Tôi Và Bác Sĩ Riêng Của Cuộc Đời

by admin

Thời đại này, con người đang hối hả với cuộc sống thường nhật, thời gian như trôi nhanh hơn con số 24 tiếng trên đồng hồ. Chúng ta có cuộc sống riêng, có những mục đích của cuộc đời, tất bật lo toan vì những ước mơ tuổi trẻ, hay đơn giản là để bảo vệ những người yêu thương ở sau lưng. Và cũng có những người, không chỉ bảo vệ gia đình mình mà còn bảo vệ những gia đình khác. Nghề y là một nghề như thế, đi tìm sự sống từ cái chết; đi ngược lại tử thần để bảo vệ những điều quý giá. Và cha tôi, là một bác sĩ mắt đã gần 60 tuổi, hơn 30 năm theo đuổi nghề y.

Năm đó tôi vừa lên lớp ba thôi, cha tôi đã ngất ngưỡng của đời người sắp tới cột mốc năm mươi rồi, vậy mà tiền tài chưa có địa vị cũng không. Chỉ có vài trăm triệu của mười mấy năm qua làm lụng tích cóp, vật chất leo thang, con cái đang tuổi trưởng thành, lập nghiệp trong hai bàn tay trắng, ngay cả cái nhà để ở cũng không có, lúc đó nếu là tôi, tôi nghĩ tôi đã bỏ cuộc từ lâu lắm rồi, nhưng vẫn may là cha rất kiên cường vì những đứa con đang còn tuổi ăn tuổi học, làm sao có thể bỏ cuộc và ngồi đây chịu chết, vẫn cố gắng đứng dậy trên đôi bàn chân của mình, lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn, và trong cái rủi cũng có cái may đã có rất nhiều quý nhân hỗ trợ cha giúp cha mua được căn nhà hiện đang ở. Một vài năm sau cha cũng đã trả xong được căn nhà này. Tuy nhiên vẫn chưa có cái gọi là “dư dã”. Người ta làm bác sĩ sống trong xa hoa, sở hữu nhiều vật chất, của cải hoặc cũng có thể sinh ra đã ở vạch đích, đi bằng xe hơi, ở nơi nhà cửa cao tầng. Còn cha tôi phải đi từ cái thấp bé nhất mà lên. Thử hỏi xem bao nhiêu trong số những vị bác sĩ tài giỏi hiện nay đã từng đi chăn trâu giống cha tôi? Từng nhảy xuống sông mò cua bắt óc? Hoặc đến nỗi là phải dầm mưa dải nắng từ trong quê phải lội ra ngoài đô thị để chỉ vì được ngồi trên trường lớp học như bao bạn khác? Cuộc sống mưu sinh từ bé là như thế đấy! Nhưng vận đời đưa đẩy, mình không chọn nghề mà nghề chọn mình, đã cho cha làm một vị thầy thuốc chữa rất nhiều những người bị ốm đau vì bệnh. Cha và tôi rất ít tình cảm với nhau và cũng ít khi nào thể hiện tình cảm ra bên ngoài. Nhưng chuyện gì tôi cũng tâm sự với cha vì cha đưa ra những lời khuyên vô cùng hữu ích, mỗi một lời nói tuy ngắn gọn, không giải thích gì nhiều nhưng làm tôi phải ngẫm nghĩ sau những lời nói đó. Mẹ tôi thì khác, mẹ sống rất tình cảm luôn yêu thương, chăm sóc và bao bọc con mình, luôn bao dung và ủng hộ hết mình vào quyết định của tôi. Chính vì thế có đôi khi tôi thấy mình bị lạc lối, so với những lời khuyên của cha mặc dù ít nhưng rạch ròi khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn.

Năm tôi lên cấp hai là lúc mà cha tôi khá bận rộn vừa khám bệnh ở nhà vừa đi mổ trong bệnh viện. Tôi thì đi học tới tối mới về đến nhà nên một ngày gặp cha không quá mười lăm phút, hồi trước còn ăn cơm chung nhưng sau này thì không, vì rất bận nên ít khi có cái gọi là “bữa cơm gia đình”.

Tính cha đó giờ cứng rắn không thể hiện tình cảm nhiều như mẹ nhưng mà cha rất thương tôi. Tôi là một đứa rất thích ăn trái cây, mà đằng sau nhà thì có trồng một cây đu đủ, nên là mỗi lần cây đậu trái cha đều hái cho tôi ăn nhưng có những trái mọc khá cao, anh trai của tôi không dám hái sợ gãy cây đu đủ và thế là cha đã leo lên hái cho tôi. Tôi nói với cha “lần sau đừng có leo lên hái cho con nữa không ăn được trái đu đủ này thì vẫn còn trái đu đủ khác, còn hơn là cha mất đi sức khoẻ”. Cha đã cười trừ cho qua chuyện, tôi rất là lo cho sức khoẻ của cha, bình thuờng cha đã quá nhiều việc rồi, tôi không muốn thấy cha tổn sức vì những chuyện nhỏ nhặt này thêm một lần nào nữa. Tôi tự nhủ rằng “Lần nào con bị bệnh cha cũng là người chăm sóc con. Vậy những lúc cha bệnh ai sẽ là người chăm sóc cho cha đây,……?”

Mỗi lần tôi trò chuyện với cha, tôi đều thấy được mỗi ngày cha lại có thêm một căn bệnh nữa và thậm chí những bệnh trước đã làm cha bị nặng hơn. Cha lúc nào cũng giấu trong lòng bệnh tình của mình. Bên ngoài nó đã thể hiện ra nhiều đến thế rồi. Vậy thì bên trong nó còn tàn phá sức khoẻ của cha tôi bao nhiêu nữa? Nhiều lúc thấy cha tôi cũng có thể hiện tình cảm của mình nhưng chỉ thông qua hành động mà thôi.

