Tôi là Khaled Hosseini, tác giả của The Kite Runner (Người đua diều). Sẽ thật hạnh phúc nếu tôi nhận được những câu hỏi từ các bạn

by admin

Khaled Hosseini đây. Chắc hẳn một vài người ở đây đã từng đọc những tác phẩm của tôi rồi nhỉ, The Kite Runner (Người đua diều), A thousand Splendid Suns (Ngàn mặt trời rực rỡ) và And the Mountains Echoed (Và rồi núi vọng). Đây là lần đầu tôi mở cuộc thảo luận như thế này, và tôi đang rất phấn khích vì sắp được đọc những câu hỏi và bình luận từ các bạn. Chúng ta có thể tán gẫu về những cuốn sách của tôi, quá trình viết một tác phẩm, những cuốn sách nói chung, Afghanistan, hay bất cứ điều gì bạn yêu thích. Tôi thật sự mong chờ những câu hỏi.

Hôm nay vui quá. Cảm ơn Reddit đã giúp tôi tham gia cuộc thảo luận này. Còn với tất cả những người từng ghé qua bài viết, các bạn đã cho tôi vinh hạnh được đọc và trả lời những câu hỏi. Tôi xin lỗi nếu không thể đọc được tất cả các câu hỏi của mọi người. Cảm ơn các bạn đã ghé thăm và đăng những suy nghĩ, thắc mắc của bản thân. Và tôi cũng cảm ơn tất cả các bạn vì những bình luận tử tế đã ủng hộ và cổ vũ rất nhiều cho con đường viết lách của tôi. Tôi biết ơn sự ấm áp và tốt bụng của các bạn thật nhiều. Hy vọng các bạn tìm được thứ gì đó thật sự hay để đọc trong ngày hôm nay. Trân trọng, Khaled

__________________________

Link Reddit: https://redd.it/1snjj3

__________________________

u/Livin_Right(123 points)

Khaled, điều đầu tiên tôi muốn nói lời cảm ơn đến anh. Tôi là một sĩ quan bộ binh trong quân đội Hoa Kỳ và tôi rất thích cuốn “Người đua diều”. Tôi thậm chí đã từng nhờ anh ký tên trên cuốn sách khi anh diễn thuyết tại UCF (University of Central Florida) vào những năm 2005 – 2006 đấy.

Tôi vừa trở về từ một cuộc dàn quân đến thành phố Khowst, Afghanistan. Ở nơi đây tôi đã có cơ hội làm việc cùng đội Đội tuần tra Xăng dầu biên giới và biết được anh rất nổi tiếng ở vùng này. Tôi đã dành khá nhiều thời gian thảo luận về các cuốn sách của anh cùng những phiên dịch viên Quốc gia Afghanistan.

Làm việc với người dân ở Khowst và Terezayi thật tuyệt vời. Tôi sẽ luôn trân trọng những ký ức về Afghanistan. Ở nơi đây, tôi đánh mất người bạn thân của mình mãi mãi. Nhưng cũng nhờ mảnh đất này, chúng tôi đã có một khoảng thời gian thật quý giá. Chúng tôi tận hưởng giây phút khám phá những ngôi làng hẻo lánh và ở cùng với tất cả mọi người.

Câu hỏi của tôi là: Anh dành bao nhiêu thời gian để “mơ” về những câu chuyện của mình trước khi đặt bút viết chúng? Có phải hầu hết các ý tưởng cốt truyện của anh được thực hiện trong đầu trước, hay anh bắt đầu viết và cứ để câu chuyện tiếp diễn tự nhiên?

>u/KhaledHosseini(140 points)

Những trải nghiệm trong quãng thời gian của bạn ở Afghanistan quả là đáng quý. Trước hết, xin được chia sẻ với sự mất mát của bạn. Tôi biết cảm giác mất đi người mình thương yêu là vô cùng đau đớn. Nhưng tôi cũng vui khi biết được rằng trong thời gian ở nơi đây, các bạn cũng có những khoảnh khắc hạnh phúc và hoà hợp với người dân địa phương. Tôi cũng thường nhận được thư của những người làm công tác cộng đồng, đi kèm với đó là ảnh chụp những người dân bản địa tiếp xúc với họ. Trong thư họ viết: mặc cho điều kiện khó khăn, mất mát khi bạn bè mình ngã xuống, họ vẫn chào tạm biệt trong cảm giác biết ơn và đồng cảm với dân làng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tôi rất cảm động khi nghe những câu chuyện như vậy.

