Tóm Tắt Sách: Bàn Về Tự Do

by admin

Lý do duy nhất mà cộng đồng có thể viện ra để dùng vũ lực đối phó với một thành viên của mình là để ngăn trở kẻ đó làm tổn thương người khác.

MỘT: Cuốn sách này có giá trị gì cho tôi? Nghiên cứu về tự do từ cuốn sách chính trị quan trọng nhất trong lịch sử.

 

Sống ở thế kỉ 19 tại Anh, John Stuart Mill tiên đoán rằng thế kỉ sắp tới sẽ chứng kiến một cuộc đấu tranh quyền lực không ngừng nghỉ giữa xã hội và tự do cá nhân. Trong cuốn sách kinh điển bàn về chuyên chế và tự do cá nhân, Mill thảo luận bản chất và giới hạn quyền lực có thể được xã hội thực thi chính đáng lên cá nhân.

Ông đã đặt nền tảng cho tư tưởng chính trị tự do và khái niệm đương đại về tự do tôn giáo và biểu đạt – những chủ đề vẫn tiếp tục tạo nên nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa. Các quan sát của ông vô cùng giá trị, không chỉ với những ai khao khát tạo ra một chính phủ công bằng và công chính, mà còn với những ai muốn đánh giá một cách lý tính hành vi và những giả định của họ về thế giới xung quanh.

Trong tóm tắt này, bạn sẽ học được:

  • khi nào xã hội có quyền trừng phạt bạn vì uống rượu say đêm khuya,
  • tại sao bản thân chế độ dân chủ không thể đảm bảo tự do cá nhân của bạn và
  • tại sao bạn có quyền cứu một người chết do tai nạn.

HAI: Bản thân nền dân chủ không thể bảo vệ tự do cá nhân

 

Trong suốt lịch sử, chính phủ tự trị theo lối dân chủ được phát triển để chấm dứt nạn cai trị chuyên quyền. Từ Hy Lạp cổ đại đến nước Anh, gần như mọi xã hội phải đấu tranh với những kẻ muốn thâu tóm quyền lực vào tay mình. Thực tế, trong quá khứ xa xôi, những lãnh đạo chuyên chế và hùng mạnh thậm chí còn được coi là một công cụ quan trọng để đảm bản an sinh và trật tự xã hội.

Tuy nhiên dần dần, dân chúng nhận ra rằng những nhà lãnh đạo, hoặc là thừa kế hoặc là đánh chiếm mảnh đất của dân, thường hành động ngược lại với lợi ích của dân chúng. Ngày càng nhiều người bắt đầu thấy rằng những quan chức cần phải được giới hạn quyền lực. Quá trình dân chủ được thiết lập để có thể kiểm soát được quyền lực chính trị, với thành tố trọng yếu là người dân được bầu những lãnh đạo của họ.

Tuy nhiên, dân chủ không giải quyết mọi thứ. Những quan chức được bầu cử dân chủ có thể đe dọa tự do cá nhân, giống như những kẻ độc tài. Những người chiến đấu cho nền dân chủ nghĩ rằng, một khi lợi ích của những người cai trị và người dân trùng khớp với nhau [vì lãnh đạo do dân bầu ra, nên thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân], mối nguy hại của giới chuyên chế sẽ mất đi. Không hẳn như vậy!

Kể cả khi chính phủ được bầu ra một cách dân chủ và hoạt động có trách nhiệm, vẫn cần phải giới hạn sức mạnh của xã hội và chính phủ; dân chủ không đồng nghĩa với tự trị, mà là số đông cai trị mỗi cá nhân.

Số đông này có thể dễ dàng trở nên chuyên chế và vì vậy đe dọa tự do cá nhân thông qua chuyên chế xã hội, ví dụ sự áp đặt niềm tin và lý tưởng lên những người bất đồng chính kiến. Ví dụ, tưởng tượng nếu đa số đi theo một tôn giáo duy nhất. Bằng cách sử dụng luật dân chủ, đa số có thể sử dụng quyền lực của nhà nước để áp đạt niềm tin này lên nhóm thiểu số tôn giáo.

Rõ ràng, một mình dân chủ không thể đảm bảo được tự do cá nhân. Nhưng sẽ có biện pháp để phòng tránh những nguy hiểm của bầy đàn.

BA: Xã hội nào dựa vào các nguyên tắc lý tính mới có thể đảm bảo được tự do cá nhân.

