TỘI ÁC CỦA QUÂN CỜ ĐEN TẠI VIỆT NAM

by admin

  • Dẫn:

Trong lịch sử cận đại Việt Nam, khi nhận xét về Lưu Vĩnh Phúc cùng quân Cờ đen, cho dù là ngày nay, vẫn sẽ thường gây nên những cuộc tranh luận đầy gay gắt. Như chúng ta đều biết, trong khoảng thời gian từ năm 1867 đến năm 1885, Lưu Vĩnh Phúc đã hợp lực cùng quân triều đình Huế đánh thắng Pháp nhiều trận quan trọng ở Bắc Kỳ, mà đỉnh điểm là hai trận Cầu Giấy nổi tiếng mà chúng ta ở đây, có lẽ đều đã từng được đọc qua trong SGK. Đây là điều mà chúng ta không thể phủ nhận!

Nhưng cũng trong thời gian ở Bắc Việt này, Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ đen của ông đã có nhiều hành động làm cho nhân dân Việt Nam ta phải đau khổ lắm. Do đó, tôi quyết định sẽ viết một post “TỔNG HỢP” lại những ghi chép về tội ác của quân Cờ đen mà tôi được biết, với hi vọng sẽ cung cấp thêm tư liệu, cũng như một góc nhìn khác cho mọi người.

  • Trích trong “Đại Nam Thực Lục Chính Biên”

“Đoàn quân của Lưu Vĩnh Phúc khi kéo xuống Bắc Ninh để hội tiểu, trên đường có đi qua ba xã Tiêu Canh, Ngọc Canh và Hoa Canh đều thuộc huyện Tam Dương, chúng đòi vào đóng quân ngủ nhờ ở ba xã ấy. Do lòng ngờ vực và sợ hãi, dân ba xã ấy đóng chặt cổng làng, không cho vào. Bọn quân cờ đen liền phá cổng làng xông vào, đốt nhà và gi*t hơn một nghìn hộ”.

“Tháng ba năm giáp thân, niên hiệu Kiến Phúc thứ 1 (1883), Hoàng Thủ Trung lãnh binh của đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc, đem 2000 quân từ Hưng Hoá kéo lên tỉnh thành Tuyên Quang. Bọn Thủ Trung làm ngang, bắt tuần phủ Hoàng Tương Hiệp an trí vào phủ Yên Bình, rồi cướp hết của cải chứa trong kho, thu hết sổ sách công văn đem đi. Thông phán Nguyễn Trung Hội bị bắn ch*t. Từ tháng sáu đến tháng chạp năm ấy, Thủ Trung thường đem đến sáu bảy nghìn hoặc hơn một vạn lính đã tan rã đến quấy rối, cướp bóc tỉnh Tuyên Quang, gây nhiều cản trở cho đường thủy và đường bộ”.

  • Trích trong “Giặc Cờ Đen”, Nguyễn Văn Bân, 1941

“Giặc Cờ đen tung hoành ở xứ Bắc ta bảy chục năm trước. Từ mạn Lào Cai, Cao Bằng xuống đến Hà Nội, Sơn Tây, chúng kéo quân đi qua đâu là dân phụ cận ở đấy phải cung ứng phục dịch khổ sở và bị cướp bóc, chém gi*t đủ đường. Quanh đây thì vùng Hoài Đức, Đan Phượng và Thanh Oai, dân sự khốn khổ hơn cả, vì là nơi cho chúng đồn trú mỗi khi ở mạn ngược kéo về. Chúng về nhiều lần, mà lần nào cũng đóng quân hàng mấy tháng chưa chịu đi cho. Mọi sự cần dùng đều bắt dân làng chung quanh cung cấp, mà không đủ thì chúng sẽ đi cướp phá”.

“Việc quân Cờ đen uống máu ăn thịt người là một việc có thật, chính mắt lão đây trông thấy rõ ràng đây. Ta thường nói: “quân ăn thịt người không tanh” tức là chỉ quân Cờ đen. Theo lão biết, thì thằng nào thằng nấy cũng thích uống rượu và chúng uống như ta uống nước lã vậy. Lão nhớ có một lần chúng nó đóng ở phủ Hoài, vào mấy làng xóm phụ cận vớ được mười mấy hũ rượu đem về, mà chúng đã quý như tìm được vàng rồi. Chiều chiều, một bọn lấy rượu ấy ra uống khề khá với nhau, đang giữa chén thì hết đồ nhắm. Chúng mới nói với nhau những gì đó mà lão không hiểu được, rồi thấy hai đứa liền vác phạng ra đi, chắc hẳn là đi kiếm mồi về để nhậu tiếp. Hai thằng vác phạng kia đi ra một quãng thì gặp một người vừa đánh bạc về, tuy ăn mặc rách rưới, nhưng mà da thịt coi nở nang, béo tốt lắm. Chúng chẳng nói chẳng rằng, hai đứa cùng giơ phạng thẳng tay chém người ấy ngã gục xuống đất ch*t liền. Tức thời, chúng mở bụng moi lấy buồng gan bằng cái ấm tích đem về, rồi lôi tên đầu bếp mau mau ra xào mỡ rồi đánh chén cho chúng nhậu. Người đầu bếp ấy chính là lão đây!”.

