Triều đại nhà Tống là 1 trong những triều đại giàu có và nhiều phát minh nhất trong lịch sử Trung Hoa. Với quyền lực tập trung và bộ máy quản lý lâu đời, hệ thống quân sự triều Tống thực tế khá chặt chẽ so với phần còn lại của Thế Giới cùng thời kỳ của nó.
I. Tổ chức
A. Lục quân
Quân đội nhà Tống chia là 4 loại quân
- Cấm quân: là lực lượng chủ chốt, đội quân thường trực được đặt dưới quyền của Hoàng Đế. Cấm quân ko tuyển chọn theo hình thức nghĩa vụ quân sự mà được tuyển theo hình thức tự nguyện gia nhập, ngoài ra còn được bổ sung từ Sương Quân, nếu binh lính đó có thành tích chiến đấu tốt. Cấm quân là lực lượng chuyên nghiệp, được trả lương bằng tiền và khẩu phần lương thực hàng tháng. Khoảng 1 nửa lực lượng được đóng ở các vùng quanh kinh thành, phần còn lại được chia ra đóng giữ ở những châu quận quan trọng trong cả nước. Thời Tống Thái Tổ năm 976 SCN, Nhà Tống có 193.000 cấm quân đến năm 997 đã tăng lên 358.000 cấm quân.
- Sương Quân: đây là lực lượng quân sự địa phương ở các châu phủ, được quản lý bởi Tuyên Huy Viện, nhiệm vụ chính của Sương Quân là bảo an, phục dịch, vận chuyển, xây dựng các công trình quân sự….. Ngoài ra, Sương quân cũng có nhiệm vụ tuần tra, canh phòng, thi thoảng dùng vào nhiệm vụ chiến đấu nhưng không nhiều lắm. Nhưng có 1 số đơn vị Sương quân như Trung Cảm quân và Trừng Hải quân ở gần Đại Việt làm nhiệm vụ tuần tra vùng duyên hải khá quan trọng được nhận đãi ngộ như Cấm quân. Quân số Sương quân tăng giảm không cố định hàng năm
- Hương quân: đây chính là lực lượng dân binh địa phương, do làng xã phụ trách. Số lượng hương binh không được xác định rõ ràng mà căn cứ vào số hộ và số đinh trong làng để quy định. Làng nào muốn lập Hương quân thì phải xin phép triều đình, hương binh là dân quân tự vệ, khi có giặc thì họ sẽ tham gia chiến đấu bảo vệ địa phương, khi không có chiến sự lại trồng trọt, sản xuất. Những người có thành tích chiến đấu sẽ được Triều đình xét phong tặng, sau khi chết sẽ được thờ trong võ miếu của làng.
- Phiên binh: là lực lượng quân sự của các dân tộc thiểu số đã quy thuận nhà Tống, lực lượng này có nhiệm vụ bảo vệ địa phương, do thám khu vực xung quanh, khi có kẻ địch đến thì phải báo về triều đình để cử cấm quân đến đánh dẹp; Trong chiến đấu thì làm nhiệm vụ liên lạc, phục dịch….
Bộ binh Tống tập hợp thành các đội 50 người, 2 đội là 1 đô, 5 đô là 1 dinh, 5 dinh thành 1 quân. 10 quân thành 1 sương
Lực lượng cung nỏ của nhà Tống được tách riêng, theo Võ Kinh Thông Khảo đươc viết năm 1044, nỏ thủ được dùng với số lượng lớn là phương pháp hiệu quả để áp chế kỵ binh xung kích. Nỏ thời Tống khá lợi hại, vào năm 1004, ghi nhận trường hợp, tướng Liêu bị hạ sát bởi 3 mũi nỏ trên chiến trường. Nỏ được sản xuất hàng loạt trong các kho vũ khí của nhà nước với thiết kế cải tiến theo thời gian, chẳng hạn như việc sử dụng chất liệu bằng gỗ dâu tằm và đồng thau vào năm 1068 có thể bắn xuyên thân cây từ cự ly 140 bước. Nhà Tống đã thành lập một đội cấm binh mang tên “Ngự Long cung tiễn trực doanh”, chuyên dùng cung tiễn để chiến đấu bảo vệ Hoàng Đế.
