Không sớm thì muộn, những kẻ “đi ăn một mình” cũng sẽ đạt đến cực hạn và sự nghiệp sẽ chững lại.
Tóm tắt
Trong Đừng đi ăn một mình, Keith Ferrazzi, một doanh nhân thành đạt đồng thời là chuyên gia marketing sẽ tiết lộ cho chúng ta những bí quyết để thành công trong việc kết nối với mọi người. Tác giả tập trung xây dựng những mối quan hệ lâu dài thay vì chỉ trao đổi danh thiếp như nhiều người vẫn nghĩ về việc networking hiện nay. Tác giả tổng kết những phát hiện thông qua một hệ thống các phép thử.
Ai nên đọc cuốn sách này?
- Bất cứ ai muốn biết điều gì làm chúng ta kết nối tốt
- Bất cứ ai muốn biết phương pháp tốt nhất để đạt được mục tiêu
- Bất cứ ai muốn nhận được những lời khuyên nghề nghiệp và phát triển kĩ năng mềm.
Tác giả cuốn sách là ai?
Keith Ferrazzi đã tự nâng tầm bản thân, khởi đầu một cách khiêm tốn rồi tiến đến những trường đại học hàng đầu như Harvard và Yale, rồi từ đây trở thành một trong những chuyên gia marketing được săn đón nhất nước Mỹ. Mạng lưới của ông trải từ Washington đến những giám đốc quyền lực nhất nước Mỹ, đến cả những tên tuổi hàng đầu Hollywood. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Ferrazzi ông được đánh giá là một trong những “Nhà lãnh đạo tương lai”.
1. Xây dựng mạng lưới cá nhân là điều kiện tiên quyết để thành công trong sự nghiệp
Chúng ta đều dựa vào người khác để đạt được mục tiêu và biến ước mơ thành hiện thực.
Không một ai có thể thành công lâu dài nếu không có tư duy kết nối và được người khác giúp đỡ. Không sớm thì muộn, những kẻ cô độc cũng sẽ đạt đến cực hạn và sự nghiệp sẽ chững lại.
Cố gắng xây dựng sự nghiệp thành công mà không màng đến một mạng lưới quan hệ mạnh giống như xây nhà mà không dùng cát. Nền móng của bạn sẽ yếu dần theo thời gian và cuối cùng bạn sẽ nhận ra mình chìm dần chìm dần
Nhưng chính xác là cái gì đã khiến việc kết nối quan trọng đến vậy?
Nghe thì có vẻ đương nhiên là thế, nhưng phải nhấn mạnh là những mối quan hệ cá nhân mở ra những cánh cửa. Một nghiên cứu kinh điển đã chỉ ra rằng trong cuốn sách Làm thế nào để xin được việc có viết trong 282 người đàn ông tham gia khảo sát thì có 56% đã có việc nhờ người quen, trong khi chỉ có 19% xin được việc thông qua quảng cáo việc làm và 10% là nhờ những sáng kiến của họ có tính ứng dụng.
Điều này hoàn toàn chính xác trong thời điểm suy thoái kinh tế, tỉ lệ biến đổi nhân sự và tính bất ổn của công việc cao, xây dựng mạng lưới càng quan trọng hơn bao giờ hết. Những người giỏi kết nối hiếm khi gặp khó khăn khi tìm việc.
Chúng ta đang làm việc trong một thế giới không ngừng thay đổi. Một trợ lí của ngày hôm nay có thể trở thành CEO vào ngày mai. Nếu bạn được nhiều người biết đến và quan trọng hơn là được nhiều người yêu mến, nếu bạn cho người khác thấy bạn hào phóng, thân thiện và hay giúp đỡ người khác thì cuối cùng, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.
2. Bất cứ ai cũng có thể học nghệ thuật kết nối
Rất nhiều người lo sợ bị từ chối, và nỗi sợ này ngăn họ làm quen với người khác và do đó không xây dựng được quan hệ với ai.
Nỗi sợ bị từ chối không xa lạ gì với tất cả chúng ta và cũng không phải là điều gì đáng xấu hổ. Rất ít người là người giỏi kết nối bẩm sinh, có khả năng làm quen với người xa lạ và trở thành bạn với họ.