  • Lời kể của nhà văn Tô Hoài

“Làng tôi — làng Nghĩa Đô — rất gần Cầu Giấy. Cứ đi tắt cánh đồng Nghĩa Đô đến phủ Hoài chỉ mất hơn một nghìn thước. Hai lần về đánh Pháp, quân Cờ đen đều có đóng ở làng tôi cả. Dân làng tôi do đó phải chạy loạn Cờ đen sang Bỏi (Bắc Ninh) hết. Trong thời gian ở làng tôi, quân Cờ đen có sự phá phách nhiều lắm. Nhà tôi – một ngôi nhà gạch cổ – nay còn lại những cánh cửa có vết đốt cháy. Các cụ vẫn chỉ những cánh cửa đó và bảo tôi: “Cờ đen lấy cánh cửa làm củi và bắc ván làm thịt bò, thịt lợn”. Xóm Giếng làng tôi có lũy tre rất dày bao bọc chung quanh, cổng xóm lại chắc, nên dân không chạy. Nhưng rồi quân Cờ đen phá và vào được xóm Giếng. Anh cứ tưởng tượng cũng biết được họ đã làm gì. Đàn ông thì bị git hoặc bắt đi tải đồ, còn đàn bà họ bắt đi theo họ để rồi không bao giờ trở về nữa. Trước Cách mạng tháng Tám, có ngày dân xóm Giếng có đến mấy chục cái giỗ những người đã bị quân Cờ đen git hại. Ngày nay, dân làng tôi dù vẫn nói đến những trận đánh Pháp rất anh hùng của quân Cờ đen, nhưng vẫn không bao giờ quên những việc gi*t người rất khủng khiếp của quân Cờ đen ngày xưa”.

  • Lời kể của Nguyễn Văn Tịch (xóm Nghè, Nghĩa Đô)

“Cụ tôi (tức cha của người kể), nguyên là một võ sinh lúc quân Cờ đen có về vùng này. Cụ tôi thường kể lại rằng, quân Cờ đen đánh rất táo bạo nhưng lại hay tàn sát, hãm hiếp nhân dân quá. Theo cụ tôi cho biết thì quân Cờ đen về đánh Pháp ở Hà Nội là do triều đình ta mời về. Từ Sơn Tây xuống, quân Cờ đen đóng ở Diễn. Pháp ở Hà Nội tiến ra đánh nhưng bị thua ở Cầu Giấy. Trận này vào khoảng đầu tháng tư ta. Sau khi đánh thắng Pháp, quân Cờ đen đòi trả công nhưng triều đình ta không trả đủ. Thế là quân Cờ đen liền bổ đi các làng để cướp bóc.

Dân xóm Nghè chúng tôi phần lớn chạy tản cư sang Bắc hoặc xuống Văn Điển, những người không chạy kịp thì ban ngày trốn tại các cánh đồng lúc lúa đã lên cao, đến tối thì đứng ở các ruộng rồi hú lên để gọi nhau, và nếu xóm không bị Cờ đen chiếm thì lại về nhà.

Ở làng Nghĩa Đô, xóm Giếng có rào tre kín nên dân xóm ấy chủ quan không thèm chạy. Khi quân Cờ đen đến, họ phá được cổng xóm vào cho nên xóm Giếng bị phá nhiều nhất, đàn ông bị git và đàn bà sau khi bị hiếp, cũng bị git nốt. Chỉ có một số rất ít đàn ông, đàn bà và trẻ con ở xóm Giếng chạy được. Ở nơi nào dân không chống cự, thì đàn ông bị bắt đi tải đồ, đàn bà bị hiếp, của cải bị cướp đi. Ai chống cự sẽ lập tức bị chém đầu”.

