nhiều hơn” … Bố luôn xoa đầu tôi và chịu khó trả lời từng câu hỏi của. Ngày đó không Internet, không truyền hình cáp, không WiFi, không Facebook. Vậy mà cái gì tôi cũng biết ! Và tôi biết tất cả là nhờ có bố …… ! Còn giờ đây con trai tôi thì hoàn toàn ngược lại. Cháu có tất cả những thiết bị công nghệ tối tân. Nhưng hình như ngoài khoảng thời gian ngắn ngủi mỗi sáng đưa con đi học. Khoảng thời gian còn lại bố con tôi … hoàn toàn xa cách nhau. Là do thời cuộc biến đổi chóng vánh. Hay do con người mãi không thể thích nghi được, không thể chi phối nó. Từ đó dẫn đến việc càng ngày càng xa nhau hơn !!
Đưa con tới cổng trường.
Bé hôn lên má tôi một cái, nói chào ba con đi học, rồi chạy vào sân. Tôi quay xe đi mà trong lòng thoáng một chút vui vì mình đã tập được cho bé một thói quen như thế. Mấy chục năm về trước bố tôi cũng như thế với tôi. Và giờ con tôi vẫn tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó của gia đình. Nhìn con đi từ đằng sau lưng, chậm rãi, vui vẻ khi bắt gặp bạn cùng lớp, nói cười rộn ràng đúng lứa tuổi của con. Không hiểu sao tôi cứ mong cháu cứ mãi như thế và đừng lớn thêm nữa. Con ơi ! Ngoài kia là cả thế giới bao la đẹp đẽ nhưng cũng đầy cạm bẫy ngọt ngào. Như ông nội bảo vệ ba ngày trước, ngày nay hãy để ba che chở cho con. Đến khi nào ba còn có thể ……
Đi được một đoạn khá xa.
Đường sá buổi sớm mà sao kẹt xe kinh khủng. Tôi dừng lại mươi phút bên lề đường cho ngớt ngớt xe. Bất giác tôi thấy hình ảnh một người cha đang “chúi đầu” vào thùng rác để lượm rác. Yên sau xe đạp của cha là một thằng bé gầy nhẳng và … đen ngơ ngác. Nó ốm, tóc xoăn tít, nhưng áo quần thì lành lặn. Có lẻ đó chính là niềm vui lớn nhất mà người cha đã dành cho con mình.
Ông cẩn thận chùi tay vào áo, nhẹ nhàng lôi hộp sữa Cô Gái Hà Lan loại nhỏ (350ml) và chít ống hút vào hộp cho bé uống. Thằng bé nút chụt chụt ngon lành, thoáng cái đã hết trơn hộp sữa. Nó cứ lay lay tay ông và ra dấu như muốn uống nữa. Nhưng tôi quan sát thấy người cha khẽ lắc đầu trong khi những giọt mồ hôi cứ … lầm lũi rơi. Tôi chịu không nổi !!! Quay đầu xe, tôi trở lại tiệm tạp hóa gần đó. Tôi trở ra với 4 lốc sữa Cô Gái Hà Lan (450ml) trên tay, một ổ bánh mì ngọt và năm cây kẹo mút. Thật nhanh. Tôi quay trở lại chỗ kẹt xe khi nãy thì may quá cha con ông ấy vẫn còn ở đó. Người cha kê mấy cục gạch ai đó để ở công trường gần đó tạo một chỗ ngồi cao ráo cho con mình. Sau đó ông ta tiếp tục đi “rảo khắp” các thùng rác còn lại quanh đó. Tôi đá chống xe máy, tiến lại sau lưng ông ta, vỗ vỗ mấy cái thật nhẹ và cất lời :
– Anh ơi ! Anh ơi ! Tôi có ít đồ mua cho con anh nè. Anh đừng đi lục thùng rác nữa.
Đáp lại lời tôi. Bạn biết không. Trời đất như quay mòng mòng trước mắt tôi khi ông ta đáp lời lại với tôi :
– Ú ú … ớ ớ .. ú … ứ ..
Ông vừa nói vừa chỉ tay vào cuống họng mình mà ra dấu. Người cha bị câm và không nói được. Còn nổi đau nào dữ đội hơn nữa. Trời ơi … !! Tôi ngồi xuống cạnh cậu bé được ăn mặt “lành lặn” ấy trong khi người cha thì ngồi cạnh bên. Tôi xé cái bánh ngọt khi nãy đưa cho bé nó ăn. Nó vòng tay sát vào ngực mà cảm ơn tôi. Sau đó bé nó không ăn liền mà đưa miếng bánh về phía miệng của ba nó mà nói thỏ thẻ ” … ba … ba ăn trước đi ba …”. Ôi !!! Tiếng nói nho nhỏ mà xé nát lòng của những người lớn.
Người cha cứ mãi ú ú ớ ớ riết những tràng dài khó hiểu. Có lẻ ông không muốn ăn. Ông muốn nhường miếng ngon cho con mình. Hay sao. Hay gì nữa. Tôi cũng không muốn hiểu. Bằng chính cảm nhận của mình, tôi biết ông ta thương con mình nhiều lắm. Đặt bàn tay mình xoa nhẹ lên mái tóc của bé. Tôi nói thầm trong sự nức nở ” … mốt lớn … con phải có hiếu với ba mình … nghen con !”.
***
Sài Gòn,
Tình phụ tử.
Bùi Quang Minh