B. Kỵ binh
Nhà Tống không có nhiều ngựa chiến, do đã mất vùng Yên Vân Thập Lục Châu vào tay người Khiết Đan, nhà Tống không kiểm soát được vùng đất tốt để sản sinh ra kỵ binh. Kết quả là nhà Tống chỉ có 200.000 ngựa chiến vào thời Tống Chân Tông và 150.000 ngựa chiến vào thời Tống Thần Tông, giảm đáng kể từ con số 700.000 ngựa chiến lúc cao điểm thời nhà Đường. Hàng năm, nhà Tống phải mua một lượng lớn ngựa từ các vùng khác, có năm lên tới 40.000 ngựa. Ngựa Đại Lý là giống ngựa có giá đắt nhất và được săn tìm nhiều nhất, đặc biệt là sau khi nhà Bắc Tống sụp đổ.
Kỵ binh nhà Tống sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm kích, kiếm, cung và thương lửa….
Do thiếu lực lượng kỵ binh của riêng mình, quân Tống phải phát triển các kỹ – chiến thuật bộ binh chống kỵ binh, trang bị “chảm mã đao”, rìu lớn, kích dài và nỏ để chống lại quân Khiết Đan và Nữ Chân.
C. Thủy quân
Từ thời điểm này đến năm 1127, nhà Tống chỉ duy trì một vài hạm đội nhỏ để hộ tống thương thuyền. Nhưng sau thất bại trước nhà Liêu và để mất miền Bắc, nhà Tống buộc phải tổ chức lại Hải quân để phòng ngự cửa ngõ Trường Giang. Thực tế việc chuẩn bị đã được bắt đầu từ cuối thế kỷ XI. Năm 1090, 2 xưởng đóng tàu được xây dựng ở Minh Châu và Ôn Châu, và được ra lệnh đóng 600 tàu chiến, 2 xưởng đóng tàu khác Chiết Giang và Hoài Nam được ra lệnh đóng 300 tàu. Năm 1132, triều đình xây dựng 1 căn cứ Hải quân ở quận Định Hải nhằm bảo vệ cho cửa ngõ Trường Giang, khởi đầu với 11 hải đội và 3000 người, đến năm 1174, hạm đội này phát triển lên 15 hải đội và 21.000 người. Một căn cứ khác được thành lập ở vùng đất ngày nay là Thượng Hải năm 1167. Đến năm 1237. Hải quân Tống đã lên đến con số 20 hải đội và 52.000 quân.
Nhà Tống cũng thực hiện việc mượn hoặc thu mua lại tàu đi biển của các thương nhân để bổ sung cho hạm đội của mình, một số tàu buôn hoán đổi có kích cỡ khá lớn, chiều rộng lên tới 9m. Các tàu chiến nhà Tống sử dụng là các tàu dạng “war galley” có trọng lượng 400 liao tức là tải trọng vào khoảng 50-60 tấn, dài 24m, rộng 6m mà phương tây gọi là các tàu “sea hawk”, có khả năng mang theo 200 lính thủy. Kể từ năm 1169, bắt đầu xuất hiện các tàu “sea hawk” lớn hơn có tải trọng 100 tấn và đến năm 1230 là 160-170 tấn. Những mẫu tàu sau cùng được trang bị mũi tàu bằng sắt. Các tàu chiến trên biển được phân ra làm 3 loại, được trang bị với lao, máy bắn đá, mũi tàu bằng sắt, hỏa pháo, tên lửa và các vũ khí khác.