Trở lại với câu hỏi của bạn, tôi thường chuẩn bị khá ít trong việc lên kế hoạch viết một cuốn sách. Tôi lao vào viết khi trong đầu hầu như trống rỗng, có hoạ chăng là một ý tưởng, một hình ảnh, hay một cuộc đối thoại mà thôi. Sau đó tôi chờ xem nó sẽ đi tới đâu. Tôi hiếm khi biết mình định đi đâu, huống chi là sẽ kết thúc cuốn sách như thế nào. Vì vậy, khi nhìn lại tôi luôn ngạc nhiên bởi quá trình hình thành cuốn sách của mình. Tôi thấy quá trình ấy đầy bất ngờ và rối rắm, hệt như các độc giả (hy vọng là vậy) cảm thấy trong khi đọc sách. Tôi yêu sự tự phát trong việc viết lách, những điều khả dĩ còn bỏ ngỏ và cái cảm giác rằng mình không bị gò bó hay trói buộc vào bất kỳ lối đi nào. Tôi thích cái việc bản thân mình, mỗi ngày, đều được ngạc nhiên bởi một thứ gì đó. Tôi có thể đã là một nhà văn với bút lực dồi dào hơn nếu tôi lên kế hoạch cho tất cả những cuốn sách. Nhưng tôi không thể, và phương pháp này đã giúp tôi rất nhiều cho đến ngày nay.

__________________________

u/SarahCharissaki(26 points)

Anh có suy nghĩ gì về các quốc gia anh đã đưa người đọc đi qua trong cuốn tiểu thuyết mới nhất không? Ý tôi là, lý do anh chọn Pháp hoặc Hy Lạp chẳng hạn?

>u/KhaledHosseini(54 points)

Tôi chọn nước Pháp vì đã từng sống và hiểu biết về đất nước, ngôn ngữ nơi đây. Tôi chọn Hy Lạp vì vào năm 2003, tôi đã gặp nhiều thành viên của một tổ chức phi chính phủ, họ chịu trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho những trẻ em Afghan. Tôi muốn, bằng cách nào đó, tôn vinh những tổ chức cứu trợ ở Afghan như họ ra toàn thế giới. Nhưng có lẽ lí do lớn hơn là tôi muốn một cuốn sách ít tập trung vào Afghan hơn hai tác phẩm trước. Tôi đã nỗ lực để mở rộng không gian địa lý, văn hoá, xã hội của các nhân vật trong sách, đồng thời thêm thắt vài yếu tố toàn cầu cho câu chuyện. Cuốn sách bắt đầu từ Afghanistan, sau đó nhảy ra thế giới, từ Kabul tới Paris, từ Paris tới Hy Lạp , Bắc California và nhiều nơi khác. Một nửa là những cuộc phiêu bạt mấy năm gần đây khiến tác giả là tôi muốn mở rộng “đất diễn” cho các nhân vật của mình. Một nửa, tôi những mong được vây quanh bởi các nhân vật không phản ánh bản thân hay người xung quanh mình nữa. Có rất nhiều cây viết tuyệt vời – Alice Munro chẳng hạn – tìm được nguồn cảm hứng bất tận để viết các câu chuyện sâu sắc từ vỏn vẹn một vài cảnh quan. Nhưng đối với tôi, tôi cần chút khí trời, nên đôi khi câu chuyện sẽ bắt đầu ở Kabul và kết thúc ở Kandahar. Điều đó có nghĩa là, “nhà” của các nhân vật vẫn là Afghanistan, bất kể thuộc quốc tịch nào, những nhân vật trong cuốn sách ít nhiều có một niềm thân mật với Afghan. Nhiều người xa xứ có mối quan hệ khăng khít với quê hương này, nhiều thành viên trong đoàn cứu trợ nước ngoài trở nên thân thuộc với đất nước và con người nơi đây. Số khác có mối ràng buộc sâu sắc mà họ muốn hoặc gìn giữ, hoặc bỏ đi, và có cả những người còn mơ hồ về nguồn gốc Afghan của họ. Nhưng dù đây là một câu chuyện mang tính toàn cầu, với nhiều nhân vật ngoại quốc thì hầu hết các nhân vật đều mang trong mình những trải nghiệm chung: bị mất gia đình, sợ bị bỏ rơi, tìm kiếm can đảm để trở thành người tốt, nghe lời vẫy gọi từ nơi gọi là “nhà”, săn sóc một người thân yêu sắp ra đi. Đây là những trải nghiệm của con người vượt ra khỏi biên giới quốc tế, ngôn ngữ hay tôn giáo.