Tuy nhiên có một số cách có thể giúp người e dè nhất cũng có thể tiến những bước tiến lớn:
Học hỏi từ những người giỏi nhất. Đơn giản là ghi chép lại những gì một chuyên gia kết nối làm để tiếp cận người khác và để những phương pháp đó truyền động lực cho bạn.
Kiên trì học hỏi. Duy trì lối ứng xử đẹp và nâng cao khả năng hùng biện cũng giống như những kĩ năng chúng ta cần phải học theo hệ thống, ví dụ, bằng cách tham gia khóa học về giao tiếp và hùng biện.
Chẳng sớm thì muộn, bạn cũng phải quyết tâm hành động. Giống như mọi thứ trên đời, cách tốt nhất để học kết nối là thực hành. Thực hành sẽ rất hữu ích, ví dụ, hãy đặt mục tiêu cho bạn phải làm quen một người mới một tuần. Trải nghiệm và luyện tập từng chút một sẽ khiến cho việc xây dựng mạng lưới của bạn dễ dàng hơn.
Trường hợp của cha Keith Ferrazzi thể hiện rằng kết nối có thể rất dễ ở mặt này và rất khó ở mặt khác. Là một người lao động khiêm tốn, ông muốn làm nhiều điều hơn cho con trai. Do đó ông tiếp cận người duy nhất ông biết có thể giúp thực hiện điều này: Giám đốc của công ty. Nói cách khác, đó là sếp của sếp của sếp của sếp ông. Giám đốc rất ấn tượng với nỗ lực của ông đến nỗi ông ta đã trả tiền học phí cho Keith đi học tại ngôi trường tốt nhất nước.
3. Kết nối thành công dựa nên sự phóng khoáng và trung thành
Một người giỏi kết nối sẽ không bao giờ hỏi: “Người khác có thể giúp mình như thế nào?” thay vào đó anh ta sẽ hỏi: “Mình có thể giúp người khác như thế nào”
Tư duy căn bản đằng sau đó rất rõ ràng và đơn giản: bạn càng vui vẻ giúp đỡ người khác, người ta càng vui vẻ giúp lại bạn.
Tính phóng khoáng tạo nên lòng tin và sự thấu hiểu lẫn nhau. Nó thắt chặt và làm mối quan hệ của chúng ta và mọi người sâu sắc hơn, và rồi chúng ta sẽ nhận được gấp đôi, gấp ba những gì chúng ta đã bỏ ra.
Chúng ta không nên coi mỗi mối quan hệ là một khoản đầu tư ngắn hạn và trông chờ được giúp đỡ lại ngay tức khắc. Vì những mối quan hệ không phải là một đối tượng hữu hình, giống như một chiếc bánh sẽ nhỏ dần nhỏ dần mỗi khi ai đó cắt đi một phần, mà giống như những búi cơ: Chúng phát triển khi chúng ta tập luyện.
Những người vừa không phóng khoáng vừa không giúp đỡ người khác, chỉ muốn trao đổi danh thiếp và chỉ nghĩ đến việc lợi mình, họ sẽ phải trải qua nhiều khó khăn. Cách hành xử của họ đẩy họ xa khỏi mọi người, và không sớm thì muộn, họ cũng thấy mình rất cô độc. Ai mà thực lòng muốn hợp tác với người ích kỉ cơ chứ?
Để vượt qua thái độ chỉ biết mình và để tăng cường và thắt chặt những mối quan hệ với mọi người trong mạng lưới, bạn cần thể hiện sự trung thành với họ. Trung thành có thể thể hiện dưới nhiều hình thức: ví dụ bạn có thể quan tâm an ủi khi người khác vừa mới li hôn, bằng cách dành thời gian giúp ai đó dẹp bỏ những vấn đề họ không thể tự giải quyết. Trong một mối quan hệ lâu dài, nửa tiếng đồng hồ của bạn không lúc này thì lúc khác sẽ được hoàn lại bạn.