  • Lời kể của Lại Phú Be (xã Nghĩa Đô)

“Thời gian xã Nghĩa Đô này bị quân Cờ đen cướp phá nhiều nhất là vào khoảng tháng 4, tháng 5 ta. Sau khi thắng Pháp ở Cầu Giấy, quân Cờ đen đi cướp bóc, git hại và hãm hiếp rất nhiều, làm cho dân xã chúng tôi rất căm phẫn. Cụ xã đoàn coi chùa Quan Âm liền mở một tiệc rượu thết đãi mấy tên tướng Cờ đen, rồi sau khi đã chuốc cho chúng say mềm, cụ git luôn cả bọn. Do bị truy sát quá nên cụ phải trốn khỏi chùa trong 5, 6 tháng. Chùa bị Cờ đen phá sụp, về sau mới được dân xã dựng lại”.

  • Lời kể của Bùi Văn Luận (làng Hồ Khẩu)

“Theo lời cụ thân sinh ra chúng tôi kể lại, khi quân Cờ đen tràn về Hồ Khẩu, thì dân chúng tôi sợ hãi mà chạy ngay về đến Văn Điền. Người đi đã khổ, người ở lại làng thì càng khổ hơn nữa. Một số trai tráng đã quyết định sẽ ở lại để tổ chức bảo vệ xóm làng, nhưng, họ đều bị git cả! Người chỉ huy là cụ Bát cũng bị git, giờ đây con cháu vẫn còn đang giỗ cụ. Vợ cụ Bát có thai gần ngày đẻ bị bọn Cờ đen bắt hiếp đến trụy thai. Trong những người ch*t còn có bố ông Ký Thức, nằm trên mái nhà để dò xét động tĩnh, bị Cờ đen dùng câu liêm móc lôi xuống đất, rồi bị chặt đầu. Cụ có nhiều con cháu, trong những năm tạm chiếm, vẫn còn làm giỗ cụ.

Cụ tôi có nói rằng tuy Cờ đen thắng Tây nhưng dân làng rất oán ghét vì ngoài việc bắn gi*t hiếp tróc, bọn chúng còn vơ vét hết của cái, từ nồi niêu, bát đĩa đến lợn gà vịt,… cho nên khi dân làng trở về thì gần như đều tay trắng”.

  • Lời kể của Đinh Văn Hiển (làng Hồ Khẩu)

“Theo lời cụ thân sinh tôi kể lại. Thì tin quân Cờ đen thắng Pháp có làm cho nhân dân vui mừng nhưng chỉ vui mừng được ít lâu thôi. Độ một tuần sau khi thắng Pháp ở Cầu Giấy, một tốp quân Cờ đen về đóng ở Bưởi, thế là dân làng Hồ Khẩu chúng tôi bắt đầu khổ nhục. Trừ những người chạy đi không kể, hầu hết đàn ông còn ở lại hoặc bị git, hoặc bị bắt đi phu. Bà già, trẻ em đều bị hiếp, có người đến cht. Đến lúc Cờ đen rút đi, dân làng vì làm nghề giấy là chính, có rất ít ruộng đất, cho nên nhiều năm vẫn chưa phục hồi lại được.

Bà cụ thân sinh ra chúng tôi kể chuyện lại là có những bà mẹ, thấy con gái còn bé bị hiếp, kêu van xin chịu thay con, liên bị chém bay đầu. Ở thôn chúng tôi và xung quanh Bưởi này, đến nay còn có tục gọi những thanh niên nào hay trêu gái là thằng Cờ đen. Trước Cách mạng tháng Tám, vào trung tuần tháng 4, gần như hầu hết các gia đình ở thôn tôi đều có giỗ cụ, giỗ ông bà, giỗ bố,… tức là giỗ những người ch*t vì Cờ đen”.

  • Lời kể của Nguyễn Công Lương (làng Cót)

“Theo lời ông tôi thì làng Hạ Yên Quyết (hay làng Cót) này bị Cờ đen tàn phá đến hai lần. Lần đầu là sau khi Cờ đen thắng Tây ở Giảng Võ. Lần thứ hai lâu và gây nhiều tác hại hơn, là sau khi họ thắng Tây ở Cầu Giấy. Ông tôi và cụ tôi đều làm nghề võ, cho nên rất khâm phục tài đánh giặc của quân Cờ đen trong những trận đánh Pháp. Theo lời các cụ, cờ của quân Cờ đen rất to, có móc câu viền xung quanh, tên Pháp nào, bất cứ đi ngựa hay đi bộ, bị cờ của họ úp phải là đừng có hòng thoát. Họ không hay bắt sống kẻ địch và thường chặt đầu về nộp lấy thưởng. Tuy vậy, họ không thu được nhân tâm vì lần nào về đến ngoại thành Hà Nội, họ cũng đều cướp bóc, phá phách, hãm hiếp, gây tai hại rất lớn cho dân chúng tôi”.

