“Hành trình nước Mỹ” ở đây không phải là hành trình của một người xa lạ đi đến nước Mỹ, mà là câu chuyện của một người Mỹ, đang sống trên đất Mỹ nhưng lại muốn đi tìm nước Mỹ. Và tác phẩm này, là một góc nhìn hoàn toàn mới về nước Mỹ ở thời điểm đó.
Tôi, Charley Và Hành Trình Nước Mỹ
Nếu bạn từng một lần muốn bỏ nhà đi khám phá thế giới, dù đó chỉ là một suy nghĩ thuở còn trẻ con, thì có lẽ bạn sẽ tìm được sự đồng điệu đối với cuốn sách này. Nhân vật “Tôi” trong Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ đã 58 tuổi khi ông thật sự làm một chuyến “đi bụi” giống như mơ ước lúc nhỏ. Bất chấp tuổi già sức yếu và những lời khuyên nhủ của người thân, “Tôi” – cùng với chú chó Charley, trên một chiếc xe bán tải, đã rong ruổi khắp nước Mỹ, đi một đoạn qua Canada, rồi lại trở về thành phố đang sinh sống. Đó vừa là một chuyến phiêu lưu chống lại tuổi già, vừa là cách để ông quan sát và lắng nghe những người Mỹ mà ông gặp trên hành trình ấy. Và quan trọng hơn cả, ông muốn tìm lại cảm nhận về đất nước mình, một đất nước mà ông đang dần cảm thấy xa lạ, lạc lõng.
Nhân vật “Tôi” không ai khác chính là nhà văn John Steinbeck – một trong những “người khổng lồ của nền văn học Mỹ”. Ông đã thực hiện chuyến đi vòng quanh nước Mỹ năm 1960 cùng với chú chó Charley của mình. Vào thời điểm đó, ông có một sự nghiệp văn chương rực rỡ, với những tác phẩm nổi tiếng như Phía Đông Vườn Địa Đàng, Của Chuột Và Người, Chùm Nho Phẫn Nộ… đã đem về cho ông một giải Pulitzer và giải Nobel Văn học hai năm sau đó. Có thể nói, xuyên suốt sự nghiệp đó, chủ đề về nước Mỹ chưa bao giờ vắng bóng trong các tác phẩm của Steinbeck, bất kể đó là một nước Mỹ mà ông vô cùng tự hào, hay một nước Mỹ với vô số những vấn đề thời sự cần giải quyết. Khi nói đến một nhà văn chuyên viết về nước Mỹ, người ta sẽ nghĩ ngay đến John Steinbeck.
Ấy vậy mà ở tuổi 58, nhà văn chuyên viết về nước Mỹ đó đã buộc phải nói rằng, “tôi chẳng biết gì về đất nước của mình.” Tất nhiên, Steinbeck không phải là nhà văn rởm thích bịa chuyện, những ai từng đọc qua một tác phẩm bất kỳ của ông đều biết ông đã đem đến một nước Mỹ chân thực và sâu sắc như thế nào. Steinbeck lớn lên ở Mỹ, sau này sống chủ yếu ở New York, nhưng với ông, “New York đâu còn là nước Mỹ nữa, tựa như Paris không còn là Pháp và London không còn là Anh vậy.” Và điều tệ hơn cả chính là, Steinbeck thú nhận ông đã không cảm nhận được đất nước của mình trong suốt 25 năm trời.
Trong bức thư viết cho một người bạn thân, ông nói ra ý định về một chuyến đi vòng quanh nước Mỹ: “Vào mùa thu – ngay sau ngày lễ Lao Động – tôi sẽ đi tìm hiểu về chính đất nước tôi.” Và đó là mở đầu cho câu chuyện “Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ.” Steinbeck đã làm đúng như dự định. Ông đã lái xe gần 16 ngàn cây số theo các con đường nhỏ, gặp mặt và trò chuyện với nhiều người xa lạ ở những vùng đất xa xôi của nước Mỹ.
Bước vào cuộc “hành trình nước Mỹ” của Steinbeck
Ta thấy ngay không khí hồ hởi, đầy phấn khích của một chuyến phiêu lưu – phương thuốc để trị khỏi chứng “ngứa ngáy đôi chân” của một gã lang bạt bất trị. Theo dấu vết của cuộc hành trình là khung cảnh thiên nhiên trữ tình hiện ra với đầy đủ dáng vẻ, màu sắc, âm thanh và hương vị, những người qua đường, những cuộc trò chuyện chóng vánh và vô số những chủ đề từ bữa ăn hàng ngày cho đến lối sống dư thừa, bầu cử và phân biệt chủng tộc. Steinbeck chỉ ghi lại các cuộc hội thoại một cách ngắn gọn nhưng luôn thú vị và đầy suy ngẫm.