4. Một người kết nối siêu đẳng xây dựng mạng lưới trước khi họ cần đến nó
Một trong những chuyện hoang đường xung quanh việc xây dựng quan hệ là bạn nên tìm đến người ta chỉ khi bạn cần sự giúp đỡ.
Đây là một sai lầm tai hại, chẳng may là nó lại rất phổ biến. Điều này giống như thể bạn mua áo phao khi con tàu bắt đầu chìm.
Người giỏi kết nối tuân theo nguyên tắc hoàn toàn trái ngược. Bạn nên làm thân với mọi người trước khi bạn cần họ giúp đỡ. Làm như vậy khiến bạn xây dựng được lòng tin và sự thấu hiểu lẫn nhau – hai phẩm chất rất quan trọng để mạng lưới hoạt động hiệu quả. Không một ai thích không dưng bị phiền nhiễu – nói cách khác, không ai thích những người không thành thật, vô tâm, hoặc chăm chăm lợi dụng người ta để vụ lợi.
Người kết nối sẽ rất kiên nhẫn và xây dựng mạng lưới từng chút một. Cô ấy biết để tạo được sự tin tưởng của người khác, cô ấy sẽ phải bỏ công bỏ sức một chút mỗi ngày – bạn có thể nói rằng, cô ấy giống một người chạy marathon thay vì chạy nước rút. Phần thưởng sẽ không đến nhờ vào tốc độ mà nhờ sự bền bỉ.
Bill Clinton đã nằm lòng nguyên tắc này trước khi ông trở thành Tổng thống. Khi còn là một sinh viên 22 tuổi, ông đã hình thành thói quen mỗi tối lại ngồi ghi chép lại tên của tất cả những người ông đã gặp trong ngày vào những tấm thẻ. Ông cần đảm bảo việc xây dựng những mối quan hệ dựa trên niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau, do đó đồng thời tạo nên mạng lưới tương lai.
5. Một người kết nối tìm kiếm chất kết dính quan hệ
Để làm thân với người khác, việc quan trọng không nằm ở số lượng thời gian bạn dành cho họ mà nằm ở cách bạn dành thời gian cho họ như thế nào.
Tình bạn và những mối quan hệ thân thiết được hình thành nhờ chất lượng của thời gian giữa hai người. Bạn nên chú ý nhiều đến chất kết dính quan hệ, nói cách khác, chú ý đến những nhân tố khiến cho một người trong danh bạ trở thành một người bạn đích thực hoặc mối quan hệ tin cậy.
Một ví dụ của chất kết dính quan hệ có thể là một mối quan tâm chung hoặc một hoạt động cả hai đều tham gia. Nó có thể là bất cứ thứ gì cả hai đều thích và có thể đưa đôi bên xích lại gần nhau, cho dù đó là thể thao, ẩm thực, sưu tầm tem, vé bóng chày, chính trị, lướt sóng.
Rời xa văn phòng làm việc và những email trang trọng, chúng ta trở nên thoải mái hơn, thật hơn và dễ tiếp cận hơn. Do đó, sẽ không còn có khoảng thời gian nào tốt hơn để kết thân với người khác hơn là những dịp mà họ đang vui vẻ thật sự.
Đương nhiên, trong những dịp đó, bạn cũng nên chuẩn bị để trở thành người ăn nói có duyên. Để làm việc này, bạn cần tuân theo một nguyên tắc cơ bản: cách tốt nhất để nói chuyện xã giao là không nói chuyện nhỏ nhặt. Thay vào đó, hãy tập trung nghe, thật lòng, mở lòng với người khác. Thay vì trao đổi những lời sáo rỗng, bạn lúc nào cũng nên chia sẻ chuyện gì đó thú vị và có tính cá nhân để tăng độ thú vị cho câu chuyện. Người kia sẽ nhớ bạn theo hướng tích cực và sẽ mong đợi mỗi cuộc gặp mặt tiếp theo.
6. Một người kết nối sẽ tự tạo tương tác và có lòng kiên nhẫn
Điểm chung giữa một ngôi sao Hollywood và một người kết nối giỏi là gì?