II. Huấn luyện
Nhà Tống xây dựng nhiều công trình phục vụ huấn luyện quân sự. Trong Đại Nội có “Giảng Vũ điện” dùng cho các hoạt động truyền dụ mệnh lệnh. Phía Tây Khai Phong có “Giảng vũ đường” dùng làm nơi huấn luyện binh pháp và võ thuật, Cạnh “Giảng vũ đường” lại có bãi “giáo trường” ( sau gọi là “thao trường”) rộng mỗi chiều mấy mươi dặm để cho cấm quân luyện tập. Trước “Giảng vũ đường” lại có đào một cái ao rộng dùng để họp các đội thuyền nhằm luyện tập thuỷ chiến, gọi là “giáo thuyền trì” ( năm 973 trở đi, đổi gọi là “Giảng vũ trì”). Từ đời Tống Thái Tổ đã cho đóng trong ao 100 chiếc lâu thuyền 3 tầng lầu để quân lính luyện tập. Đến Tống Thái Tông, số thuyền còn nhiều hơn. Năm 977, lại cho dựng thêm “Giảng vũ đài” ở đất Dương Đồn phía nam kinh thành, dùng làm nơi luyện tập sử dụng các loại máy bắn đá, bắn nỏ,…
Theo chế độ quân binh nhà Tống, hàng năm các tướng lĩnh cấm quân phải về “Giảng vũ đường” để dự tập quân, học chương trình huấn luyện quân sĩ và nghe vua giảng dụ. Tống Thái Tổ dù rất bận việc triều chính, nhưng vẫn thường xuyên đến đây để úy lạo tướng sĩ và nhắc nhở việc luyện tập. Vua cũng hay đến “Giảng vũ trì” để xem xét việc tập luyện thuỷ chiến ở đây Một trong các nội dung cơ bản khi huấn luyện binh sĩ là làm quen với hiệu lệnh bằng tiếng trống hoặc chiêng; làm quen với đội hình, đội ngũ…hành quân và các bài tập thể lực khác. Các bài tập vũ khí bao gồm thương, đao, kiếm, cung nỏ, thời kỳ sau có thêm luyện tập hỏa khí. Kỵ binh và bộ binh luyện tập cùng nhau để có thể phối hợp tác chiến tốt hơn.
Ngoài ra, triều đình còn sai các “giáo luyện sứ” xuống tổ chức việc huấn luyện ở các địa phương.Theo Văn Hiến Thông Khảo, Lộ Quảng Nam Đông và lộ Quảng Nam Tây, cứ 5 đinh chọn 1 làm lính, giao cho vũ khí, cho tập võ nghệ theo đơn vị huyện. Quảng Đông luyện được 14.000 binh, Quảng Tây luyện được 39.800 binh. Về sau, định thành lệ tập quân vào tháng 10-11 hàng năm
III. Trang bị
- Giáp trụ
Binh lính nhà Tống sử dụng chủ yếu là giáp Lamellar bằng thép, mức độ che phủ tùy thuộc và cấp bậc và chức năng của người lính. Bộ binh nhẹ có thể có 1 tấm giáp che ngực trong khi bộ binh hạng nặng, kỵ binh và sỹ quan mặc giáp nặng hơn, che phủ gần như toàn bộ cơ thể. Giáp phục có nhiều bộ phận ghép vào với nhau, bao gồm giáp ngực, giáp vai, giáp đùi, giáp cẳng chân và cẳng tay cũng được sử dụng. Một bộ giáp hoàn chỉnh nặng 30kg, có thể chống lại hầu hết các các loại vũ khí vào thời điểm đó.
Trong triều đại nhà Tống, việc tạo mấu lồi trên các mảnh áo giáp để bắt chước thép rèn nguội đã trở thành mốt, sản phẩm này thường được sản xuất bởi những người không phải người Hán ở vùng Thanh Hải hiện đại. Mấu lồi được tạo ra từ quá trình gia công nguội thực sự là những điểm có hàm lượng carbon cao hơn trong thép ban đầu, do đó, những mấu lồi thẩm mỹ trên thép không được rèn nguội không có tác dụng gì. Theo Thẩm Quát, áo giáp làm bằng thép rèn nguội có thể chặn được mũi tên bắn ở khoảng cách 50 bước. Tống sử chép rằng “công cụ chiến tranh của nhà Tống cực kỳ hiệu quả, chưa từng thấy trong thời gian gần đây” và “vũ khí và áo giáp của họ rất tốt” nhưng “quân đội của họ không phải lúc nào cũng hiệu quả”
- Vũ khí
- Cung tiễn: Cung nỏ thường được chế tác từ loại tre lóng dài, gốc cau già, thân cây bồng là những nguyên liệu thẳng và cứng. Tiễn chế tác xong sẽ được xếp vào những “phộc” – túi tên bằng da trâu hoặc bò, có nắp và dây đeo hẳn hoi – Có hai loại: phộc nhỏ chứa 50 tiễn, phộc lớn chứa 100 tiễn.
