Top 10 cuốn sách hay nhất của năm, theo tờ New York Times
Chàng hỏi Nàng: “Tối nay ăn gì?”, và như thường lệ Nàng sẽ đưa ra một câu trả lời không thể hữu ích hơn: “Ăn gì cũng được”. Chàng cứ nghĩ Nàng chỉ vì đói mà lười suy nghĩ, nhưng giáo sư Michael Pollan khẳng định rằng ông phải cần tới gần 500 trang trong cuốn sách bestseller toàn cầu Nào tối nay ăn gì của mình để phân tích hết được sự phức tạp về mặt sinh học, tâm lý, lịch sử trong câu nói cửa miệng của Nàng.
Giả sử nàng là một loài ăn chuyên biệt, như gấu túi chẳng hạn, thì Chàng sẽ ăn ngay một cái vả vì: “Đó là câu hỏi ngu ngốc nhất mà Chàng từng thốt ra trong lịch sử loài gấu túi”. Với những loài chỉ ăn 1 món duy nhất trong suốt cuộc đời, chúng sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng xem phải ăn gì tối nay. Nếu có bất cứ thứ gì giống như lá bạch đàn, gấu túi chỉ việc ăn và thực đơn độc nhất này mã hóa vào trong tận trong gien của chúng. Chúng chẳng cần nghĩ ngợi làm gì cho mệt não (bởi thế mà não chúng rất nhỏ, nhưng hệ tiêu hóa lại rất lớn), vì chúng chỉ phải suy luận 1 câu hỏi đơn giản: “Ăn lá bạch đàn hay là chết đói”.
Nhưng với các loài ăn tạp, điển hình như con người thì câu hỏi “Tối nay ăn gì?” trở nên vất vả hơn rất nhiều. “Con người cần nhiều loại chất dinh dưỡng hơn, và vì thế phải ăn nhiều loại thực phẩm hơn, một số loại trong đó khá đáng ngờ. Bất cứ khi nào gặp một thực phẩm mới tiềm tàng, loài ăn tạp bị giằng xé giữa hai cảm xúc mâu thuẫn với nhau vốn xa lạ đối với những loài ăn chuyên biệt, mỗi nỗi sợ lại có lý do sinh học riêng: nỗi sợ hãi cái mới, nỗi sợ hợp lý khi ăn bất cứ thứ gì mới, khuynh hướng thích cái mới, sự cởi mở mạo hiểm nhưng cần thiết đối với những mùi vị mới”
Giống như một cô gái vừa muốn quan hệ tình dục, nhưng lại vừa sợ mang thai, loài ăn tạp cũng gặp phải một thế lưỡng nan: chúng vừa muốn thử các loại thực phẩm mới, nhưng lại vừa sợ chúng không an toàn. Liệu cây nấm này có ăn được không? Mình có ăn thịt được con chồn này không nhỉ? Kết hợp 2 loại rau này có gây ngộ độc không? Chính bởi những câu hỏi hàng ngày như thế này mà “đối với các loài ăn tạp, một mạng lưới thần kinh khổng lồ phải dành cho các công cụ cảm giác và nhận thức để tìm hiểu xem loại nào trong toàn bộ các chất dinh dưỡng đáng ngờ này đủ an toàn để ăn. Có quá nhiều thông tin liên quan đến các loại thực phẩm tiềm năng và chất độc trong việc lựa chọn thực phẩm để mã hóa gien. Vì vậy, thay vì dùng gien để viết thực đơn, loài ăn tạp phát triển một tập hợp các công cụ cảm giác và tư duy phức tạp để giúp chúng ta lựa chọn mọi thứ.”
Công cụ đầu tiên là vị giác, với 2 bản năng mạnh mẽ: Yêu vị ngọt và ghét vị đắng. Đây là lý do bạn ghét rau ngải, và yêu bất cứ thứ gì có đường đến vậy. Chúng ta khó có thể giảm cân bởi “thèm ngọt thể hiện khả năng thích nghi tuyệt vời của loài ăn tạp có bộ não lớn đòi hỏi khối lượng rất lớn glucose (loại năng lượng duy nhất mà não có thể sử dụng), hoặc ít nhất đã từng là như vậy, khi nguồn đường còn hiếm hoi (bộ não người lớn chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng tiêu thụ 18% năng lượng…) Giống như chúng ta ngầm định vị ngọt với sự an toàn, vị đắng cũng đồng nghĩa với tín hiệu rằng đây là thứ không ăn được. “Phụ nữ có thai đặc biệt nhạy cảm với vị đắng, có lẽ cách thích nghi để bảo vệ bào thai đang phát triển trước những chất độc dù nhẹ của thực vật có mặt trong những thực phẩm như súp lơ xanh. Vị đắng trên lưỡi là dấu hiệu cảnh báo phải thận trọng vì sợ rằng một chất độc có thể vượt qua cái mà Brillat-Savarin gọi là “sự canh gác trung thành của vị giác.”
Công cụ thứ hai để giải quyết tình thế khó khăn của loài ăn tạp là sự kinh tởm. Nếu bạn cau mày, mím môi, thậm chí buồn nôn khi bạn nhìn thấy phân, ruồi nhặng, xác chết, các chất dịch từ cơ thể người như nước dãi, mồ hôi (ngoại trừ nước mắt)…thì đó những vũ khí phòng vệ đã được tiến hóa hàng triệu năm để giúp bạn tránh xa những thực phẩm có nguy cơ nhiễm độc cao. “Ghê tởm là khả năng thích nghi cực kỳ hữu ích, vì nó ngăn chặn loài ăn tạp không ăn những loại chất thải động vật độc hại: thịt thối rữa có thể chứa chất độc do vi khuẩn tiết ra hoặc các dịch bài tiết bị nhiễm độc”. Theo lời của nhà tâm lý học Steven Pinker của Harvard thì “Ghê tởm là sự nhận biết vi trùng thông qua trực giác.”