Để không biến mất hoàn toàn khỏi sân khấu, ngày nào cả hai sẽ chuẩn bị sẵn sàng để có thêm liên lạc và kết nối với mọi người.
Có vô vàn ví dụ về những người thành công có sự kiên trì và quyết tâm muốn có bất cứ cơ hội nào để mở rộng quan hệ.
Một CEO nói chuyện với ít nhất 50 người mỗi ngày. Thay vì chỉ là nhấc mình đi ra khỏi văn phòng và sử dụng điện thoại cho mọi cuộc nói chuyện, ông sẽ dành hàng giờ đi quanh quanh công ty và nói chuyện với những người thuộc mọi cấp bậc trong công ty.
Hillary Clinton là một minh chứng rõ ràng cho khả năng kiên nhẫn đến ấn tượng và quyết tâm phải trở thành người kết nối siêu đẳng. Keith Ferrazzi đã có thời gian đồng hành với bà khi bà còn là Đệ Nhất Phu nhân. Một ngày bình thường của bà sẽ bắt đầu từ 5 giờ sáng, gọi điện thoại, đọc tầm bốn, năm bài diễn văn, và sau đó tham gia vài tiệc cocktail cũng như đi thăm nhà mọi người. Trong một ngày hôm đó, bà đã bắt tay khoảng 2000 người – và bà cũng ghi nhớ tên của rất nhiều người đã gặp trong chuyến du lịch đó.
7. Một người kết nối có khả năng nói chuyện xã giao và truyền đạt một nội dung độc đáo
“Liệu mình có muốn dành một tiếng đồng hồ ăn tối với người này không?”
Hầu như tất cả mọi người đều tự hỏi như thế theo cách này hay cách khác khi họ gặp một người lần đầu tiên.
Điều này ứng với câu phân biệt cái tốt cái xấu, cái hay cái dở. Ai mà nói không ai muốn lắng nghe họ hoặc dành thời gian trao đổi thì không bao giờ có thể thành công xây dựng được mạng lưới mạnh và lâu dài những người sẵn sàng giúp đỡ anh ta khi cần.
Dưới đây là hai điểm mấu chốt nếu bạn muốn thu hút sự chú ý của người khác:
Biết phải nói gì: Bạn phải luôn giữ tâm thế phát triển cuộc thảo luận một cách thông minh xoay quanh nhiều chủ đề trong đó có chính trị, thể thao, du lịch, hoặc khoa học
Truyền đạt một nội dung độc đáo: Nếu bạn muốn làm xiêu lòng ai đó, bạn phải cho họ nhiều hơn là một cuộc nói chuyện vui vẻ hời hợt, bạn cần thứ gì đó làm bạn nổi bật – hơn là thứ khiến bạn xa rời mọi người. Nội dung cuộc trò chuyện độc đáo và hấp dẫn sẽ khiến người khác muốn trở thành một phần trong mạng lưới của bạn.
Nội dung đó có thể là một ý tưởng, một thói quen, một kĩ năng. Gì cũng được, miễn là nó khiến bạn trở thành học giả thông thái, một chuyên gia.
Làm thế nào bạn có được kiến thức chuyên môn đó và làm thế nào để truyền đạt lại nó đều phụ thuộc vào bạn – không có một hướng dẫn nào hiệu quả cho tất cả mọi người. Nhưng điều cần thiết là bạn đủ mở lòng, sẵn sàng học hỏi và mong muốn những điều tốt lành.
Ví dụ như Keith Ferrazzi trở thành chuyên gia marketing bằng cách tiếp nhận những ý tưởng marketing mới nhất, được những bộ não hàng đầu trong lĩnh vực này biết đến và đọc mọi thứ có thể về marketing. Cuối cùng, ông đã có thể áp dụng những kiến thức chuyên gia vào thực tế trong sự nghiệp.
8. Phát triển mạng lưới dựa vào những người siêu kết nối
Người siêu kết nối chỉ đơn giản là những người có hàng ngàn liên lạc. Điều ấn tượng về họ đầu tiên là số lượng liên lạc họ có, thứ hai là những liên lạc này đến từ mọi loại người.