  • Lời kể của Nguyễn Văn Hảo (xã Cổ Nhuế)

“Theo sự điều tra của chúng tôi, thì quân Cờ đen chỉ đến xã Cổ Nhuế sau khi họ thắng Pháp lần thứ hai ở Cầu Giấy, nghĩa là vào năm quý mùi, tức vào khoảng tháng 4 ta. Các cụ có truyền lại rằng, Cờ đen về đánh Pháp ở Hà Nội là do có sự cầu cứu của triều đình ta. Lưu Vĩnh Phúc từ Thái Nguyên về, đóng ở Diễn, tại chùa Quan Thống. Thời kỳ còn đóng ở Diễn để dụ Pháp ra đánh, kỷ luật của quân Cờ đen còn khá nghiêm minh.

[…]

Nhưng cũng có nhiều chuyện vui xảy ra lắm, như các cụ chúng tôi có kể lại rằng, chỉ vì một cái đầu của thằng quan năm Pháp, chỉ huy trận Cầu Giấy năm xưa mà đã cht đến tận chín tên Cờ đen. Nguyên do câu chuyện như sau: tên quan năm Pháp bị bắn cht, một tên Cờ đen xông lên chặt thủ cấp đem về nộp lấy thưởng nhưng lập tức bị một tên Cờ đen khác chém cht tranh lấy, cứ như thế đến người thứ 9 mới đem được thủ cấp tên quan năm về doanh trại, nhưng người thứ 9 này cũng bị git nốt vì tướng chỉ huy Cờ đen cho rằng người đó cũng chỉ là một tên tranh công mà thôi!

Từ sau trận thắng Pháp ở Cầu Giấy, quân Cờ đen đem một bộ phận lên đóng ở Chèm, chặn đường không cho quân Pháp đánh vào sườn mình. Do đó, xã Cổ Nhuế chúng tôi vô tình trở thành nơi qua lại và trú quân của Cờ đen. Từ đó trở đi, quân Cờ đen bắt đầu để lộ ra tính chất đánh thuê của chúng và kỷ luật nghiêm minh như lúc đầu sẽ không còn giữ được nữa. Ở Cổ Nhuế này, tôi được biết ngay sau đó đã xảy ra nhiều vụ sát phu hiếp phụ, chồng con bị chém trước mắt vợ, vợ bị hiếp rồi cũng bị gi*t nốt. Hành động đốt nhà của Cờ đen cũng dần trở thành phổ biến. Có những lúc chúng say rượu, chúng bắt trẻ con rồi lấy dao nhọn chọc vào cửa hậu, rồi giơ lên cao bảo “Múa cho các chú xem”, nếu chán thì chúng sẽ ném trẻ con vào lửa”.

  • Tài liệu của Thế Vân, 1961

“Tôi sở dĩ viết bài này là để giới thiệu hang Thắm vì nó có ít nhiều tài liệu lịch sử về nhân dân huyện Võ Nhai. Tôi được biết chắc chắn cụ Thơm năm nay đã ngoài 80 tuổi là người biết nhiều nhất về sự tích hang Thắm này, vì bố bà lúc còn trai tráng có ở trong hang và là người sống sót duy nhất để kể lại. Hôm quân cờ đen đến đánh thì bố bà đi săn ở xa, nên may mắn còn vô sự.

Theo bà Thơm kể lại thì dưới thời Tự Đức, quân cờ đen tràn sang nước ta có kéo lên Thái Nguyên cướp phá huyện Võ Nhai. Tướng cánh quân cờ đen ở Võ Nhai khi đó là Tài Ngạn. Nhân dân ta chống cự không được, phải rủ nhau vào hang Thắm ẩn mình. Khi vào hang, nhân dân vận chuyển, tích trữ lương thực, vũ khí, súng đạn để chống lại quân cờ đen. Nhân dân gồm ba tổng, bảy xã ở liền trong hang Thắm suốt sáu năm trời. Nhân dân mang theo vào hang đủ các thứ chăn, chiếu, bát đĩa, nồi đồng, chum, vại, trâu bò, gà lợn,… Số trai tráng khỏe mạnh thường xuyên chống giữ có tầm 700 người. Cửa hang Thắm tuy nhỏ, nhưng bên trong rất rộng dùng để chứa thuốc diêm. Càng vào sâu, hang càng có nhiều chỗ rất rộng và bằng phẳng.