Tuy nhiên, các vấn đề loài ăn tạp không chỉ thể hiện trên bàn ăn, mà nó còn tác động lên mọi lĩnh vực khác như âm nhạc, nghệ thuật, chính trị. “Khả năng ăn nhiều loại thực phẩm cũng mang lại cho chúng ta những sự thỏa mãn sâu sắc, những nỗi thích thú xuất phát cả từ xu hướng thích cái mới bẩm sinh của loài ăn tạp – thích sự đa dạng, lẫn nỗi sợ hãi đối với cái mới- hay sự yên tâm với những gì đã quen thuộc.” Chúng ta tiến thoái lưỡng nan giữa 2 động lực đầy mâu thuẫn: hấp dẫn trước những cái mới lạ (neophilia) và sợ hãi những thứ mới lạ (neophobia). Vậy nên, nếu bạn mời ông bà ăn pizza hẳn sẽ có trường hợp ông thấy ngon mà ăn hết cả chiếc, còn bà thì không động một miếng.
Trong dân số, sẽ luôn có một bộ phận có động lực “chấp nhận cái mới” mạnh hơn và một bộ phận có động lực “giữ gìn truyền thống” mạnh hơn. Đó chính là những gì mà các nhà khoa học xã hội tìm thấy trong 2 đảng lớn nhất của Mỹ. Họ thấy rằng những người ủng hộ Clinton, những người theo đảng Dân Chủ, có xu hướng ủng hộ những cái mới, chấp nhận sự đổi thay, và yêu toàn cầu hóa, có ngưỡng kinh tởm thấp hơn. Ngược lại, những người ủng hộ Trump, những người theo đảng Cộng Hòa, lại có xu hướng bảo thủ, muốn giữ gìn tôn ti trật tự, không thích sự xáo trộn từ bên ngoài, và rất dễ bị làm cho kinh tởm. Bởi thế, họ muốn xây tường, ngăn cách biên giới, chặn dòng nhập cư, nói theo thế lưỡng nan của loài ăn tạp, là một biện pháp phòng thủ chống lại những mầm bệnh tiềm tàng từ bên ngoài. Hẳn những người ủng hộ Trump hay Clinton sẽ có câu trả lời hoàn toàn khác nhau với câu hỏi: “Nào tối nay ăn gì?”
Loài người ăn tạp ở thế kỉ 21 không chỉ bàn luận chuyện ăn gì tốt cho sức khỏe, mà chúng ta đã vươn lên một tầm cao mới khi phải đối mặt trực diện với câu hỏi: Ăn gì để tốt cho suy nghĩ. Liệu bạn có thanh thản khi ăn thịt chó? Liệu bạn có ngủ ngon khi ăn 1 miếng bít tết của chú bò bị lột da trong khi vẫn còn tỉnh? Liệu bạn có xuôi lòng khi ăn 1 miếng đùi gà KFC của một chú gà sống cả đời trong 1 chiếc lồng chỉ rộng bằng 1 chiếc hộp Pizza?
Và với các bạn phương Tây bảo dân Việt là mọi rợ khi ăn thịt chó, thì đây có thể là một thông tin hữu ích về tiêu chuẩn kép khi ăn thịt động vật. “Một nửa số chó nước Mỹ ở nước Mỹ sẽ được nhận quà Giáng sinh năm nay, tuy nhiên hầu như chẳng có mấy dân Mỹ quan tâm đến cuộc sống của lợn – một loài động vật cũng có thể thông minh như chó – là loài có thể trở thành món giăm bông chính cho dịp Giáng sinh.” Con người liệu có bỏ được bản năng ăn thịt của mình (khoa học nói rằng chúng ta có thể hoàn toàn sống khỏe mạnh bằng việc ăn chay) hay chúng ta vẫn không thể tiến hóa thêm nền đạo đức ăn uống của mình từ thời nguyên thủy? Một thế lưỡng nan cực kì mới của loài ăn tạp thời hiện đại.
Nếu như Freud xây dựng cả trường phái Phân Tâm Học trên tình dục, thì một vấn đề lớn mà tổ tiên ta phải đối mặt là ăn uống đã được Michael Pollan giải đáp một phần trong “Nào tối nay ăn gì”. Một phần lý do trong sự thiếu vắng các tác phẩm viết về lịch sử ẩm thực này là bởi ngày nay vấn đề ăn uống gần như đã giải quyết ổn thỏa (thậm chí quá đà đến mức số người chết vì ăn thừa còn nhiều hơn số người chết vì thiếu ăn), còn vấn đề tình dục thì có lẽ sẽ còn (hoặc mãi mãi) tồn tại trong tâm thức con người. Tuy nhiên, một cuộc hành trình 500 trang sách khám phá lịch sử ăn uống của loài người từ thời săn bắn hái lượm, qua cách mạng nông nghiệp, đến phong trào đồ ăn công nghiệp và hiện tại là thực phẩm hữu cơ, sẽ giúp bạn hiểu hơn về những ảnh hưởng mà thế lưỡng nan của loài ăn tạp tạo ra, và hơn hết là hiểu hơn về chính bản chất tự nhiên của con người mình qua cách chúng ta ăn.
Và biết đâu, tối mai khi Chàng lại hỏi “Nào tối nay ăn gì, em?”, Nàng, sau khi đã đọc xong bài Review trên Trạm, sẽ đưa cho chàng cuốn sách này và nói: “Anh tự đi mà tìm câu trả lời!”
Đọc Tóm Tắt: Nào tối nay ăn gì trên Trạm
Gấu túi Koala
Trạm Đọc