Vào những năm 1960, nhà tâm lí học xã hội Stanley Milgram đã cho công chúng thấy quyền lực của những người này. Milgram đã gửi thư đến 160 người sống ở Omaha, Nebraska với lời yêu cầu họ chuyển lá thư này đến người môi giới chứng khoán ở Massachusetts. Tuy nhiên, họ không được gửi lá thư trực tiếp đến địa chỉ của người đó mà họ sẽ nhờ đến những người mà họ nghĩ có thể biết người môi giới kia.
Những lá thư này đã đến được tay người môi giới chứng khoán theo nhiều con đường khác nhau, trao tay vô số lần. Tuy nhiên, những người cuối cùng nhận lá thư là ba người có đặc điểm chung – đều là những người siêu kết nối. Họ là những người liên lạc rất quan trọng, và họ thông qua vô số mối quan hệ với những người thuộc đủ mọi tầng lớp, đã đưa lá thư đến cái đích cuối cùng.
Mặc dù người siêu kết nối có thể làm việc trong mọi lĩnh vực, họ thường làm trong một số lĩnh vực đáng chú ý như:
- Chính trị gia, người vận động hành lang
- Nhà báo và người làm quan hệ công chúng
- Quản lí quán bar và nhà hàng
Những nghề này dường như rất phù hợp với người siêu kết nối, vì chúng giúp họ gặp gỡ vô vàn dạng người. Nếu bạn muốn tăng cường mạng lưới của mình, bạn nên cố gắng làm quen với những người thuộc những ngành nghề này.
9. Bạn chỉ có thể hi vọng vào thành công khi bạn thiết lập mục tiêu
Cho dù bạn muốn trở thành ai chăng nữa – Tổng thống, giám đốc điều hành hoặc vận động viên hàng đầu, bạn sẽ chẳng đời nào làm được điều đó nhờ tình cờ.
Thay vì thế, bạn phải đặt mục tiêu của đời mình rất rõ ràng và cụ thể, sau đó quyết định cách mà bạn sẽ làm để hoàn thành mục tiêu. Chỉ khi đó bạn mới có thể đưa ra quyết sách giúp bạn đạt được thành công.
Khi bạn bắt đầu đặt mục tiêu, hãy luôn tập trung tìm kiếm “ngọn lửa xanh” là điểm giao thoa của đam mê và năng lực của bạn. Vì thế nó rất quan trọng trong việc giúp chúng ta đưa ra những quyết định quan trọng về nghề nghiệp. Rất nhiều người đã làm những việc khiến họ cảm thấy không thực sự hài lòng để kiếm sống. Họ vịn vin vào lí do công việc mơ ước đòi hỏi những kĩ năng mà họ không có hoặc công việc đó không phù hợp với họ – những lí do chỉ khiến họ thêm bất mãn và mất vui. Ngược lại, những người theo đuổi đam mê và sử dụng đúng kĩ năng (tức ngọn lửa xanh của họ) sẽ không bao giờ gặp phải những vấn đề này.
Nếu bạn vẫn mông lung ngọn lửa xanh của mình là gì, bạn có thể làm một bài kiểm tra đơn giản. Đầu tiên, liệt kê tất cả những ước mơ và mục tiêu, cho dù chúng có nực cười hoặc vô vị ra sao. Sau đó lập thêm một danh sách những thứ bạn thích làm và khiến bạn hài lòng. Cuối cùng, kết hợp cả hai danh sách trên và khoanh vùng chỗ ước mơ và những điều bạn thích làm giao nhau.
Cuối cùng, bạn cũng có thể trao đổi với ai đó bạn thực sự tin. Điều gì ở bạn khiến người ta ngưỡng mộ? Họ cho rằng trong lĩnh vực nào thì bạn có thể có ích? Người ta đánh giá bạn có những điểm mạnh, điểm yếu nào?
Khi nào bạn tìm ra ngọn lửa xanh và một công việc giúp bạn nhóm lên ngọn lửa đó, khi đó thế giới này sẽ nằm trong tay bạn.