Trong sáu năm trời chống giữ ròng rã, nhân dân Võ Nhai đã phải sống những ngày tháng vô cùng gian khổ. Quân cờ đen đánh mãi không được. Sau có một tên nghiện thuốc phiện, hết thuốc hút nên hắn chạy ra đầu hàng Tài Ngạn, rồi hắn dẫn đường cho quân cờ đen đánh vào hang. Bên trong cửa hang nơi chứa thuốc diêm, có một lỗ to thông lên đỉnh núi. Tài Ngạn sai lính cờ đen mang mỗi tên một bó đuốc leo lên đỉnh núi rồi ném xuống hang. Kho thuốc diêm bị cháy, gió bên ngoài lùa vào, khói lửa bốc lên làm cho nhân dân bị ch*t ngạt ở trong hang hết”.

  • Trích trong “An Sơn Tiểu Sử”, Cúc Hương

“Tháng mười năm Quý Dậu, Tự Đức thứ 26 (1873), giặc Pháp cướp thành Hà Nội. Triều đình Huế điều động hàng tướng Lưu Vĩnh Phúc đem quân cờ đen đến để khôi phục lại thành. Quân cờ đen không có kỷ luật, đến đâu cũng tàn phá, cướp bóc dân gian hết cả. Bấy giờ cả nhà tôi đều phải chạy trốn, không còn kịp nghĩ đến việc gì khác nữa.

Mồng một tháng Tư năm Quý Mùi (1883), quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc lại đến bắt người và cướp của như lần trước (1873). Cả nhà tôi lại phải chạy loạn, lánh vào làng Phú Đô hơn một tháng. Qua lời kể của các bậc cổ lão, tôi còn được biết thêm rằng, khi quân cờ đen đánh ở phủ Hoài, chúng lùng bắt các trẻ em quanh vùng để lấy tiền chuộc. Khi các em đã rơi vào tay chúng, chúng liền bắt các em phải ăn cháo nóng, nếu em nào biết hấp quanh thì được thả ra, còn em nào ngơ ngác hoặc không quen ăn cháo, cứ húp một chỗ ở miệng bát thì bị chúng giam giữ để bắt cha mẹ đem tiền đến chuộc, vì chúng cho đó là con nhà giàu (không phải ăn cháo trừ bữa). Người anh con nhà bác tôi bấy giờ mười ba tuổi, tuy nhà rất nghèo, cũng bị quân cờ đen bắt cóc, nhưng may sau trốn được thoát”.

  • Trích trong “Chiến Mưu Của Lưu Vĩnh Phúc”, Ché Thuyết, 1937

“Gặp Lưu thì sướng,

Gặp tướng thì rầy

Gặp quân thì khổ

Nó mổ bụng ăn

Thật khóc đã man”.

  • Ai Sơn Hành, Hoa Bằng sưu tầm

“Cờ đen cho chí cờ vàng,

Làm cho trăm họ khóc than đứng ngồi.

Xưa sai ta, mượn lời bảo hộ,

Nay bỏ ta lại bảo ta già!

Đã cướp của lại đốt nhà,

Vợ ta hiếp tróc, con ta tối đòi!

Chạy bị bắn, ở thì bị trói,

Cúi rạp đầu lạy cũng không tha.

Mắm môi niệm “tiểu hà ma”,

Tay đao vùng vẫy, thịt da không còn!”.

  • Thuê Tàu, Ông Ích Khiêm

“Áo chúa cơm vua đã bấy lâu,

Đến khi có giặc lại thuê Tàu,

Từng phen võng giá mau chân nhảy,

Đến bước chông gai thấy mặt đâu!

Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp

Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu!

Ai ơi! hãy chống trời Nam lại

Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu!”.

  • Kết: Tổng hợp sơ lược như trên, không có nghĩa là chúng ta đang phủ nhận hết cống hiến của Lưu Vĩnh Phúc nói riêng, và quân cờ đen nói chung. Nhưng tôi hi vọng, nhất là các bạn trẻ, chúng ta ngày nay không được phép quên rằng trong thời gian ở Việt Nam, Lưu Vĩnh Phúc và quân cờ đen đã có nhiều hành động lưu manh như cướp của, đốt nhà, gi*t người ở nhiều làng mạc, đã gây ra nhiều mất mác cho nhân dân ta. Phải khắc cốt ghi tâm điều đó!
  • Nguồn: Tập San nghiên cứu Lịch Sử số 34 và số 42.

You may also like

Leave a Comment