 

Nếu các xã hội dân chủ muốn bảo vệ tự do, thì họ cần phải xem xét rất nhiều các khía cạnh văn hóa, thứ không thể hiểu được nếu không truy vấn lại các quá trình lịch sử và hành vi con người.

Câu hỏi tự do cá nhân phải được trả lời từ quan điểm lý tính. Tuy nhiên, các quy tắc và luật lệ cũng như dân ý đều bị ảnh hưởng nhiều bởi sở thích của một xã hội. Nói cách khác, chúng hoàn toàn phi lý trí. Hơn nữa, tất cả mọi người trong xã hội đó hầu như tự động cho rằng quan điểm của họ là đúng và tốt.

Ví dụ, hãy xem những người đi theo tín ngưỡng và tục lệ của một tôn giáo nhất định mà không bảo giờ tự vấn mình tại sao lại làm thế. Chẳng hạn, tuy đạo Hồi cấm không ăn thịt heo, nhưng nếu một người theo đạo Hồi lại được nuôi dạy trong 1 xã hội theo Thiên Chúa Giáo, cô ấy có thể sẽ không có vấn đề gì khi ăn thịt heo, mà lại bỏ ăn tất cả các loại thịt trong mùa Chay (theo truyền thống Thiên Chúa Giáo).

Bởi vậy, các nền văn minh hiện đại đạt được rất ít tiến bộ trong tiến trình trả lời câu hỏi mức độ kiểm soát của xã hội tới đâu là hợp lý, do vấn đề tự do cá nhân chưa được giờ được nhìn nhận từ góc độ lý trí.

Ngoại lệ duy nhất của sự chậm tiến này, kì lạ thay, lại là sự tồn tại của sự bao dung tôn giáo (religous tolerance) ở các xã hội hiện đại. Sau hàng thế kỉ mâu thuẫn, các nhóm tôn giáo ở lục địa châu Âu đơn giản phải chấp nhận rằng bao dung tôn giáo là điều cần thiết cho sự ổn định, và mỗi cá nhân nên tự quyết định tôn giáo của mình.

Nhưng bao dung tôn giáo được sinh ra bởi hoàn cảnh cấp bách, không phải theo nguyên tắc lý tính. Chừng nào không có các nguyên tắc rõ ràng xác định khi nào chính phủ có thể thực thi quyền lực chính đáng lên người dân, và chừng nào chúng ta vẫn còn dựa vào những cảm giác phi lý và niềm tin vào những quy chuẩn xã hội, không có gì đảm bảo rằng tự do cá nhân của ta sẽ được bảo vệ.

Vì thế, chúng ta cần phải xác định một nguyên tắc lý tính, khách quan hơn. Nhưng nguyên tắc đó sẽ như thế nào?

BỐN: Tự do cá nhân đem lại lợi ích cho cả xã hội cũng như cho từng người

 

Nếu người thân của bạn không tin rằng sức mạnh của xã hội và chính phủ nên có những giới hạn, bạn sẽ trả lời họ thế nào? Lý do gì bạn có thể đưa ra để thuyết phục anh ta?

Một vài triết gia như John Locke đã lập luận rằng các tiêu chuẩn đạo đức xuất phát từ những quyền tự nhiên hay bẩm sinh. Nhưng, như chúng ta đã xem xét từ chương trước, thứ chúng ta định nghĩa là “tự nhiên” vô cùng cảm tính, dựa trên các ý thích bất chợt của xã hội mà chúng ta sống.

Để thảo luận câu hỏi này một cách lý tính, chúng ta phải tiếp cận khái niệm một xã hội lý tưởng dựa trên khái niệm lợi ích: luật đó hay những quy tắc khác mà chính phủ ban hành đem lại lợi ích gì cho hạnh phúc của con người?

Thực tế, chỉ xã hội tôn trọng tự do cá nhân dựa trên nguyên tắc lợi ích này mới có thể nảy nở. Không có quyền tự quyết với tư cách cá nhân, mọi người sẽ không thể phát triển năng lực trí tuệ và đạo đức của mình, điều sẽ làm hại đến phẩm chất và hạnh phúc của họ.

Tuy nhiên, tự do không chỉ quan trọng với mỗi cá nhân, nó còn quan trọng cho toàn thể xã hội. Chỉ trong một xã hội tự do con người mới có thể phát triển thoải mái các kĩ năng, ý tưởng và tính độc đáo của mình. Sự đa dạng của các cá thể được trao quyền tự do cá nhân có khả năng tạo ra một môi trường mà mọi người có thể học hỏi lẫn nhau và kết hợp những điểm mạnh của mình lại, vì vậy giúp cả nhân loại cùng tiến bộ.