10. Nếu bạn muốn đạt được mục tiêu, bạn sẽ cần đến Kế hoạch hành động xây dựng quan hệ
Không sứ mệnh nào biến thành thực tiễn chỉ sau một đêm. Cũng như khi bạn xây nhà, bạn cần có những công cụ và kế hoạch thích hợp.
Cả công cụ và kế hoạch đều nằm trong Kế hoạch Hành động Xây dựng Quan hệ. Bản kế hoạch này giúp chúng ta đạt được mục tiêu vì nó cung cấp một danh sách những việc cần làm để chúng ta biến thành thói quen hàng ngày và nó cũng thúc đẩy ta chủ động hoàn thành mục tiêu.
Bước đầu tiên trong kế hoạch là xác định mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Hãy nghĩ về những gì bạn muốn đạt được trong vòng ba năm, sau đó hãy lùi lại còn tầm ba tháng và một năm, tìm các mục tiêu tạm thời cho mỗi giai đoạn cho đến khi bạn kết thúc với một kế hoạch ba năm rõ ràng và có cấu trúc.
Bạn cần xây dựng mục tiêu A và B cho mỗi thời điểm. Nói như thế này, ví dụ, mục tiêu A của bạn là trong ba năm sẽ trở thành một giáo viên, mục tiêu B có thể là trở thành giáo viên làm việc tại khu vực mà bạn muốn sinh sống.
Với mỗi mục tiêu A và B, hãy viết nơi bạn muốn đến và công cụ bạn cần phải có trước khi có thể hoàn thành mục tiêu, cũng như tên của những người bạn nghĩ rằng có thể giúp mình một tay.
Phiên bản cuối cùng của kế hoạch nên mang tính cá nhân và chỉ áp dụng cho bạn, chẳng hạn như hoàn thành ước mơ. Một kế hoạch hành động hoàn chỉnh sẽ trở thành lực đẩy cho bạn. Nó khiến bạn nhìn thấy mục tiêu trước mắt, và cung cấp mọi thông tin bạn cần về việc cần đi đâu, cần làm gì, cần gặp ai trên chặng đường tiến đến “ngọn lửa xanh” của mình.
11. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải có thương hiệu cá nhân
Xung quanh chúng ta đầy rẫy các thương hiệu. Chúng ta mặt đối mặt với chúng hàng ngày và chúng chịu trách nhiệm cho cách chúng ta tiếp nhận mọi thứ. Khi bạn nhìn thấy cái logo có ba sọc, bạn ngay lập tức nghĩ đến Adidas. Hình ảnh quả táo cắn dở được hình tượng hóa làm bạn nghĩ ngay đến Apple.
Tuy nhiên không phải chỉ có các công ty và sản phẩm mới có thể tạo thương hiệu – người bình thường nhất cũng có thể làm điều đó!
Vậy bạn cần làm như thế nào? Làm thế nào để bạn biến mình thành một thương hiệu?
Bước đầu tiên là phát triển thông điệp thương hiệu cá nhân. Để làm điều này, bạn hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau: Điều gì khiến mình nổi bật và khác biệt? Thế mạnh và điểm yếu của mình là gì? Thành tựu làm mình thấy tự hào nhất là? Mình làm gì để tạo ra cảm giác mình đáng để làm quen? Mình muốn người khác nghĩ gì về mình khi họ nghe tên mình và nhìn thấy tên mình? Mình muốn nổi tiếng về mặt nào?
Một khi trả lời được những câu hỏi đó, bạn sẽ có thể tạo dựng thông điệp thương hiệu cá nhân tổng kết trong hai câu.
Sau đó, bạn cần nghĩ về thiết kế thương hiệu, tức là nghĩ về cách ăn mặc, cách nói chuyện, kiểu tóc, cách thiết kế danh thiếp , thư từ và văn phòng làm việc. Mỗi yếu tố đều góp một phần trong việc tạo ấn tượng tương xứng với hình ảnh mà bạn muốn thế giới nhìn thấy.
