…Đầu những năm 2000, nhà sách Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) thời bấy giờ là thiên đường của học sinh ngoại thành chúng tôi. Chỉ cần mất 2000 đồng xe buýt hoặc tiết kiệm hơn là đạp xe gần 10 cây số, thêm 500 đồng phí qua phà rồi đi bộ 10 phút là đến một nơi đầy ắp sách truyện cùng những dụng cụ học tập đầy màu sắc.
Xin kể thêm rằng lúc ấy tôi 13 tuổi, học rất giỏi và được giáo dục kĩ lưỡng trong một gia đình nề nếp. Nhưng tôi nghèo, mẹ tôi vừa li hôn, một mình nuôi hai con nhỏ và phải gánh nợ sau khi thua lỗ trong việc kinh doanh tại nhà. Lúc ấy mọi thứ còn rẻ, với tôi 2 nghìn đồng mẹ cho để gửi xe và uống nước mỗi ngày là quá đủ, nhưng sách thì lại rất đắt.
Bạn bè tôi nhiều đứa kể rằng đã ăn cắp trót lọt ở nhà sách Nguyễn Huệ rồi khoe đầy những sách truyện và bút màu khiến tôi thích mê. Một buổi chiều nọ, với 7 nghìn đồng cầm theo để đi lại, tôi đến đó và thó một vài thứ vào chiếc cặp học trò. Hết sức hồn nhiên, tôi đã ăn cắp hai quyển “Truyện xứ Lanbiang” của Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn mà tôi yêu thích, cộng với một hộp sao dạ quang, loại dán trên trần nhà để phát sáng rất đẹp mắt. Tổng giá trị của chúng đến hơn 30 nghìn, bằng một tháng tiền học thêm của tôi vào lúc ấy. Vốn là một đứa trẻ ở ngoại ô nghèo, tôi không hề biết sự tồn tại của camera an ninh. Tất nhiên, tôi bị tóm cổ ngay lối ra vào.
Khác bé gái trong câu chuyện mới đây của chúng ta. Tôi không khăn quàng đỏ cũng chẳng đồng phục học sinh. Tôi mặc loại áo phông màu mè và quần jean rách bươm của tuổi nổi loạn. Bằng bản năng của kẻ bị bắt tội, tôi cãi chày cãi cối và khăng khăng rằng mình đi cùng người thân, đang… tìm để trả tiền. Tôi không đáng yêu như cô bé nọ và cũng không cố tỏ ra đáng yêu.
Bây giờ nghĩ lại tôi rất cảm ơn các chú bảo vệ tốt bụng đã không cột tôi lại và đeo lên tấm biển “tôi là người ăn cắp”. Họ chỉ dọa sẽ giao cho công an và còn cười chọc quê khi tôi khóc nấc đến mức không thở được vì sợ. Sau 30 phút khóc hết nước mắt nước mũi, tôi được thả cùng nhiều lời răn đe và khuyên nhủ. Từ đó, không bao giờ tôi nghĩ lần nữa đến việc lấy một thứ gì đó không phải của mình.
Đó là chuyện của những năm 2000, còn bây giờ, khi xã hội hiện đại hơn, con người ta lại có phần dã man hơn.
Mãi về sau này tôi vẫn chưa đọc “Truyện xứ Lanbiang” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và không dán một ngôi sao dạ quang nào lên trần nhà. Những thứ đó khiến tôi buồn. Tôi trưởng thành, vết văn và sống bằng nghề viết. Tất nhiên chỉ một kẻ yêu văn mới dám ăn cắp để bị bắt vì vài quyển sách.
Trùng hợp thay, khi là thành viên bút nhóm Vòm Me Xanh – Báo Mực Tím, đã có lần tôi dẫn chương trình cho buổi ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tiếc là không có cơ hội để kể cho chú ấy nghe câu chuyện này dù rất muốn. Tôi cũng có tên trong vài quyển sách in chung, và tôi chắc rằng mình sẽ tặng nếu cô cậu học trò nào thích mà lại không có đủ tiền để mua.
Tôi đã lớn lên cùng sự ăn năn cùng quyết tâm chuộc lỗi. Tiếc rằng cô bé trong câu chuyện của chúng ta, có thể sẽ lớn lên với sự nhục nhã và lòng thù hận…
P/s: Câu chuyện trên từ 2014, tác giả Chung Tử Dạ viết khi một nữ sinh trung học cơ sở đã bị trói hai tay và đeo tấm biển “Tôi là người ăn trộm” khi bị cho là đã ăn cắp 2 cuốn sách trong một siêu thị ở Gia Lai khiến cộng đồng phẫn nộ.