__________________________

u/SarahCharissaki(59 points)

Cháu là một cô gái Đan Mạch 19 tuổi, hiện đang viết một dự án về phụ nữ ở Afghanistan trong luật Taleban và Sharia. Cháu thực sự muốn nghe suy nghĩ của chú về phụ nữ, các vấn đề về chủ đề đó; đồng thời cả về nhân vật Laila và Mariam nữa 

Nhân tiện, cháu là một fan hâm mộ của chú đấy!

>u/KhaledHosseini(122 points)

Cảm ơn câu hỏi của cháu. Đây là một câu hỏi rất hay. Chắc chắn trong cuộc sống thành thị ngày nay, vị trí của nhiều phụ nữ Afghanistan đã được cải thiện. Một số phụ nữ Afghanistan đã có thể đi làm, trong trường học, bệnh viện, và cả cho chính phủ, họ cũng hát trên truyền hình nữa. Ta còn có thể thấy phụ nữ tập thể hình trong Gold’s Gym!

Nhưng Afghanistan là một quốc gia nông nghiệp, không phải là đất nước toàn những người thuộc tầng lớp trung lưu – dù cuộc sống có đang dần thay đổi chăng nữa. Ở nông thôn, ảnh hưởng của chính quyền trung ương Kabul rất yếu. Thay vào đó, những khu vực như vậy được cai trị bởi người lãnh đạo bộ lạc bảo thủ sống theo chế độ phụ hệ truyền thống, những kẻ luôn chống lại sự tự do của phụ nữ. Đặc biệt là ở phía nam và phía đông, sự áp bức của phụ nữ kiểu Taliban có trước sự ra đời của tổ chức này nhiều thế kỷ, và tồn tại như một phần của cấu trúc kinh tế, chính trị và xã hội lâu đời ở đây.

Vì vậy, ở những khu vực đó, nạn mù chữ ở phụ nữ rất phổ biến. Phụ nữ vẫn bị ép buộc kết hôn, thường ở độ tuổi trẻ, họ bị chối bỏ quyền giáo dục, quyền làm việc; trường học cho con gái bị thiêu rụi, giáo viên bị đe dọa, thậm chí giết hại. Vì vậy, mặc dù mọi thứ đã được cải thiện ở một số khu vực thành thị, nhưng chẳng cần phải nói, triển vọng của rất nhiều phụ nữ Afghanistan vẫn còn rất ảm đạm.

Đó là một nỗi xấu hổ. Là một sự lãng phí thậm tệ tiềm năng của con người, bởi vì không chỉ những người phụ nữ bị tổn thương bởi những bất công này, mà là toàn bộ xã hội Afghanistan. Các vấn đề về công bằng xã hội, nghèo đói, chăm sóc y tế, giáo dục, tăng trưởng kinh tế không thể được giải quyết mà không có sự tham gia đầy đủ của phụ nữ Afghanistan có học thức. Và vì vậy, để Afghanistan phát triển, phụ nữ phải có đủ các quyền cơ bản của con người.

__________________________

u/akengaroo(184 points)

Thứ nhất: Cả ba cuốn sách của bạn đều là những cuốn sách yêu thích nhất của tôi và tôi chỉ đơn giản là cảm thấy rất vinh dự được bình luận trong bài này.

Thứ hai: Tôi đã luôn tự hỏi, làm thế nào anh có thể truyền đạt góc nhìn của phụ nữ trong “Ngàn mặt trời rực rỡ” tuyệt đến vậy?

>u/KhaledHosseini(318 points)

Cảm ơn bạn. Tôi nghĩ đối với tôi, chìa khóa không phải là bước vào tâm trí của nhân vật nữ – không chỉ vì khoảng cách giới tính, tôi nghĩ rằng thật khó để bước vào tâm trí của bất kỳ ai – thay vào đó, tôi để họ bước vào tâm trí tôi. Tôi cho họ quyền tiếp cận tôi, cho phép họ có không gian để phát triển, trở nên hiện thực, hình thành tiếng nói, cốt cách, bản chất và sau đó để họ cho tôi thấy những điều đó. Đây là một bài học khó mà diễn giải bằng văn bản, và là một bài học rất có giá trị. Bạn không thể ép mình vào cuộc sống của bất kỳ nhân vật nào, bạn chỉ có thể cho phép họ có không gian để phát triển và sau đó hấp thụ chúng. Đó là những gì tôi đã cố gắng làm với hai nhân vật Mariam và Laila.

You may also like

Leave a Comment