- Nỏ: Đến đời Tống, các chủng loại nỏ đã rất phong phú, có thể kể rà: Du nỏ, Giáp nỏ – dùng cho bộ binh, dễ dàng sử dụng cả khi tấn công lẫn phòng thủ. Đường nỏ, Đại nỏ: dùng lắp trên xe để bắn, hoặc dùng khi dã chiến. Nỏ thần tý: xuất hiện sau cuộc chiến Tống-Việt lần 1 năm 981. Tương truyền đây là loại nỏ lớn, cánh nỏ bằng thép, lực bắn có thể xuyên cả thân voi. Nỏ này được trang bị cho thành Ung châu chống lại quân Lý trong cuộc chiến tranh Tống-Việt lần 2
- Vũ Khí cận chiến: Thời Tống vũ khí cận chiến phổ biến là các loại thương, kích dùng để chống lại bộ binh và kỵ binh. Do giáp trụ thời kỳ này có sự gia tăng mạnh mẽ nên các loại vũ khí nặng như rìu chiến hay các loại vũ khí cán dài lưỡi nặng dùng để phá giáp cũng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt nhà Tống duy trì 1 lực lượng sử dụng chảm mã đao, một loại đao lớn dùng để chém ngựa, lực lượng này kết hợp với lính đánh kích và nỏ thủ trở thành 1 phần của chiến thuật chống kỵ trong quân đội thời nhà Tống
-Khiên: Các loại khiên được trang bị khá đa dạng từ khiên tròn cỡ trung bình cho đến các loại khiên lớn hơn gần giống “Tower shield” cũng được sử dụng. Lá chắn bộ binh cỡ lớn làm bằng gỗ, hình ngũ giác, cao 155cm, rộng 94cm có chân chống phía sau. Lá chắn của kỵ binh thường có hình tròn, làm bằng gỗ phủ da, phía sau có quai đeo vào cẳng tay, thiết kế khá mới vào thời điểm đó.
- Vũ khí công thành: Nhìn chung, thời kỳ này nhà Tống thịnh hành loại máy bắn đá thô sơ. Nó là một cái đòn bẩy, cánh tay đòn dài đặt đạn đá, cánh tay đòn ngắn thì cột nhiều sợi thừng. Khi bắn, các binh lính giật dây thừng để bẩy cánh tay đòn dài bắn quả đạn đi. Năm 1176, Wei Sheng tạo ra máy bắn đá trọng lực đầu tiên ở Trung Quốc, mẫu này nhanh chóng bị thay thế khi quân Nguyên “giới thiệu” pháo hồi hột trọng trận Phàn Thành năm 1273.
- Hỏa khí: Ghi chép sớm nhất về hỏa khí dưới triều Tống là trong Võ Kinh Thông Khảo năm 1044, mô tả về một loạt các vũ khí sơ khai có sử dụng thuốc súng. Loại vũ khí đầu tiên là các loại tên có buộc 1 ống thuốc súng, khi nổ sẽ tạo ra các mảnh đạn và gây cháy, những mũi tên sẽ được bắn ra từ các ống phóng; Những loại hỏa khí đầu tiên có tác dụng uy hiếp tinh thần nhiều hơn là gây thương vong thực tế. Các loại hỏa khí khá bao gồm hỏa thương, xác nhận được sử dụng sớm nhất từ năm 1132. Đến thế kỷ thứ XIII, các loại súng tay thô sơ đầu tiên đã được sử dụng bởi cả quân Tống và quân Mông Cổ, nòng súng thường có độ dài 35cm được gắn vào một que gỗ, đường kính nòng súng khoảng 2,5-2,6cm. Năm 1980, các nhà khảo cổ học phát hiện 1 nòng súng ở tỉnh Cam Túc, dài 100cm nặng 108kg, có niên đại từ 1214 đến 1227.
- Hậu cần
Sách Vũ Bị Chí viết: “ số lương phải dùng cho hàng năm thì phải lập đồn dựng kho, lương chỉ dùng đến hàng tháng thì đặt trạm chuyên chở, lương chỉ dùng hàng ngày thì hoặc chở theo quân, hoặc cho quân mang theo. Lương là vật cứu mệnh đối với binh, phải lo sao cho có thường xuyên, giữ gìn sao cho khỏi hao hụt mất mát, tiêu dùng sao cho thích hợp, vừa phải.”
Lương thực cũng chia ra 4 loại để quản lý:
– Lương định suất thường kỳ: hàng ngày nấu bằng gạo ở doanh trại.
– Lương khô: chế biến dành cho quân sĩ sử dụng khi đi đánh trận xa.
– Lương cướp của đối phương: không tính vào tổng số quân lương đang có, để tránh ỷ lại.
– Lương lúc bất trắc: loại phải dùng vàng bạc, tiền, vật mua hoặc đổi tại chỗ.