Tại sao có những thứ ngay trước mắt nhưng mình chẳng thể làm gì được? Con người thì ngày càng già đi trước thời gian, sao thời gian lại tàn nhẫn như vậy? Con tự hỏi rằng:

“Sao thời gian không thể chậm lại để con có thể trò chuyện với cha được nhiều hơn? Cho dù con có ngang bướng, tính tình cọc cằn khó chịu như thế nào cha vẫn không la con,….. Con làm gì cũng không giỏi bằng người ta cha cũng không bùn, không so sánh con với người khác,……… Con là một đứa khó dạy bảo, không nghe lời, bị người ta xỉ vả chửi thẳng vô mặt vậy mà cha còn cười to và nói “ĐÓ LÀ CON GÁI TÔI ĐẤY”,….”

Lên cấp ba, cha tôi còn bận hơn như thế gấp ngàn lần, và như thế tình cảm cha con chúng tôi đã vơi dần theo năm tháng .

Tôi lúc đó học hành sa sút, thậm chí lớp mười một điểm rất thấp nếu là những bậc phụ huynh khác đã thất vọng về con cái của mình. Nhưng cha tôi thì không, cha đã khuyên tôi, kể chuyện cho tôi nghe rằng là cha đã sinh ra và lớn lên như thế nào, cha đã đặt kỳ vọng vào tôi như thế nào và cha tin tôi sẽ làm được, thành công trong tương lai,…

Và đâu đó cuối kỳ 1 lớp 12 lúc đó là gần sát thi tốt nghiệp, cha tôi thì chuyển qua một bệnh viện mới làm. Vì thế cha còn cực hơn lúc trước. Vậy mà tôi còn làm phiền thời gian quý báu của cha mình. Cha ngủ không đủ vì qua bệnh viện mới không có thời gian nghỉ trưa. Vừa đi làm về phải khám bệnh ở nhà quay qua quay lại thì lại vào bệnh viện để phẫu thuật cho bệnh nhân. Để cho kịp thời gian thì cha chỉ có thể lót bao tử tạm bợ bằng một chén cơm trắng và nước canh mà thôi, lúc này tôi thực sự thực sự không muốn nhờ cha dạy kèm tôi tí nào. Nhưng vì bất đắc dĩ, dù cho tôi đã học và đầu tư rất nhiều nhưng mãi vẫn không tiến bộ, thế là mỗi đêm cha đều dành ra một tiếng ngủ của mình để dạy kèm cho tôi. Chính vì ngủ không đủ nên sáng nào nhìn cha cũng mệt mỏi, nhưng cha không nói rằng mình mệt mỏi. Nhớ lúc đó câu mở đầu của cha vào buổi sáng với mình không phải là “chào buổi sáng con gái” hay những câu than thuở như là “hôm qua cha phẫu thuật mệt quá chừng” mà là “đã thuộc hết công thức toán cha đưa chưa?” Cứ nghĩ là học với cha sẽ sợ xanh mặt vì sợ làm sai sẽ bị cha la. Nhưng không, cha đã bái phục cái tính ngang bướng đã ăn trong máu của tôi. Cứ mỗi lần học là cha muốn năn nỉ tôi luôn vậy đó. Nhớ lại khoảnh khắc đó vui biết chừng nào,….

Lúc nào cũng bè vài câu cho đỡ buồn ngủ “Con gái ơi con học đoàng hoàng đi, chỉ còn mấy tháng nữa thôi, cố lên con ơi”

Mún kèm được cho tôi cha đã phải tận dụng thời gian rãnh của mình. Khi không có bệnh nhân khám, cha đã coi bài giảng của những thầy mà tôi đang học và cha ngồi tìm tòi phương pháp để giải thích cho tôi hiểu. Lúc đó cha đã 55 tuổi rồi, mà còn phải nhớ lại kiến thức của lớp 12. Lớp thì bệnh nhân, lớp thì con cái rồi nào là tiền nông, luôn phải đứng vững vì là trụ cột trong gia đình. Chỉ cần vấp ngã một chút thôi là cả một gánh nặng đang ở trên vai cha đều bị sụp đổ,…

Cuối cùng, tôi có vài lời muốn nhắn nhủ tới người “thầy thuốc đức hạnh” này!:

“Cha ơi! Nếu con có thể quay lại lúc đó, con sẽ không bao giờ muốn thời gian trôi đi. Vì nó giúp con được trò chuyện với cha nhiều hơn mỗi tối. Bây giờ thì có quá nhiều thứ, nhiều việc xảy ra làm cho tình cha con ngày một trở nên khó gần gũi hơn. Con vẫn nhớ lắm cái tay lạnh buốt sờ lên trán con mỗi lần con bị sốt, con vẫn nhớ lắm những lần con bị sốt nặng giữa đêm khuya cha phải chở con vào bệnh viện,…. ”

Qua đây thì tôi chỉ muốn nói với các bạn độc giả. Các bạn hãy trân trọng những gì mình đang có ở hiện tại. Dù là trước đó hoặc ngay bây giờ đây các bạn đang có chuyện không vui với bố mẹ thì cũng đừng giận họ vì một ngày nào đó các bạn sẽ cảm thấy những ngày tháng còn ở gần họ còn ở bên họ thật là QUÝ GIÁ!

CẢM ƠN MỌI NGƯỜI VÌ ĐÃ LẮNG NGHE CÂU CHUYỆN NÀY!

Có thể là ảnh chụp cận cảnh 4 người và mọi người đang đứng

You may also like

Leave a Comment