Chính lịch sử đã chỉ ra rằng các xã hội coi trọng sự đa dạng hơn khuôn mẫu có khả năng phát triển cao hơn trong thế giới này.

Nhưng liệu nên có bất cứ giới hạn nào lên tự do cá nhân? Liệu chúng ta nên tự do làm bất kì điều gì mình muốn? Phần tiếp theo sẽ khám phá những câu hỏi này kĩ càng hơn.

NĂM: Mọi người nên có tự do để làm gì họ muốn

 

Không người nào phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của bất kì ai ngoài bản thân họ. Với tư cách một con người, chúng ta có khả năng tự xét đoán thông qua sự suy ngẫm kĩ càng; mọi người phải tự quyết định nên nghĩ gì và làm gì, và không một ai được phép áp đặt ý chỉ của mình lên sự tự do của người khác.

Tuy nhiên, có một ngoại lệ là trẻ em. Người lớn thì có khả năng trí tuệ để đưa ra những quyết định sáng suốt, trong khi trẻ em chưa đủ sự trưởng thành để làm việc đó. Vậy nên, việc người lớn can thiệp vào tự do của trẻ em là chấp nhận được, vì lợi ích tốt nhất cho nó.

Điều này cũng đúng với các xã hội vẫn còn chậm phát triển, vì vậy chưa sẵn sàng cho tự do cá nhân. Trong trường hợp này, chính quyền có thể cai trị độc đoán vì lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, trong những xã hội tiến bộ, người dân cần được tin tưởng để tự quyết cái gì mình muốn và tốt nhất cho họ. Lúc này, kể cả xã hội hay chính quyền cũng không được can thiệp.

Hơn nữa, xã hội không được áp đặt niềm tin cũng như cách sống của nó lên các cá nhân.

Không may, số đông đôi khi cho rằng sẽ tốt hơn cho sức khỏe và đạo đức của một cá nhân nếu họ đi theo những lý tưởng tôn giáo và chuẩn mực đạo đức nào đấy. Những người này thường thậm chí còn cảm thấy bị xúc phạm bởi cách sống của người khác và có thể còn muốn ngăn cản họ sống theo cách của riêng mình.

Ví dụ, bởi vì đạo Hồi cấm ăn thịt lợn, cho nên một số người theo đạo này tin rằng không ai được phép ăn thịt lợn. Hay như những người theo Thanh giáo Anh thế kỉ 17, cấm hết cả những trò giải trí ở nơi công cộng cũng như riêng tư.

Vậy nên, bạn không thể áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Trong quyền hạn của mình, bạn có thể cố thuyết phục người khác đi theo niềm tin của họ, nhưng xã hội thì không thể dùng luật pháp để áp đặt.

Vì vậy, về mặt nguyên tắc, các thành viên trong xã hội hiện đại có tự do làm thứ họ muốn. Tuy nhiên, tự do này cũng có một số giới hạn.

SÁU: Can thiệp vào tự do của một người chỉ thỏa đáng vì mục định ngăn cản sự nguy hại của người đó gây ra cho người khác.

 

Có một số trường hợp có thể giới hạn tự do của một người để ngăn cản sự nguy hại. Ví dụ, xã hội có quyền chặn những người say rượu rồi manh động. Bản thân say rượu không phải là lý do để thủ tiêu tự do của một người. Nhưng ta có thể lấy đi tự do của những người đã manh động do tác động của rượu bằng cách như phạt tiền hay bỏ tù. Bởi vì họ có xu hướng bạo lực khi họ không còn tỉnh táo, say rượu trong trường hợp này là một tội gây nguy hiểm cho mọi người.

Tuy nhiên, đôi khi không làm gì cũng có thể gây nguy hại cho những người xung quanh. Vì vậy, xã hội có lý do chính đáng để ép buộc những cá nhân làm những việc họ có thể không muốn làm, như đóng góp xứng đáng vào việc các dự xây dựng cơ sở hạ tầng như bệnh viện, đường phố.

Ngoài ra, việc cứu ai đó thoát khỏi tai nạn cũng có thể dùng để biện minh cho việc can thiệp vào tự do cá nhân. Mặc dù không ai có quyền can thiệp vào tự do của người khác nếu không ai bị hại, đôi khi có một số người thực chất không ý thức được mối nguy hại mà hành động của họ có thể gây ra cho người khác hay chính bản thân họ.