Theo Văn Hiến Thông Khảo, năm 966, vua Tống lệnh cho các đạo sắm thuyền xe để chở tiền lụa nạp về kinh. Đến năm 971, số gạo nạp về kinh để cấp cho binh lính được 100.000 thạch. Đến năm 980, quân lương tích được ở kinh đô đã lên đến 3.500.000 thạch. Ngoài kinh đô ra, các địa phương đều có các kho tích trữ lương thực.
Mỗi lần có chiến dịch, Triều Đình sẽ ra lệnh cho địa phương gần nơi chiến sự chuẩn bị, tích trữ lương thực, quân nhu để cung ứng cho quân viễn chinh, việc chuyên chở, bốc xếp sẽ do Sương Quân thực hiện. Phương tiện vận chuyển gồm xe thồ, bò, ngựa, la, lừa, ở vùng xa mạc dùng thêm lạc đà để chuyên chở. Ngoài ra binh lính cũng phải tự đem theo các loại lương khô, theo Võ Bị Chí, mỗi binh lính phải mang theo lượng lương khô đủ dùng 1 tháng. Ngoài các loại ngũ cốc, còn có các loại rau muối mang theo quên, rau tươi được hái dọc đường hoặc khi đóng trại vì không thể bảo quản. Súc vật được được dắt theo đoàn vận tải, vừa làm sức kéo vừa là nguồn cung cấp thịt.
Về việc chăm sóc sức khỏe, đầu thời Tống phỏng theo nhà Đường, triều đình có “thái y thự” do “thái y thự lệnh” đứng đầu. “Thái y thự” chia ra nhiều chuyên môn khác nhau: môn y lý, môn châm cứu, môn án ma, môn chú cấm,… đứng đầu mỗi môn là một “ viên y”, “ bác sĩ”. Trong quân đội, việc cứu chữa, cấp thuốc được tổ chức theo đơn vị “ đô”. Mỗi “ đô” có 1 “ quân y giám” chuyên điều trị và được nhiều “ quân y tá” giúp việc. Thuốc được cất trong “dược khố”, Quân đội thường lấy thuốc từ kho này, kết hợp mua thêm trong dân gian.
Việc vận tải trên sông diễn ra khá phổ biến. Tính đến năm 997, cả nước có 3.270 thuyền công dùng để vận lương. Như phần thuyền bè đã nêu, nhà Tống đã có những loại tàu vận tải kích thước rất lớn. Tuy vậy, không phải nơi nào cũng có thể sử dụng loại thuyền này. Như bờ nam sông Tây Giang nối sang nước ta, lúc đó chưa có kênh đảo. Họ chỉ có thuyền dùng thuyền nhỏ, hoặc thuyền độc mộc để tải lương đi qua các con sông nhỏ, nên chở không được nhiều. Muốn dùng thuyền to, buộc phải theo sông Tây Giang đi qua Phiên Ngung đến Việt Giang Khẩu rồi mới có thể ra biển.
- Sản xuất trang bị, vũ khí
Thời Tống, quân đội được trang bị hoàn toàn bởi nhà nước. Triều định lập các xưởng sản xuất vũ khí, áo giáp, tàu thuyền….. để trang bị cho quân đội. Các xưởng sản xuất lớn nhất đặt ở Khai Phong, Áo giáp được sản xuất tại 2 xưởng là Nam xưởng và Bắc xưởng; Trong khi đó cung nỏ được chế tác ở Cung Tiễn Viện và Cung tiễn khố tá phường; Một xưởng chế tác khác chuyên chế tạo vũ khí công thành. Thời Bắc Tống, 2 xưởng chế tạo cung nỏ có tất cả 2.113 thợ; 2 xưởng chế tạo áo giáp có tất cả 7.931 thợ. Xưởng chế tạo áo giáp sẽ được chia thành các xưởng nhỏ hơn chuyên chế tạo yên ngựa, khiên gỗ, giáp ngựa….. Vào thời cao điểm, nhà Bắc Tống, mỗi năm triều đình sản xuất 32.000 áo giáp sắt cùng với 22,7 triệu cung nỏ và tên các loại.