Tôi thấy trong mắt họ điều mà tôi thấy đi thấy lại nhiều lần ở mọi nơi trên đất nước này: một khát vọng cháy bỏng được ra đi, được di chuyển, được lên đường, đến bất cứ nơi đâu, miễn là xa khỏi cái Chốn Này của họ.
Điểm nhấn đặc sắc nhất trong cuộc hành trình này có lẽ là những suy tư của Steinbeck – một nhà văn già dặn, đang trong giai đoạn cuối của một sự nghiệp văn chương dài. Nhờ giọng kể lôi cuốn và hiểu biết cặn kẽ về văn hóa, tình hình chung của nước Mỹ và thế giới qua các giai đoạn thăng trầm, Steinbeck đã làm được nhiều hơn là chỉ kể về một chuyến đi. Steinbeck cũng là một người theo chủ nghĩa nhân văn và luôn thể hiện rõ điều này trong các tác phẩm của mình – “Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ” cũng không ngoại lệ. Đi khắp đất nước, ông không khỏi thất vọng khi chủ nghĩa tiêu thụ và vị kỷ đã trở nên phổ biến và đang phá hủy những giá trị cộng đồng và những chuẩn mực đạo đức của nước Mỹ.
Giờ thì tôi đã đi qua hàng trăm thị trấn và thành phố trong mọi điều kiện thời tiết, mọi phong cảnh, địa hình. Tất nhiên chẳng nơi nào giống nơi nào, và người dân mỗi nơi cũng có những suy nghĩ khác nhau, nhưng mọi người vẫn giống nhau ở những nét nào đó. Các thành phố Mỹ – tất cả – đều giống nhau như những hang chồn, bị vây chặt giữa những đám phế thải, bị bao quanh bởi những đống xe hơi rỉ sét hư hỏng, và hầu như bị ngộp trong rác rưởi… Những núi đồ vật mà chúng ta thải đi còn nhiều hơn cả những đồ vật mà chúng ta sử dụng.
Nhà văn Jay Parini từng nhận xét: “Trong lịch sử văn học Mỹ, hiếm thấy tác giả nào có những suy nghĩ kiên định về bản chất và số phận của tổ quốc mình như John Steinbeck.” “Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ” là một bằng chứng rõ ràng cho điều đó. Sau rất nhiều những tác phẩm thành công về đề tài nước Mỹ, Steinbeck vẫn quyết định kết thúc sự nghiệp của mình bằng một tác phẩm đi tìm hiểu một nước Mỹ khác, như thể ông chưa bao giờ hiểu được nó. Đó là một trong những tác phẩm cuối cùng của Steinbeck, và cũng là tác phẩm mà ông hài lòng nhất trong số các ghi chép du hành của ông.
Suy cho cùng, tất cả những chuyến đi đều làm nên con người chúng ta – như Steinbeck đã nói trong tác phẩm. Riêng cuộc hành trình này đã giúp người lữ khách có cái nhìn về dân tộc mình, tìm lại bản thân trong cảm giác rung động đối với thiên nhiên quê nhà và nỗi niềm gắn bó cùng tổ quốc. Đó cũng là điểm đặc biệt của “Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ”, bất kể bạn thuộc quốc gia nào, miễn là bạn có một tâm hồn phiêu lưu và một đất nước để khám phá, bạn đều có thể cảm nhận được tác phẩm này. Có lẽ sau khi đọc xong, bạn sẽ không khỏi nghĩ về một chuyến đi dành cho bản thân mình.
Còn việc Steinbeck có tìm được nước Mỹ và những “sự thật” về người Mỹ không? Câu trả lời có lẽ sẽ làm bạn bất ngờ. Nhưng điều thú vị hơn cả vẫn là được đồng hành cùng một con người sâu sắc và hiểu biết như Steinbeck trong chuyến phiêu lưu thú vị này. Ông đã nhận ra nhiều vấn đề của thế giới hiện đại mà hơn 60 năm sau, nhiều người trong chúng ta vẫn còn mơ hồ về chúng. Có lẽ vì thế mà chúng ta vẫn còn cần những cuộc hành trình của Steinbeck và Charley.
Thanh Trần