Ví dụ, một ai đó chuẩn bị đi ngang qua cầu mà không biết rằng cây cầu đó có cấu trúc không tốt. Giả sử có một viên cảnh sát đứng quanh, nhưng không đủ thời gian để cảnh báo nguy hiểm mà người kia phải đối mặt.

Trong trường hợp này, viên cảnh sát có thể kéo người đó lại, do đó phải giới hạn tự do di chuyển để cứu anh ta, bởi vì chúng ta có thể giả định khá chắc rằng người kia không phải đang muốn tự hại mình.

BẢY: Xã hội phải cẩn trọng khi đánh giá cái gì là nguy hại và làm sao để ngăn chặn chúng.

 

Bạn có thể cảm thấy tổn thương khi ai đó chiếm chỗ để xe mình muốn, nhưng đây có phải là mối nguy hại chúng ta đang nói đến? Liệu nó có biện minh cho sự can thiệp từ xã hội hay chính phủ? Có thể không. Vậy mối nguy hại nào có thể biện minh cho sự can thiệp đến tự do của một người?

Không phải mọi hành động đem lại kết quả xấu cho người khác đều có thể biện minh cho sự can thiệp. Thực ra, can thiệp chỉ thỏa đáng khi ai đó gây nguy hiểm cho người khác bằng việc vi phạm một nghĩa vụ mà anh ta có với một ai đấy hay cả xã hội nói chung. Ví dụ, mặc dù mọi người thường có quyền được say rượu, nhưng với một viên cảnh sát đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho xã hội thì rõ ràng việc say rượu này phải bị cấm.

Tương tự, mọi người có nghĩa vụ với gia đình của họ. Mặc dù ngăn người dân uống rượu hay đánh bạc không phải việc của xã hội nhưng khi điều này dẫn tới trường hợp người ta không còn chăm sóc cho gia đình của họ nữa, những thói xấu này có thể được coi là những tội đáng trừng phạt.

Tất nhiên ngăn chặn nguy hại là một vấn đề phức tạp. Một số người cho rằng vì một số việc nhất định có khả năng gây nguy hại cho cá nhân và xã hội nên chúng ta có nghĩa vụ phải ngăn chặn nó. Ví dụ, một số cửa hàng bán độc dược có thể gây nguy hiểm hoặc chết người trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, không phải chỉ vì nó có tiềm năng gây nguy hại mà việc can thiệp tới tự do của của người khác là chính đáng. Việc biện minh rằng hành động của mình nhằm ngăn cản hiểm họa tiềm tàng rất dễ bị lạm dụng, trong khi đó cho phép những tự do kiểu này lại có thể mang lại lợi ích cho xã hội. Ví dụ, những người chủ cửa hàng bán thuốc độc có thể thuê nhiều người để bán hàng và các nhân viên sau đó lại dùng tiền lương để kích thích tiêu dùng.

Nếu một xã hội thực sự sợ hãi những hiểm họa tiềm tàng, như trường hợp độc dược, nó có thể làm những cách khác để ngăn chặn tai nạn, như giáo dục người dân về độc dược hay yêu cầu người mua thuốc phải cung cấp thông tin cá nhân.

Như bạn thấy, việc đánh giá đâu là nguy hại và xác định biện pháp ngăn chặn không đơn giản đến thế.

Cho tới giờ, chúng ta đã tập trung phần lớn vào tự do để hành động. Những phần tiếp theo sẽ tập trung vào sự quan trọng của loại tự do khác: tự do tư tưởng.

TÁM: Giới hạn tự do tư tưởng và ngôn luận là tội ác chống lại loài người, vì nó cản trở công cuộc khám phá sự thật.

 

Ngày nay, không còn ai bàn cãi về chuyện tự do tư tưởng và ngôn luận cần được bảo vệ và tôn trọng. Tuy nhiên, rất nhiều người có thể chưa bao giờ suy nghĩ kĩ về lý do tại sao tự do này lại quan trọng đến thế.

Như chúng ta đã thấy, với các vấn đề liên quan đến niềm tin, mọi người rất dễ nghe theo ý kiến của nhóm, và chấp nhận rằng lời lẽ của các thể chế, như nhà thờ hay đảng chính trị, là sự thật tuyệt đối.

