Đôi khi, con người còn đáng sợ hơn cả ma quỷ. Con người đã tàn phá Trái Đất, thiên nhiên, động thực vật, rồi quay qua tàn phá lẫn nhau bằng những cuộc chiến tranh, những hành động bạo lực, và cả bằng lời nói.
Bạo lực ngôn ngữ (verbal abuse) là hành động phán xét, sỉ nhục hoặc chê bai người khác một cách quá đáng. Đó có thể là những lời miệt thị về ngoại hình không được ưa nhìn của một người, có thể là lời mắng chửi của ai đó khi không thể kiềm chế được cơn giận của bản thân, hay chỉ đơn thuần là một câu nói buột miệng chưa được suy nghĩ kĩ càng.
Có những câu nói, đối với người nói thì chỉ là lời đối thoại bình thường, nhưng nó lại gây ảnh hưởng rất lớn đến người nghe.
“Sao cậu xấu thế!”
“Ăn nhiều thế thì bảo sao béo là phải!”
“Cậu được điểm 10 luôn á? Có thật không đấy?”
“Sao mày ngu thế? Đáng lẽ tao không nên sinh mày ra!”
“Tại mày mang quần áo như thế nên mới bị người ta sàm sỡ đấy!”
“Sao bọn họ chỉ bắt nạt em mà không phải những người khác? Em phải xem lại bản thân mình đi đã.”
Bọn họ tự cho mình cái quyền nói năng không kiêng dè, tự nhận là người thẳng thắn, cho rằng lời nói thì không thể bị kết tội, nói để thỏa mãn bản thân mà mặc kệ cảm nhận của người khác rồi thốt ra những câu nói vô tâm, ác ý, gây tổn thương sâu sắc đến người nghe. Chỉ khi phải hứng chịu những lời nói như vậy, chúng ta mới có thể thấm thía được sự đáng sợ của bạo lực ngôn ngữ. Thử hỏi trên cuộc đời, có ai có thể chịu đựng được việc bị chê bai, lăng mạ từ mọi người xung quanh, thậm chí là những người thân thiết nhất?
Bạo lực ngôn ngữ không chỉ dừng lại ở việc gây ức chế cho người nghe, mà còn gây ra bệnh trầm cảm, phẫn uất, đưa họ đến những hành động đau buồn kể cả tự kết liễu cuộc đời mình.
Hai năm trước, ở Trung Quốc, một sự việc đáng buồn đã xảy ra: Một cậu thiếu niên sau khi xảy ra tranh cãi với mẹ trên xe, đã bất thình lình mở cửa xe nhảy xuống cầu tự vẫn. Được biết, cậu bé đã xảy ra mâu thuẫn với bạn học ở trường, và hai mẹ con đã cãi nhau về việc đó. Từ khi mở cửa xe đến khi nhảy xuống, cậu thiếu niên không chút do dự, không chút suy nghĩ, cứ kiên định lao về phía trước. Khi ấy, cậu chỉ mới 17 tuổi, chỉ mới là học sinh trung học.
Khi sự việc này xảy ra, thay vì nhận được những lời an ủi của mọi người, thì cậu thiếu niên lại chịu những sỉ vả của cộng đồng mạng, những người hoàn toàn xa lạ. Bọn họ gọi cậu là kẻ yếu đuối, chỉ vừa nghe mắng chửi vài câu đã nghĩ quẩn, chê trách giới trẻ ngày nay vì sống quá sung sướng mà suy nghĩ bậy bạ, rồi tự cho bản thân cái quyền giảng giải đạo lý, núp sau bàn phím mà đánh những câu chữ cay nghiệt. Những kẻ hèn nhát đấy thật ra cũng chỉ là thùng rỗng kêu to mà thôi.
Trong những cuốn sách, cũng tồn tại những nhân vật là nạn nhân của bạo lực, cụ thể là bạo lực ngôn ngữ, điển hình là cuốn Marion, mãi mãi tuổi 13.
Đây là cuốn tự truyện của người mẹ có con gái tự tử vì bị bắt nạt, là câu chuyện có thật ở nước Pháp đầy tình yêu. Marion, ở tuổi 13, cái tuổi vui vẻ hạnh phúc nhất của cô bé, đã phải kết liễu đời mình với chiếc khăn quàng cổ, theo đó là cả chiếc điện thoại của em. 3000 tin nhắn thóa mạ đầy cay nghiệt: “Đồ đần”, “Đồ không có bạn bè”,… cùng sự quay lưng của những người em tin tưởng nhất, tất cả khiến em phải lặng lẽ mà chịu đựng, rồi khi mọi thứ vỡ òa ra, em chọn đến cái chết.
Mẹ của em, Nora Fraisse, sau khi phải chịu đựng nỗi đau vì mất con gái, đã viết ra quyển sách này như một lời cảnh tỉnh cho những bậc cha mẹ hay tất cả mọi người về sự nghiêm trọng của nạn bạo lực học đường, bạo lực ngôn ngữ, về những lời nói mà chúng ta tưởng như vô hại.
“Mẹ viết cuốn sách này để người ta coi nạn quấy rối học đường là một việc quan trọng, cần phải lưu tâm”.
“Mẹ viết cuốn sách này để không còn đứa trẻ nào muốn treo cổ cái điện thoại, lẫn kết thúc cuộc đời của nó nữa.”
“Và thậm chí dẫu trái tim con không còn đập nữa, thì trái tim mẹ vẫn còn đập và mẹ sẽ chiến đấu vì con.”
Bạo lực ngôn ngữ, dù trong hoàn cảnh nào cũng đều mang lại những hậu quả khó lường. Thay vì suốt ngày mắng chửi nhau, mỗi chúng ta luôn luôn có thể trao cho nhau những lời yêu thương, biến thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn.
(st)