IV. Ưu điểm, Nhược điểm
- Ưu điểm:
- Triều Tống là triều đại giàu có bậc nhất lịch sử Trung Quốc, hệ thống quản trị hành chính và quyền lực tập trung giúp cho nhà Tống đạt được khả năng xây dựng bộ máy quản lý quân đội tương đối rõ ràng. Hệ thống quản lý quân đội về lý thuyết đem lại khả năng chiến đấu và hậu cầu tốt do đã phân chia rõ ràng. Việc tập trung quyền lực trung ương giúp cho việc quản lý lượng lớn binh lính dù là quân chủ lực hay quân địa phương trở nên dễ dàng hơn, việc tuyển mộ, huấn luyện hay duy trì lực lượng cũng được thực hiện hiệu quả hơn
- Nhà Tống có sức sản xuất lớn. Việc này giúp triều đình có đủ kinh phí duy trì một lực lượng lớn. Lúc lớn nhất toàn bộ nhân sự phục vụ trong quân đội nhà Tống lên đến hơn 1 triệu người, tiêu tốn 3/4 doanh thu hàng năm của triều đình. Việc duy trì một hệ thống quân sự lớn như vậy mà không có 1 nền kinh tế mạnh là điều không thể. Khả năng sản xuất mạnh cũng giúp nhà Tống trang bị tốt cho lực lượng quân sự của mình đồng thời đảm bảo nguồn lương thực cho các hoạt động quân sự.
- Nhược điểm
- Hệ thống chỉ huy quân sự của nhà Tống thực sự không hiệu quả. Do Tống Thái Tổ vốn là 1 võ tướng cướp ngôi nhà Chu mà lập ra nhà Tống nên hệ thống quan chế của Tống nhìn chung là hạn chế quyền lực trong tay võ tướng để tránh “bổn cũ soạn lại”. Quân đội Bắc Tống quản lý bởi Binh Bộ, đứng đầu là Binh Bộ thượng thư. Các vị trí trong cơ quan quản lý quân đội của triều đình phần nhiều là quan văn chỉ có 34% số nhân sự cấp quản lý là võ tướng. Việc kiểm soát quá chặt chẽ khiến cho hệ thống chỉ huy của quân đội nhà Tống cồng kềnh, chậm chạp. Binh sĩ và tướng lĩnh không quen thuộc lẫn nhau, khiến việc chỉ huy trở nên kém hiệu quả. Tướng lĩnh ngoài chiến trường có quá nhiều cấp giám sát, không thể tự ý hành sự và quyền quyết định lại thường nằm trong tay những quan lại không hiểu gì về quân sự và không ở trên chiến trường
- Không có vùng đất sản sinh ra kỵ binh là một bất lợi lớn cho nhà Tống khi phải đối đầu với những đối thủ rất mạnh về kỵ binh như Liêu, Tây Hạ, Kim, Mông Cổ…. việc thiếu lực lượng kỵ binh mạnh khiến nhà Tống bị hạn chế trong việc đưa ra các đối sách chống kỵ binh đồng thời cũng hạn chế tầm tác chiến của quân đội nhà Tống lên phía Bắc
- Một vấn đề khác mà nhà Tống phải đối mặt là nạn tham nhũng tràn lan trong hệ thống quan lại. Việc này là giảm hiệu quả của việc sản xuất đồ dùng, trang bị cho quân đội, gây hao hụt lương thực tích trữ tác động xấu đến tinh thần và chất lượng binh lính. Những quan lại có vị trí cao cấu kết với ngoại bang cũng là điều thường thấy. Hệ thống quan chế của Nhà Tống cũng giúp cho những quan lại vốn không hiểu việc quân sự ngồi vào những vị trí cao trong hệ thống quản lý quân đội, gây hậu quả tại hại, ví dụ như Thái Úy Cao Cầu thời Tống Huy Tông, tuy không phải là một kẻ xấu xa đáng hận như trong Thủy Hử miêu tả, nhưng Cao Cầu vẫn là một quan lại vô năng sử dụng Cấm Vệ quân vào các mục đích cá nhân phi chiến đấu, dưới thời của ông, việc huấn luyện bị bỏ bê, binh lính chỉ được dùng vào những việc tạp vụ, kết quả là thời kỳ sau, Cấm vệ quân của Tống hoàn toàn mất sạch sức chiến đấu.
Vì những lý do đó nên bất chấp khả năng sản xuất mạnh mẽ và nền kinh tế phát triển, quân đội nhà Tống thường thể hiện yếu kém trên chiến trường. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận 1 thực tế là kẻ thù của họ quá mạnh và việc nhà Tống trụ được từng đó thời gian trước những kẻ thù như Kim hay Mông Cổ cũng là đáng kể.