Tuy nhiên, kể cả ta lẫn những người có uy quyền đều không thể không sai lầm. Để khám phá ra sự thật, mọi người đều phải có tự do để suy nghĩ và biểu đạt ý kiến của mình. Áp chế tự do suy nghĩ và biểu đạt của con người tất yếu sẽ chặn lại quá trình khám phá sự thật, và vì vậy gây hại cho nhân loại.

Lịch sử đã đưa ra rất nhiều ví dụ sống động về sự đè nén tư tưởng chỉ bởi vì chúng không tuân theo những niềm tin xã hội phổ biến. Kể cả Socrates, một trong những triết gia quan trọng nhất của thời đại mà con người nợ ông rất nhiều bài học, đã bị kết tội chết chỉ bởi vì đa số tin rằng những tư tưởng của ông rất nguy hiểm.

Không chỉ những ý kiến “đúng” mới cần được bảo vệ. Kể cả nó không đúng 100%, những tư tưởng đối lập vẫn có những giá trị cho xã hội. Đôi khi, những ý kiến có thể bổ sung cho cuộc thảo luận công cộng chính bởi vì nó chỉ đúng một phần, và nhờ thảo luận sâu hơn, chúng ta dần dần sẽ đi tới sự thật.

Ví dụ, ngày ta ta biết rằng các lý thuyết của Newton không hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, nếu xã hội đã ngăn ông biểu đạt tư tưởng của mình chỉ bởi vì nó trái với kiến thức phổ biến, chúng ta sẽ đánh mất rất nhiều bài học quan trọng dẫn đến tiến bộ khoa học đột phá.

Nhưng nếu ý kiến của ai đó hoàn toàn sai thì sao? Liệu anh ta có được cấp quyền tự do ngang bằng không?

CHÍN: Cho phép quan điểm dù sai tồn tại vẫn có lợi cho xã hội.

 

Hầu hết chúng ta nghĩ rằng có một vài quan điểm hoàn toàn sai, và những người đưa ra quan điểm đó tốt hơn hết là ngậm miêng lại. Thái độ này cực kì phổ biến với những vấn đề nóng, như phá thai hay bình đẳng giới. Liệu nó tốt cho xã hội không? Nói ngắn gọn: KHÔNG!

Những ý kiến sai có giá trị bởi vì chúng buộc xã hội phải nghĩ lại về những niềm tin phổ biến, đã ăn sâu và suy ngẫm tại sao ý kiến của mình lại là đúng.

Nếu một xã hội muốn cam kết theo đuổi sự thật, thì nhất thiết mọi người phải đối mặt với bất đồng chính kiến, nếu không họ chỉ theo tuân theo niềm tin của người lãnh đạo hay đa số một cách mù quáng.

Quay lại ví dụ về bình đẳng giới: liệu có đủ để chấp nhận nó chỉ bởi vì luật pháp nói vậy. Ta cũng cần phải hiểu tại sao các quyền bình đẳng có tính chính đáng và tại sao nó quan trọng. Bởi vì, bất cứ khi nào ta phải đối mặt với những người phủ nhận khái niệm bình đẳng về quyền nam nữ, chúng ta buộc phải suy ngẫm lại về lý do tại sao niềm tin của mình là đúng và tại sao những phong trào nữ quyền lại vĩ đại.

Hơn nữa, nếu niềm tin của ta không liên tục được chất vấn, chúng cuối cùng sẽ chỉ được chấp nhận về mặt hình thức. Nếu muốn đảm bảo rằng những tư tưởng quan trọng nhất của thời đại không mất đi sức mạnh ảnh hưởng đến tính cách của ta, thì ta cần thiết phải liên tục đối đầu với những ý kiến trái chiều. Bằng không, niềm tin đạo đức của ta sẽ trở thành những giáo điều, và ta quên mất đi những lý lẽ thật sự đằng sau.

Tự do tư tưởng và ngôn luận là những tự do căn bản cần phải được tôn trọng và bảo vệ, bất kể tư tưởng hay lời nói đó đôi khi nghe có vẻ trái chiều.

MƯỜI: Chốt

 

Thông điệp chính trong cuốn sách này là:

Chỉ riêng ý muốn của cá nhân và xã hội thôi thì không đủ khách quan để biến cai trị kiểu dân chủ thành người bảo vệ vững chắc cho tự do cá nhân. Thay vào đó, các xã hội cần phải sử dụng các nguyên tắc lý trí để quyết định hành vi nào nên được chấp thuận, để cho cả cá nhân và xã hội cùng phát triển.

Trạm Đọc (Read Station)
Theo Blinkist

You may also like

Leave a Comment