Bước tiếp theo là quảng bá thương hiệu của bạn để nhiều người biết đến. Cách tốt nhất là bạn hãy trở thành công ty PR cho chính mình: làm những việc giúp bạn nhận được tiếng tốt, tập trung thu hút sự chú ý tích cực.
Những việc bạn cần làm gồm có thực hiện những kế hoạch mà không ai khác muốn làm hoặc đưa ra những ý tưởng và gợi ý làm sếp biết được sáng kiến và khả năng sáng tạo của bạn. Tự nhiên là trở thành công ty PR riêng cũng bao gồm hạn chế tối đa những chú ý tiêu cực. Đừng đòi hỏi được tăng lương khi công việc không đi đến đâu cả.
12. Nếu bạn muốn thành công, bạn cần có những người đỡ đầu
Những nhạc sĩ tài năng biết điều này, các ngôi sao thể thao cũng vậy. Nếu bạn không có một người huấn luyện tốt, bạn sẽ không thể thể hiện bản thân tốt nhất.
Những thợ thủ công trẻ học làm ăn thông qua học việc, họ chỉ bắt đầu phát triển phong cách riêng sau khi họ làm việc với những bậc thầy trong nghề. Trong kinh doanh cũng tương tự: người trẻ có thể học được rất nhiều thứ từ những người đã từng trải. Do đó, mỗi người quản lí tốt sẽ đem đến một chương trình cho phép những người đi trước truyền đạt kiến thức cho những nhân viên mới vào nghề.
Trong thế giới kinh doanh ngày nay, nơi mà các đội nhóm đa năng được kì vọng có thể phản ứng tức thì với những thay đổi trong môi trường làm việc tên lửa và năng động, tìm một người đỡ đầu sẽ là cách hiệu quả để nhân viên mới làm việc tốt nhất.
Nếu xung quanh bạn là những người tiên phong, những tên tuổi lớn và thành công thì bạn sẽ có lợi thế lớn khi xây dựng mạng lưới cá nhân. Rất nhiều nghiên cứu đã đã chỉ ra rằng những người quanh bạn ảnh hưởng đáng kể đến thành tựu của bạn. Cả thành công lẫn thất bại đều có thể quy về đặc tính của nhóm người bạn làm việc chung. Chẳng hạn, nếu bạn làm việc chung với những người có nhiều mối quan hệ, bạn sẽ phát triển được một danh sách liên lạc cho riêng mình. Nếu xung quanh bạn là những người thành công, bạn cũng dễ trở nên thành công như họ.
13. Tổng kết
Thông điệp chính của cuốn sách:
Kết nối thành công dựa trên sự cởi mở, quyết đoán và cảm thông. Bạn chỉ có thể trở thành người nối kết giỏi khi bạn thực sự hiểu mình và hiểu điều gì khiến người khác cảm kích.
Tóm tắt cuốn sách trả lời cho những câu hỏi sau:
Tại sao bạn nên trở thành một người kết nối?
- Có một mạng lưới quan hệ cá nhân là điều kiện tiên quyết để thành công trong sự nghiệp
- Bất cứ ai cũng có thể học nghệ thuật xây dựng mạng lưới.
Dấu hiệu của người giỏi kết nối?
- Để kết nối thành công, bạn phải hào phóng và trung thành
- Một người kết nối xây dựng mạng lưới trước khi cần đến nó
- Một người kết nối tìm kiếm sự kết dính quan hệ
- Một người kết nối tự tạo tương tác và kiên nhẫn
- Một người kết nối luôn biết phải nói gì và truyền đạt nội dung độc đáo
- Muốn xây dựng mạng lưới thì cần kết nối với những người siêu nối kết
Làm thế nào để đạt được mục tiêu và thành công trong cuộc sống?
- Bạn chỉ có thể hi vọng vào thành công khi thiết lập mục tiêu chính xác
- Nếu muốn đạt được mục tiêu, bạn phải có kế hoạch hành động xây dựng quan hệ
- Nếu muốn thành công, bạn phải có thương hiệu riêng
- Nếu muốn thành công, bạn phải có người đỡ đầu tốt.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Blinkist